Home > Khai Thị Phật Học
Đức Như Lai Giảng Pháp Tùy Thuận Căn Cơ Chúng Sanh
Đại Sư Hoài Cảm | Hòa Thượng Thích Pháp Chánh, Việt Dịch


Hỏi: Đức Như Lai giảng pháp tùy thuận căn cơ chúng sanh. Ngài thường giảng cho những người có lòng tin đối với Phật pháp, chứ không giảng cho những kẻ có tâm nghi ngờ. Kinh Dược Sư nói: “Đức Phật bố thí pháp cho những người có lòng tin, chứ không giảng pháp cho những kẻ nghi hoặc.” Tại sao trong vài bộ kinh, chư Phật hiện tướng lưỡi rộng dài khuyến tấn chúng sanh phát khởi lòng tin, còn trong những bộ kinh khác lại không hiện tướng lưỡi mà chỉ thuần tuyên thuyết diệu lý. Hơn nữa, giảng pháp thâm diệu, phàm phu không hiểu, khởi lòng hoài nghi, sanh tâm hủy báng. Chẳng hạn khi Đức Phật nói Kinh Pháp Hoa, hội tam quy nhất,1 hàng Nhị thừa, v.v… không khởi lòng tin, cho nên Đức Phật Đa Bảo hiện bảo tháp để chứng minh, Đức Bổn Sư đã phải hiện tướng lưỡi rộng dài để chứng tỏ sự chân thật, và phải ba lần khuyên chúng sanh nên tin lời dạy của ngài, sau đó mới tiếp tục giảng kinh. Hiện nay, Kinh A Di Đà chỉ bàn về cảnh tướng y báo chánh báo, trang nghiêm thanh tịnh của cõi Tây Phương, khuyến tấn hành giả vãng sanh, sanh khởi chánh tín, cần gì chư Phật sáu phương hoặc mười phương phải cùng nhau hiện tướng lưỡi rộng dài để khuyến khích chúng sanh phát khởi lòng tin?

Đáp: Phần dưới của Kinh Xưng Tán Tịnh Độ nói Đức Bổn Sư tự thuật việc hằng hà sa chư Phật mười phương thấy ngài đang giảng thuyết Kinh Xưng Tán Tịnh độ, mỗi vị đều ở tại bổn xứ cùng lên tiếng tán thán: “Đức Phật Thích Ca ở nơi thế giới Ta Bà, vào thời ác năm trược, mà có thể chứng đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, vì các chúng sanh giảng pháp cực kỳ khó tin.” Đức Bổn Sư, sau khi được chư Phật tán thán, đã nói với Xá Lợi Phất: “Ta ở đời ác năm trược chứng đắc A nậu đa la tam miệu bồ đề, vì các chúng sanh giảng thuyết pháp môn khó tin nhất thế gian, đây là điều cực kỳ khó khăn.” Đức Như Lai giảng thuyết hàng trăm ngàn bộ kinh, ngài chưa bao giờ cho là khó khăn, mà lúc giảng Kinh Xưng Tán Tịnh độ, Đức Bổn Sư cùng hằng hà sa chư Phật mười phương đều nói rằng kinh này là khó tin khó giảng. Thông thường, khi Đức Phật giảng nói mười hai phần giáo, tất cả ngoại đạo đều sanh tâm phỉ báng, còn các đệ tử Phật đều phát khởi tín tâm. Hiện nay, Phật nói Kinh A Di Đà, cho rằng những chúng sanh tạo tội ngũ nghịch thập ác, chỉ cần niệm Phật liền có thể vãng sanh Tịnh độ, thì ngay những Phật tử kiền thành cũng khởi tâm nghi ngờ, không tin lời dạy này của Phật. Hiện nay, hãy quán sát bốn chúng Phật tử đều là những người chánh tín, nhưng vẫn nghi ngờ rằng niệm Phật chưa chắc được vãng sanh hiện đời, cho nên biết rằng bộ kinh này khó gợi được lòng tin của mọi hàng Phật tử. Chư Phật biết trước trong đời vị lại sẽ có nhiều chúng sanh nghi ngờ, nên cùng hiện tướng lưỡi để chứng minh cho lời dạy chân thành, khuyến khích mọi người tu học.

Hơn nữa, đối với sự kiện các bậc Bồ tát Tam hiền trở lên, hoặc các bậc đại thiện tri thức như ngài Long Thọ, v.v…, được vãng sanh Tịnh độ, thì ngay những kẻ phàm phu trược ác cũng tin rằng có thật. Bọn họ cho rằng những bậc thù thắng, phước nhiều tội ít, được vãng sanh thì không có gì lạ. Lại nữa, đối với sự kiện những phàm phu tạo tội ngũ nghịch thập ác, đến lúc lâm chung chí thành khẩn thiết niệm mười danh hiệu Phật, nương vào bổn nguyện Phật mà được vãng sanh, thì các Bồ tát Thập địa, Tam hiền cũng đều tin tưởng mà không khởi tâm nghi ngờ. Chỉ riêng trường hợp hạ phẩm hạ sanh, những kẻ tạo tội ngũ nghịch thập ác, không tội ác nào không làm, nhưng đến lúc lâm chung, gặp thiện tri thức dạy niệm Phật, đầy đủ mười niệm liền được vãng sanh Tịnh độ, thì những kẻ không tin điều này chính là những người đang tạo tội thập ác, không tin niệm Phật vãng sanh Tịnh độ. Bọn họ tự cho rằng mình là những phàm phu tội lỗi, từ vô thỉ đến nay đã tạo vô số tội ác, niệm Phật mười niệm làm gì có đủ công đức để diệt trừ tội nặng, vãng sanh Cực Lạc; hoặc cho rằng đây là lời Phật khuyến khích, lấy việc gần để ví cho việc xa; hoặc cho rằng đây là biệt thời ý. Đủ loại giải thích mông lung, không tin vào sự vãng sanh hiện đời. Tán đồng lời Phật dạy thì ít, còn phỉ báng thì nhiều. Ít người tin lời dạy này của Phật, do đây chư Phật cùng nhau hiện tướng lưỡi rộng dài bao trùm cõi Tam thiên để chứng minh pháp môn niệm Phật là xác đáng, quyết định được vãng sanh, đồng thời hộ niệm cho các hành giả tu hành được vãng sanh Tịnh độ.

Trích từ: Tám Quyển Sách Qúy