Nói theo luật nhân quả, trong cuộc đời mỗi người chúng ta, nói thật ra, số mạng quý vị đã được định trước, chẳng có cách nào vượt khỏi vận mạng! Vì thế, đại đa số con người khi đi xem tướng, quý vị thấy thầy tướng số đoán mạng rất chuẩn xác, người ta nói rành rọt quá khứ, hiện tại, vị lai chẳng sai chút nào, có thể thấy là đều đã được định sẵn! Quý vị đọc Liễu Phàm Tứ Huấn, sách Liễu Phàm Tứ Huấn vô cùng hay, có thể khiến quý vị khai ngộ, mới hiểu vận mạng suốt đời của mỗi người đã định sẵn, “một miếng ăn, một hớp uống, không gì chẳng được định trước”. Khổng tiên sinh đoán mạng cho Viên Liễu Phàm, mỗi năm ông Viên thu nhập bao nhiêu tiền, phê đoán Bát Tự[1] rành rẽ, kết toán [chi thu] mỗi năm chẳng sai tí nào, chẳng nhiều hơn, chẳng ít hơn, trong mạng đã định sẵn rồi. Trong mạng đã được định trước là có, sẽ luôn có. Trong mạng đã định sẵn không có, cầu cách nào cũng không được. Vì thế, Viên Liễu Phàm tin vào vận mạng, vọng tưởng gì cũng chẳng cần nghĩ tới, vì sao? Trong mạng đã định sẵn rồi, ta có muốn cũng chẳng được! Trong mạng là có thì ta chẳng muốn cũng không được luôn! Coi như xong, đơn giản là chẳng nghĩ tới nữa! Tâm ông ta thanh tịnh, đắc Định rồi, mà cũng đắc tam muội. Ông ta và hòa thượng Vân Cốc hai người ngồi xếp bằng trong Thiền Đường suốt ba ngày ba đêm, trong tâm chẳng dấy lên một vọng tưởng nào! Hòa thượng Vân Cốc thấy vậy bội phục vô cùng: Một người có công phu Thiền Định sâu như thế chẳng dễ có, ba ngày ba đêm ngồi trên bồ đoàn chẳng dấy lên một vọng tưởng nào! Do vậy, hết sức ca ngợi ông ta. Ông ta mới cho biết: “Mạng tôi đã được Khổng tiên sinh đoán sẵn rồi, hết thảy đều biết”. Ông ta nói: “Tôi có suy tưởng cũng uổng công; nên đơn giản là chẳng nghĩ tới nữa”. Nghe xong, thiền sư Vân Cốc cười ha hả: “Tôi ngỡ ông là thánh nhân, [nào ngờ] vốn là phàm phu”. Thánh nhân là công phu thành tựu, còn ông ta là phàm phu, tin tưởng nhân quả, coi như chẳng cần nghĩ tới, có nghĩ tới cũng uổng công, suy tưởng đều là vọng tưởng, cớ gì chính mình phải chịu khổ? Vì thế, chẳng nghĩ tới. Vì thế, ông ta chưa phải là định, mà là hiểu rõ nhân quả.
Chúng ta phải tin sâu nhân quả, “một miếng ăn, miếng uống đều đã định sẵn”, có thể tin sâu chẳng nghi thì tự nhiên có thể buông xuống, sẽ dám buông xuống. Nhiều người chẳng dám buông xuống vì sợ nếu buông xuống hết tất cả thì ngày mai phải làm sao đây? Cứ luôn nghĩ trước, nghĩ sau, chẳng chịu buông xuống triệt để. Ðây là vì chẳng hiểu rõ Sự Lý, chẳng sanh khởi lòng tin. Nhưng sự thật là buông xuống càng nhiều thì thâu hoạch càng nhiều. Giàu sang từ đâu đến? Từ bố thí tài vật mà đến, đây là quả báo. Quả báo của bố thí pháp là thông minh trí huệ, quả báo của bố thí vô úy là khỏe mạnh, sống lâu, tóm lại càng bố thí thì được càng nhiều.
