Home > Khai Thị Phật Học
Một Viễn Ảnh Không Xa
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang


Phải là một viễn ảnh nhưng một viễn ảnh không xa lắm, khi ta đã có tất cả đềiu kiện cần thiết để tạo ra viễn ảnh ấy.

Viễn ảnh ấy là đời sống ý nghĩa. Đời sống ấy là hình ảnh của tất cả hạnh phúc tinh khiết, chân thật, mà loài người mong mỏi. Đời sống ấy đã không tạo ra bằng sự tranh đấu với nhau thì kết quả cũng tuyệt hết mọi hình thức xâm phạm hạnh phúc của nhau. Đời sống ấy chỉ phản ảnh, chỉ hình thành những tự do, những bảo đảm mà loài người chúng ta tha thiết ham muốn một cách hợp lý. Đời sống ấy, viễn ảnh ấy không xa xôi gì, mà chúng ta quay đời mình về chánh pháp, sống một cách ý nghĩa. Cho nên cổ nhân Phật giáo có câu “bể khổ tuy mênh mông nhưng quay đầu lại thì chính đó là bờ bến”.

Các chủ nghĩa và các tôn giáo khác cũng có đề ra thế giới vị lai của họ. Bên cạnh cái mô hình xã hội mới có nước chúa là thiên đường, trong nách cái tự do phóng túng có cái trật tự khó chịu. Nhưng, những thế giới vị lai như vậy không xây dựng trên kinh tế thì phát sanh từ ảo vọng, không bản ngã thì pháp luật, những thứ này có gì khác ngoài bản chất dục vọng đâu. Đã do dục vọng tạo ra thì cũng do dục vọng mà phá sản. Trong khi đó lý luận và thực tế chứng minh rằng thế giới vị lai cũng vẫn là thế giới của con người, do bàn tay con người xây dựng, do chính con người quyết định. Nói khác đi, con người thế nào thì thế giới con người sẽ y như thế đó, nhất là thế giới đó là thế giới vị lai tốt đẹp thì vấn đề chánh là phải cải thiện cái gốc: cải thiện con người. Không đủ. Phải nói cho rõ ràng là muốn thế, con người phải tự mình cải thiện lấy mình mới được. Con người tự cải thiện thì đồng thời, mọi thứ pháp luật, kinh tế, chính trị, văn hóa, trong tay con người tự cải thiện, những thứ đó đều biến thành phương tiện vi diệu để xây dựng một thế giới vị lai, xây dựng một đời sống ý nghĩa. Không có sự tự cải thiện như vậy thì tất cả những thứ này, đảo lại, như ta đã thấy và chắc chắn còn thấy mãi, biến thành những lợi khí giết chết tất cả tự do và bảo đảm nào con người cần có để sống. Chữ Khổ luôn luôn được lịch sử xã hội loài người tự tay viết ra và đích thân làm chứng, là vì vậy chứ không chi khác.

Trái lại, nếu thế giới vị lai là một “đời sống ý nghĩa” thì đời sống ấy do chính nó tạo ra nó. Do đó, đời sống ấy là một thứ hòa bình bởi hòa bình, hòa bình ấy còn thiếu gì và tan rã sao được? Đời sống ấy, như trong kinh đã nói, “cái tên của đau khổ còn không có, nữa là có thực”.

Đời sống ý nghĩa, như ta đã biết, nó được tạo ra và được thành tựu trong chánh pháp chí thượng. Nội tam quy, tín ngưỡng minh chánh ấy sẽ giúp con người vừa chánh lại tất cả tư tưởng của mình vừa phát triển hết thảy giá trị của mình. Nội giữ giới, lối hành động hiệu lực đó sẽ diệt trừ hết tất cả nguyên nhân nào đã tạo ra chiến tranh, tạo ra đàn áp, tạo ra tai họa, và sẽ giúp con người hoàn thành tất cả mọi phương diện tâm đức tiến hóa, tri thức tiến hóa và năng lực tiến hoá của mình. Nội vài phương pháp cải thiện tối thiểu không thôi cũng đủ sức, cũng thừa mãnh lực giúp con người sống đời sống ý nghĩa, đạt đến ý nghĩa hoàn toàn của đời sống ấy. Hay nói khác đi, một viễn ảnh thế giới vị lai đầy hương hoa của chánh pháp sẽ không xa lắm khi con người tự biết cải thiện lấy mình bằng chánh pháp.

Nhân loại ngày nay thực đã có thể nói với lịch sử của chính mình rằng mình khổ lắm rồi. Hết khổ với những nỗi khổ não nhân loại gây ra cho nhau thì khổ bởi những khổ nỗi não của chính mình tự tạo ra cho mình. Thêm vào, nhân loại lại mược cái danh trời đất thần thánh, lại nhân cái cớ thế giới vị lai mà gạt gẫm, mà lầm lẫn lôi nhau vào thảm họa, hai cái ấy mới thực đại mâu thuẩn nhau. Các chủ nghĩa bảo nhân loại rằng thế giới vị lai của họ là hòa bình, là bánh mì, cơm áo, tự do, là tất cả. Nhưng điều kiện là phải tranh đấu theo chủ nghĩa của họ! Chữ tranh đấu mới đầy đủ làm sao. Đầy đủ tất cả, không thếiu một thủ đoạn ấy nó vừa giết chết sự tự tranh đấu với tham sân si, vừa gây thành những ngọn lửa dữ thiêu đốt ra tro bụi tất cả thực tế và hy vọng của con người về tự do và bảo đảm. Cho nên bên cạnh sự mơn trớn của chủ nghĩa, nanh vuốt của thực tế lại tàn nhẫn báo cho loài người thấy viễn ảnh tương lai là một cửa tử đen ngòm, một cửa tử mà địa ngục, bể khổ, thoái hóa, vô tổ chức, chiến tranh và hổn loạn, tất cả những danh từ ấy không thứ nào có thể hình dung đầy đủ. Mà viễn ảnh ấy hiện giờ đang ám ảnh nặng nề, đang khủng bố thực sự, đang xảy ra, tuần tự có, đột nhiên có, như chúng ta đang thấy và đang chịu đây.

Trong khi viễn ảnh vị lai ám ảnh và khủng bố loài người như vậy thì đời sống ý nghĩa, đời sống hướng về chánh pháp, đời sống ấy đối với loài người quả thực đúng như lời của Phật đã dạy “chánh pháp xuất hiện là vì loài người khổ não, đen tối”. Bởi vậy, “đời sống ý nghĩa” quả là một thế giới vị lai đầy ánh sáng và là một viễn ảnh không xa khi ta quyết chí hồi đầu, sống đời sống ý nghĩa ấy theo chánh pháp của Phật chỉ thị. Đời sống ý nghĩa, một viễn ành huy hoàng, một vị lai tinh tú, sẽ đến và đến vĩnh viễn với chúng ta do chính bàn tay chúng ta tự cải thiện lấy con người của mình.
Trích từ: Tâm Ảnh Lục - Thích Trí Quang