Ý nghĩa phóng sanh là trả lại sự sống cho muôn loài. Mãi vật phóng sanh là điều rất quý nên làm. Bởi loài nào cũng đều ham sống sợ chết cả. Chẳng qua là vì kẻ yếu thường bị kẻ mạnh ỷ thế hiếp đáp và tàn sát với nhau đó thôi. Có loài nào mà không ham sống sợ chết? Dù nhỏ nhít như con kiến, con trùng, chúng nó cũng có mạng sống và chúng cũng biết quý trọng mạng sống của chúng. Trong tất cả các loài động vật, thì loài người là thông minh hơn hết. Vì vậy, nên mới nói loài người là loài cao cấp thượng đẳng.
Đức hiếu sinh là cội gốc đạo đức nhân bản của con người. Bởi hiếu sinh là trân quý sự sống, tôn trọng và bảo vệ sự sống. Nếu con người mà thiếu đi đức tánh hiếu sinh nầy thì đâu có khác gì các loài động vật hạ đẳng thấp hèn khác. Trong tất cả các tội lỗi, không có tội lỗi nào bằng tội sát sanh hại vật. Và cũng không có quả báo nào lớn lao hơn bằng quả báo giết hại các loài sinh vật. Đó là quả báo trọng đại mà người thọ báo phải nhận chịu cực hình đau khổ.
Truyền thống phóng sinh ở nước Việt Nam ta đã có từ lâu đời. Nhất là vào những dịp đại lễ Phật Đản, Vu Lan hay lễ Chúc thọ cho ông bà cha mẹ. Thường thì người ta hay mua những con vật để phóng thích. Không gì quý hơn là trả lại sự sống tự do cho muôn loài. Một người bị nhốt trong lao tù cảm nhận mất tự do và đau khổ như thế nào, thì con vật khi bị chúng ta bắt chúng nhốt vào trong một cái lồng (khác nào nhốt chúng trong lao tù), thì chúng cũng cảm thấy mất hết tự do và đau khổ cũng như thế ấy. Thử hỏi, có loài nào mà không thích sống tự do? Môi trường sống của loài vật là cả một bầu trời thênh thang bao la rộng lớn. Nay chúng ta bắt nhốt chúng trong một cái chậu hay một cái lồng, thì chúng đâu có còn tự do bay nhảy trong bầu trời mênh mông lồng lộng kia nữa! Tất nhiên, là chúng cũng muốn thoát khỏi cái ngục tù giam hãm càng sớm càng tốt. Con người cũng thế. Khi bị nhốt trong ngục tù thì ai cũng muốn chóng được thoát ra. Người ta nói: "Nhứt nhựt tại tù thiên thu tại ngoại". Nghĩa là một ngày ở trong ngục tù bằng một trăm năm ở bên ngoài. Câu nói đó cho chúng ta thấy được sự khao khát của một con người hay của một loài vật muốn có được đời sống tự do như thế nào rồi. Nói thế, để thấy rằng, việc Phật tử mua một hay nhiều con vật rồi đem thả ngay, đó là điều mà Phật tử thực hiện đúng với ý nghĩa phóng sanh. Tuyệt nhiên, không có gì là sai trái cả.
Ngược lại, khi Phật tử mua một con vật nào đó rồi đem vô chùa và muốn để cho quý thầy làm lễ cầu nguyện quy y cho chúng nó, việc làm nầy tuy không sai, nhưng xét kỹ ra thì thật là tội nghiệp cho những con vật bị nhốt quá! Tất nhiên, là không đúng mấy với ý nghĩa phóng sanh rồi. Bởi khi những con vật bị nhốt chung trong một cái lồng, chúng chuyền nhảy dẫm đạp lên nhau. Nếu con nào yếu đuối thì sẽ bị bầm dập nhừ tử ngất ngư. Phải chờ đợi đến khi thầy rảnh rỗi mới làm lễ. Khi làm lễ còn phải theo nghi thức tụng niệm dài dòng. Đến khi thả ra có con không còn đủ sức bay nhảy nổi nữa. Việc làm nầy, theo tôi nghĩ, thì quý thầy cũng chỉ làm theo ý nguyện của Phật tử đó thôi. Vì Phật tử chưa hiểu rõ ý nghĩa của việc mãi vật phóng sanh nên mới làm như thế. Còn khi đã hiểu rồi thì không cần thiết phải làm theo thủ tục nghi thức rườm rà mà khi mua xong là cứ chú nguyện cho chúng rồi phóng thích chúng ngay. Đó là điều mà chúng đang khao khát mong đợi từng giây phút. Có niềm vui nào lớn hơn khi được phóng thích, vì chúng đã trở lại cuộc sống tự do sinh hoạt bình thường. Chúng nó đang cần sự tự do như con người đang cần không khí để thở. Theo tôi, phóng sanh như thế, thì mới đúng ý nghĩa của việc phóng sanh vậy.
Kính chúc Phật tử tu tạo nhiều thiện nghiệp để có được đời sống an vui trong hiện tại và mai sau.