Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Lam-The-Nao-De-Mo-Rong-Tam-Luong...?

Làm Thế Nào Để Mở Rộng Tâm Lượng...?
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả :Cư Sĩ Vọng Tây

Làm thế nào để mở rộng tâm lượng? Sửa đổi lỗi lầm của chính mình. Mấu chốt của lỗi lầm, căn nguyên của lỗi lầm chính là tự tư tự lợi. Phật pháp gọi là ngã chấp, khởi tâm động niệm đều là nghĩ đến lợi ích của chính mình. Đây là căn bản, căn nguyên của hết thảy lỗi lầm.

Phật Bồ-tát không giống chúng ta, khởi tâm động niệm của chư Phật Bồ-tát là suy nghĩ cho hết thảy chúng sanh trong tận hư không khắp pháp giới, phục vụ cho hết thảy chúng sanh. Chúng ta học Phật là học cái này, phải cùng một lý niệm với pháp thân Đại sĩ của chư Phật Như Lai, cùng đồng một vũ trụ nhân sinh quan. Cách nhìn đối với vũ trụ, cách nhìn đối với nhân sanh, đây là chân thực, không phải nói chúng ta từ bỏ [cách nhìn của] chúng ta, dùng cách nghĩ cách nhìn của người khác, vậy thì bị người khác xỏ mũi đi rồi, không phải là hảo hán.

Lý niệm, cảnh giới mà Phật nói trong hết thảy kinh điển đó là tự tánh của chúng ta vốn đầy đủ, nên Phật dạy chúng ta “cần tu giới định huệ, diệt trừ tham sân si”, là chứng thực chuyện này, sau đó thì các vị mới thực sự giác ngộ, bỗng nhiên giác ngộ, ngộ ra điều gì? Ngộ ra hết thảy chúng sanh trong tận hư không khắp pháp giới là chính mình. Lời nói này rất khó hiểu, không dễ gì thể hội, cho nên Phật trong kinh điển dùng rất nhiều thí dụ để nói, dùng thí dụ “mộng huyễn bào ảnh” để nói nhiều nhất.

Mỗi một phàm phu chúng ta đều có kinh nghiệm nằm mộng, trong mộng nhất định có chính mình, không thể nói nằm mộng thì không có chính mình trong đó. Chính mình là gì? Ngã chấp. Trong mộng cũng gặp rất nhiều người, cũng có sơn hà đại địa, nhưng khi các vị tỉnh lại, các vị nghĩ xem, những người trong mộng từ đâu mà có? Sơn hà đại địa trong mộng từ đâu mà đến? Hư không trong mộng từ đâu mà có? Đều là ý thức của chính mình biến hiện ra, lìa khỏi ý thức của chính mình thì làm gì còn mộng cảnh nữa.

Các vị nghĩ xem Phật nói với chúng ta “toàn vọng tức chân, toàn chân tức vọng, chân vọng không hai”, cái tâm có thể hiện ra cảnh mộng là thật, nhưng cảnh giới trong mộng hiện ra là hư vọng. Ngày ngày đều nằm mộng, giấc mộng đều khác nhau, nhưng cái tâm có thể nằm mộng là tương đồng. Vậy khi nằm mộng, tâm của ta là bộ dạng gì? Cảnh giới trong mộng chính là tâm của ta, tâm đã biến thành cảnh giới, “tâm cảnh nhất như, lý sự không hai”. Chúng ta nằm mộng chính là hình ảnh thu nhỏ của thập pháp giới y chánh trang nghiêm, hình ảnh thu nhỏ ngắn ngủi, thể hiện được hoàn cảnh hiện thực của chúng ta. Vũ trụ nhân sanh là đại cảnh giới mà tâm chúng ta biến hiện ra, lớn hơn cảnh giới trong mộng, rộng hơn cảnh giới trong mộng, nhưng phải biết không hề khác biệt với cảnh giới trong mộng.

Cảnh giới này ngày nay các nhà khoa học đang dần dần hiểu ra, giống như Einstein ông ấy quan sát được thế giới này có vật chất hay không? Không có, ông ấy không thừa nhận sự tồn tại của vật chất, ông nói thế giới này như thế nào? Ông nói thế giới chỉ có trường, trường là gì? Là năng lượng, cách nói của ông rất gần giống với “thức” mà tông Pháp tướng Duy thức của nhà Phật nói. Những người học Pháp tướng không thừa nhận sự tồn tại của hết thảy hình tướng, họ không thừa nhận, họ nói những hiện tượng này là gì? Những hiện tượng này gọi là thức, duy thức, thức có thể thay đổi, những huyễn tướng sẽ thay đổi. Trong Kinh Kim Cang nói rất hay, “nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh”, hiện tướng là mộng huyễn bào ảnh. Các vị biết cảnh giới trong mộng là mộng huyễn bào ảnh, tỉnh giấc trở lại thì cảnh giới trước mắt cũng vẫn là mộng huyễn bào ảnh, đây là chân tướng sự thật.

