Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Phap-Su-Tri-Trung-Va-Su-Tri-Tung-Kinh-Dia-Tang

Pháp Sư Trí Trung Và Sự Trì Tụng Kinh Địa Tạng
Đại Sư Viên Hư | Dịch Giả : Thích Pháp Chánh

Trí Trung người Cát Lâm Đông Bắc, năm dân quốc thứ 14 theo Ngài Giới Hư xuất gia, là cháu gọi tôi là sư thúc. Sau khi xuất gia, không có chỗ ở, tôi xin cho ông về Trường Xuân, trợ giúp công việc tại chùa Bát Nhã. Vì ông không có việc làm gì lớn, chỉ làm các việc thô nặng, nên làm xong các việc của thường trú, ông phát tâm hành khổ hạnh. Khi chùa Bát Nhã chưa có động thổ, tôi sắp đặt cho ông ở đấy coi ngó công việc,  gỗ thành phẩm của Bát Nhã, đều là do ông đem ở trong núi về, nên đối với chùa Bát Nhã tuy ông không có ông lao gì nhưng cũng có nhiều khổ nhọc.

Năm Dân quốc 22, khi có kế hoạch trùng tu Thậm Sơn Tự, và ở đây không có người, tôi lại kêu ông từ Trường Xuân về Thanh Đảo. Ban đầu, chùa Thậm Sơn chỉ là nơi hoang dã, chẳng có dấu người, 4 phía tùng bách sum xuê. Ở trong rừng nhìn quanh, chẳng thấy được gì từ cỏ và cây, trông rất thâm u. Tối đến, chim kêu vượn hú, vang khắp bốn phía, khiến người gan nhỏ ở trong đó không khỏi sợ hãi.
Trí Trung là người xuất gia chịu khó, thuở nhỏ ít đọc sách, nhưng tâm tánh chất trực,  ngay thẳng. Khi làm việc không có dối gạt quanh co, tánh khí quật cường, ở chỗ nào cũng không tỏ ra sợ hãi. Ông ở trong 1 phòng nhỏ đến đây bây giờ đã 10 năm. Khi trùng tu chùa Thậm Sơn, lúc mới bắt đầu làm thì chở ngói gạch cây gỗ, phải tìm người trông coi, nhưng không có vì bình thường đã quen sống thanh nhàn, không chịu nỗi những khổ cực lại thêm sợ bị hại. Do đó phải nhờ đến sư Trí Trung, bấy giờ ông dự bị đến Triều Sơn ở Phương Nam, xin tôi giúp cho ông chỗ ở. Hơn 10 năm ở nơi khổ cực, trong miếu có, ngoài miếu có, ngày cũng như đêm xem việc chung như là việc của bản thân. Quan trọng hơn đối với các đồ dùng của Thậm Sơn Tự, đều do một tay ông sắp đặt.

Ông hay vì người, không từ một việc khó nào, nên có người cho rằng ông ngu si. Đối với người nào, ông cũng có sự quan tâm đặc biệt, đối với việc làm không bao giờ lười biếng, bình thường rất ít nói. Tuy nhiên tính khí thì quật cường, ở cả năm mà không ai nói ông điều gì cả. Bình thường, ông giải quyết công việc rất tốt, không một chút cẩu thả, mọi người thường gọi ông là “ Hắc Bao Công ”. Vì ông hằng ngày chạy việc bên ngoài lo việc cho thường trú, mặt mày sám đen nên gọi ông là mặt sắt vô tư. Tuy vậy, ông rất chính trực, có thể giải quyết mọi việc một cách đúng đắn, khi nói chuyện thường tỏ ra hòa ái.
Đứng về mặt xuất gia mà nói, ông là người đầy những khổ não. Đối với sự tụng kinh bái sám, vì ông xuất gia tuổi xế chiều, nên các việc ấy không thông. Đối với công khóa ngũ đường, trì tụng kinh chú ông chỉ dựa vào đại chúng, 1 mình ông không làm được. Về mặt tu tập mà nói, càng có tư tưởng đơn giản thì tu tập dễ thành công, bởi vì sẽ không bị niệm tán loạn. Như  nếu có một người lanh lợi như voi khỉ, chuyển hóa vô minh phiền não, vọng tưởng rối bời, bề ngoài thì không biểu hiện nơi ngôn ngữ, bên trong là chỗ dựa cho dây leo, loại người này chắc chắn tu tập thành công. Đó là sức mạnh có thể so sánh được của người có tư tưởng đơn thuần. Cũng như vậy, bình thường Trí Trung cũng đơn giản. Ngoài các thời khóa ở thượng điện, hằng ngày ông trì thêm kinh Địa Tạng, lễ Phật, trông nom các công việc của thường trú. Khi làm việc trên đường ông trì chú đại bi, cứ 1 năm 365 ngày, gió mưa không trở ngại ông, đến già cũng vậy.

Cổ ngữ nói : “ Thánh nhân không có mộng ”. ( Vì Thánh nhân mộng và tỉnh không khác nhau, nên nói là không mộng ). Trí Trung tuy không phải Thánh nhân, nhưng bình thường khi ông nghỉ ngơi và tĩnh tọa không bao giờ có mộng. Đó là hằng ngày ông thường trì “kinh Địa Tạng ” . Trong kinh Đia Tạng, phẩm Địa Thần Hộ Pháp nói : “ Chúng sinh ở hiện tại và vị lai, ở bất cứ chỗ nào mà làm hình tượng Bồ Tát Địa Tạng, đốt hương cúng dường, chiêm bái khen ngợi, thì chỗ người ấy ở được 10 lợi ích. Đó là : “ 1. Đất đai màu mỡ; 2. Nhà cửa an lành; 3. Người đã khuất được sanh Thiên; 4. Hiện tại được lợi ích và thọ mạng; 5. Sở cầu được như ý; 6. Không có tai nạn nước và lửa; 7. Tránh khỏi các sự hư hao mất mát; 8. Không bị ác mộng; 9. Ra vào đều được thần bảo hộ; 10. Gặp được thánh nhân ” . Trong phẩm “ Chúc lụy cho trời người ” cũng nói : “ Nếu đời vị lai, có thiện nam hay tín nữ, thấy hình tượng Bồ Tát Địa Tạng và nghe kinh này, cho đến đọc tụng, bố thí, cúng dường các loại hương hoa ẩm thực, y phục, trân bảo, khen ngợi, chiêm ngưỡng, đảnh lễ sẽ được 28 điều lợi ích như điều 1 được trời rồng hộ niệm, Điều 5 y thực đầy đủ, điều 6 tật bịnh không đến, điều 7 lìa được nạn thủy, hỏa, điều 8 không bị giặc cướp, điều 9 người thấy được cung kính, điều 10 quỷ thần trợ giúp… điều 22 mộng thấy điềm lành ….  Điều 28 cuối cùng sẽ thành Phật đạo ” . Đó là điềm tốt khi niệm kinh Địa Tạng, mọi người nên phát tâm, hãy đem kinh Địa Tạng mà quảng bá, công đức tụng kinh như thế thật trọn vẹn, thường tụng sẽ rất tốt.

