Lão pháp sư Mộng Tham (1915 2017), tục danh là Lưu Thụy Đình, pháp danh Giác Tỉnh, tự hiệu là Mộng Tham, hàm ý “chẳng giác mà cũng chẳng tỉnh” . Lại do một giấc mộng mà xuất gia, nên Sư tự xưng như thế. Sư sanh năm 1915 tại huyện Khai Thông, tỉnh Hắc Long Giang, là con cả trong gia đình. Năm 1928, Sư xin vào làm cảnh sát đường sắt tại cục đường sắt Trường Xuân. Năm 1930, Sư vào học trường quân sự Phụng Thiên, trở thành sĩ quan trong lữ đoàn Phụng Thiên. Khi thủ lãnh quân phiệt Phụng Thiên là Trương Tác Lâm thua trận, phải rút quân về Bắc Kinh, Sư theo quân đoàn về Bắc Kinh. Khi được giao nhiệm vụ tuần phòng tại Thạch Gia Trang vào cuối năm ấy, trong khi nghỉ đêm tại một cơ xưởng bỏ hoang, Sư mộng thấy chính mình xuất gia. Tỉnh giấc, Sư bèn tìm đến xin xuất gia với lão hòa thượng Tu Lâm ở chùa Đâu Suất núi Thượng Phương thuộc huyện Phòng Sơn, thành phố Bắc Kinh. Sư xuống tóc tại miếu Dược Vương thuộc hậu sơn Di Hòa Viên, được đặt pháp danh là Giác Tỉnh. Do tự khiêm “chẳng giác, chẳng tỉnh”, lại do mộng mà xuất gia, nên Sư lấy hiệu là Mộng Tham.
Sau khi xuất gia, Sư lại mộng thấy một vị Tăng bảo hãy sang núi Cửu Hoa. Tỉnh giấc, Sư bỗng phát hiện vị Tăng trong mộng giống hệt chân dung của hòa thượng Biến Dung (tổ Liên Trì cũng do vị này mà đắc ngộ), Phật giáo Trung Hoa thường coi ngài Biến Dung là một hóa thân của Địa Tạng Bồ Tát. Ngài đến Cửu Hoa Sơn, đúng dịp mở tháp thờ nhục thân Kim Địa Tạng (ngài Kim Kiều Giác), cho nên càng đặc biệt tín ngưỡng, tôn phụng Địa Tạng Bồ Tát. Khi ở tại Cửu Hoa, Sư lại mộng thấy có người bảo hãy sang chùa Dũng Tuyền tại Cổ Sơn. Do vậy, Sư xin vào Cổ Sơn Phật Học Viện để học kinh Hoa Nghiêm với lão pháp sư Từ Châu. Do trình độ văn hóa quá thấp, Sư nghe giảng chẳng hiểu gì, tính rời Cổ Sơn, thì trong mộng lại thấy có một vị Tăng dạy hãy học tập phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện trước để khai trí huệ. Sư vâng theo, quả nhiên, trí huệ tăng tấn. Sư lại tìm đến chùa Trạm Sơn ở Thanh Đảo để học Thiên Thai Tứ Giáo và thư pháp với pháp sư Đàm Hư.
Năm 1937, Sư vâng lệnh thầy, sang Hạ Môn, cung thỉnh pháp sư Hoằng Nhất đến chùa Trạm Sơn. Sư làm thị giả cho ngài Hoằng Nhất suốt nửa năm, bèn cầu thỉnh pháp sư Hoằng Nhất chế tác một bộ Luân Tướng theo đúng cách thức như kinh Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo đã dạy. Pháp sư Hoằng Nhất không chỉ tạo Luân Tướng, còn dạy rất nhiều yếu nghĩa của kinh ấy, lại còn đích thân chép phẩm Tịnh Hạnh của kinh Hoa Nghiêm trao tặng. Bản thư pháp trân quý này được trân trọng cất giữ tại chùa Pháp Nguyên ở Bắc Kinh, nhưng đã bị Hồng Vệ Binh phá hủy tan nát trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa.
Năm 1940, do ủng hộ quân Kháng Nhật, Sư bị truy bắt, phải ẩn náu, đổi trang phục thành thị giả của một vị lạt ma tại Ung Hòa Cung. Muốn hiểu thêm về Mật Tông, Sư bèn từ Bắc Kinh xuống Thượng Hải, sang Hương Cảng, rồi đáp thuyền sang Ấn Độ qua Tây Tạng cầu pháp. Tại Tây Tạng, Sư y chỉ Rinphoche Hạ Ba của phái Cách Lỗ (Gelugpa) chùa Sắc Lạp (Sera), học Bồ Tát Đạo Tu Pháp Thứ Đệ với pháp danh là Cổn Khước Đồ Đăng.
