Home > Khai Thị Niệm Phật > Ðai-The-Chi-Bo-Tat-Niem-Phat-Vien-Thong
Ðại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông
Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Tỳ Kheo Thích Minh Định, Việt Dịch


Ðại: Ðại là gì? Ðại là trái với tiểu, nhưng ở đây "đại" mà "vô ngoại, " nghĩa là chẳng có gì lớn hơn nữa. "Ðại" ở đây là thể của pháp, đồng thời cũng là Phật tánh của chúng sanh. Ðó là "đại nhi vô ngoại, " "tiểu nhi vô nội, " bao trùm tận thư không gồm hết pháp giới.

Do đó nói rằng Ðại Thế Chí Bồ Tát làm một động tác như đưa tay lên hoặc bước tới một bước, thì thập phương thế giới đều rúng động. Uy lực của Ngài vô cùng lớn lao, cho nên gọi là "Ðại Thế Chí." Bởi vậy khi Ngài di động, cả mười phương thế giới đều rúng động. Có người thắc mắc: "Ngài thường đi đây đi đó hay không?"

Quý Phật tử chớ nên bận tâm về việc này, vì một khi Ngài Ðại Thế Chí di chuyển thì thập phương thế giới thường chấn động, do đó Ngài thường ở trong đại định. Tuy nhiên, mặc dù Ngài nhập định nhưng Ngài vẫn có mặt cùng khắp, hào quang của Ngài chiếu sáng cùng khắp, trí tuệ của Ngài cũng ở cùng khắp.

Quý Phật tử cũng chẳng nên nghĩ rằng: "Oh!" "Ngài Ðại Thế Chí Bồ Tát nhất định là một vị rất quê mùa, thô lổ. Nếu không như thế thì bước chân của Ngài đâu có thể làm chấn động thập phương thế giới? Nhất định bước chân của Ngài rất nặng nề."

Chẳng phải như thế đâu. Không phải bước chân của Ngài nặng nề như quý vị suy đoán. Quý vị không nên lấy cái tri kiến của phàm phu mà suy đoán Thánh nhơn. Chẳng qua là oai đức của Ngài làm chấn động thập phương thế giới. Không những Ngài có oai đức to tát như vậy mà Ngài còn có thể dùng năng lực của mình để khiến cho thập phương thế giới được bình an vô sự, chẳng có mảy may chấn động. Cho nên mặc dù Ngài có năng lực như vậy nhưng chưa hẳn Ngài mang quyền lực này ra sử dụng, đó là Ðại Thế Chí Bồ Tát.

Vừa qua tôi đã giảng nghĩa ba chữ "Ðại Thế Chí." "Bồ tát" là gì? "Bồ tát" là "bồ dã, giác dã, tình dã." Tức là giác hữu tình. Nói đầy đủ là Bồ Ðề Tát Ðỏa, phạn ngữ là Bodhisattva. Bồ tát là bậc giác ngộ trong số chúng sanh, cũng có thể nói rằng Bồ tát là chúng sanh đã giác ngộ.

Làm sao có thể nói Bồ tát là bậc giác ngộ từ trong chúng sanh? Bồ tát vốn cũng là chúng sanh như quý vị, như tôi. Chẳng qua là Bồ tát nguyện phát bồ đề tâm, dũng mãnh tinh tấn, hành Bồ tát đạo, - xả những gì mà người khác không thể xả bỏ được, nhẫn những gì mà người khác không thể nhẫn được, làm những gì mà người khác không thể làm được, và đem lại lợi ích cho hết thảy chúng sanh. Vì Bồ tát làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh cho nên mới được giác ngộ, và là một bậc giác ngộ trong số chúng sanh chúng ta.

Bồ tát vốn chẳng khác gì chúng ta. Chẳng những Bồ tát giống như chúng ta, mà ngay cả Phật Thích Ca Mâu Ni khi còn sanh đi sanh lại nhiều kiếp ở nhân địa, thì Ngài cũng là chúng sanh như quý vị, như tôi. Hiện giờ tôi, quý vị và hết thảy chúng sanh đều là chư Phật trong vị lai, cho nên Phật xem hết thảy chúng sanh đều là cha mẹ trong quá khứ, đều là chư Phật trong vị lai. Quán sát như vậy nên Ngài xem hết thảy chúng sanh đều là cha mẹ trong quá khứ, do đó đối với mỗi chúng sanh Ngài đều có tâm hiếu thuận. Ngài xem mỗi chúng sanh đều là Phật trong vị lai, do đó Ngài có lòng cung kính đối với mỗi chúng sanh. Ðối với tất cả chúng sanh Ngài vừa có tâm cung kính vừa có tâm hiếu thuận.