Trí Trung bình thường không có nằm mộng, nếu có mộng thì là mộng an lành, vả lại những giấc mộng của ông đều có linh cảm. Lúc ông nằm mộng và khi ông thức dậy đều giống nhau. Bất luận là việc gì, ông đều làm chủ, tuyệt không giống những người nằm mộng khác, tâm lý rất hồ đồ. Hai mươi lăm năm tu sửa đại điện, muốn mua gỗ, nhưng tại địa phương, gỗ không được tốt lắm. Gỗ dương liễu hoặc các loại gỗ tùng, gỗ thông đều không có chắc, xài vài năm có thể bị hư, mà cũng không có loại gỗ lớn. Sau phải nhờ người đi Bắc Kinh mua, tìm đến Định Vương phủ ở Bắc Kinh có rất nhiều gỗ lớn mà họ không dùng đến. Định Vương phủ được xây dựng vào đời Minh, cách nay đã mấy trăm năm, các cây gỗ ở đây đều lấy về từ các khu rừng già, nhờ lực lượng ở Hoàng Gia, đốn những cây huỳnh đàn lớn, chất lượng tuyệt vời, có thể nói hàng nghìn năm không bị hư, đến đây tuy đã vài trăm năm, cây gỗ được phơi dưới ánh mặt trời chảy dầu rất thơm, nguyên nhân khiến gỗ không bị hư là do dầu của gỗ vậy.

Thậm Sơn Tự cử 2 đốc công là Diệp Cang Cửu và Hà Ngọ Tuyên đến Bắc kinh để chọn gỗ tốt, mua 4000 đồng 1 khối gỗ, tiền vận chuyển đến Thanh đảo thì được cục giao tế lộ miễn phí. Khi gỗ vận chuyển đến Thanh đảo, người trong chùa Thậm Sơn chẳng ai hay biết. Một sáng nọ, Trí Trung đến phòng của tôi nói rằng : “ Khi hôm gần sáng, tôi nằm mộng, thấy nhiều người đến, nam nữ già trẻ, mặc áo quần xưa, y phục chỉnh tề. Có 1 vị thủ lãnh râu tóc bạc trắng khoảng 7, 8 mươi tuổi đến nói với chúng tôi rằng : “ Xin làm phiền lão Hòa thượng, hôm nay chúng tôi đến rất nhiều người, xin cho chúng tôi phòng ốc để ở ”.Tôi trả lời “ Chúng tôi không có phòng ở, không biết các ông từ đâu đến ? ”  Ông ta trả lời : “ Chúng tôi từ phủ Đế Vương ở Bắc kinh đến , cho chúng tôi ở lại đây, chúng tôi không cần phòng chính, cũng không trở ngại đến quý vị, xin cho chúng tôi một chỗ nào đó tùy ý, hoặc ở trên sân thượng cũng được. Nguyên chúng tôi ở tại phủ Đế Vương Bắc Kinh, bây giờ phủ chúng tôi đã bị dở bỏ, chúng tôi gom gỗ vật liệu, đi bằng tàu lửa đến Thanh đảo, tối ngủ lại tại trạm tàu hỏa một đêm, ngày mai sẽ đi về đây ”. Tôi nói : “ phòng trên đỉnh đâu có ở được ”. Ông ta đáp : “ Không sao các ông không ở được, nhưng chúng tôi ở được ”. Nhìn kỹ thì ông lão mày thanh mắt sáng, nói năng rất hòa nhã không giống một kẻ ác, bất luận nói thế nào ông cũng quyết ở trên sân thượng ấy. Sau cùng, không có cách gì hơn, tôi nói : “ Việc này tôi không quyết được, để hỏi ý lão pháp sư ”. Ông lão nói : “ Tốt quá, ngày mai tôi sẽ đến làm phiền quý vị , xin ông nói với lão pháp sư một tiếng, cho tôi một cái giường đơn, chúng tôi ban ngày không ở đây, tương lai sẽ làm hộ pháp cho Thậm Sơn Tự ”. Tôi nói : “ Tốt lắm ! ông đợi một chút tôi sẽ đi hỏi ”. Bây giờ tôi tỉnh mộng , thấy phía trước ngoài cửa sổ có 4 tấm ván, nhớ lại việc trong mộng thì người ấy và câu chuyện ấy như  rõ ràng trước mắt, không giống gì là nằm mộng cả.

