Home > Khai Thị Phật Học > Xung-Dot
Xung Đột
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch


Xung đột giữa người với người ở tại chỗ nào? Ở chỗ lợi hại (quyền lợi). Chúng ta đối với người chẳng có lợi hại thì sẽ rất dễ tiếp xúc, đối đãi lẫn nhau, thiệt có thể làm được ‘chẳng tranh với người, chẳng cầu với đời’. Trong kinh Kim Cang có hai câu: ‘Chẳng chấp vào tướng, như như chẳng động’, làm được vậy thì mới giống một người tu hành.

Mọi người tụ lại ở một chỗ nhất định phải có một mục tiêu phương hướng chung để cùng nhau nỗ lực, đây là một khái niệm cơ bản. Ngoài ra còn phải đồng tâm hiệp lực, nỗ lực vì Phật giáo, vì chúng sanh, nhất định phải buông bỏ lợi ích cá nhân. Chẳng kể là xuất gia hay tại gia đều nên buông xuống, nếu buông xuống chẳng nổi thì đây sẽ là một chướng ngại to lớn. Ðương nhiên chướng ngại nghiêm trọng nhất là chướng ngại mình, không những mình không thể thành tựu, cho đến việc vãng sanh, khai ngộ, thậm chí đến việc đạt được niệm Phật tam muội cũng không chắc, bởi vậy nên nhất định phải buông xuống.

Tu hành thiệt ra chẳng phải là một việc dễ dàng, người chân chánh muốn tu hành trong một đoàn thể phải tập tánh khiêm nhượng, học khách sáo, học nhường nhịn. Khổng Lão Phu Tử dạy chúng ta phải giữ lễ, lễ là gì? Lễ là tự ty [hạ thấp mình] và tôn trọng người khác. Phải giảm bớt sự xích mích, giảm bớt xung đột, luôn luôn nhường nhịn, như vậy mới có thể thành công, lập đại nghiệp.

Người quá nổi danh sẽ bị đố kỵ, đây cũng là hiện tượng bình thường vì con người là phàm phu, đố kỵ và sân hận là tập khí từ vô lượng kiếp đến nay, nếu chẳng có những tập khí này thì họ đã là Phật, Bồ Tát tái lai rồi.