Chỉ cần đến thẳng Hoa Tạng Thế Giới Hải, đâu cần phải thân cận Di-đà? Cư Sĩ Bành Tế Thanh | Dịch Giả :Lão Cư Sĩ Định Huệ | Xem: 763


Câu Hỏi

Đời Tùy, có vị Tăng tên Linh Cán, tu quán Hoa Tạng. Lúc lâm chung, thấy hoa sen to như bánh xe trong ao nước đầy và Ngài được ngồi trên đó. Vậy, chỉ cần đến thẳng Hoa Tạng, đâu cần phải thân cận Di đà?

Trả Lời

Thế giới Hoa Tạng có biển hương thủy, nhiều như số bụi nhỏ của mười bất khả thuyết cõi nước Phật, có mười bất khả thuyết chủng loại thế giới nhiều như số bụi nhỏ an trụ, mỗi chủng loại thế giới lại có các thế giới nhiều như số bụi nhỏ của bất khả thuyết cõi nước Phật. Thế giới Cực Lạc phương Tây cũng ở trong số đó.

Kinh Thủ lăng nghiêm ghi: “Nếu trong tâm tưởng niệm Phật, tu thêm phước huệ và nguyện sinh về Tịnh độ thì tự nhiên tâm thấy các đức Phật ở mười phương và tất cả các  Tịnh độ, rồi tùy nguyện vãng sinh”.

Trường hợp ngài Linh Cán sinh về Tịnh độ Cực Lạc hay Tịnh độ nào khác chưa thể biết được! Vậy thì, chỉ cần thân cận Di đà tức là vào thẳng Hoa Tạng. Trước có Thiện Tài, sau có Long Thụ, đường lối như thế, chư Thánh cùng đi. Nếu chẳng tuân theo lời Phật dạy, tự chuốc lấy khốn khổ vì lạc vào nhiều lối tẻ. Hạng người này thật đáng thương xót, chúng ta phải gần gũi họ để chỉ cho họ thấy điều đó.

Đời Tống, ngài Thảo Am Đạo Nhân tu giáo quán viên đốn. Về già, trụ trì chùa Diên Khánh. Đến ngày 17 tháng 04 niên hiệu Càn Đạo thứ 03 (1167), Ngài nói lời từ biệt đại chúng: “Thế giới Hoa Nghiêm rỗng rang lặng lẽ sáng rỡ, rất hợp ý tôi, hôm nay tôi sắp đi”. Rồi Ngài nói kệ ngợi khen Phật A di đà:

“Vô biên cõi nước là biển không
Biển không toàn là cung hoa sen
Cung sen đầy khắp cả biển không
Biển không độc lộ Phật Di đà.
Đức Phật Di đà không sinh diệt
Khó tìm, khó nắm trăng đáy nước
Tuyệt phi, ly cú, thân như vậy
Cảm thông như thế, nói như thế.
Tôi với Di đà vốn không hai  
Vọng giác thầm sinh, bỗng thành khác
Từ nay quét sạch hết trần lao
Cha con thiên nhiên gặp lại nhau
Thệ tu ba phước, hành sáu niệm
Nghiệp thân, miệng, ý không lầm lỗi
Nay tôi phát tâm niệm Di đà
Không thấy Di đà, không thôi nghỉ”.


Sau đó, Ngài cùng đại chúng xướng niệm trăm câu danh hiệu Phật, phúng tụng kinh Quán Vô Lượng Thọ đến câu thượng phẩm thượng sinh thì thu thần nhập diệt. Cực Lạc và Hoa Nghiêm là đồng hay là khác, những người có trí hãy mau mau để mắt!

Trích từ: Hoa Nghiêm Niệm Phật Tam Muội Luận