Mười Pháp Chỉ Quán Trị Bệnh
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Thân và tâm của chúng ta đều có bệnh, hơn nữa còn là bệnh nặng, không phải bệnh nhẹ. Trong sách Tiểu Chỉ Quán có mười loại phương pháp trị bệnh. “Chỉ” nghĩa là buông xuống. “Quán” nghĩa là nhìn thấu. Người chân thật có thể nhìn thấu và buông xuống thì ít bệnh, ít sầu não. Điều này chúng ta cần nên học tập.

Thứ nhất là tín, “tin rằng phương pháp này có thể trị bệnh”. Phương pháp này là gì? Chính là đoạn ác tu thiện, nói một cách cụ thể thì đó chính là Đệ Tử Quy, Cảm Ứng Thiên và Thập Thiện Nghiệp Đạo. Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo nói rằng: Bồ-tát có một pháp có thể đoạn hết thảy khổ trong các đường ác. Đó là pháp nào vậy? Đó là ngày, đêm thường niệm, tư duy, quán sát thiện pháp. Khiến thiện pháp niệm niệm tăng trưởng, không dung chứa một hào ly bất thiện xen tạp. Nếu có thể vĩnh viễn đoạn hết thảy ác, thì thiện pháp viên mãn vậy. Phật nói với Long Vương, Long Vương là đại biểu cho chúng sinh trên địa cầu chúng ta. Vì sao gọi là Long Vương? Trong cõi súc sinh, rồng và rắn giỏi biến hóa nhất, dùng để thí dụ cho sự biến hóa của lòng người chúng ta. Tây Phương Thiên Vương trong Tứ Đại Thiên Vương tay trái cầm rồng hoặc rắn, tay phải cầm hạt châu. Rồng, rắn tiêu biểu cho sự biến hóa của lòng người trong xã hội; còn hạt châu chính là Phật pháp, vĩnh viễn bất biến. Chúng ta sống trong xã hội động loạn biến đổi này phải giữ gìn được sự thanh tịnh, bình đẳng, giác; giữ vững được thập thiện nghiệp đạo vĩnh viễn không đổi. Thập thiện là cương lĩnh, thập thiện nghiệp mở rộng ra chính là Đệ Tử Quy, Cảm Ứng Thiên. Đây chính là những hạng mục chi tiết. Khởi tâm động niệm, lời nói việc làm của chúng ta nhất định không được trái nghịch với thập thiện. Điều này chính là sống trong xã hội biến hóa thay đổi nhưng bản thân giữ được sự bất biến. Sự bất biến này có thể trị bệnh, có thể điều trị các chứng bệnh khác nhau của thân và tâm.

Cảm Ứng Thiên giảng về nhân quả, chân thật sám hối, đoạn ác tu thiện thì những chứng bệnh nghiêm trọng mà bác sĩ không thể cứu chữa bỗng nhiên sẽ khỏi. Những ví dụ như vậy rất nhiều, các bạn phải nên tin tưởng. Dùng cái gì để trị bệnh vậy? Hãy dùng lương tâm của bạn mà trị bệnh, bởi vì bạn vốn là không có bệnh. Bệnh từ đâu mà đến? Bệnh là từ phiền não, tham, sân, si, mạn mà đến. Bởi vì có tự tư tự lợi, danh văn lợi dưỡng, tham sân si mạn nên đã khiến cho tế bào trong thân thể bạn sản sinh ra độc tố, nên bạn mới sinh bệnh. Nếu như có thể buông xuống tất cả những suy nghĩ bất thiện, sửa đổi hết những hành vi và lời nói bất thiện thì tất cả những tế bào ác tính trong cơ thể chúng ta sẽ dần dần khôi phục trở lại bình thường. Nếu bạn dũng mãnh sửa đổi thì chúng sẽ phục hồi rất nhanh. Khi chúng trở lại bình thường thì bạn liền khỏe mạnh.