Thầy Trí Trung sau khi kể lại cho tôi giấc mộng ấy, hỏi tôi : “ Lão pháp sư ! Sao đây ! Có cho họ ở không ? ” . Bây giờ, tôi nghĩ cả nửa ngày nhớ lại tháng 12 năm ngoái phủ Đế Vương ở Bắc Kinh, Hoàng cung vẫn còn rất tốt, không một chút hư hoại cũng không nghe đến việc dở bỏ, nên trong tâm muộn phiền. Tôi nghĩ không biết là vị Thảo Tiên ở nơi nào, hay là các loại cáo chồn linh ứng muốn đến trú ở miếu đường. Tôi bảo Trí Trung rằng : “ Bọn họ muốn đến ở cũng được, chỉ cần sớm tối đừng ồn náo, sợ kinh động sẽ cắt ngang sự yên ổn, Người xuất gia ở miếu suốt ngày tu hành, bọn họ là người tiên ở miếu cũng tu hành, phần ai người nấy tu tập, ai có thể làm chướng ngại ai. Ngày sau, chúng ta không nhiễu loạn đến họ, họ sẽ hộ trì tốt đẹp cho ta. Như quả họ làm kinh động, xen tạp, nhiễu loạn thường trú, thì cũng dùng quy cũ thường trú mà di dời họ. Nay cho họ ở trên trần nhà giảng đường, pháp sư hãy chuẩn bị cho họ, hoặc cho họ chỗ nào không chướng ngại để cho họ ở được ”.

Khi tôi nói xong thì trời sáng. Sau bữa sáng, cục hỏa xa đưa đến một hóa đơn, nói chùa Thậm Sơn mua gỗ vật liệu ở Định Vương phủ Bắc Kinh đã chở đến. Nguyên là Trí Trung nằm mộng nghe là Đế Vương phủ là sai với Định Vương phủ, đó là trong mộng âm thanh nghe lầm mà thôi. Như thế, các vị tiên theo gỗ mà đến vì ở Bắc Kinh không còn chỗ ở. Gần trưa, Diệp Cang Cửu và Hà Ngọ Tuyên đến chùa Thậm Sơn. Hỏi họ thì quả nhiên số gỗ ấy được mua từ  phủ Định Vương, đến nay số gỗ ấy đã hơn 500  năm tuổi, không bị hư hoại gì, chỉ do phơi nắng mà bị chảy dầu, hôm nay mới nhờ xe hơi chở về Thậm Sơn Tự.

Tối đến, khi ngồi tỉnh tọa Thầy Trí Trung lại như nằm mộng, thấy ông lão đến chào và nói rằng. “ Cảm ơn thầy, đã hết lòng đến xin lão pháp sư cho chúng tôi được ở. Mời thầy đến chỗ chúng tôi ăn một chút gì cũng được ”. Vừa nói xong ông lão vừa dắt Thầy Trí Trung đến trần nhà trên của phòng ngủ lão pháp sư. Ở trên ấy, đi quanh co mới đến nơi, trên đó mặt trước của hàng lương có chữ viết, mặt sau thì lưới nhện giăng đầy, nhìn rất rõ ràng. Trí Trung bèn hỏi : “ Ở đây đầy những lúa cám, lại chật hẹp, các vị làm sao ở được ? ”. Đáp lời, ông lão đưa tay chỉ thẳng đến thì đột nhiên hiện ra 1gian phòng rộng rãi khang trang, bàn ghế, cửa sổ sáng rực, khắc hẳn với trần nhà trước đó. Ông lão lại dẫn Trí Trung vào trong đi một vòng, xem xét rồi mời ngồi. Trí Trung nói : “ Ánh sáng trong phòng là từ cửa nào đến ? ” . Ông lão chỉ một cái nói : “ Đây không phải ư ? Cửa ở hướng Bắc, đêm đến chúng tôi ở trong phòng này, sáng ngày ra ngoài dạo chơi. Vào trong miếu đối diện không bị chướng ngại, có cơ hội chúng tôi sẽ cho chùa Thậm Sơn một đại hộ pháp, để thường ngày hộ trì cho các vị ”.