Mộng huyễn bào ảnh từ đâu mà có? Là do tâm biến hiện ra, tâm của chúng ta có giác-mê, tâm nếu giác ngộ thì cảnh giới biến hiện ra vô cùng đẹp, vô cùng thù thắng. Trong kinh điển Phật nói cho chúng ta về thế giới Hoa Tạng của Tỳ Lô Giá Na Phật, thế giới Cực Lạc của A Di Đà Phật, đó là gì? Chân thành, thanh tịnh, từ tâm bình đẳng biến hiện ra. Địa cầu mà hiện nay chúng ta đang ở cũng là từ tâm mình biến hiện ra. Bởi vì tâm của chúng ta không thanh tịnh, không bình đẳng, không thành thật, cho nên biến hiện ra thành một thế giới ô nhiễm.

Phật có nói một câu tổng kết cho chúng ta, “nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh” (tất cả pháp từ tâm tưởng sanh), thế nên mới bảo chúng ta sửa lỗi tu thiện. Các vị có lỗi lầm thì biến hiện ra ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh trong thập pháp giới; các vị giác ngộ rồi thì pháp giới biến hiện ra là Phật, Bồ-tát, Thanh Văn, Duyên Giác, là bởi một niệm giác hay mê mà thôi. Những đại đạo lý này chúng ta phải tỉ mỉ tham ngộ, tham ngộ cho thấu triệt, sau khi thấu triệt thì áp dụng vào trong cuộc sống của chính mình.

Cho dù là chúng ta trải qua những ngày tháng như thế nào, bất luận là chúng ta làm ngành nghề nào, đều là Phật Hoa Nghiêm, đều là Đại Phương Quảng, tự tại an lạc. Nói cách khác, sau khi ý niệm xoay chuyển trở lại thì chúng ta trải qua những ngày tháng của Phật Bồ-tát, nhà Phật nói là “phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui”, chúng ta chứng thực rồi, chứng ta đã chứng minh rồi.

Rất nhiều vị đồng tu đã học Phật nhiều năm, không thể nói là không dụng công, nhưng mãi vẫn không khế nhập cảnh giới. Nguyên nhân ở chỗ nào? Do không có thực hành, không thật làm. Như thế nào là thực hành, phương pháp thực hành là gì? Thứ Bảy tuần sau tôi giảng Kinh Vô Lượng Thọ, đúng lúc cũng giảng đến đoạn này, các vị hãy cẩn thận tỉ mỉ mà nghe. Nguyện thứ 19 trong 48 đại nguyện là “phát bồ đề tâm”. Tiếp đó dạy chúng ta “tu hành sáu ba-la-mật”. Sáu ba-la-mật chính là thực hành vào trong cuộc sống của chúng ta, thực hành vào trong công việc của chúng ta.

Trước đây tôi ở nước Mỹ từng lấy một thí dụ, làm thế nào để thực hành sáu ba-la-mật trong công việc nội trợ ở nhà? Người nội trợ mỗi ngày làm việc nhà chính là hành Bồ-tát đạo, gia đình chính là đạo tràng, tất cả mọi người trong nhà là đối tượng mà họ độ chúng sanh.

Tuần trước tôi ở Kuala Lumpur, các vị chắc có rất nhiều người nghe nói qua, tôi có nói với cư sĩ Lý về cách thực hành Bồ-tát đạo. Khách sạn là đạo tràng, ông chủ và nhân viên đều là Bồ-tát, khách đến ở lại mỗi ngày đều là chúng sanh có duyên, chính là đối tượng mà các vị độ hóa. Đạo tràng không nhất định phải xây theo hình thức chùa chiền, bất kỳ hình thức nào cũng là đạo tràng Bồ-tát, các vị phải hiểu đạo lý này. Cho nên thân phận không đồng, ngành nghề khác nhau, lối sống khác nhau, lý nếu như đạt được rồi, thực hành rồi thì đều là đạo tràng, đều là Bồ-tát, đó mới thật là “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” trong tứ hoằng thệ nguyện, mới thật là “nhất thiết giai thành Phật” (thảy đều thành Phật) mà Phật nói trong Kinh Vô Lượng Thọ.

Phật là ai? Phật là người có trí huệ rốt ráo đầy đủ, người này được gọi là Phật. Trí huệ đạt tới cứu cánh viên mãn, không có một chút khiếm khuyết nào, người này được gọi là Phật. Thành Phật là thành tựu trí huệ cứu cánh viên mãn, thành tựu cuộc sống rốt ráo viên mãn. Công phu đều ở chỗ sửa lỗi làm mới chính mình, ngày ngày đều phải phát hiện lỗi lầm của chính mình, ngày ngày đều phải sửa đổi lỗi lầm của chính mình, đó mới gọi là tu hành chân thật.

 
Trích từ: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Cảm Ứng Thiên Vựng Biên, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về

Tâm Khỏe Mạnh Mới Mong Thân Khỏe Mạnh
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm

Rộng Mở Tâm Lượng
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Mở Rộng Tâm Lượng Bao Dung Kẻ Khác
Hòa Thượng Thích Tịnh Không