Nguyên lý trị bệnh của Đông Y có thể nói là 70% dựa vào việc điều chỉnh tâm thái, thuốc chỉ là trợ giúp bạn phần bên ngoài, chỉ có 30% công hiệu. 70% là ở việc điều chỉnh tâm thái của bạn. Tâm thái tốt rồi thì bệnh sẽ không còn nữa. Tâm thái tốt nhất là gì vậy? Hiếu thuận cha mẹ, tôn kính người trên. Nếu như bạn làm được 100% thì trăm bệnh chẳng sinh. Người xưa có nói, trẻ nhỏ dưới 12 tuổi mắc những chứng bệnh kỳ quái, không cách điều trị, nguyên nhân bệnh tình là do đâu? Do cha mẹ của chúng. Cha mẹ của chúng nhất định là người không hiếu thuận, không biết tôn kính trưởng bối, cái nghiệp này sẽ do đứa con của họ gánh lấy, nên chúng bị bệnh. Nếu như chân thành sám hối, sửa lỗi làm mới thì bệnh tình của con trẻ sẽ khỏi, việc chữa trị sẽ có hiệu quả. Những ví dụ như thế rất nhiều. Bạn hiếu thuận với cha mẹ đẻ, hiếu thuận với cha mẹ chồng thì con của bạn sẽ dễ nuôi. Bạn nhất định phải tin vào điều này. Dùng lời hiện nay mà nói, tâm thái tốt đẹp, tâm địa thanh tịnh, thanh tịnh, bình đẳng, giác có thể trị bệnh.

Thứ hai là dụng, “thời thời thường vận dụng”. Thời thời khắc khắc nhắc nhở chính mình phải nhìn thấu, buông xuống. Nhìn thấu là thấu suốt thông tỏ. Đối với lý luận trong Thập Thiện Nghiệp Đạo chúng ta phải hiểu rõ, về mặt sự tướng phải hoàn toàn thực hiện được. Thực hành trên sự tướng chính là thực hành Đệ Tử Quy, Cảm Ứng Thiên, phải chân thật tin tưởng điều này. Người chân thật học tập, khi khởi tâm động niệm, lời nói hành vi, nếu như gặp khó khăn chướng ngại thì nhất định sẽ tra ra được câu nói nào trong Kinh giúp họ hóa giải chướng ngại. Chúng tôi trong mấy năm qua đề xướng việc thực hành Đệ Tử Quy và Cảm Ứng Thiên, đã nhìn thấy được những kết quả rất tốt. Người mắc bệnh ung thư, mắc bệnh bất trị đều đã khỏi bệnh. Gia đình bất hòa đã trở thành gia đình hạnh phúc. Sự nghiệp gặp vấn đề thì vấn đề đã không còn nữa, thuận buồm xuôi gió. Bạn cần nên tin tưởng, phải biết dùng.

Thứ ba là “học tập và vận dụng lời giáo huấn một cách chuyên cần và linh hoạt” . Câu này có nghĩa là cần học tập và vận dụng linh hoạt. Những gì thầy đã dạy là nguyên lý, nguyên tắc. Những nguyên lý nguyên tắc này phải được vận dụng linh hoạt trong cuộc sống hằng ngày, gọi là nêu một suy ra ba, nghe một biết mười, đó không phải là nguyên tắc chết cứng.

