Lý Vô Thường Vô Ngã
Cư Sĩ Tịnh Mặc

Vô thường nghĩa là không giữ lâu bền một hình dạng, một trạng thái nào, hay biến đổi luôn luôn.

Vô ngã là không có cái “Ta” riêng biệt, không có một tự thể, một chất cố định của mỗi vật để tạo ra cái “Ta” riêng biệt của vật ấy.

Chân lý Vô thường Vô ngã, cũng như chân lý Nhân – quả cũng là một Lẽ thật hiển nhiên trong vũ trục mà đức Phật không phát minh ra. Nhưng đức Phật là ông Thầy sáng suốt đã đem lý ấy giảng dạy sâu sắc, để chúng sanh hiểu rõ bộ mặt của tất cả mọi sự, mọi vật.

Vạn vật đều vô thường:

Các khoa học và ngay cả mắt phàm phu chúng ta đều nhận thấy những thay đổi của vạn vật. Bất cứ vật nào cũng trải qua bốn thời kỳ: sinh ra, lớn lên, già và chết (hoặc tan rã). Từ những vật nhỏ li ti như con vi trùng đến những vật rất lớn như trái núi, trái đất, mặt trăng, mặt trời, ngôi sao, tất cả đều phải chịu định luật Vô thường.

Đã có sinh thì phải có diệt, có hình tướng thì phải có hủy hoại. Tất cả mọi vật không tránh khỏi bốn thời kỳ biến động nói trên, mà trong Phật Giáo gọi là “Sinh, Trụ, Dị, Diệt” hoặc “Thành, Trụ, Hoại, Không”.

Chúng ra thường nhận xét và tưởng tượng bốn thời kỳ ấy dài, tương đối bền lâu tùy theo mỗi vật.

Thí dụ như chúng ta vẫn nghĩ một bông hoa thường sống một vài ngày, một con vật nhỏ từ một vài tháng đến một vài chục năm, một cây cổ thụ vài trăm hoặc vài nghìn năm, một quả núi vài triệu năm, một ngôi sao vài muôn nghìn triệu năm chẳng hạn. (Thời kỳ biến đổi tương đối lâu dài ấy, trong Phật học gọi là “Nhất kỳ vô thường”).

Nhưng đức Phật, với mắt trí huệ, trông thấy vạn vật đều biến đổi liền liền.

Ngài thấy bốn thời kỳ Sinh, Trụ, Dị, Diệt dài lâu không đầy một nháy mắt. Trong Phật học gọi sự biến đổi nhanh chóng ấy là “Niệm niệm vô thường” hay “Sát na vô thường”.

(Niệm = thời gian rất ngắn, tỷ như một ý nhớ vừa thoảng qua trong trí đã biến đi ngay. Sát na = một phần chín mươi của một niệm).

Tất cả mọi vật đều chết đi, sống lại (luân hồi), sống sống, chết chết liền liền, nối tiếp nhau nhanh như một dòng nước chảy. Nước ta trông thấy chảy hiện tại ở ngay trước mắt chẳng phải là nước ta trông thấy chảy một nháy mắt trước và nước chảy trong nháy mắt sau đã không phải là nước hiện tại nữa rồi.

Ngày nay, khoa sinh lý học – tuy chưa có thể hiểu biết đến chỗ ráo rốt – cũng cho chúng ta biết rằng trong thân thể mỗi người, mỗi giây đồng hồ, có hàng nghìn triệu tế bào chết đi và hàng nghìn triệu tế bào khác sinh ra để thay thế.

Như vậy, thân ta và thân mọi vật luôn luôn đổi mới. Chúng ta không phải chỉ có một thân mà là vô số lượng thân nối tiếp nhau không xen hở, thân trước làm nhân cho thân sau là kết quả của thân trước. (Phật giáo cho biết trong thời gian một ngày 24 giờ, thân ta thay đổi, chết đi sống lại tới 6.400.099.980 lần).

Sở dĩ chúng ta chỉ trông thấy một thân cho mỗi người, mỗi vật là vì sự thay đổi quá nhanh cho sức phân biệt của con mắt phàm phu.

