Home > Khai Thị Niệm Phật
Phép Quán Tướng Bạch Hào Của Phật
Bồ Tát Bật Sô Hành Sách Triệt Lưu | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


Kinh Quán Vô Lượng Thọ dạy:   “Nếu muốn sanh Tây Phương nên quán tượng [Phật] một trượng sáu trên mặt nước ao”. Kinh lại dạy:   “Thân tướng rất nhiều chẳng thể quán trọn thì nên khởi đầu từ một tướng, nghĩa là chuyên quán một tướng bạch hào. Đợi đến khi quán [tướng ấy] thành thục thì các tướng khác tự nhiên hiển hiện”.

Bạch hào dài một trượng năm thước, chu vi năm tấc. Phía ngoài có tám cạnh, bên trong rỗng thông, từa tựa như ống lưu ly, nằm giữa hai mày, biểu thị Trung Đạo; uyển chuyển xoay theo chiều phải trắng như kha tuyết, sáng sạch rực rỡ soi tỏ thân vàng. Lúc tưởng tướng ấy nên giữ cho tâm kiên cố. Nếu tâm hôn mê tán loạn thì hãy chế ngự cho tâm minh tịnh; bởi lẽ minh sẽ chẳng hôn mê, tịnh sẽ chẳng tán loạn.

Nên biết rằng minh tịnh là hiệu quả của Chỉ Quán, là thể của Định Huệ, mà cũng chính là bản thể của tâm. Chỉ Quán là công phu, Định Huệ là nhân hạnh. Minh tịnh là hiệu quả của việc dụng công. Minh tịnh đến cùng cực sẽ nhanh chóng khế hợp bản thể. Nếu đạt đến quả vị cùng cực sẽ thành hai thứ phước trí trang nghiêm.

Nay thân tâm tịch định là Chỉ, quán tướng bạch hào của Phật là Quán. Tướng bạch hào rành rẽ là Minh. Giữ vững chẳng rộng là Tịnh. Đấy là nhờ đến thân tướng của Phật để hun đúc tâm tánh của mình; nếu quán trí thành tựu sẽ tự nhiên hiển hiện, chính là nghĩa ấy. Nhưng muốn tu pháp quán này phải thấu rõ “vạn pháp duy tâm”. Kinh nói:

Tâm như công họa sư,

Tạo chủng chủng ngũ ấm,

Nhất thiết thế gian trung,

Mạc bất tùng tâm tạo.

(Tạm dịch:

Tâm như thợ vẽ khéo,

Tạo bao thứ ngũ ấm,

Trong hết thảy thế gian,

Không chi chẳng tâm tạo). 

Vì thế biết rằng tướng bạch hào của Phật Di Đà tâm ta sẵn có, trong định hiện ra [tướng ấy] cũng là do tâm ta tạo ra. Tâm này làm thành tướng bạch hào, tâm này là tướng bạch hào, chẳng từ cái gì khác mà có, chẳng từ bên ngoài đến. Liễu đạt như thế mới gọi là “tu quán đúng pháp”.

Nói chung, cái quán trí để quán là Nhất Tâm Tam Quán, cái tướng bạch hào được quán là Nhất Cảnh Tam Đế. Vì sao vậy? Trong Định, hào tướng tuy hiện ra trước, nhưng đều do nhân duyên tưởng niệm, không có tánh tướng thật. Đấy là pháp sanh bởi nhân duyên, pháp vốn không có tự tánh, không tha tánh, không cộng tánh, không nhân duyên tánh. Do bốn tánh đều không nên không có thật tánh; nhưng tướng bạch hào sanh bởi tưởng niệm ấy chẳng phải chỉ là tướng không tánh, mà cũng nào có khác chi như bóng trong gương, như bóng trăng in nước nên chẳng có tướng thật.

Do tánh lẫn tướng chẳng thật nên nó vừa là không, vừa là chân. Do theo niệm mà thấy được nên nó chính là Giả, là Tục. Do là Giả, là Tục nên nó chẳng phải là chân không. Do nó chính là chân, chính là không nên chẳng phải là Tục, là Giả. Đấy chính là một niệm “tác thị”   (làm là: “tâm này làm Phật, tâm này là Phật”)   vừa che lấp, vừa chiếu soi, lìa “tức” lìa “phi”, là “tức” mà chẳng phải là “tức”. Vì thế đấy là quán cảnh trung đạo tam nhất viên dung chẳng thể nghĩ bàn . Từ các Đế phát khởi Quán, Quán chiếu ngược lại Đế. Cảnh Quán chẳng hai vì chỉ là nhất tâm. Cổ đức có bài tụng rằng:

Cảnh vi diệu giả, quán vi không,

Quán cảnh song vong tức thị Trung.

Vong chiếu hà tằng hữu tiền hậu.

Nhất tâm dung tuyệt liễu vô tung.

Bài tụng này chỉ nói đại lược nên tôi phải giải thích đại lược ý nghĩa:

Cảnh là diệu giả nên Trung và Không cũng phải gộp trong ấy; nếu chẳng gộp vào đấy, sao gọi là “diệu” được? Nói “quán vi không”   (quán là không)   là ám chỉ Diệu Không, mà Trung và Giả cũng phải bao hàm trong cái Không đó.

Nói “quán cảnh song vong” là gộp cả ý “song chiếu” vào trong đó. “Song vong” tức là chẳng phải Không, chẳng phải Giả; “song chiếu” là vừa Không, vừa Giả. Do chẳng chấp vào hai bên mà cũng chẳng lìa hai bên   (Không và Giả)   nên “tức thị Trung”   (chính là Trung Đạo).

Hai câu tiếp đó ý nói: Vong và chiếu đồng thời   (“Vong chiếu hà tằng hữu tiền hậu”: Vong và chiếu chưa hề có trước sau)   nên nhất tâm viên dung, tuyệt đối đãi. Đó là vì cảnh tuy có ba   (Không Giả Trung)   nhưng thuộc về cảnh bị quán   (sở quán chi cảnh)   nên gọi là “diệu giả”. Giả quán tuy cũng gồm đủ ba thứ nhưng thuộc về Năng Quán nên gọi là Diệu Không. Cảnh và Quán tuy mỗi thứ đều có đủ ba thứ nhưng đã dùng đến phép diệu quán “song vong song chiếu”, ngầm khế hợp diệu cảnh “song phi song tức”   (cả hai đều “chẳng phải là”, nhưng cả hai cũng đều “chính là”)   nên chỉ là Diệu Trung. Do vậy, nêu một chính là ba, nói ba chính là một, ba và một chẳng tương đồng, nhưng ba và ba chẳng phải là khác. Chẳng thể dùng ý thức, suy lường, chẳng thể dùng danh từ, ngôn ngữ hòng phân biệt được nên nói là: “Vong chiếu chưa từng có trước sau! Nhất tâm dung tuyệt vô tăm tích!”

Dùng bốn câu này để thâu tóm trọn không còn sót diệu lý cảnh quán viên dung. [Lãnh hội được] bài kệ mầu nhiệm này còn hơn đọc cả trăm quyển sách của tông Thiên Thai. Nếu chẳng hiểu rõ nhất tâm, dù có quen thuộc với giáo lý Thiên Thai sợ rằng chẳng dễ thấu hiểu được nổi bài kệ này. Kinh dạy:   “Chỉ nghe đến tên gọi của tướng bạch hào còn diệt được vô lượng tội, huống hồ là đúng như pháp mà hệ niệm”.

Đức Thích Ca Như Lai kim khẩu truyền dạy, ngài Thiên Thai Trí Giả khuyên dạy chuyên tu. Cận đại, chỉ có mỗi U Khê Đại Sư là thường tu phép quán này. Nay tịnh nghiệp hành nhân nếu có thể nhất tâm trì danh vãng sanh lại kiêm tu diệu quán thì phẩm vị vãng sanh ắt là phải cao, nhưng nếu chẳng phải là hàng lợi căn thượng thượng thì đừng gắng gượng thực hành.