(善男善女) Gọi đủ: Thiện nam tử (Phạm: Kulaputra), thiện nữ nhân (Phạm: Kuladuhitri,Kula-duhìtà). Chỉ cho người nam, người nữ có tâm lương thiện. Trong kinh điển, tiếng xưng hô này thường được dùng đối với chúng tại gia. Thiện là từ khen ngợi những người do tin Phật nghe pháp mà tu các thiện nghiệp. Theo kinh Thắng man thì những điều kiện để trở thành thiện nam tử, thiện nữ nhân là xả bỏ ngã chấp, ngã ý, chí tâm qui y đức Phật. Trong A di đà kinh thông tán, ngài Khuy cơ nói rằng: Thiện nam tử,thiện nữ nhân là Ưu bà tắc, Ưu bà di trong tiếng Phạm, tức là những người nam, nữ tại gia giữ gìn 5 giới. Cũng có các thuyết khác, như trong kinh Tạp a hàm quyển 30, các tỉ khưu cũng được gọi là Thiện nam tử. Còn trong kinh điển Đại thừa thì đối với Bồ tát thì gọi là Thiện nam tử, đối với tỉ khưu thì phần nhiều gọi tên, nhưng cũng có khi gọi tỉ khưu là Thiện nam tử. Trong A di đà kinh sớ, ngài Chu hoành đời Minh nêu ra 2 nghĩa của chữ Thiện, một là thiện nhân đời trước, hai là thiện loại đời này, nam nữ chỉ chung cho tăng tục lợi độn và tất cả chúng sinh hữu tình trong 6 đường. Đó là vì hết thảy nam nữ, ngày nay được nghe pháp là nhờ đời trước đã tu nhiều thiện căn, nên gọi là thiện nam, thiện nữ. Các nhà chú thích đời sau phần nhiều y cứ theo 2 thuyết này. Thiện nam, thiện nữ thông thường cũng gọi là thiện nam, tín nữ nay là từ gọi chung các tín đồ.[X. kinh Tạp a hàm Q.31; kinh Thập pháp; chương Chân tử trong kinh Thắng man sư tử hống nhất thừa đại phương tiện phương quảng; kinh Vô lượng thọ Q.hạ; phẩm Thụ học vô học trong kinh Pháp hoa (bản tiếng Phạm)].
Trích từ: Phật Quang Đại Tự Điển