Xưa nay, Trí Trung là 1 người tánh khí quật cường, bình thường ai thỉnh ông cũng ít chịu đi, chỉ theo chúng thọ thực mà thôi. Lần này, Tiên gia mời ông, không đi không được, tự ộng cũng không biết đi như thế nào. Ngồi chơi một lúc ông lão nói : “ Hôm nay có chuẩn bị rau quả, nhưng rau quả của chúng tôi Ngài không ăn được vì ý không thành kính, xin mời Ngài dùng ít trái cây vậy ” . Trí Trung vẫn không ăn. Một bên mời ăn, một bên không chịu ăn, cả hai tranh luận, rồi ông tỉnh lại. Ông tự biết đây không phải là mộng, bởi vì ông đang trong tư thế tỉnh tọa, lại không buồn ngủ, chắc là ông đã đi vào trong một cảnh giới khác.
Khi chùa Thậm Sơn làm lễ khai móng đặt đá xây dựng, Trí Trung lại có một giấc mộng khác. Bấy giờ chánh điện không biết tu tạo như thế nào, Trí Trung ở trong một phòng nhỏ màu hồng. Đêm đến, lúc tỉnh tọa, thì thấy một lão Hòa thượng, lưng mang 1 túi đảy lớn, tay mang theo một cái giỏ đến trước mặt Trí Trung, lấy túi đảy và cái giỏ giao cho Trí Trung. Ông tiếp nhận, nhìn vào thấy đầy những hạt sen, mỗi hạt tròn và lớn như hạt dưa tây, lão Hòa thượng bảo Trí Trung rằng : “ Ông hãy đem những hạt sen này trồng ở dưới gốc núi, tương lai sẽ có kết quả tốt. Nghe xong, Trí Trung rất lấy làm lạ, vì chưa từng thấy hạt sen lớn và lạ như vậy, quay đầu nhìn lão Hòa thượng  thấy đó là một vị rất to lớn, tai dài đến vai, tay dài quá gối, tướng mạo đầy phúc đức. Trí Trung đem những hạt sen y như lời đem trồng, nhưng mà đất núi rất cứng, làm cách gì cũng không đào được, thân ra đầy mồ hôi, lão Hòa thượng đứng một bên nói : “ Ông nên niệm Phật, có niệm Phật thì mới đào được ”. Trí Trung nghe theo, một bên cầm hạt sen, một bên miệng không ngừng niệm Phật. Quả nhiên, niệm một câu A Di Đà Phật, thì vùng đất cứng như đá bỗng dưng mềm lụn. Bấy giờ ông lấy hạt sen thả vào những lỗ trũng rồi lấy chân đạp lên để chôn các hạt giống, rồi đem các giỏ đựng những hạt sen đã trồng, lại mở miệng túi đảy vung ra ngoài, một lần rồi nhiều lần cũng không được. Trí Trung rõ được sự kỳ diệu vừa rồi, nên vừa niệm Phật vừa vãi các hạt giống, khiến cho khắp nơi trên dưới sườn núi đều đầy các hạt giống, thâm sơn cùng cốc không có chỗ nào không có. Những hạt sen trong túi vãi trồng xong, lão Hòa thượng nắm tay Trí Trung cười cười rồi biến mất. Khi tỉnh lại, Trí Trung vẫn đầy mồ hôi.

Sau này Trí Trung đem việc này kể lại cho tôi, hỏi tôi việc ấy như thế nào, tôi nói : “ Đạo tràng tại chùa Thậm Sơn sẽ rất hưng thịnh, tương lai nhất định có nhiều người niệm Phật vãng sanh. Lời xưa nói : “ Nguyện đem ba ngàn cõi Đông Độ, sang cửu phẩm cõi Tây Phương ”. Ở đây, tuy chẳng phải là ba ngàn đại thiên thế giới, nhưng cũng là một phần của ba ngàn thế giới mà lại trồng được liên hoa của chín phẩm Tây Phương, do đó rõ được lý liên hoa hóa sanh ở Tây Phương Cực Lạc thế giới. Hy vọng tăng ni và nam nữ cư sĩ, nhứt tâm niệm Nam Mô A Di Đà Phật, sớm đến Tây Phương Cực Lạc, chứng được Thượng phẩm liên hoa ”.