Thứ tư là “tỉ mỉ tư duy học tập như pháp, không được trái nghịch”. Nếu không có tín tâm thì sẽ không làm được. Nhất định phải đặt tín tâm lên hàng đầu. Đối với pháp không được hoài nghi. Hoài nghi là sai rồi. Pháp của Thánh Hiền nhân đã trải qua sự truyền thừa từ ngàn đời nay, nếu như có vấn đề thì sớm đã bị đào thải rồi, sao có thể truyền đến ngày nay được? Đặc biệt là chỉ nêu vài điều thuộc về cương lĩnh thôi. Cương lĩnh của văn hóa truyền thống, nếu như dùng một chữ để nói, thì chính là chữ “Hiếu”. Văn hóa truyền thống là văn hóa hiếu đạo, từ hiếu mà diễn dịch ra thành Ngũ Luân (phụ tử hữu thân, quân thần hữu nghĩa, phu phụ hữu biệt, trưởng ấu hữu tự, bằng hữu hữu tín), Ngũ Thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), Tứ Duy (lễ, nghĩa, liêm sỉ), Bát Đức (hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ), đây là tổng cương lĩnh. Trải qua bao nhiêu triều đại, thiên kinh vạn luận đều không thể vượt hơn cương lĩnh này. Từ Tứ Thư Ngũ Kinh, Thập Tam Kinh, cho đến Tứ Khố Toàn Thư, những bộ sách này có rời khỏi cương lĩnh Ngũ Luân, Ngũ Thường, Tứ Duy, Bát Đức hay không? Không hề rời khỏi. Bốn cương lĩnh này đã hàm nhiếp nền văn hóa truyền thống của nghìn năm nay, không có câu nói nào trong các điển tịch được lưu truyền lại là lời thừa cả. Chúng ta phải tỉ mỉ mà tư duy, học tập thì sẽ có lợi ích lớn. Ngạn ngữ xưa nói rất hay: “Không nghe lời người xưa, thiệt thòi ngay trước mắt”. Điểm then chốt của văn hóa truyền thống là dạy học: “Kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên” (dựng nước quản dân, dạy học hàng đầu).

Đối với mỗi người, thân thể khỏe mạnh hay đau bệnh đều có liên quan đến việc này. Nếu như mỗi niệm của bạn đều như pháp thì thân và tâm của bạn sẽ khỏe mạnh. Pháp này chính là Ngũ Luân, Ngũ Thường, Tứ Duy, Bát Đức. Nếu như bạn hoàn toàn làm trái nghịch thì sẽ mắc trọng bệnh. Đây là sự thật, một chút cũng chẳng giả. Trong gia đình cũng như thế, nếu gia đình thảy đều y theo pháp thì gia đình hưng vượng. Nếu như làm trái ngược hoàn toàn thì gia đình này nhất định sẽ diệt vong, nhà tan người mất. Sự nghiệp cũng như vậy, luôn luôn hành theo pháp thì sự nghiệp sẽ thành công, không thể nghĩ bàn. Cho nên, phải biết cái gốc của bệnh sinh ra từ đâu. Cái gốc của bệnh sinh ra từ thân tâm của chính mình, rồi ảnh hưởng đến gia đình, sự nghiệp, xã hội, quốc gia, thậm chí cho đến toàn thế giới. Vì vậy, phải đoạn ác. Cái gì là ác? Trái ngược với luân thường đạo đức chính là ác. Phải tu thiện. Thiện là gì? Luân thường đạo đức chính là thiện. Ngay cả nhà khoa học cũng nói với chúng ta, trái nghịch với thường (thường là Ngũ Thường), thì xã hội động loạn, dẫn đến ngày tận thế. Nếu như tất cả biết quay đầu, mỗi cá nhân đều có thể luôn luôn làm theo pháp thì [mọi thứ] có thể khôi phục trở lại bình thường. Đạo lý này không thể không hiểu.

Thứ năm là “biết được nguyên nhân sanh bệnh là do đâu”. Hiện nay, trái đất bị bệnh rồi, xã hội bị bệnh rồi. Bệnh này từ đâu mà đến? Nguyên nhân gì dẫn đến bệnh này? Trừ được nguyên nhân thì sẽ khỏi bệnh. Nguyên nhân mắc bệnh đầu tiên của xã hội và của địa cầu ngày nay là do tự tư tự lợi, tham lam không dừng, tham sân si đã phát triển đến cực điểm. Phật làm thế nào để trị bệnh này vậy? Phật dùng giới, định, huệ, chuyển tham lam thành giới hạnh. Thập Thiện Nghiệp Đạo là giới căn bản trong nhà Phật. Giới điều gì? Giới tham sân si. Nếu như không trừ bỏ từ trên nhân thì có dùng phương pháp nào cũng không đạt được hiệu quả. Hiện nay người phương Tây dùng đủ loại pháp lệnh, quy định để hạn chế, ngăn ngừa, nhưng có hiệu quả hay không? Không có. Chính là câu mà một số người nói rằng: “Người trên ban chính sách thì kẻ dưới có kế sách đối phó”, nên không thu được hiệu quả. Có thể chân thật thu được hiệu quả thì phải nhờ vào giáo dục của Thánh Hiền. Những điều phía sau là nói về cách thức, phương pháp bổ trợ.

