Một Câu Niệm Phật Đủ Lục Độ
Đại Sư Diệu Liên | Dịch Giả : Thích Tâm An

Phật thường dạy: “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Thật vậy, chúng ta là người học Phật, cố nhiên không phải chỉ học một pháp môn mà cần phải học tất cả các pháp môn khác. Thế nhưng, bạn phải biết pháp môn niệm Phật là pháp môn tổng trì, có đầy đủ vô lượng vô biên các pháp. Tôi thường thí dụ danh hiệu A Di Ðà Phật giống như thức ăn duy trì thân mạng, nếu bạn không ăn thân thể sẽ trở nên tiều tụy. Vì một câu A Di Ðà Phật đầy đủ tứ nhiếp pháp, lục độ vạn hạnh. Liên Trì Ðại sư cũng có nói: “Một khi khởi niệm danh hiệu đã đầy đủ vạn đức, một khi trì danh đã đầy đủ trăm hạnh”, nói như thế người không có trí tuệ sẽ không thể nào lãnh thọ, không thể hiểu được, đồng thời cũng không tin.

Bình thường có một số người ngộ nhận rằng: “Một câu A Di Ðà Phật đã đầy đủ lục độ vạn hạnh, tứ nhiếp, như vậy chúng ta tu lục độ và hành tứ nhiếp pháp thì không cần phải niệm Phật nữa”. Bạn cần phải biết chúng ta niệm Phật là để cầu sinh Tây phương. Trong Kinh A Di Ðà, Phật có dạy: “Không thể nào lấy một chút ít phước đức nhân duyên mà được sinh sang nước ấy”. Chúng ta nhất định phải có lòng tin kiên cố, trước tiên lấy câu A Di Ðà Phật trì niệm cho chí thành, có như thế nghiệp chướng mới tiêu trừ, trí tuệ mới phát sinh, sau đó mới tu tập các pháp khác. Vì sao trước tiên chúng ta phải chấp trì Thánh hiệu? Vì trong Thánh hiệu đã có đầy đủ công đức tứ nhiếp pháp và lục độ vạn hạnh, nên chúng ta cần phải niệm Phật cho nhiều, nhờ vào công đức của niệm Phật làm cơ sở, nền móng cho chúng ta, sau đó mới tu tứ nhiếp và lục độ, có như thế con đường tu đạo mới thông, từ chỗ thông rồi, dụng công mới nhẹ nhàng, mới có an ổn được.

Tuy nói cần tu lục độ vạn hạnh, song, chúng ta là người niệm Phật cần phải chú trọng ở việc cầu sinh Tây phương. Sinh Tây phương chứng được vô sinh pháp nhẫn rồi, sau đó mới trở lại đạo tràng trong mười phương thế giới, rộng độ chúng sinh, viên mãn hạnh nguyện Bồ đề, có như thế mới xứng đáng là người tu niệm Phật.

Những lời nói trên đều đã được chư Tổ nói trong quá khứ. Lời Tổ nói đều căn cứ theo kinh điển, tôi chỉ đem lời nói của các ngài mà phân tích, diễn bày cho chư vị dễ hiểu. Thật ra lời nói đó không khác gì lời dạy của chư Tổ. Tại sao tôi lại dám biến đổi lời dạy của chư Tổ? Vì muốn khế lý khế cơ theo thời đại. Nếu nói hoàn toàn giống lời văn trong kinh điển, e rằng sẽ có người không thể hội được, vì thế cần phải tùy theo hoàn cảnh, tùy theo căn cơ của mọi người mà nói. Song dù trăm thuyết ngàn thuyết cũng không lìa nghĩa lý, giống như các nhà khoa học y khoa hiện tại rất tiến bộ, đã phát hiện ra nhiều chất dinh dưỡng để duy trì mạng sống nhân loại, cho nên tôi cũng lấy thí dụ danh hiệu A Di Ðà vạn đức hồng danh dạy người cho dễ hiểu, quý vị có nhận thức được không?
 
Trích từ: 7 Ngày Khai Thị Phật Thất
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Khai Thị Của Hòa Thượng Diệu Liên Tập 1, Linh Nham Tùng Thư Tải Về
2 Khai Thị Của Hòa Thượng Diệu Liên Tập 2, Linh Nham Tùng Thư Tải Về

Nhiếp Niệm
Pháp Sư Đạo Thế

Rộng Nhiếp Các Giáo
Đời Đường, Thiện Đạo Hòa Thượng tập ký

Tứ Nhiếp Pháp
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa