Home > Khai Thị Niệm Phật
Trích dẫn kinh Phật Thuyết A Di Ðà
Cư Sĩ Mao Lăng Vân cung kính kết tập | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


* Từ đây [đi về] phương Tây trải qua mười vạn ức cõi Phật, có một thế giới tên là Cực Lạc. Cõi ấy có Phật hiệu là A Di Ðà, nay hiện đang thuyết pháp. Chúng sanh cõi ấy chẳng có các nỗi khổ, chỉ hưởng những điều vui, nên [cõi ấy] tên là Cực Lạc.

* Chẳng thể dùng chút ít thiện căn phước đức nhân duyên để được sanh về cõi ấy. Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe nói đến A Di Ðà Phật, [bèn] chấp trì danh hiệu trong một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, nhất tâm bất loạn thì lúc người ấy lâm chung, A Di Ðà Phật cùng các thánh chúng hiện ra trước mặt. Người ấy lúc mất, tâm chẳng điên đảo, liền được vãng sanh cõi nước Cực Lạc của Phật A Di Ðà.

Nếu có chúng sanh nghe lời nói ấy, hãy nên phát nguyện sanh về cõi kia.

* Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nghe kinh này mà thọ trì và nghe danh hiệu chư Phật thì đều được hết thảy chư Phật hộ niệm, đều được chẳng thoái chuyển A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề. Các ông đều phải nên tin lời ta và lời chư Phật đã nói.

Nhận định:

Kinh này khai thị diệu hạnh Trì Danh nên cả Thiền Tông lẫn Tịnh Tông đều dùng cho khóa tụng sớm tối. Sách Tịnh Ðộ Thập Yếu viết:

“Pháp diệu yếu trong Phật pháp không chi bằng Tịnh Ðộ. Pháp diệu yếu trong Tịnh Ðộ không chi hơn được Trì Danh. [Tác phẩm] diệu yếu nói về pháp Trì Danh không gì bằng được kinh A Di Ðà và sách Yếu Giải của ngài Linh Phong”.

Sách Yếu Giải nhận định: “Tín nguyện chấp trì danh hiệu một tiếng, ắt đã đầy đủ thiện căn, phước đức. Bất luận xuất gia hay tại gia, sang, hèn, già, trẻ, sáu đường, bốn loài chỉ được nghe danh hiệu Phật thì đã là thiện căn nhiều kiếp chín muồi. Ngũ Nghịch, Thập Ác cũng đều gọi là thiện nam nữ vậy.

A Di Ðà Phật là vạn đức hồng danh, dùng danh để chiêu cảm đức thì không đức nào là chẳng được gồm thâu trọn hết. Vì thế, lấy Trì Danh làm Chánh Hạnh, chẳng cần phải dùng đến các hạnh Quán Tưởng, Tham Cứu v.v… thật là giản dị nhất, thẳng tắt nhất. Nghe rồi tin, tin rồi nguyện mới chịu chấp trì. Chấp trì thì trong mỗi niệm nhớ đến danh hiệu Phật, nhưng lại có Sự Trì và Lý Trì.

Sự Trì là tin có đức A Di Ðà Phật ở Tây Phương, dẫu chưa thấu đạt tâm này là Phật, nhưng vì quyết chí nguyện cầu vãng sanh, nên lúc nào cũng như con nhớ mẹ, không lúc nào tạm quên.

Lý Trì là tin tâm ta sẵn có Tây Phương A Di Ðà Phật, là do tâm ta tạo, dùng ngay cái hồng danh tâm ta sẵn có, do tâm ta tạo thành ấy để làm cảnh ràng buộc cái tâm chẳng cho tạm quên.

Bất luận là Sự Trì hay Lý Trì, trì cho đến mức tiêu sạch phiền não, thậm chí đoạn Kiến Hoặc và Tư Hoặc trước hết, đều là Sự Nhất Tâm. Chẳng bị Kiến Hoặc và Tư Hoặc nhiễu loạn, nên cảm được thân Biến Hóa của Phật và các thánh chúng hiện ra trước mặt. Trong tâm chẳng còn khởi lên ba cõi điên đảo trong thế giới Sa Bà, nên vãng sanh trong hai cõi Ðồng Cư và Phương Tiện của thế giới Cực Lạc.

Bất luận Sự Trì hay Lý Trì, trì cho đến khi tâm khai ngộ, thấy được đức Phật trong bản tánh, đều là Lý Nhất Tâm. Chẳng bị Nhị Biên làm loạn, nên cảm được thân Thọ Dụng của Phật và các thánh chúng hiện ra trước mặt. Tâm chẳng còn khởi lên sanh tử, Niết Bàn, nhị kiến điên đảo, nên vãng sanh trong hai cõi Thật Báo và Tịch Quang của thế giới Cực Lạc”.

Ðoạn văn trên đủ để chứng minh rằng tín nguyện vãng sanh nhất định sanh về Cực Lạc!