Cho nên Ngài đối xử với hết thảy chúng sanh rất bình đẳng, nhìn chúng sanh với đôi mắt từ bi, và cũng trên phương diện này, Bồ tát là bậc giác ngộ trong chúng sanh. Lại nữa, Ngài mang đạo lý mà Ngài giác ngộ được ra giáo hóa chúng sanh, khiến hết thảy chúng sanh cũng đều giác ngộ như Ngài để được lợi ích, cho nên gọi đó là "tự lợi, lợi tha." Vừa qua tôi đã giải thích đại khái về Bồ tát.

"Niệm Phật." Tôi xin quý vị hãy nhận thức rõ ràng hai chữ "Niệm Phật" trong chương "Ðại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông." Ý nghĩa của Kinh văn chẳng phải là Ngài Ðại Thế Chí Bồ Tát được thỉnh cầu niệm Phật, mà là Ðại Thế Chí Bồ Tát hiện thân thuyết pháp, dạy chúng ta và hết thảy chúng sanh rằng: "Tôi nhờ pháp môn Niệm Phật mà đắc viên thông. Nếu người nào y theo phương pháp này tu hành thì khả dĩ cũng đắc viên thông." Ngài đã đắc viên thông, Ngài muốn hết thảy chúng sanh đều đắc viên thông như Ngài.

Cho nên "Niệm Phật" ở đây chẳng phải chính Ngài Ðại Thế Chí niệm Phật, vì Ngài đã "Niệm vô sở niệm, " - chẳng niệm mà niệm, niệm mà không niệm. Ngài đã đạt mức viên thông này và nhiều kinh nghiệm về pháp môn niệm Phật. Cho nên Ngài dạy chúng ta và hết thảy chúng sanh rằng: "Quý vị có biết chăng? Tôi từ con đường Niệm Phật mà đến. Phương pháp này giúp tôi đắc viên thông, nay tôi truyền cho quý vị, quý vị có thể dùng pháp môn Niệm Phật này mà đắc viên thông."

Niệm Phật có bốn phương pháp:

1. Trì danh niệm Phật
2. Quán tượng niệm Phật
3. Quán tưởng niệm Phật
4. Thực tướng niệm Phật

1. Trì danh niệm Phật:

Trì danh niệm Phật là thường thường chuyên niệm sáu tiếng "Nam Mô A Di Ðà Phật." Lúc tôi ở tại Ðài Bắc tôi gặp một người rất bướng bỉnh. Tôi bảo y niệm Phật, y trả lời: "Niệm Phật nào có lợi ích gì? Thay vì niệm Phật thì để tôi niệm tôi hay hơn." Tôi đáp: "Cũng vậy thôi, nếu ông niệm ông, mà có thể thành Phật được thì cũng được thôi." Chúng ta niệm Phật là vì đức Phật A Di Ðà lúc còn ở nhân địa đã phát bốn mươi tám đại nguyện.

Một trong bốn mươi tám đại nguyện ấy là: "Tất cả chúng sanh trong thập phương thế giới, nếu có người nào xưng danh hiệu tôi thì người đó nhất định thành Phật; nếu người đó không thành Phật thì tôi thề không thành Chánh giác, tôi cũng chẳng thành Phật."

Căn cứ vào lời đại nguyện này, chúng ta chẳng khác gì được đi trên một chiếc thuyền để đến bờ bên kia. Nguyện lực của Phật A Di Ðà chính là bản hợp đồng mà trong quá khứ Ngài đã cùng chúng ta và chúng sanh trong thập phương ký kết với nhau. Cho nên, nếu chúng ta niệm Phật mà chẳng được sanh về thế giới Cực Lạc thì đức Phật A Di Ðà cũng thiếu tư cách để thành Phật. Vì mối quan hệ này cho nên mỗi chúng ta nên thành tâm thực hành pháp môn niệm Phật.