Thứ sáu là “phương tiện”, “phương” là phương pháp, “tiện” là tiện nghi, có nghĩa là phương pháp phù hợp nhất. Căn tính/tánh của mỗi người không như nhau, nghiệp chướng, tập khí không như nhau, hoàn cảnh cuộc sống cũng chẳng giống nhau, thế nên phương pháp mà mỗi người sử dụng sẽ không giống nhau. Phương pháp cần phải dựa vào thiện căn, thói quen và hoàn cảnh của bản thân thì mới thu được hiệu quả. “Thổ nạp khí trung, vận tâm duyên tưởng, bất thất kỳ nghi” (hít thở, khởi tâm động niệm không được trái quy củ). “Thổ nạp” có nghĩa là hít thở. Trong số người tu pháp môn Tịnh Độ, có người dùng phương pháp hít thở mà niệm Phật, hít thở không gián đoạn, Phật hiệu không gián đoạn. Đây là một phương pháp rất tốt, dụng công lâu ngày thực sự có thể nhiếp tâm, cũng chính là nói vọng niệm ít, phiền não nhẹ, trí huệ tăng, có thể thu được hiệu quả như vậy.

Thứ bảy là “hành trì lâu dài, dù chưa hiệu quả cũng không được bỏ dở” . Bạn dùng phương pháp này không có hiệu quả thì đừng nên bỏ cuộc, hãy cứ tiếp tục nỗ lực, trường thời huân tu thì lợi ích sẽ hiện tiền. Tập khí của chúng ta quá sâu dày, thời gian nuôi dưỡng tập khí quá lâu, làm sao trong chốc lát có thể khống chế tập khí được? Điều này không thể nào. Phương pháp của Phật Bồ-tát có hay đến đâu thì bạn cũng phải kiên nhẫn thì mới có được hiệu quả. Người xưa nói: “Đọc sách ngàn lần, nghĩa kia tự hiểu”. Bạn đọc sách, không hiểu được sách nói gì là vì công phu của bạn chưa đủ. Công phu đủ rồi thì khi mở sách ra xem, ý nghĩa liền hiện tiền. Vì sao trước đây mở sách ra xem thì ý nghĩa không thể hiện tiền còn bây giờ mở sách ra xem thì ý nghĩa liền hiện tiền vậy? Vì trước đây có chướng ngại, hiện nay chướng ngại đã được tiêu trừ, đạo lý là ở chỗ này.

Thứ tám là “khéo gạn lọc hợp lý”. Nguyên tắc bên trong phương pháp đều là tốt, không có lấy bỏ, bạn cần phải thọ trì tất cả. Trong trăm ngàn năm qua, rất nhiều bậc tiền nhân y theo phương pháp này làm đều có thể đạt được lợi ích. Nếu như chúng ta làm theo như thế thì có được lợi ích hay không? Chưa chắc, vì sao vậy? Hoàn cảnh cư trú của người xưa và chúng ta hiện nay không như nhau. Thời xưa các Ngài có thể làm như thế, hiện nay không thể làm được, thế nên có người được lợi ích, có người bị tổn hại. Nguyên lý nguyên tắc nhất định không thay đổi, nhưng kinh nghiệm xưa và nay lại không như nhau. Cần phải có trí huệ mới có thể chọn lọc, lựa chọn cái nào có ích cho chúng ta thì chúng ta cần nỗ lực mà học tập; cái nào không có ích cho chúng ta thì chúng ta phải loại bỏ, buông xuống. Mặc dù buông xuống nhưng không thể nói nguyên tắc này sai, mà vào thời xưa thì nó là đúng, nhưng ở thời đại này thì nó không còn phù hợp nữa. Phải hiểu đạo lý này.