Nếu chẳng thay đổi từ tâm lý, hành vi thì niệm Phật sẽ chẳng được vãng sanh. Trong kinh nói rất rõ ràng, Tây Phương Cực Lạc thế giới là “nơi những người thiện nhất tụ hội”, nếu tâm hạnh của chúng ta chẳng thiện, làm sao có thể vãng sanh! “Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh”, tâm thanh tịnh là tâm thiện lành nhất. Hết thảy tai họa đều từ phiền não sanh khởi, đều từ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước sanh khởi; nếu tâm địa thanh tịnh, những tai nạn này sẽ tiêu trừ. Xa lìa hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì tâm mới được thanh tịnh. Trong kinh Kim Cang có dạy: “Chẳng chấp vào tướng, như như bất động”. “Chẳng chấp vào tướng” tức là khi sáu căn tiếp xúc cảnh giới bên ngoài chẳng bị dụ hoặc, đó gọi là “chẳng chấp tướng”. Ðương lúc tiếp xúc ngoại cảnh, nếu trong tâm chẳng khởi tham, sân, si, mạn, chẳng khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đó gọi là “chẳng động tâm”. “Ngoài chẳng chấp tướng, trong chẳng động tâm” là tiêu chuẩn của tâm thanh tịnh. Ngàn kinh vạn luận, vô lượng pháp môn đều giảng về việc này, đều hy vọng chúng ta đạt đến mức này.
Nếu thật sự nhìn thấu (thấy thấu suốt), buông bỏ tự tư tự lợi, niệm Phật cầu sanh Tịnh Ðộ, trong kinh Di Ðà nói: “Niệm từ một ngày đến bảy ngày” sẽ được thành công. Những người y giáo tu hành xưa nay niệm Phật vãng sanh rất nhiều, phổ biến nhất là từ hai đến ba năm đều vãng sanh. Tại sao có người chẳng nhiều hơn bảy ngày, có người lại phải niệm hai ba năm? Người tin sâu nguyệt thiết, thực sự niệm đến khi mất hết những tâm niệm tự tư tự lợi thì tự nhiên cảm ứng hiện tiền, công phu thành tựu.
Chúng ta nhìn thấy có nhiều người ra đi rất tiêu sái (tiêu sái nghĩa là nhàn hạ, chẳng vướng bận) tự tại, chẳng có bịnh khổ, [làm cho người khác] vô cùng hâm mộ. Tôi thường nhắc nhở mọi người, chúng ta nhất định phải làm được. Nếu làm chẳng được thì trong lúc bịnh nặng, thân thể chịu sự sắp đặt của người khác, tự mình chẳng thể làm chủ, sẽ chẳng nắm chắc việc vãng sanh, thế nên bây giờ phải dự bị cho tương lai. Phương pháp tốt nhất là chẳng cần người khác chăm sóc, có thể biết trước ngày giờ ra đi, muốn đi lúc nào thì ra đi lúc đó. Nhất định phải hạ quyết tâm làm việc này cho bằng được thì đời này mới chẳng luống uổng. Những việc còn lại toàn là giả, chỉ có việc này là thật mà thôi. Chúng ta nói về “tự lợi”, đây mới thực sự là tự lợi.
Cho dù rất thương mến con cái và người thân của mình, cái tâm phàm phu ấy cũng không thể gọi là từ bi, vì nó có chứa đựng tâm niệm khống chế, chiếm hữu trong đó. Mỗi khi khởi lên một tâm niệm gì đều muốn điều khiển, khống chế [muốn người ta làm theo ý mình], muốn chiếm lấy tất cả người, sự, và vật, như vậy là sai lầm. Sai ở chỗ nào? Ðức Phật dạy chúng ta: “Năng sở giai không, liễu bất khả đắc” (năng và sở đều là không, trọn chẳng thể lấy được, có được). Trong sáu trăm quyển kinh Bát Nhã, ba chữ “bất khả đắc” (không thể lấy được, có được) đã lập đi lập lại trên ngàn lần, đó là muốn cho chúng ta ghi nhớ kỹ “bất khả đắc” là chân tướng sự thật, nếu cứ tưởng tất cả có năng đắc, có sở đắc (có cái làm chủ thể để đạt được, có cái để mình lấy được), đó đều là ngu si, vô minh.
Nếu hiểu thấu tất cả pháp đều không thể có được, năng và sở đều không thể đạt được thì quý vị sẽ giải thoát. Dùng danh từ hiện nay để nói thì “giải thoát” tức là tâm lý không có ràng buộc, lo lắng, bận bịu, tâm của quý vị được tự tại, buông xuống hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Nguyên nhân khiến cho chúng ta việc gì cũng không buông xuống được chính là vì ngu si chưa bị phá trừ, vẫn còn cho là “có năng đắc, có sở đắc”, trong tâm còn bị ràng buộc, còn lo âu, cho nên sống rất khổ sở, công phu tu học cũng không đắc lực.
Do vậy đừng nên có tâm riêng tư, dục vọng, tâm niệm muốn chiếm hữu (chiếm đoạt), tâm niệm chiếm hữu này là căn bản của sanh tử luân hồi, là nguồn gốc của hết thảy tội nghiệp; chúng ta phải nhổ trừ tội căn này. Tại sao chớ nên chiếm hữu? Phật dạy: “Hết thảy pháp đều không”, ngạn ngữ cũng nói: “Sanh chẳng mang đến, chết chẳng mang theo”, vậy thì tại sao có thể chiếm hữu cho được? Ðây là nói theo hiện tượng thô thiển, xét sâu hơn thì như Phật dạy: “Nhất thiết chư pháp, nhân duyên sở sanh, vô hữu tự tánh, đương thể tức không, liễu bất khả đắc” (Hết thảy các pháp do nhân duyên sanh, chẳng có tự tánh, đương thể tức không, trọn chẳng thể được). Không chỉ các vật ngoài thân chẳng thể được, mà ngay cả thân thể này cũng chẳng thể được. Chẳng có tâm chiếm lấy, chiếm hữu những vật ngoài thân, đối với thân thể cũng chẳng có ý niệm là thân “của mình”, như vậy thì vấn đề sẽ được giải quyết. Lúc đó “Một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”, quyết định sẽ sanh Tịnh Ðộ. Ðó là giải thoát, ra khỏi lục đạo luân hồi, ra khỏi mười pháp giới.
Nguyên nhân khiến cho người đời nay niệm Phật không bằng người xưa cũng là vì không thể “nhìn thấu, buông xả”. Chữ nhìn thấu (thấy thấu suốt) là trình độ hiểu rõ đối với trạng thái sanh hoạt hiện thực; nếu chúng ta không hiểu rõ, ham mê luyến tiếc thế gian thì đương nhiên sẽ không thể buông xuống. Cho nên quá nửa những người niệm Phật vãng sanh là những người già bảy tám chục tuổi, vì họ nhìn thấy nhiều, từng trải nhiều, biết hết thảy những việc trong thế gian đều là hư ảo không thật, bất luận sống trong cảnh thuận hoặc nghịch, trải qua một thời gian dài sẽ chán chường, cảm thấy chán ghét cuộc sống, không muốn ở lại thêm nữa, đến lúc ấy sẽ buông xuống hết, đây là một yếu tố rất quan trọng. Nếu cảm thấy thế gian này còn rất đẹp đẽ, vẫn còn muốn sống thêm vài năm nữa, thậm chí muốn sống thêm vài chục năm, vài trăm năm nữa, họ không thể buông xả, buông xuống thì công phu làm sao có thể đắc lực cho được! Phật pháp nói đến chuyện giác ngộ tức là giác ngộ việc này.