Pháp môn niệm Phật là một pháp môn đơn giản nhất, viên dung nhất, một pháp môn đi tắt chóng thành Phật nhất. Pháp môn này cũng chẳng đòi hỏi nhiều thời gian, chẳng phải hao tốn tiền bạc. Người già cả cũng có thể niệm Phật, người trẻ tuổi cũng có thể niệm Phật, kẻ tráng niên cũng có thể niệm Phật, người bịnh cũng như người khỏe mạnh đều có thể niệm Phật. Theo pháp môn Niệm Phật này thì:

Tam căn phổ bị

Lợi độn kiêm thu

Tam căn phổ bị: Ba căn là thượng, trung, hạ tức là kẻ có trí tuệ, người bình thường, kẻ ngu đần. Cả ba hạng người này đều có thể niệm Phật để được sanh về thế giới Cực Lạc.

Lợi độn kiêm thu: Là bao gồm cả hạng người thông minh nhất (như Phổ Hiền Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, hai Ngài đều phát nguyện vãng sanh Tịnh Ðộ) lẫn hạng người ngu đần nhất. Ngay cả loài súc sanh như chim anh võ, chim bát ca, chúng đều niệm Phật và cũng được vãng sanh về thế giới Cực Lạc, hà huống là "vạn vật chi linh, như loài người chúng ta" mỗi người niệm Phật đều có hy vọng vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Vì Ðức Phật A Di Ðà và chúng ta có ký kết hợp đồng, không lý Ngài đã ký kết rồi bỏ qua hay sao? Cho nên chúng ta dựa vào hiệu lực của hợp đồng này nhất quyết có thể vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc vậy.

2. Quán Tượng Niệm Phật:

Quán tượng tức là thỉnh một bức tượng Phật A Di Ðà, rồi vừa niệm Phật vừa quán tưởng tướng hảo trang nghiêm của Phật A Di Ðà, nhất là ánh hào quang tướng bạch hào giữa hai mắt. Thường thường quán tượng để niệm Phật rất dễ đắc Niệm Phật Tam muội, đạt tới nhất tâm bất loạn. Chủ yếu trong việc niệm Phật là đạt tới nhất tâm bất loạn, đắc Niệm Phật Tam muội. Nếu quý vị đắc Niệm Phật Tam muội thì dù có mưa to gió lớn cũng không lay chuyển. Bất luận quý vị đi, đứng, ngồi, hay nằm, nhứt nhứt đều ở trong Tam muội, đi cũng Di Ðà, ngồi cũng Di Ðà; đi cũng Phật, ngồi cũng Phật. Quý vị ở trong Tam muội thì sẽ được thấm nhuần nước trí tuệ. Ðạt tới Niệm Phật Tam muội, nhất tâm bất loạn, thì nhất định sẽ được vãng sanh.

3. Quán Tưởng Niệm Phật:

Quán tưởng tức chỉ đơn thuần quán tưởng, không cần phải có tượng phật trước mặt. Quán tưởng:

A Di Ðà Phật thân kim sắc,
tướng hảo quang minh vô đẳng luân,
bạch hào uyển chuyển ngũ Tu Di,
cám mục trừng thanh tứ đại hải,
quang trung hóa Phật vô số ức,
hóa Bồ tát chúng diệc vô biên,
tứ thập bát nguyện độ chúng sanh,
cửu phẩm hàm linh đăng bỉ ngạn.

Quán tưởng bài kệ tán Phật này cũng có thể đắc Niệm Phật Tam muội.

4. Thực Tướng Niệm Phật:

Thực tướng niệm Phật tức niệm mà không niệm, không niệm mà niệm, lúc đó hành giả đi vào tham thiền. Cho nên người hiểu rõ niệm Phật chân chính không phản đối tham thiền; người hiểu rõ tham thiền chân chính cũng chẳng phản đối niệm Phật. Chẳng những không phản đối niệm Phật mà cũng chẳng phản đối Giáo Tông, Mật Tông, Luật, Mật, Tịnh nhưng hợp lại thì "nhất tông bất lập, " một tông cũng chẳng có, tất cả đều hổ trợ lẫn nhau, tông này cùng tông nọ đều có mối tương quan với nhau.

Chúng ta là chúng sanh chẳng nên tự sanh tâm phân biệt, chẳng nên "đầu thượng an đầu" trên đầu còn đặt thêm đầu nữa, nói rằng: "Thiền tông là Thiền tông, Mật tông là Mật tông, chẳng có tương quan gì cả." Không phải như vậy! Tất cả các tông vốn là một, vốn chẳng có phân biệt quá nhiều như vậy, chỉ vì chúng sanh không có việc chi làm, muốn tìm cái gì để làm, cho nên phân ra đây một tông, đó một tông; nam một tông; bắc một tông; đông một tông; tây một tông, trên một tông, dưới một tông, rốt cuộc chẳng biết tôi thuộc tông nào, ông thuộc tông nào.

Tại Mỹ thường có người hỏi tôi: "Chẳng hay thầy thuộc tông nào?" Tôi đáp: "Chẳng tông nào cả. Nếu tôi thuộc một tông thì tôi đang ở trong một phạm vi hạn hẹp; tôi chẳng thuộc tông nào thì tận hư không, cùng khắp pháp giới đều là của tôi, bao trùm tất cả. Tại sao tôi lại tự vẽ cho mình một phạm vi nhỏ bé, tạo ra một giới hạn chật hẹp, nói rằng mình thuộc một tông nào đó? Tôi thuộc Phật giáo, không có tông mà cũng chẳng có phái lại cũng chẳng có môn mà cũng không có hộ. Tôi với tông nào cũng là một." Tôi thường nói thế này:

Chân nhận tự kỷ thác,
Mạc luận tha nhân phi,
Tha phi tức ngã phi,
Ðồng thể danh Ðại Bi.

(Thành thật nhận lỗi mình,
Chớ bàn luận lỗi người,
Lỗi người tức lỗi mình,
Ðồng thể tức Ðại Bi.)

Hãy nhìn nhận một cách thành thật lỗi lầm của mình, không nên bàn luận lỗi lầm của người khác, kẻ khác có lỗi lầm tức mình có lỗi lầm, lỗi lầm của họ cũng là lỗi lầm của mình, phải tìm cách tự sửa sai mới đúng. Chớ nên bất cứ lúc nào miệng cũng luôn nói: "Không đúng, không đúng, không đúng, không đúng!" Thử hỏi như vậy có ích lợi chi? Cho nên có câu: "Ðồng thể danh Ðại Bi, " vì tất cả đều là một thể, đó là đại bi tâm. Quý vị đi đâu để tìm đại bi tâm? Quý vị tìm nó từ bản thân của quý vị, chẳng cần đi tìm cầu bên ngoài.

Như vậy thực tướng niệm Phật tức là tham thiền. Do đó quý vị Thiện tri thức chớ nên làm một đệ tử bất hiếu của Phật Thích Ca Mâu Ni, chớ nên luôn quấy nhiễu, chớ nên gây tổn thương tình ruột thịt, chớ nên tự tạo rắc rối cho mình. Ðó là kỳ vọng của tôi đối với Phật giáo hiện đại.

Bấy giờ, thời gian không cho phép chúng ta tiếp tục. Quý vị Phật tử cần về nghỉ ngơi để ngày mai kẻ đi làm, người bận việc khác, ép buộc tinh tấn thái quá cũng chẳng tốt. Mong quý vị về nhà nếu trằn trọc chưa ngủ được thì hãy niệm Phật. Chúc quý vị Phật tử một đêm an lành.

"Niệm Phật năng niệm vô gián đoạn"

Bây giờ chúng ta cùng Quy Y Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo.

Nam Mô Thường Trụ Thập Phương Phật

Nam Mô Thường Trụ Thập Phương Pháp

Nam Mô Thường Trụ Thập Phương Tăng

Kinh Ðại Bảo Tích nói: "Vào thời Mạt pháp, một ức người tu hành chỉ một người đắc đạo cũng rất là hiếm, duy có nương vào niệm Phật mà đắc độ." Tu hành vào thời mạt pháp không dễ gì đắc đạo, duy có nương vào pháp môn niệm Phật mới dễ thành tựu đạo nghiệp.

Ðại Thế Chí Bồ Tát là một trong Tam Thánh ở cõi Tây Phương mà đức giáo chủ là Phật A Di Ðà. Ðức Quán Thế Âm và Ðức Ðại Thế Chí cùng đến giúp Ngài tiếp dẫn chúng sanh về cõi Cực Lạc. Cho nên pháp môn niệm Phật rất được các Ngài đề cao.

Chúng ta niệm Phật cần niệm đến mức nhất tâm bất loạn, đạt tới niệm Phật Tam muội. Muốn đạt tới trình độ này thì phải làm thế nào? Trước tiên phải chuyên nhất, luôn giữ chánh niệm mà trì danh niệm Phật. Cách đây hơn hai mươi năm tôi có viết một bài kệ về niệm Phật, nay xin đọc lại cho quý vị nghe.

Kệ rằng:

Niệm Phật năng niệm vô gián đoạn,
Khẩu niệm Di Ðà đả thành phiến,
Tạp niệm bất sanh đắc Tam muội,
Vãng sanh Tịnh Ðộ định hữu phần,
Chung nhật yếm phiền Ta bà khổ,
Tài tương hồng trần tâm niệm đoạn,
Cầu sanh Cực Lạc ý niệm trọng,
Phóng hạ nhiễm niệm quy tịnh niệm.
Niệm Phật niệm hoài không gián đoạn,
Hồng danh đồng khởi tại tâm can,
Tạp niệm không sanh tam muội được,
Vãng sanh Tịnh độ có phần sang,
Trọn ngày chán nản Ta bà khổ,
Tâm niệm hồng trần dứt sạch quang,
Cầu sanh Cực Lạc luôn trong ý,
Nhiễm niệm dứt trừ, tịnh niệm toàn.

"Niệm Phật năng niệm vô gián đoạn" tức là quý Phật tử có thể niệm Phật đến độ không gián đoạn.

"Khẩu niệm Di Ðà đả thành phiến, " tức quý vị luôn niệm sáu tiếng hồng danh, "Nam Mô A Di Ðà Phật, " niệm cho đến gió thổi chẳng lọt, mưa tuôn không thấm. Lúc đó mới thực sự đạt tới cảnh giới Niệm Phật Tam muội, cho nên mới nói rằng miệng niệm Di Ðà khư khư chẳng rời.

"Tạp niệm bất sanh đắc Tam muội, " tức là hết thảy tạp niệm đều không nảy sanh, cho nên nói rằng:

Một niệm chẳng sanh toàn thể hiện,

Lục căn thoáng động bị mây che.

Quý vị có thể niệm cho đến một niệm cũng chẳng sanh, thì tạp niệm gì cũng chẳng còn, như vậy ắt đắc niệm Phật Tam muội.

"Vãng sanh Tịnh Ðộ định hữu phần." Một khi đạt tới Niệm Phật Tam muội rồi thì nhất định được sanh về cõi Tịnh Ðộ. Quý vị nhất định có hy vọng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc bốn câu trước đã giải thích qua, sau đây là bốn câu còn lại:

"Chung nhật yếm phiền Ta bà khổ, " tức là Ngày ngày đều cảm thấy cõi Ta bà đầy khổ não, thế giới Cực Lạc rất an vui, cho nên mình hãy luôn nhàm chán cõi khổ Ta bà.

"Tài tương hồng trần tâm niệm đoạn, " tức tâm niệm hồng trần mới diệt được. Vì mình chán ghét cái khổ nên muốn được an lạc, hễ muốn có an lạc thì hãy từ bỏ những thú vui vật chất tạm bợ trên thế gian.

"Cầu sanh Cực Lạc ý niệm trọng." Ðiều rất quan trọng là có tâm mong cầu vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

"Phóng hạ nhiễm niệm quy tịnh niệm, " nghĩa là mình có thể rời bỏ ý niệm nhiễm ô thì là lúc Tịnh Ðộ đã chín muồi. Trái lại, nếu vẫn còn níu kéo cái ý niệm ô nhiễm kia thì nhứt quyết chẳng thể nào vui hưởng sự an lạc thanh tịnh của Thế Giới Cực Lạc được.

Bài kệ tám câu này tuy rất ngắn gọn nhưng nếu ta suy ngẫm kỹ thì rất lợi lạc cho ai tu pháp môn Tịnh Ðộ.

Ðại Thế Chí Bồ Tát đắc niệm Phật "Viên thông": Viên là viên dung vô ngại; thông là thông đạt. Niệm Phật tới mức vừa viên dung lại vừa thông đạt, tức là niệm Phật đến viên mãn, niệm đến thành tựu, đồng thời cũng chứng đắc sự và lý đều viên dung vô ngại. Ðạt được cảnh giới này thì gọi là viên thông.

PHÁP MÔN NIỆM PHẬT