Thứ chín là “khéo biết những duyên bất đồng phải trì hộ chứ không xúc phạm”. Có duyên bất đồng hay không? Có. Hiện nay, những chủng tộc, tín ngưỡng, văn hóa khác nhau được gọi là dị duyên. Chúng ta có cần học tập hay không? Cần học tập, cần tôn trọng, phải nghiêm túc học tập, phải hết lòng tôn trọng thì chúng ta mới có thể chung sống hòa thuận. Tuy là hòa nhưng không đồng, cũng không được sinh ra đối lập. Việc này quan trọng hơn hết thảy. Thế nào là hòa nhưng không đồng? Ví như khi mọi người cùng ăn cơm với nhau, có người thích ăn ngọt, có người thích ăn mặn, có người thích ăn cay, nhưng không hề có xung đột, họ thích ăn thứ gì cũng được, không được yêu cầu người khác ăn giống như mình, mỗi người có sở thích riêng, có nhu cầu riêng. Nếu như mỗi người đều đạt được lợi ích thì sẽ chung sống tốt với nhau. Cần học tập lẫn nhau, chung sống hòa thuận, không được có xung đột. Trì hộ, “trì” tức là thọ trì; còn “hộ”, ngoài việc hộ chính mình ra còn hộ trì người khác.

Thứ mười là “được lợi không khoe khoang, bị tổn không nghi báng”. Câu nói này vô cùng quan trọng. Khi đạt được lợi ích không được đi khoe khoang, vì sao vậy? Sẽ khiến người khác sinh phản cảm. Đặc biệt là văn hóa bất đồng, tín ngưỡng bất đồng, đây là những vấn đề nhạy cảm. Người khác đến hỏi bạn thì bạn có thể nói, nhưng nếu họ không hỏi thì bạn đừng chủ động tuyên dương, mà nên khen ngợi hết thảy các văn hóa khác nhau. Đối với các tín ngưỡng khác nhau thì cần dùng cách “Lễ kính chư Phật” trong Thập Đại Nguyện Vương mà lễ kính và cúng dường một cách bình đẳng, vậy mới đúng, nhất định sẽ xuất hiện một thế giới đại đồng, hài hòa.

Chúng ta y theo đây mà tu học, thế nhưng kết quả đạt được không phải là phúc đức mà lại là tai nạn, bệnh khổ thì phải làm sao? Có sinh hoài nghi hay không? Có sinh hủy báng hay không? Đại đa số người đều sẽ có những hành vi như thế. Phật Bồ-tát, tổ sư đại đức dạy chúng ta không được làm như vậy, vì cớ sao? Sự tổn thất của bạn, bạn nên nhận lấy. Người học Phật lâu năm có thể hiểu được điều này. Đây chính là tiêu nghiệp chướng của chính mình, mắc phải bệnh khổ lớn tức là nghiệp chướng đã tiêu trừ, nếu nghiệp chướng tiêu thì bệnh sẽ hết. Thế nên, cần phải biết sám hối, không được hoài nghi, không được hủy báng Phật, không được hủy báng Pháp. Nếu báng Phật, báng Pháp thì tội sẽ chồng thêm tội. Nếu bạn đối với Phật pháp càng kiền thành, càng chân thật nghiêm túc nỗ lực thì nghiệp chướng sẽ mau được tiêu trừ. Cho nên, trong pháp Đại Thừa, Phật nói rằng, nghi là chướng ngại nghiêm trọng hàng đầu của Bồ-tát. Nhất định phải ghi nhớ điều này. Đối với những lời dạy của Thánh nhân, đối với lời dạy trong Kinh của Phật Bồ-tát thì không được hoài nghi, không được hủy báng.

Trích từ: Từ bài giảng Kinh Hoa Nghiêm
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

Nhận Thức Nguồn Gốc Của Bệnh Tật
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Khai Thị Về Bịnh Viêm Phổi Do Coronavirus
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Ba Nguyên Nhân Của Bịnh Tật
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Căn Nguyên Của Bịnh Tật
Hòa Thượng Thích Tịnh Không