Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Thu-Tra-Loi-Phap-Su-Hang-Tam-Thu-Thu-Nhat
Nhận được thư biết những sách đã gởi năm ngoái ông đều nhận được hết, an ủi vô cùng. Gần đây, Diệu Cát cũng gởi một lá thư cho biết sách gởi cho ông ta cũng nhận được rồi. Ông và tôi quen nhau trên tình đạo, há nên học thói tục ngoài đường ngoài chợ khen ngợi quá lố khiến Quang không có chỗ để dung thân ư? Đấy có phải là điều nên làm của bậc trực tâm tu đạo đâu? Còn như ông nói tuy thiếu tinh tấn, nhưng trì danh khá đủ lòng ưa - chán, thì cần phải biết rằng một pháp Tịnh Độ là quả núi nương tựa lớn lao cho chúng ta; nếu lúc bình thường coi rẻ, chắc là đến khi lâm chung sẽ chẳng đắc lực đâu!

Sư Hiển Ấm thiên tư rất cao, các tông Hiển - Mật đều hiểu được cương lãnh trọng yếu, nhưng do chí còn phù phiếm, khoa trương, chẳng trọng chân tu, lúc mất chẳng hề được hưởng lợi ích nơi Hiển, nơi Mật! Đối với chuyện niệm Phật ông ta còn chưa thấu hiểu nên cũng không có hiệu quả gì. Tuy có nhiều người trợ niệm cho ông ta, nhưng chính ông ta đã mê man, không còn tỉnh táo nữa. Đấy chính là một sự cảnh tỉnh, nhắc nhở lớn lao cho những kẻ tuổi trẻ thông minh vậy. Ấy là vì Hiển Ấm thiên tư tuy cao, nhưng bụng dạ quá hẹp, không chân tu hàm dưỡng ẩn kín tài năng, có tánh bộp chộp, kiêu căng, phô trương, khoe khoang, bộc lộ (từ Nhật Bản trở về nước, đến Ninh Ba gặp thầy, ngày hôm ấy liền ngã bệnh, hôm sau liền đi qua Thượng Hải) là vì nghe thầy dạy một câu “hãy nên bế quan tịnh tu”, ngay hôm đó liền ngã bệnh, ngày hôm sau đi liền, rốt cuộc đến nỗi bệnh tật dây dưa đến chết, chẳng đáng buồn sao?

Những điều ông đã hỏi vốn chẳng cần phải hỏi, [sở dĩ ông vẫn phải hỏi] chỉ vì ông chưa đọc kỹ các trước thuật Tịnh Độ nên trở thành một vấn đề lớn! Nếu đọc kỹ rồi sẽ tự bật cười! Ông chẳng những chưa đọc kỹ các trước thuật Tịnh Độ mà ngay cả Văn Sao của Quang cũng chẳng đọc kỹ. Nếu lắng lòng đọc kỹ, chắc chắn chẳng đến nỗi phải hỏi mãi câu này. Câu hỏi này thường được giải thích trong Văn Sao, nay lại trình bày đại lược. Cõi Phật có bốn, tức là Phàm Thánh Đồng Cư Độ, Phương Tiện Hữu Dư Độ, Thật Báo Vô Chướng Ngại Độ, Thường Tịch Quang Độ.

