Tháng Chín năm Dân Quốc 21 (Nhân Thân –1932), tôi sống tại Trĩ Sơn; cư sĩ Lý Viên Tịnh gởi thư nhờ tôi cung cấp tài liệu để giúp ông biên soạn tác phẩm Cửu Hoa Sơn Chí. Tôi tự nghĩ từ khi mình thế phát xuất gia đến nay, chí tâm quy y Ðịa Tạng Bồ Tát suốt 15 năm, thọ ân Ngài rất hậu, từ lâu đã muốn gom chép những giáo tích của Ngài để lưu truyền trong đời, tán dương thánh đức ngõ hầu báo đáp thâm ân. Nay chính là đúng lúc vậy. Tháng Hai năm sau, vân du Nam Mân, trụ ở Vạn Thọ Nham, bèn thu chép những sự việc, gộp thành một cuốn đặt tên là Ðịa Tạng Bồ Tát Thánh Ðức Ðại Quan, giao cho thư cục khắc bản in riêng để lưu hành và tặng cho cư sĩ Lý Viên Tịnh dùng làm tài liệu.
Cận đại, các sách tán dương, diễn thuật sự tích của Bồ Tát Ðịa Tạng của Tăng, tục rất nhiều; nhưng đa số chỉ dựa vào mỗi riêng mình kinh Ðịa Tạng Bổn Nguyện. Nay tôi duyệt kỹ Ðại Tạng và các trước tác của mọi nhà, những điều trước đây người khác đã nói rõ thì tôi chỉ trình bày đại lược, chẳng hạn như ý chỉ lớn lao của bổn nguyện, sự ứng tích của Bồ Tát nơi núi Cửu Hoa v.v… Những điều người khác chưa đề cập đến hay còn thiếu sót thì tôi bổ túc, chẳng hạn như các bài văn khác. Chỉ tiếc là trong suốt mấy mươi năm qua, đối với những chuyện hóa tích của Bồ Tát được ghi chép trong Ðại Tạng và các tác phẩm của các nhà, tôi vẫn lưu ý, nhưng chưa hề ghi chép, chọn lọc tỉ mỉ, đến nay phải biên soạn gấp, chẳng thể kiểm chứng trọn vẹn được, đành cậy vào trí nhớ để lược chép thành một quyển, khó lòng tránh khỏi sai sót, lầm lẫn.
Nói chung, tác phẩm này được chia thành 10 chương:
1) Chương thứ nhất là Thích Danh, Biện Dị (giải thích danh hiệu, bàn về những điểm sai khác): Do các kinh khi truyền dịch danh hiệu của ngài Ðịa Tạng, văn tự nhiều ít, có sai khác đôi chút, nay tôi nêu ra hết, chỉ ra những điểm sai biệt.
2) Chương thứ hai là thuật đại ý kinh Thập Luân, nêu bật nghĩa kinh, chép ra tường tận. Phần kinh văn xưng tán công đức của Ðịa Tạng Bồ Tát trong phẩm Tự chép ra rất dài, chỉ mong những người thấy nghe đều hoan hỷ lớn, cùng sinh lòng tin sâu xa, chí tâm quy y.
3) Chương thứ ba luận về đại ý kinh Chiêm Sát, cũng trích lục tường tận.
4) Chương thứ tư luận về đại ý kinh Ðịa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện, tôi theo đúng cuốn Duyệt Tạng Tri Tân của ngài Ngẫu Ích, sao lục phần cương yếu và trích lục 2 tiết kinh văn phụ thuộc để chỉ rõ nguyên nhân tại sao ngày nay chúng ta được thọ ân của Bồ Tát.
5) Chương thứ năm tán thán Pháp Thân, đại ý của nghi quỹ và chân ngôn Diệt Ðịnh Nghiệp.
6) Chương thứ sáu luận về những bản kinh khác đề cập đến Bồ Tát.
7) Chương thứ bảy nói về các bản chú sớ của mọi nhà.
8) Chương thứ tám nói về các nghi thức sám hối của mọi nhà soạn.
9) Chương thứ chín nói về các tác phẩm tán thán, biên thuật của mọi nhà, trích dẫn nguyên văn cả 19 đoạn trong tác phẩm Linh Phong Tán Ðịa Tạng Bồ Tát Biệt Tập, chiếm cả 10 trang giấy, để thấy đại sư Ngẫu Ích cả một đời mổ tim vẩy máu, quy ngưỡng, tin tưởng, tán dương Bồ Tát, ngõ hầu kẻ hậu học noi gương Bồ Tát tinh tấn tu trì, thiệu long quang đại.
10) Chương thứ mười là vấn đáp quyết nghi, chỉ gồm có bốn câu hỏi, lẽ ra chẳng phải chỉ có vậy, tạm đành khuyết lược.
Lúc sao lục, vì thời gian gấp rút chẳng thể kiểm chứng tường tận, nên hình thức trình bày cũng chẳng thể hoàn thiện được…. (1) Trước ngày cảo bản hoàn thành 2 hôm, cư sĩ Lư Thế Hầu cắt ngón tay lấy máu vẽ một bức thánh tượng Ðịa Tạng Bồ Tát, đem dâng lên chùa. Thắng duyên khéo gặp, thật chẳng thể nghĩ bàn nên tôi cho chụp ảnh cẩn thận, đăng ở đầu sách này. Lư cư sĩ, tên tự là Cù Nhi, giỏi hội họa, xa nhà theo hầu cha già đang sống ở Tư Minh. Ông thiên tánh thuần hậu, thờ song thân nổi tiếng hiếu nghĩa. Cũng có lẽ là từ nhiều kiếp đến nay, ông Lư thường được Bồ Tát Ðịa Tạng giáo hóa đó chăng?
Sa môn Hoằng Nhất Diễn Âm trần thuật tại chùa Ðại Hoa Nghiêm ở Vĩnh Ninh