Nói đến niệm Phật vãng sanh, hiện tại kẻ xuất gia, người tại gia đã có vài vị. Người xuất gia thì khỏi kể ra, trong hàng tại gia có cư sĩ Đổng Tử Minh, khi lâm chung có nhưng hiện tượng rất tốt. Trước đây, ông ở ngoài đời làm nhiều việc để sinh sống, tuổi về chiều ông bỏ tất cả chuyên tâm niệm Phật, công phu hơn 14 năm. Bình thường, ông dạy quốc văn cải cách tại trường học ở chùa Thậm Sơn, trừ lúc sửa đổi văn chương, thì giờ còn lại ông dành tất cả cho việc niệm Phật. Công phu thuần thục, mỗi ngày ông niệm hơn 4 vạn tiếng. Bình thường sợ có người đến tìm cắt ngang việc niệm Phật, ông thường ở trong phòng, khóa cửa bên ngoài để người bên ngoài đến tưởng ông không có nhà. Có 1 lần, ở nhà niệm Phật đến chỗ tương ưng chư Phật, không biết thế nào mà của không mở, ông vẫn đi đến chánh điện để niệm Phật được. Đến khi chú ý thì ông rất ngạc nhiên, mình vốn ở trong nhà niệm Phật tại sao bây giờ có mặt ở đây ”. Tự hỏi rồi cũng chẳng có cách gì giải đáp được. Sau đó phải gọi người giúp việc đến để lấy chìa khóa mở cửa, vì chìa khóa của ông đã để trên bàn trong nhà. Về sau, ông kể lại cho tôi nghe, lúc đó tôi không nói gì, sau này tôi nghĩ : Việc ấy là do công phu niệm Phật. Niệm đến chỗ trong ngoài tương ứng, thì nghiệp trần thanh tịnh, tâm lý không còn một chút vướng mắc, bên ngoài có trở ngại gì cũng không sao cả, đến khi có sự chú ý, tâm lý khởi phân biệt tức có sự chấp trước. Nên việc ấy rất bình thường chẳng phải việc ly kỳ gì, hoàn toàn là do tác dụng của tâm vậy.

Sinh thời, Đổng Cư Sĩ phát 2 thệ nguyện : Một là khi còn sống không có bịnh nặng. vì ông là người sống tạm ở địa phương, mắc bịnh tật thì không người chăm sóc, lo lắng khó khăn. Hai là khi có bịnh thì lập tức được vãng sanh, tránh cho mình mắc các tội lỗi và làm phiền đến kẻ khác. Quả nhiên, nguyện của ông được viên mãn. Bình thường ông niệm Phật và không chút bệnh tật, đến khi mạng chung thì biết trước giờ chết, tâm lý rất thanh tịnh, ổn định. Chư Tăng và đại chúng luân phiên trực niệm, đến 4 giờ sáng ông ngồi thẳng trên giường, nói với đại chúng : “ Đến đây mới biết không uổng công phu niệm Phật ”. Nói xong niệm danh hiệu Phật 3 lần rồi vãng sanh. 3 ngày trước khi vãng sanh chỉ thấy thân thể hơi mệt, tay chân yếu đi việc ăn uống đều bình thường, thân không một chút gì đau đớn. Đó là điểm tốt của niệm Phật, mong rằng tất cả chúng ta không ai quên niệm câu “ Nam Mô A Di Đà Phật ”.

Năm Dân Quốc thứ 23, sau khi trùng tu chùa Thậm Sơn, trước đại điện Trí Trung cũng gặp một giấc mộng. Đó là vào 1 ngày hạ, thấy quảng trường của chùa Thậm Sơn có một cây Bồ Đề khá lớn, ở Phía Tây của cây mọc ra 1 chạng ba, khi Trí Trung đi đến gốc cây thì chạng ba của cây rơi xuống, trong tâm tưởng của Trí Trung muốn kiểm tra lại rồi trở về miếu, nhưng mà tay phải tay trái của ông không nắm lại được như bị bất động. Bấy giờ, lão pháp sư Đế Nhàn đến chỗ Trí Trung bảo rằng : “ Tay ông bị tê cứng, hãy trở về gọi sư bá của ông đến, ông ta sẽ làm cho cử động được ”. Trí Trung đến miếu mời tôi đi, đến chỗ Trí Trung chống đứng dậy thì nhánh Bồ Đề đó đã qua hướng Tây rồi. Giấc mộng này ứng nghiệm ngay, đó là lúc tu sửa chùa Thậm Sơn, có cư sĩ Vương Kim Ngọc đến phát tâm xây 1 tịnh xá Thậm Sơn Tự để giảng cho đại chúng, điều có thể nói là chùa Thậm Sơn nảy ra một nhánh vậy.

Năm Dân Quốc 26, trước sau chánh điện của chùa Thậm Sơn đều khởi công tu tạo, ông lại mộng trước sau đại điện, đường lớn ngang qua lan can trước chùa, người qua lại rất đông, tự nghĩ thấy rất lạ, cũng không biết là việc như thế nào. Sau đó hỏi tôi, tôi nói đó là hiện tượng tốt, tương lai Phật pháp sẽ hưng thạnh ở đây ( do đại điện, giảng đường đều nằm trên đường lớn này ). Từ xưa, chùa Thậm Sơn vốn ở nơi rất vắng vẻ, trải qua hơn mười năm xây dựng, mắt trước của chùa nằm ở ngã tư đường Thái Bình, mặt sau đến vùng đất trũng nhà Đông Trấn Trọng, gần như tiếp xúc với phòng lớn, nối liền một dãy. Như mà thời cuộc bình an, thì chợ búa sẽ phát triển, chỉ 10 năm sau, bờ biển phía trước bị sửa đổi thành bến đổ của tàu thuyền, chùa Thậm Sơn từ chỗ vắng vẻ trở thành nơi trung tâm của chợ phồn hoa náo nhiệt, nên Phật Pháp ở đây rất hưng thạnh.

Mỗi năm, đến rằm tháng 7, lễ hội vu lan chùa Thậm Sơn đều tổ chức Thủy Lục trai đàn. Kỷ niệm 31 năm Hoằng Nhất Đại Sư viên tịch và 34 năm Trung Quốc kháng chiến thắng lợi, chùa lại tổ chức Thủy Lục trai đàn ( Đàn Bạt Độ Chẩn Tế ). Đêm đó, Trí Trung lại nằm mộng thấy Hoằng Nhất Đại Sư về. Vì Hoằng lão sư có một thời gian trú tại chùa Thậm Sơn đã từng biết nhau, khi Trí Trung nhắm mắt ngồi tĩnh tọa lúc nửa đêm, thấy Hoằng Nhất Đại Sư đến ngoài cửa. không đi vào phòng. Tâm Trí Trung nghĩ : Chẳng phải Hoằng lão sư đã viên tịch rồi sao ? Sao lại đến đây ! Ông liền chạy ra quỳ xuống nghinh tiếp, đến cửa gặp lão sư bảo : “ Này lão sư nhiều năm không gặp, thấy ông vẫn tốt đấy. Bây giờ, Trí Trung như si dại, chẳng nói được lời gì, chỉ thưa : “ Tốt lắm, Ngài càng ngày càng đẹp hơn ”. Hoằng Nhất Đại Sư nói : “ Hôm nay, tôi đến làm phiền ông một việc, vì thời cuộc không tốt, khắp nơi đều có chiến tranh, lại thêm ruộng nương bỏ hoang, binh lửa hỗn loạn, nào nạn lửa, đạo tặc, giặc cướp và rất nhiều người chết. Trung Quốc do ảnh hưởng của chiến tranh mất mùa nghiêm trọng, các nơi không thiết lập được pháp đàn Thủy Lục ( đàn Chẩn Tế ), nếu có cũng chỉ làm đơn sơ. Chùa Thậm Sơn hiện nay gặp thời bếp lửa yên ổn, có thể an tâm mỗi năm có thể thiết lập được 1 trai đàn Thủy Lục, mọi phương diện đều thực hiện đúng như pháp, ai ai cũng chí thành, công đức thật không nhỏ. Bây giờ ta dẫn đến rất nhiều người, dự bị nhân pháp hội này siêu độ cho họ, xin Ngài báo cho lão Pháp sư, cấp cho 1 bài vị để tránh khi tấn đàn bị hộ pháp thiện thần ngăn trở ”. Trí Trung tỉnh lại ngày hôm sau báo cho văn phòng, từ đây về sau, cứ mỗi năm trai đàn, đều cấp cho Hoằng Nhất Đại Sư một bài vị.