1) Phàm Thánh Đồng Cư Độ: Thế giới Sa Bà tuy thuộc uế độ, nhưng cũng có Phật, Bồ Tát, thánh nhân Nhị Thừa cùng sống trong ấy. Tuy vậy, cảnh được thấy cũng như sự thọ dụng giữa thánh và phàm khác biệt vời vợi một trời, một vực! Ở Tây Phương, luận theo phía những người đới nghiệp vãng sanh thì họ sẽ sanh vào Phàm Thánh Đồng Cư Độ, nhưng cõi ấy vi diệu thanh tịnh như đã nói trong A Di Đà Kinh và Vô Lượng Thọ Kinh. Cõi ấy tuy là chỗ của người đới nghiệp vãng sanh sống, nhưng cũng có Pháp Thân Bồ Tát và Phật cùng sống trong ấy, thuyết pháp cho họ, nên cũng gọi là Phàm Thánh Đồng Cư độ. Nhưng do cõi ấy là cõi dành cho người vãng sanh Tịnh Độ, nên tuy chưa thể thù thắng nhiệm mầu như trong sự thấy biết và thọ dụng của Phật, Bồ Tát, nhưng khá giống nhau về mọi phương diện, chẳng hoàn toàn khác biệt như trong cõi Sa Bà. Cõi này cũng chia thành chín phẩm. Nếu là sáu phẩm Trung Hạ thì phần nhiều cần phải mất cả thời kiếp [mới giác ngộ], còn ba phẩm Thượng thì sẽ ngộ Vô Sanh Nhẫn nhanh chóng (ngộ Vô Sanh Nhẫn mới vào được cõi Thật Báo), chứng địa vị Bất Thoái, chứng nhập Thật Báo, Tịch Quang.

2) Phương Tiện Hữu Dư Độ: Chính là cõi dành cho người đã đoạn Kiến Hoặc, Tư Hoặc, nhưng chưa phá được vô minh. Nói “Phương Tiện” là vì những gì họ tu đều thuộc về phương tiện trước khi chứng nhập Chân Thật. Nói “Hữu Dư” là vì tuy đã đoạn Kiến Hoặc, Tư Hoặc, nhưng chưa phá vô minh (Trần Sa không có thể tánh, nói hay không nói đều được. Nếu nói thì người thuộc vào chín phương tiện này đã phá được Trần Sa Hoặc rồi), vì thế gọi là “Hữu Dư”. Nếu phá vô minh thì được gọi là Phần Chứng Vô Dư. Nếu vô minh hết sạch (chín phương tiện chính là Nhị Thừa trong Tạng Giáo, Tam Thừa trong Thông Giáo[31], Tam Hiền[32] trong Biệt Giáo[33], Thập Tín trong Viên Giáo. Chín hạng người này cùng đoạn Kiến Hoặc và Tư Hoặc, chưa phá vô minh) sẽ là Vô Dư rốt ráo.

 3) Thật Báo Vô Chướng Ngại Độ: Chính là báo độ được cảm bởi phước huệ trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn của Phật, Bồ Tát.

 4) Thường Tịch Quang Độ: Chính là lý tánh được chứng bởi Phật, Bồ Tát.

Hai cõi này (tức Thật Báo Vô Chướng Ngại Độ và Thường Tịch Quang Độ) vốn thuộc về cùng một cõi. Nếu nói theo cõi do quả báo cảm được thì gọi là Thật Báo, nếu luận trên lý tánh đã chứng thì gọi là Tịch Quang. Bậc Sơ Trụ trong Viên Giáo mới phá được một phẩm vô minh, chứng một phần Tam Đức, liền nhập cõi Thật Báo, cũng gọi là Phần Chứng Tịch Quang. Nếu đạt đến Phật quả Diệu Giác thì là Thượng Thượng Thật Báo, Tịch Quang rốt ráo vậy. Muốn cho người khác dễ ngộ nên người giảng mới gộp “người phần chứng” về Thật Báo, gom “người rốt ráo chứng” về Tịch Quang. Chứ thật ra hễ Phần Chứng thì hai cõi đều Phần Chứng, rốt ráo thì hai cõi đều rốt ráo vậy.

Cõi Thật Báo thì chỉ có người phá vô minh, chứng pháp tánh thấy được, há nên cho rằng người đới nghiệp vãng sanh sẽ sanh vào Thật Báo ư? Sanh về cõi Đồng Cư là do tín nguyện niệm Phật, được Phật tiếp dẫn mà sanh [về đấy]. Tuy họ chưa đoạn được Phiền Hoặc, nhưng do trong được nương vào sức tự tánh của đức Phật trong tâm, ngoài được sức từ bi của A Di Đà Phật cảm ứng đạo giao, nên tuy chưa đoạn được Phiền Hoặc mà Phiền Hoặc chẳng còn có tác dụng nữa! Vì thế được sanh về cõi Đồng Cư thanh tịnh tột bậc!

Ông nghi “sẽ sanh về cõi chẳng thanh tịnh và chẳng thể thấy ngay được sắc thân thắng diệu của Phật A Di Đà và những chúng sanh cõi ấy” là vì ông tưởng cách hiểu của ông là đúng, còn thệ nguyện của đức Di Đà, ngôn giáo của Phật Thích Ca, những trước thuật nhằm nêu tỏ của các vị Bồ Tát, tổ sư, thiện tri thức đều sai be bét, chỉ có hiểu như ông mới là đích xác nhất, cao siêu nhất! Ông thấy biết như vậy tức là báng Phật, báng Pháp, báng Tăng, tương lai sẽ cùng Đề Bà Đạt Đa hưởng Cực Lạc trong đại địa ngục A Tỳ, vui sướng chẳng thể nào ví dụ được! Sợ rằng đến hết đời vị lai vẫn thọ dụng chẳng gián đoạn những sự vui sướng ấy! Ông muốn hưởng sự vui ấy, xin hãy y theo tri kiến của ông mà nói. Còn nếu chẳng muốn hưởng sự vui ấy, dẫu cho bị oai thế bức bách cũng chớ nên nói [những lời lẽ ấy].

Hạ Phẩm Hạ Sanh là hạng tội nhân Ngũ Nghịch Thập Ác cực nặng, do khi lâm chung tướng địa ngục đã hiện, sanh lòng sợ hãi lớn lao, gặp thiện tri thức dạy niệm Phật, do cái tâm sợ khổ cầu cứu mạnh mẽ, tha thiết cùng cực, nên tuy niệm không nhiều, mà trong một niệm tâm quang đã cảm được Phật. Vì thế, đức Phật liền rủ lòng tiếp dẫn để ứng, bèn được vãng sanh. Họ ở trong hoa [sen] mười hai đại kiếp là vì lúc sống tội nghiệp nặng nề, thiện căn nông cạn, vì thế hoa sen chậm nở nhất. Nhưng sự sung sướng của những người ấy ở trong hoa còn hơn sự vui trong Tam Thiền Thiên! (Sự vui trong thế gian thì Tam Thiền thật là bậc nhất), nào có thiếu sót, tiếc nuối chi đâu? Cõi Thật Báo chỉ hàng Pháp Thân Đại Sĩ mới thấy được, cố nhiên không phân chia Sa Bà, Cực Lạc! Thệ nguyện từ bi của đức Phật chính là vì kẻ chưa đoạn Hoặc không có cách gì liễu sanh tử được, nên riêng lập ra pháp môn đặc biệt cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương này để những ai có tâm sẽ tu được, phàm những ai có tín nguyện niệm Phật đều được vãng sanh. Đấy chính là tâm đại từ bi phổ độ chúng sanh của đức Thích Ca và Di Đà. Nghĩ đến điều này sẽ cảm kích cùng cực, rơi lệ, lẽ nào còn rảnh rỗi để suy cuồng nghĩ loạn, cậy vào những thứ tri kiến của chính mình để bắt bẻ nữa ư?

Ông Cương Dã Tăng Thứ Lang, hòa thượng Viên Sơn chẳng coi rẻ bộ Văn Sao hủ bại, nhơ bẩn của Quang là do đời trước từng có duyên với nhau mà ra. Ông chỉ cầm theo một bộ thì những vị ấy khó thể xem trọn, nay riêng gởi tới hai gói, tổng cộng là sáu bộ, xin hãy chuyển lại cho hai vị ấy và những người hữu duyên. Nói đến chuyện dịch ra cho người phương Đông xem thì tôi trộm nghĩ rằng một chữ “dịch” ấy tợ hồ không cần phải quan tâm đến, vì sao vậy? Do họ có túc duyên với Quang. Nếu là ai vô duyên thì sợ rằng trông thấy [Văn Sao] sẽ dùng để thay củi, bịt vò[34]. Hơn nữa, nếu nói là lợi lạc cho kẻ sơ cơ thì hãy nên đem in giống y như vậy để được lợi ích rộng khắp. Nếu in kèm thêm Hòa văn[35] vào thì chỉ có thể khiến cho người ở phương Đông biết Hòa văn đọc được. Nếu là người Hoa và Hoa kiều ở các nơi không biết Hòa văn thì họ đều chẳng thể xem được. Huống chi Đại Tạng Kinh của hội Nhật Bản Thư San thì một là bản khắc ván, hai là bản đúc kẽm, và bản Đại Tạng Kinh do Đại Chánh San Kinh Hội[36] ấn hành lần này đều toàn bằng Hoa văn, chẳng ghi kèm Hòa văn vào. Vì thế, được nhiều người Hoa thỉnh về. Nếu in xen lẫn Hòa văn vào thì sự lưu thông sẽ bị úng tắc. Theo ngu kiến của Quang, nếu muốn lưu thông, chẳng cần phải dịch.

Còn như hòa thượng Viên Sơn tài lẫn đức đều dồi dào, sao lại muốn hạ mình đến thăm Quang? Vì Quang là một ông Tăng chỉ biết cơm cháo, không đạo, không đức, không hay, không biết. Qua một bộ Văn Sao đã đem hết những thứ rơm rác trong bụng mửa sạch ra hết cả rồi, gặp mặt nhau nào có ích gì đâu? Huống chi Quang đã suy nhược, già cả chẳng thể siêng học được! Nếu Quang sắc lực mạnh mẽ, Ngài đến Trung Hoa, Quang sẽ học được sở đắc của Ngài. Nay đã già rồi, ngoài việc trì danh ra, chẳng nên học một pháp nào bởi kỳ hạn chết sắp đến, sợ rằng sở học càng nhiều, tâm thức càng khó được thuần tịnh, đến nỗi chẳng cảm ứng đạo giao được Phật. Hễ chẳng được vãng sanh sẽ muôn kiếp lưu chuyển, há đáng buồn lắm hay sao? Ông tuổi hãy còn trẻ, cố nhiên hãy nên siêng học. Nhưng chớ nên xem thường một tòa núi Tu Di đáng nương tựa rồi bỏ qua, ngõ hầu chẳng giẫm theo vết xe đổ của Hiển Ấm, chẳng được cùng các vị thượng thiện nhân thân cận đấng Di Đà Nguyện Vương vậy!
 
Trích từ: Ấn Quang pháp sư Văn Sao Tam Biên Quyển 1
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Khai Thị Của Hòa Thượng Diệu Liên Tập 1, Linh Nham Tùng Thư Tải Về
2 Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Bảo Thân Tiết Dục Pháp Ngữ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Kinh Đại Bửu Tích Quyển 1, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh Tải Về
4 Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
5 Ấn Quang Đại Sư Khai Thị Tại Pháp Hội Hộ Quốc Tức Tai Ở Thượng Hải, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
6 Đại Trí Độ Luận Tập 1, Hòa Thượng Thích Thiện Siêu Tải Về
7 Kinh Đại Bát Nhã - Tập 11, Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm Tải Về
8 Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao (Tăng Quảng Chánh Biên), Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
9 Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
10 Ấn Quang Đại Sư Văn Sao Tinh Hoa Lục, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
11 Kinh Đại Bát Nhã - Tập 01, Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm Tải Về
12 Những câu chuyện linh ứng về Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát Tập 1, Hòa Thượng Thích Như Điển Tải Về
13 Tiểu Sử Danh Tăng Tập 1, Hòa Thượng Thích Đồng Bổn Tải Về
14 Một Trăm Câu Hỏi Phật Pháp Tập 1, Thượng Tọa Thích Phước Thái Tải Về
15 Pháp Uyển Châu Lâm Tập 1, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản Tải Về

Có Cực Lạc Tịnh Độ Hay Không...?
Dân Quốc Tịnh Luật Tự sa-môn Tánh Phạm

Cầu Sanh Tịnh Độ Là Tiểu Thừa Hay Đại Thừa...?
Dân Quốc Tịnh Luật Tự sa-môn Tánh Phạm

Bốn Loại Tịnh Độ Tùy Bạn Thích
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm

Đới Nghiệp Tiêu Nghiệp Sinh Tịnh Độ
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm