Phật Học Vấn Đáp


Tính chất hiện hữu chung của ba cõi là như thế nào?

4/12/2023 4:24:37 PM
Tính chất chung của ba cõi (tam giới hay tam hữu)[1] là: tất cả đều do tâm tạo; hay nói khác đi là do nghiệp tạo. Ba cõi thuộc về thế giới vô thường trong luân hồi sinh tử. Tuy nhiên, chúng sinh ở mỗi cõi có những cộng nghiệp riêng. Ví dụ ở cõi dục, có năm loài chúng sinh của dục ái sống chung với nhau: trời dục giới, người, địa ngục, ngạ quỷ, và xúc sinh; vì vậy gọi là “ngũ thú tạp cư”. Tuy nhiên, chỉ có hai loài có thể nhìn thấy nhau trong mọi sinh hoạt đó là người và vật. Cõi sắc bao gồm bốn tầng thiền sắc giới, đó là cõi an lạc hạnh phúc

a) do xa rời các vọng niệm (ly sinh hỷ lạc),
b/ do định tâm (định sinh hỷ lạc),
c/ do an trú lạc thâm sâu (ly hỷ diệu lạc), và
d/ do xả niệm thanh tịnh.

Trong các cảnh giới tương ứng với tứ thiền sắc giới, có cõi Vô tưởng thiên (asannasatta), chúng sinh trong cõi này có hình thể nhưng không có tâm thức nên gọi là vô tưởng. Cõi vô sắc bao gồm bốn tầng thiền: a/ không vô biên xứ, b/ thức vô biên xứ, c/ vô sở hữu xứ, và d/ phi tưởng phi phi tưởng xứ. Chúng sinh ở cõi vô sắc chỉ có tâm mà không có hình thể.
Biểu Đồ Tam Giới
1. Dục giới Cõi người và các cõi khác:
Người (skt. nāra)
A tu la (skt. asura)
Địa ngục (skt. naraka) Ngạ quỷ (skt. preta) Súc sinh (skt. paśu)
Sáu cõi trời dục giới (lục dục thiên)
Tứ thiên vương (skt. cāturmahārājika); Đao lợi hay Tam thập tam thiên (skt. trayastriṃśa);
Dạ ma (skt. yāmadeva) hoặc Tu dạ ma thiên (skt. suyāma);
Đâu suất thiên (skt. tuṣita);
Hoá lạc thiên (skt. nirmāṇarati);
Tha hoá tự tại thiên (skt. paranirmitavaśavarti);
2. Sắc giới Sơ thiền Phạm thân thiên (skt. brahmakāyika) (Có chỗ ghi là Phạm chúng thiên (skt. brahmaparśadya).
Phạm phụ thiên (skt. brahmapurohita); Đại phạm thiên (skt. mahābrahmā).
Nhị thiền Thiểu quang thiên (skt. parīttābha);
Vô lượng quang thiên (skt. apramāṇābha); Cực quang tịnh thiên (skt. abhāsvara, cựu dịch là Quang âm thiên).
  Tam thiền Thiểu tịnh thiên (skt. parīttaśubha); Vô lượng tịnh thiên (skt. apramāṇaśubha); Biến tịnh thiên (skt. śubhakṛtsna).
Biểu Đồ Tam Giới
  Tứ thiền Vô vân thiên (skt. anabhraka);
Phúc sinh thiên (skt. puṇyaprasava);
Quảng quả thiên (skt. bṛhatphala);
Vô tưởng thiên (skt. asāṃjñika);
Vô phiền thiên (skt. avṛha);
Vô nhiệt thiên (skt. atapa);
Thiện kiến thiên (skt. sudarśana);
Sắc cứu kính thiên (skt. akaniṣṭha);
Hoà âm thiên (skt. aghaniṣṭha);
Đại tự tại thiên (skt. mahāmaheśvara).
3. Vô sắc giới   Không vô biên xứ (skt. ākāśanantyāyatana)
Thức vô biên xứ (skt. vijñānanantyāyatana);
Vô sở hữu xứ (skt. ākiṃcanyāyatana);
Phi tưởng phi phi tưởng xứ (skt.naivasaṃjñānāsaṃjñāyatana)

Tà kiến là cái nhìn hay quan điểm không đúng với sự thật (chân lý), đấy là những kiến chấp sai lầm (false view) về bản chất của cuộc sống, con người, và thế giới hiện hữu. Trong kinh Phạm Võng (Trường bộ kinh), Đức Phật đề cập đến 62 loại kiến chấp, bao gồm các chủ thuyết về sự thường hằng, đoạn diệt, hữu biên, vô biên, hữu tưởng, vô tưởng, ngẫu nhiên, hư vô .v.v. Khi nói về các chủ thuyết lầm lạc này, Đức Phật đồng thời chỉ rõ cơ sở phát sinh (nguyên nhân) của từng loại tà kiến một cách cụ thể; chẳng hạn có những tà kiến được hình thành dựa vào trí nhớ, hoặc dựa vào sự suy đoán, hoặc sợ hãi, hoặc chấp ngã .v.v. Ví dụ, kiến chấp về sự thường hằng (chấp thường) cho rằng tự ngã của con người và thế giới là trường tồn, bất diệt. Kiến chấp này là sự ngộ nhận được phát sinh dựa trên trí nhớ về nhiều kiếp sống quá khứ của những chúng sinh (thiền giả, sa môn hay bà la môn) còn đang bị chi phối bởi vô minh và ái thủ. Tùy thuộc vào nghiệp lực và cảnh giới thọ sinh mà mỗi chúng sinh có những kiến chấp khác nhau. Do vậy, trên con đường tu tập hướng đến giác ngộ và giải thoát, tà kiến là một trở ngại lớn lao và nguy hiểm cho hành giả. Bạn cần phải quán chiếu và tư duy sâu sắc các chân lý (thánh đế) để phát sinh chánh kiến trí huệ.
 

[1] Tam giới lục đạo (ba cõi sáu đường): cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc; trời, người, a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, và súc sinh.



 
Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không



Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật