Trốn tránh và từ bỏ có gì giống nhau? Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Dịch Giả : Thích Minh Quang | Xem: 614


Câu Hỏi

Trốn tránh và từ bỏ có gì giống nhau?

Trả Lời

Thông thường người bắt đầu học Phật phải có lòng chán ghét, muốn từ bỏ mới có thể thể hội một cách đúng đắn tầm quan trọng của sự cần thiết phải tu hành Phật Pháp. Chán ghét, từ bỏ cái gì ? Đó là tất cả những mâu thuẫn, những cọ sát dày vò, nẩy sinh từ sinh lý của mình, từ mối quan hệ giữa người với người, từ hoàn cảnh tự nhiên gây nên rất nhiều phiền não đau khổ. Nếu có thể làm biến chuyển được thì khi cảm nhận những hiện tượng đó, không nên chán ghét, từ bỏ vì không có vật nào có thể chán ghét và cũng không có nơi nào có thể từ bỏ được. Do đó, chán ghét, từ bỏ là bước đầu tiên để tu tập Phật Pháp có nghĩa là biết khổ để cầu từ bỏ cái khổ.

Con người thông thường vẫn cho rằng chán ghét, từ bỏ mối quan hệ giữa người và người, hoàn cảnh cuộc sống tức là phủ định giá trị và ý nghĩa con người. Thật ra thì trái hẳn lại. Chính vì muốn nâng cao giá trị và ý nghĩa của con người mới có thể tạm thời chán ghét, từ bỏ. Cũng như người đi buôn, xuất ngoại đi buôn là để kiếm tiền nuôi sống gia đình, duy trì kế hoạch gia đình. Con cái xuất ngoại học tập cũng là để học nhiều tri thức và kỹ thuật hơn để sau này lập gia đình, lập nghiệp lợi cho mình và lợi cho người khác. Vì vậy, chán ghét và từ bỏ mà Phật Pháp nói là quá trình sơ bộ để tu hành chứ không phải mục đích cuối cùng.

Trốn tránh thì không phải như vậy. Trốn tránh là không muốn gánh vác trách nhiệm mà mình nên gánh vác, là không dám sống cuộc đời hiện thực mà trốn nợ, thậm chí còn có tâm trạng muốn lánh xa hoàn cảnh mà mình đang ở.

Loại người như vậy, cũng giống kẻ phạm tội ở trong trạng thái chạy trốn, trong lòng luôn lo sợ, không tự tại không an toàn chịu đựng lâu dài áp lực của tâm lý, không nơi nào dung thân được. Điều đó hoàn toàn khác với việc tu hành Phật Pháp chính tín, chán ghét thế gian phiền não. Nếu chán ghét phiền não thì dần dần có thể rời bỏ phiền não, rời bỏ được một phần phiền não thì có thể được một phần giải thoát và tự tại. Trình độ tự tại càng sâu thì phiền não càng nhẹ bớt đi rồi cuối cùng được giải thoát. Nếu đã được giải thoát thì tất nhiên không còn vấn đề chán ghét, từ bỏ, hay không chán ghét và từ bỏ nữa.

Trốn tránh không thể giải quyết được vấn đề. Trốn tránh là biết khổ nhưng không đương đầu với cái khổ, ngược lại có nghĩa là trốn tránh cái khổ. Chán ghét, từ bỏ là biết khổ, tránh cái khổ, do vậy mà học Phật để thoát khổ. Trốn tránh vừa làm ngược lại quy luật nhân quả mà Phật Pháp nói, là điều mà Phật không cho phép làm. Chán ghét, từ bỏ cũng không nhất định phải tách rời con người trong thế gian mà phải thấu hiểu nguyên tắc chỉ đạo của Phật Pháp, phương thức tu hành, phải có nhận thức triệt để đối với hiện tượng thế gian. Bộ sách Trung quán luận tụng có viết : “Pháp mà nhân duyên sinh ra tôi gọi đó là không. Trước hết là chán ghét, từ bỏ thế gian, kết quả là biết rằng chư pháp đều là không huyễn, không gây nên phiền não chấp trước, và cũng không cần chán ghét và từ bỏ. Thế nhưng chỉ thông qua tri thức thì vị tất có thể từ bỏ cái khổ được. Vì vậy tạm thời rời bỏ hoàn cảnh thế tục luôn tu trì tam học của Phật Pháp là giới, định, tuệ mới dễ dàng rời bỏ thế tục xuất gia, nhưng xuất gia là công việc của kẻ đại trượng phu, nhiều người trong thế gian khó mà làm được. Bởi vì, thứ nhất người thường không biết chán ghét, từ bỏ. Thứ hai, nhiều người tuy biết chán ghét, từ bỏ nhưng không biết cách nào để chán ghét, từ bỏ.”

Trích từ: Học Phật Quần Nghi