Cũng như chúng ta xem chiếu bóng, mỗi người mỗi cảnh trên màn bạc là do hàng triệu hình trong các cuốn phim chiếu ra. Tuy vậy chúng ta không thấy có sự thay đổi ấy mà chỉ nhìn thấy có một hình ảnh, một cảnh vật liên tiếp hoạt động mà thôi.

Chúng ta sống trong vũ trụ cũng y như thế. Cảnh vật chung quanh ta và ngay cả ta nữa là một cuốn phim vĩ đại, do vô số lượng hình ảnh nối tiếp nhau diễn ra nhanh chóng mà chúng ta không nhận ra.

Vạn vật vô ngã:

Vạn vật đã biến đổi nhanh chóng, lại không có một tự thể, một cái “Ta” chắc thật riêng cho mỗi vật nữa.

Thí dụ hãy thử xét thử cái “Ta” của con người là gì? Là xác thân hay là tâm linh (linh hồn)? Hoặc là cả hai thứ hợp lại?

Lấy xác thân (mà trong Phật học gọi là “Sắc”) làm “Ta” thì xác thân là gì?

Phật dạy: xác thân chỉ là sự tạm hợp nhất của bốn chất (tứ đại): 1. Chất cứng (Địa) như thịt xương, 2. Chất lỏng (Thủy), như máu, nước mắt, nước miếng…3. Chất nóng (Hỏa) tức là hơi ấm, 4. Chất hơi (Phong) là hơi thở…

Ta hãy suy nghĩ:

Khí trời đang ở bên ngoài thì gọi là cảnh vật, thoạt không đầy một nháy mắt, hít vào trong lỗ mũi hoặc thấm qua làn da mỏng, đã gọi là của ta. Những thán khí và các thứ hơi đang ở trong phổi hoặc trong thịt, nói rằng là của ta. Nhưng mới thoạt thở ra khỏi mũi hay mới thoát qua làn da đã là cảnh ngoài. Và nếu cây, cỏ hút lấy thần khí ấy thì gọi là của cây cỏ rồi.

Những chất lỏng, nóng và cứng trong người cũng đều như vậy cả: thoạt gọi là của ta, thoạt gọi là của cảnh, hay của vật. Vậy thật sự nó là của ai? Tại sao lại nhất định nó là của ta và gọi nó là cái “Ta”?


Vả chăng, nếu bốn chất ấy rời nhau ra, mỗi thứ trở về mỗi loại của nó trong vũ trụ, thì còn chất gì ở lại để gọi là TA nữa?

Nếu lấy tâm linh làm “TA” thì tâm linh là gì vậy? Là những tình cảm vui, buồn, giận, hờn…những ý nghĩ, tưởng tượng, ghi nhớ, những hành động, cử chỉ, phân biệt, hiểu biết …(Phật giáo phân tách những thứ ấy ra làm bốn loại gọi là: Thọ, Tướng, Hành, Thức).

Trong bấy nhiêu món, lấy vui buồn, hay lấy giận hờn, lấy ý nghĩ, hiểu biết, hay lấy hành động làm TA? Mỗi thứ này lại thay đổi từng lúc, vậy lấy trạng thái lúc nào làm “TA”?

Hoặc giả phải tổng hợp, nghĩa là cộng bấy nhiêu thứ lại? Nhưng có hợp thì có tan; khi tan còn có thứ gì ở lại để làm “TA” nữa?

Trong xác thân và tâm linh đều không có “TA”, vậy dẫu đem hợp cả hai thứ, tức là: Sắc hợp với Thọ, Tưởng, Hành, Thức (trong Phật học gọi là thân ngũ uẩn hay ngũ ấm[1]) thì thân ấy, khi phân tách ra vẫn không có chất “TA” nào riêng biệt cả.

Như thế, cái “TA” riêng biệt cho mỗi vật là gì?

Đức Phật dạy rằng các vật không có chất gì riêng biệt của nó, để làm thành một cái TA riêng cho nó. Nó chỉ là những hợp tướng tạm thời của nhiều phần từ duyên lại với nhau. Lúc nào duyên hết thì hợp tướng phải tan. Đó là định luật Vô thường và lẽ thật Vô ngã của tất cả mọi vật trong vũ trụ.

Bởi vậy theo nhận xét sáng suốt của đức Phật thì những hiện tượng – trong đó có con người – bầy ra và hoạt động trong vũ trụ đều là tạm thời và đều là giả (vọng).

Hiểu rõ như thế, con người sẽ không vì những cái giả và tạm thời như xác thân, tiền tài, cảnh vật, danh vọng… mà say mê, luyến tiếc, ghen ghét và tham lam, rồi tạo ra các tội lỗi, ác nghiệp là những nguyên nhân sinh ra đau khổ, quả báo và luôn hồi.

Nhưng chúng ta phải nên hiểu rõ nghĩa chữ giả để khỏi bị sai lạc trong việc học giáo lý của đức Phật.

Giả không phải là “không có”.

Giả có ý nghĩa là: Có, nhưng có một cách không thật, không đúng và không vững bền mãi mãi.

Thí dụ như khi nói “vàng giả”. Không phải là không có chất gì cả. Vẫn có một thứ gì rắn, màu vàng và bóng nhưng không thật là vàng, không đúng là vàng, ít lâu nó sẽ mờ ám, nên gọi là vàng giả.

Những hiện tượng, những cảnh vật ở thế gian mà mắt phàm phu chúng ta trông thấy đều không đúng với hình tướng của hiện tượng thật, cảnh vật thật, cảnh vật thật mà mắt sáng suốt của chư Phật trông thấy.

Bởi thế đức Phật mới nói rằng đời thế gian mà phàm phu sống, vũ trụ mà mắt thịt chúng ta trông thấy đều là giả (vọng).

Cũng như chúng ta nằm chiêm bao. Trong giấc mộng chúng ta trông thấy nhiều người, nhiều cảnh vật. Những hình ảnh ấy tuy hiện ra nhưng không có thật, vì lúc ta tỉnh giấc thì nó biến mất, không còn gì nữa.

Một thí dụ khác làm cho chúng ta dễ hiểu hơn:

Trong căn nhà tối, một người trông thấy một con rắn to nằm uốn khúc cuộn tròn. Người ấy hoảng hốt vội vàng kêu la cầu cứu. Nhưng đến khi thắp đèn lên thì con rắn to ghê sợ ấy chỉ là một cuộn dây thừng. Té ra người ấy đã  kinh hoảng, sợ hãi vì đã không nhìn thấy vật thật (cuộn dây) mà chỉ nhìn thấy vật giả và tưởng tượng là con rắn.

Một phương ngôn bên Ấn Độ nói: “Khi thấy chó thì không thấy đá; khi thấy đá thì không thấy chó”. Câu ấy cùng một ý nghĩa như trên. Trong lúc tối tăm, mê mờ, người ta trông thấy hình dáng một con chó ngồi trong xó cửa sắp nhảy ra cắn mình; lúc sáng sủa nhận rõ ra là hòn đá thì con chó ghê gớm lúc trước tự nhiên biến mất không còn nữa[2].

Chúng sanh là người ngủ mê, chỉ trông thấy hình dáng giả của đời và của vũ trụ. Phật là người thức tỉnh nên trông  thấy hình dáng thật, bộ mặt thật của đời và vạn vật vũ trụ. 
__________________________________

[1] Thân ngũ uẩn hay ngũ ấm: ngũ là năm, uẩn là chứa nhóm, ấm là che lấp. Thân này chứa nhóm tật, bệnh, già, chết, si mê, phiền não; Nó che lấy chân lý, làm cho con người không  nhận rõ được Tâm thật, Tánh thật của mình.

[2] Chứ không phải như người ta thường hiểu lầm là: Khi thấy chó sắp cắn mình thì không có đá để mà ném; đến khi có đá để mà ném thì lại không có chó
 
Trích từ: Đường Vào Ánh Sáng Đạo Phật
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Các Tông Phái Đạo Phật, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn Tải Về
2 Ánh Sáng Chân Tâm, Viet Nalanda Foundation Tải Về
3 Đường Vào Ánh Sáng Đạo Phật, Cư Sĩ Tịnh Mặc Tải Về

Vô Thường
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa

Quán Tâm Vô Thường
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa

Đau Xót Nghĩ Tới Vô Thường
Pháp Sư Thích Tự Liễu

Phật Nói Kinh Vô Thường
Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh