Lý Nhân Quả
Cư Sĩ Tịnh Mặc

Nhân nghĩa là hạt, tức là hạt giống sinh ra một vật hữu hình, hay là sức mạnh sinh ra một vật vô hình. Quả là trái, tức là kết quả hữu hình hoặc vô hình của một hạt đã gieo trồng.

Lý nhân quả là lẽ thật mà ai ai cũng biết:

Khi gieo trồng một hạt nhân thì sẽ thu lượm được trái quả. Định luật hiển nhiên này mọi người đều nhận thấy và đều đem áp dụng trong đời sống, trong công việc làm ăn hàng ngày.

Nhưng đức Phật dạy chúng ta chú ý và suy nghĩ đến những góc cạnh, những điểm sâu xa sau đây:

1. Nhân nào quả ấy: Trong giới hữu hình, vật chất hay trong giới vô hình, tinh thần đều như vậy cả, không sai, không khác.

Gieo hạt dưa tất sau này sẽ hái được quả dưa, chớ không hái được quả xoài.

Gieo hạt cam tất sau này sẽ hái được những trái cam, chứ không thế hái được trái mít.

Gieo việc làm tốt sau này sẽ thu được kết quả tốt. Như siêng năng học sẽ giỏi giang và thi đậu. Siêng năng làm công việc buôn bán, canh nông, kỹ thuật…sẽ thu được hoa lợi và tiền bạc.

Gieo việc xấu sẽ thu được kết quả xấu. Lười biếng sẽ dốt nát, nghèo hèn; ăn trộm sẽ phải tù tội.

Quả và nhân bao giờ cũng cùng một giống, cùng một loài.

2. Trong nhân đã có quả sẵn, chỉ chờ cơ hội thuận tiện là quả phát sinh và lớn lên. Trong quả cũng có nhân nằm sẵn, chỉ chờ dịp tốt là nhân này mọc lên để sinh ra quả.

Vòng nhân – quả, quả - nhân cứ liên tiếp, quay tròn như thế mãi, nếu ta không diệt hết được quả và phá trừ được nhân để cắt đứt vòng tròn ấy.

3. Nhân không thể tự mình sinh ra qủa, nếu không có sự giúp đỡ của nhiều nhân khác trợ sức thêm vào. Những nhân giúp đỡ, trợ lực này gọi là duyên.

Thí dụ như một hạt dưa (nhân), cần phải có sự giúp của đất, hơi ẩm, ánh sáng mặt trời, phân bón (duyên) mới có thể mọc thành cây và sinh ra quả được.

Vậy duyên tức là những sức mạnh, những cơ hội thuận tiện giúp cho nhân sinh sôi, nảy nở.

Nhân nào cũng có đủ cả hai tính cách nhân và duyên, vì nó là nhân để sinh ra quả của nó và đồng thời cũng là duyên để giúp đỡ các nhân khác sinh ra những giống quả khác.

Thí dụ như ánh sáng mặt trời là nhân sinh ra hơi nóng, nhưng đồng thời cũng là duyên giúp cho hạt cây mọc, cho hoa lá có màu sắc, cho mắt trông thấy cảnh vật …

Trong vũ trụ, mọi sự mọi vật đều chằng chịt, dính líu với nhau vì luật nhân duyên này. Không một vật nào, một sự gì sinh ra và tăng trưởng mà không cần đến giúp đỡ của nhiều vật, nhiều sự khác.

4. Nhân hữu hình có thể sinh ra quả vô hình và nhân vô hình có thể sinh ra quả hữu hình

Giới hữu hình và giới vô hình không có gì ngăn ngại cả. Hai giới liên can mật thiết với nhau, tiếp tục, qua lại với nhau và cũng chịu những luật chi phối như nhau.

Thí dụ: nước hữu hình, khi duyên với sức nóng, biến thành hơi ẩm vô hình tản mác trong không khí. Khi gặp sức lạnh, hơi ẩm vô hình lại biến thành máy hữu hình.

Xác thân hữu hình và tâm linh vô hình của con người cũng liên can và tiếp tục nhau như thế.

Thí dụ: ý nghĩ oán giận (nhân vô hình) tạo ra ý nghĩa trả thù (quả vô hình). Quả vô hình này làm nhân sinh ra hành động đánh người hoặc đập phá đồ đặc, giết hại súc vật (quả hữu hình). Quả hữu hình này sẽ làm nhân cho những hình phát: tù tội, xiềng xích (quả hữu hình). Tù tội xiềng xích hữu hình lại làm nhân cho những quả vô hình là buồn phiền đau khổ. Và buồn phiền đau khổ vô hình lại sinh ra những quả hữu hình là thần gầy còm, ốm yếu hoặc chết.

Như thế nhân – quả, quả - nhân trong hai giới hữu hình và vô hình, trong hai phần xác thịt và tâm linh đều duyên với nhau và sinh lẫn nhau, chẳng khác gì chỉ có một giới một khối duy nhất mà thôi.

5. Có nhân sinh quả ngay trong đời này (hiện báo), có nhân sinh quả trong đời sau (sinh báo), và cũng có nhân sinh quả cách sau nhiều đời (hậu báo).

Tùy từng loại và cũng tùy theo những duyên, hoặc cản trở, hoặc giúp đỡ thêm vào. Mà những hạt giống đem gieo trồng sẽ mọc cây và sinh ra quả mau hay chậm. Điều này ai ai cũng nhận thấy cả.

Nhưng đức Phật dạy cho ta hiểu biết thêm những quả chẳng phải hạn cuộc, bó buộc sinh ra trong đời hiện tại mà thôi (hiện báo). Có những quả sanh ra trong đời sau (sanh báo) và có những quả cách nhiều đời sau mới phát sanh.

Điều này không có gì là lạ, nếu chúng ta mở trí óc thật rộng mà suy nghĩ, như đức Phật đã dạy ta.

Đối với óc thiển cận, hẹp hòi của thế gian thì có năm, tháng, ngày, giờ, đời này, kiếp nọ. Nhưng tất cả những thứ phân chia ấy chỉ là những mốc mà con người đặt ra, tưởng tượng ra, để chia chẻ và ghi dấu một cái gì dài vô tận, không đầu không đuôi, không hình không tướng, là thời gian mà thôi.

Một năm của con muỗi chẳng phải là một năm của con bướm, một năm đối với con bướm chẳng phải là một năm đối với con người, và một năm của con người chẳng phải một năm của con voi…

Thời gian là con đường bằng phẳng, không tự nó chia ra từng đoạn là đời, kiếp, năm, tháng của mỗi loài, mỗi vật.

Bởi vậy một nhân gieo trồng, tức là một sức mạnh tạo tác, khi nào đủ duyên, đủ cơ hội thuận tiện, thì sinh quả, quả đủ duyên thì chín, chớ nhân, quả không hề biết đến những mốc của con người, hoặc của những vật khác.

Nói một cách khác, đối với nhân và quả, không có năm, tháng, ngày, giờ, đời và kiếp, mà chỉ có một dòng thời gian duy nhất, bình đẳng cho tất cả muôn loài, muôn vật, không có chia chẻ ra từng đoạn dài, ngắn.

Vì thế mà những cái chết liên tiếp của con người (hay của vạn vật) không ảnh hưởng gì đến những nhân đã gieo trồng. Những nhân này vẫn cứ đeo đuổi cái sức sống của nó trên đường thời gian vô tận, để  khi nào đến lúc, gặp thời, sẽ sinh ra quả.

Một thí dụ cụ thể sẽ giúp chúng ta dễ hiểu:

Các báo Âu, Mỹ đã cho biết người ta mới đào thấy ở một nước bên Âu Châu những hạt lúa mì đã gặt từ hơn 1.000 năm nay và ở Trung Hoa những hạt sen đã hái từ hơn 2.000 năm. Những hạt ấy đều bị ngâm kín trong một chất dầu hoặc mật ong. Đem gieo những hạt lúa xuống đất và những hạt sen xuống nước, các hạt ấy đều nẩy mầm, mọc cây, rồi ít lâu sau, lúa sinh hạt và sen nẩy hoa.

Việc trên đây cho chúng ta hiểu biết ba điều:
 
a. Dầu và mật ong là những duyên đã kìm hãm (chớ chưa diệt trừ) sức mạnh sinh hoạt của nhân là hạt lúa và hạt sen.

b. Lúa và hạt sen nói trên, khi gặp đủ những cơ hội thuận tiện (đất, nước, ánh sáng…), nghĩa là gặp những trợ duyên giúp sức, thì sinh hoa và kết quả.

c. Đời sống của những hạt lúa và hạt sen (nhân) nói trên, không liên can đến năm, tháng, ngày, giờ, kiếp này, kiếp nọ của con người và vạn vật đã trôi qua. Trong thời gian vô tận, nó chỉ chờ trợ duyên để nẩy nở mà thôi (nếu không gặp những duyên khác làm tiêu diệt, phá hoại sức sống của nó.)

6. Sự sinh hoạt của những nhân có thể cải biến, thay đổi bằng những nhân khác.

Khi đã gieo rồi, một nhân sẽ sống theo dòng sống của nó. Nhưng con người có thể gieo nhiều thứ nhân. Nhân này duyên với nhân kia, như chúng ta đã biết, để cản trở hoặc giúp đỡ sự tăng trưởng và sinh hoa kết quả.

Một hạt mít, nếu bị đem phơi khô ngoài nắng hoặc cất kỹ trong hộp thật kín sẽ không bao giờ mọc cây, nở hoa và ra trái được.

Bởi vậy, người ta có thể cải biến nhân này bằng những nhân khác. Người ta có thể làm tăng trưởng, kìm hãm hoặc diệt trừ hẳn đời sống của một nhân, bằng cách tạo những nhân khác, tức là tạo những duyên khác để giúp đỡ hoặc phá trừ.

7. Vì có dòng sống liên tiếp của nhân – quả nên có luân hồi.

Những nhân và quả cứ theo đuổi nhau mà sống, chết mãi trên con đường vô tận là thời gian, nên con người (và tất cả những vật nào có sức tạo ra nhân) cũng theo những nhân và quả ấy mà chết đi sống lại mãi. Dòng sống của nhân và quả kết hợp với nhau thành một dòng sống duy nhất là dòng sống của con người (hoặc của các vật) đã tạo ra nhân, quả[1].

Sự chết đi sống lại nối tiếp nhau từ kiếp này đến kiếp khác như một cái vòng bánh xe xoay tròn không bao giờ nghỉ. Bởi thế nên gọi là Luân hồi (Luân = bánh xe, xoay tròn; hồi = trở lại).

Theo đức Phật dạy, con người (và tất cả những vật có khả năng tạo ra nhân, duyên), tuy những hành động đã làm xấu hay tốt, lành hay dữ (ác nghiệp, thiện nghiệp), mà khi chết đi sẽ luân hồi trong sáu cõi khác nhau.

Sáu cõi hay sáu đường (lục đạo) ấy là: 1. Cõi Trời (Thiên), 2. Cõi Người (Nhân), 3. Cõi A Tu La (một loại thần nóng nảy, dữ tợn), 4. Cõi Súc vật (súc sanh), 5. Cõi quỷ đói (ngạ quỷ), 6. Cõi Địa ngục.
_____________________
[1] Trong Phật học gọi dòng sống đó là Tạng thức hoặc A Lại Da Thức
 
Trích từ: Đường Vào Ánh Sáng Đạo Phật
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Các Tông Phái Đạo Phật, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn Tải Về
2 Đường Vào Ánh Sáng Đạo Phật, Cư Sĩ Tịnh Mặc Tải Về
3 Ánh Sáng Chân Tâm, Viet Nalanda Foundation Tải Về

Nhân Quả
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Phước Huệ Nhân Quả
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Lý Luận Và Sự Thật Của Nhân Quả
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Vạn Pháp Là Tướng Tiếp Nối Của Nhân Quả
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Nói Về Nhân Quả
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Nói Về Nhân Quả Và Chuyển Cảnh Giới
Hòa Thượng Thích Tịnh Không