Khi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa thành lập, chánh quyền Mao Trạch Đông tìm mọi cách hủy diệt Phật giáo Tây Tạng nói riêng, và Phật giáo Trung Hoa nói chung. Đa số các tăng lữ đều lâm vào cảnh tù đày, hay bị hạn chế mọi tự do hoạt động, rất nhiều chùa chiền bị sung công, biến thành hợp tác xã hay kho chứa lương thực, tăng sĩ bị đưa về nông thôn “đi sâu sát với quần chúng”, thực chất đi lao động cưỡng bức. Năm 1950, Sư đang ở huyện Cam Đốn tỉnh Tứ Xuyên, do kiên quyết từ chối hoàn tục, chẳng muốn theo các cán bộ nhà nước vào Tây Tạng để thực hiện công tác đồng hóa dân bản xứ nhằm xóa bỏ nền văn hóa Tây Tạng, Sư bị tống vào trại “học tập cải tạo”. Trong trại, do Sư vẫn khăng khăng không chịu hoàn tục, không chịu chối bỏ Phật giáo, nên đã bị giam vào trại tù hình sự. Trong tù, Sư vẫn tuyên truyền Phật giáo, giúp nhiều người hướng về Phật pháp, nên bị chánh quyền Trung Cộng gán cho tội danh phản cách mạng và bị giam cầm suốt mười lăm năm. Sau đó, chánh quyền Trung Cộng kết thêm án lao động khổ sai mười tám năm, tức là Sư bị tù suốt ba mươi ba năm. Nhiều lúc hoàn cảnh cơ cực, chèn ép, bế tắc khiến Sư phẫn chí, toan tự tử, luôn mộng thấy có người đẩy lên đài giảng, cung thỉnh giảng kinh. Sư tự biết mình còn có trọng trách hoằng dương Phật pháp nên ráng ẩn nhẫn. Sư thường niệm bài kệ “giả sử nhiệt thiết luân, tại nhữ đảnh thượng toàn, chung bất dĩ thử khổ, thoái thất Bồ Đề tâm” (giả sử vòng sắt nóng, xoay trên đỉnh đầu ngươi, trọn chẳng vì khổ ấy, lui sụt tâm Bồ Đề) để tự khích lệ, nhẫn nại trong hoàn cảnh ngặt nghèo.
Mãi cho tới năm 1982, khi Trung Ương Đảng Trung Cộng và Quốc Vụ Viện (phủ thủ tướng) Hoa Lục quyết định nới lỏng chánh sách tôn giáo, ngài Mộng Tham mới được trả tự do. Từ Tứ Xuyên trở về Bắc Kinh, Sư được mời dạy học tại Trung Quốc Phật Học Viện, chuyên giảng dạy Tứ Phần Luật. Năm 1984, Sư được các vị pháp sư Diệu Trạm và Viên Chuyết thỉnh sang chùa Nam Phổ Đà tại Hạ Môn để giúp khôi phục Mân Nam Phật Học Viện, giữ chức Giáo Vụ Trưởng. Năm 1987, Sư được hòa thượng Tuyên Hóa mời sang Vạn Phật Thánh Thành chủ trì pháp hội Thủy Lục, tạo thành nhân duyên hoằng pháp tại hải ngoại sau này. Năm 1988, nhận lời thỉnh của Mỹ Quốc Bồ Đề Tâm Cơ Kim Hội, Sư cùng thị giả là pháp sư Hoằng Giác định cư tại Nữu Ước, bắt đầu giảng kinh Chiêm Sát và pháp môn Địa Tạng suốt năm năm tại Mỹ.
Từ đó, Sư lần lượt chống tích trượng sang Gia Nã Đại, Tân Tây Lan, Tân Gia Ba, Hương Cảng, và Đài Loan hoằng pháp. Năm 1995, trong khi trụ tích tại chùa Hoằng Pháp ở Vancouver, sau khi phát hiện bị ung thư trực tràng, Sư tính bỏ vạn duyên, nhất tâm niệm Phật vãng sanh. Chấp thuận lời tha thiết cầu thỉnh trụ thế của các đệ tử, Sư chấp thuận phẫu thuật vào năm 1996 tại bệnh viện Chương Hóa, Đài Bắc. Năm 2004, chấp thuận lời thỉnh của tứ chúng chùa Phổ Thọ, Sư bắt đầu giảng kinh Hoa Nghiêm từ ngày mồng Hai tháng Hai và các kinh luận Đại Thừa. Năm 2006, nhận lời thỉnh của tổ chức Phương Quảng Văn Hóa, giảng kinh Thập Luân tại chùa Phổ Thọ. Năm 2007, Sư đến các chùa Thông Giáo Tự và Cư Sĩ Lâm tại Bắc Kinh hoằng pháp. Năm 2009, Sư tham dự hoạt động hoằng pháp do Đài Bắc Quốc Tế Hội Nghị tổ chức, mỗi buổi giảng có mấy ngàn người nghe. Cuối năm đó, Sư trở về Ngũ Đài Sơn, giảng kinh Lăng Nghiêm. Năm 2014, do lời thỉnh cầu của các đệ tử xuất gia, Sư từ Mộng Tham Tinh Xá ở Th â m Quyến (Quảng Đông) về an dưỡng tại chùa Chân Dung núi Ngũ Đài. Ngày 27 tháng Mười Một, Sư thị hiện viên tịch tại chùa Chân Dung, thọ 103 tuổi.
Suốt đời, Sư luôn tự coi mình chưa xứng là một vị tỳ kheo, chỉ là người xuất gia vân du, không truyền pháp (chẳng lập môn hộ), mà cũng chẳng kiến lập đạo tràng nào (ngay cả Mộng Tham Tinh Xá tại Th â m Quyến chỉ là do các đệ tử kiến lập rồi nhiều lượt tha thiết thỉnh cầu, Sư mới chấp thuận cho đặt tên như thế). Sư suốt đời chỉ mang ý niệm hoằng pháp, cốt sao giảng giải những ý nghĩa thâm viễn trong kinh cho mọi người đều hiểu. Những lời giảng của Sư chất phác, bình dị. Những người hâm mộ Sư, phát tâm tu học, hoặc xuất gia rất đông. Chính nhờ ảnh hưởng của Sư mà các chùa Phổ Thọ tại Ngũ Đài, Năng Nhân tại núi Nhạn Đãng, và Chân Dung tại Ngũ Đài đều được khôi phục, đỉnh thịnh. Tuy giảng nhiều pháp khác nhau, nhưng pháp môn được Sư đặc biệt chú trọng là pháp môn Địa Tạng, nhất là kinh Chiêm Sát.