Bồ tát Thập địa mới được gọi là tâm thanh tịnh, phàm phu làm sao có... Đại Sư Hoài Cảm | Dịch Giả :Hòa Thượng Thích Pháp Chánh | Xem: 574


Câu Hỏi

Kinh Duy Ma Cật nói: “Nếu Bồ tát muốn vãng sanh Tịnh độ, hãy làm cho tâm thanh tịnh. Nếu tâm thanh tịnh thì cõi Phật cũng thanh tịnh.” Đoạn kinh này muốn nói rằng các Bồ tát Thập địa mới được gọi là tâm thanh tịnh, phàm phu làm sao có thể cầu mong vãng sanh về cõi Tịnh độ! Nếu được sanh Tịnh độ thì tâm ắt đã thanh tịnh; thế nhưng, các phàm phu hiện đang tu tập, phiền não đầy dẫy, hiện khởi không ngừng. Tâm đã bất tịnh thì làm sao vãng sanh Tịnh độ?

Trả Lời

Tịnh độ có nhiều loại, chứ không phải chỉ có một. Chẳng hạn như tâm thanh tịnh rốt ráo, tâm thanh tịnh chưa rốt ráo, tâm thanh tịnh hữu lậu, tâm thanh tịnh vô lậu, tâm thanh tịnh hữu tướng, tâm thanh tịnh vô tướng, tâm thanh tịnh chế phục hiện hành, tâm thanh tịnh đoạn trừ chủng tử, tâm thanh tịnh tự lực, tâm thanh tịnh tha lực, v.v… Ý nghĩa rất nhiều, không thể cật vấn. Chư Phật Như lai tùy căn cơ chúng sanh mà giảng pháp, hoặc nói lời thật, hoặc nói lời phương tiện. Những sự giảng pháp như vậy, ý nghĩa không nhất định. Không thể chỉ căn cứ vào Kinh Duy Ma Cật nói về tâm tịnh cõi tịnh của chư vị Bồ tát Thập địa tâm thanh tịnh rốt ráo mà không tin vào Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói về sự chế phục chủng tử hiện hành, nương vào nguyện lực Đức Phật A Di Đà vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, rồi lại cho rằng vì tâm bất tịnh nên không thể vãng sanh Tịnh độ! Ví như người được thần thông có thể tự bay lượn trên không, thì người chưa được thần thông nương vào người được thần thông cũng có thể bay lượn trên không. Hơn nữa, Kinh Duy Ma Cật nói về tâm thanh tịnh rốt ráo biến hiện cõi Tịnh độ vô lậu, còn hiện nay nói về sự vãng sanh Tịnh độ là nương vào tướng thanh tịnh của Phật mà biến hiện cõi Tịnh độ. Kinh Duy Ma Cật nói “gốc”, còn Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói “ngọn.” Kinh Duy Ma Cật nói “cao”, còn Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói “thấp.” Không có gì đáng tranh cãi.

Trích từ: Thích Tịnh Độ Quần Nghi Luận