Vì thầy Trí Trung giống như một người si ngốc, bình thường không nằm mộng, khi nằm mộng thì đều ứng nghiệm. Tôi nhớ đến chuyện này nên tùy miệng nói ra ở đây, cũng chẳng phải là chuyện kỳ lạ hiếm thấy, cứ vào sự tu hành mà nói, thì đây là việc quan yếu, không phải dễ có vậy.

Tục ngữ nói : “ Người si ngốc nói mộng ”, ban ngày nghĩ cái gì thì ban đêm thấy cái đó. Mộng là từ nghiệp thức của người hiện ra. Mộng cũng có nhiều loại. Có mộng tự ý thức của mình hiện ra, có mộng do quỷ thần gởi gắm, có mộng do Phật, Bồ Tát cho thấy. Xem trong 10 pháp giới có nói: Ngoại trừ Phật giới thì 9 giới khác đều có mộng: Có mộng của trời, người, ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh, mộng của hàng tam thừa, phàm chưa chứng được Cứu Cánh Giác thì đều là mê mộng, chẳng qua có khinh có trọng, có tốt có xấu mà thôi. Nhân gian chỉ biết mắt nhắm là mộng, không biết là mắt mở cũng mộng. Cổ ngữ nói:

Bách niên thế sự tam canh mộng
Vạn lý giang sơn nhất cuộc kỳ
Cử thế tận cùng mộng lý lão
Thùy nhân khẳng hướng tử tiền hưu.

Nghĩa là :
Thế sự trăm năm như giấc mộng
Giang sơn ngàn dặm tự bàn cờ
Mộng mị cả đời già chẳng hết
Họa chăng chết đến mới thôi mơ.

 
Trích từ: Truyện Linh Ứng Của Địa Tạng Vương Bồ Tát
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Địa Tạng Bồ Tát Bốn Nguyện Kinh Giảng Ký Quyển Hạ, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
2 Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Khoa Chú, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Địa Tạng Bồ Tát Bốn Nguyện Kinh Giảng Ký Quyển Thượng, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
4 Địa Tạng Bồ Tát Bản Tích Linh Cảm Lục, Hòa Thượng Thích Như Điển Tải Về
5 Địa Tạng Bồ Tát Thánh Đức Đại Quan, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
6 Sự Tích Linh Nghiệm Của Ngài Bồ Tát Địa Tạng, Thích Pháp Chánh Tải Về
7 Phổ Khuyến Đạo Hữu Tịnh Độ Trì Tụng Kinh Địa Tạng, Thích Pháp Chánh Tải Về
8 Vãng Sanh Luận Giảng Ký Thiên Thân Bồ Tát, Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn Tải Về
9 Tiểu Sử Và Công Hạnh Của Di Lặc Bồ Tát, Đại Lão Hòa Thượng Thích Hành Trụ Tải Về