Home > Giảng Kinh > Dia-Tang-Bo-Tat-Linh-Cam-Ky-Tuyen

Ân Trạch Địa Tạng Bồ Tát Ban Cho Tôi


Pháp Sư Tâm Nhiên Ghi

Mùa Hè năm Dân Quốc 35 (1946), tôi học tại Lăng Nghiêm Phật Học Viện ở Thượng Hải. Một đêm, do ngủ trễ bị cảm nặng. Khi ấy, tuy được bệnh viện chẩn trị, nhưng chẳng lâu sau, biến thành chứng ho gà rất nặng. Gần như mỗi giờ, ho sặc sụa mấy chục lần. Mỗi lần chẳng ho tới mức ngực nhộn nhạo, nghẹn khí, sẽ chẳng thôi! Mỗi lần uống thuốc là mỗi lần nôn mửa. Mỗi lần tiêm thuốc quay về, đều chẳng có hiệu quả. Ba bữa chỉ uống nước cơm lỏng, các thức ăn cứng hay khô khác chẳng thể nuốt nổi! Lại còn mỗi đêm trằn trọc khó ngủ, rất là đau khổ! Trong kỳ nghỉ hè, có các học tăng bàn chuyện triều bái thánh tích của Địa Tạng Bồ Tát tại Cửu Hoa Sơn, tôi thầm nghĩ: “Nếu để sắc thân vô dụng này chết vì bệnh tại Thượng Hải, sao bằng hy sinh trong khi triều bái Bồ Tát sẽ có ý nghĩa phong phú hơn!” Vì thế, tôi quyết định tham gia đội ngũ của họ lên đường, gắng gượng tinh thần, lê tấm thân suy yếu theo họ ra đi. Đương nhiên là trong lúc đi đường, phần nhiều là ngồi xe hay ngồi thuyền; nếu không, tôi cũng chẳng thể đi được!

Một đoàn học Tăng chúng tôi ngồi xe lửa, xe hơi, đi qua Nam Kinh, Vu Hồ, lại ngồi tàu, hay ngồi thuyền của dân c húng, tiến thẳng đến Đại Đồng, Thanh Thành. Tuy đường dài khấp khểnh và mặt trời chói chang giữa không trung, chúng tôi cũng không vì vất vả mà nghỉ ngơi. Suốt đường đi, tôi tự mình niệm thầm thánh hiệu Địa Tạng Bồ Tát, nhất tâm kiên trì chẳng dứt. Hành trình tiếp nối, đường càng ngày càng gần với đạo tràng của Bồ Tát, nội tâm tôi càng tăng thêm dũng khí và hỷ duyệt từng chút một. Tuy mỗi ngày tôi chỉ uống mấy chén sữa lỏng, nhưng thân tâm vui sướng, có thể chống chọi mà chẳng ngã xuống. Trên Trường Giang, trong lúc tàu đang bị sóng nhồi, lữ khách phần nhiều mệt mỏi muốn ngủ gục. Tôi trong lúc mông lung, bỗng thấy một vị tăng khổ hạnh tiến đến, bảo: “Ho hen chẳng cần phải sầu lo! Ăn nhiều các thứ lạnh như dưa hấu, nước đá v.v… ắt sẽ tự lành”. Nói xong, chẳng thấy đâu nữa. Chẳng lâu sau, trước mặt bỗng dưng có một miếng dưa hấu thơm ngon, tươi hồng. Tôi bất giác cầm lấy nếm thử, liền cảm thấy toàn thân thoải mái, khoan khoái khác thường! Nhưng lúc ấy, tôi nghe tiếng ngáy của chính mình, bèn tỉnh giấc, đưa mắt nhìn, trùng hợp là các học tăng cũng đang ăn dưa hấu. Tự nhiên tôi cũng như cảnh trong mơ, tiện tay cầm ăn. Không ngờ, do vậy mà đêm ấy nghiễm nhiên ngủ ngon dị thường. Ngày hôm sau, giảm bớt ho hắng rất nhiều, khiến cho tôi sau đấy bạo gan tiếp tục ăn đồ lạnh. Đúng là một kỳ tích.

Từ Đại Đồng tới Thanh Thành, ắt phải theo đường thủy là một nhánh nội hà ngoằn ngoèo, nhỏ hẹp, không quá ngắn. Đường thủy thì có thuyền dân, có các bạn đồng học tự làm chèo tre, giúp nhau hợp lực chèo thuyền, cho nên tiến lên như bay. Chỉ có đoạn đường bộ là đường ruộng ẩm ướt, trơn trợt, cho nên đi lại khá gian nan! Nhất là đối với người thân thể mang bệnh như tôi, càng cảm thấy trầm trọng hơn trước, trở thành phiền toái lớn cho các bạn đồng hành! Vì thế, đêm đến, khi tới xin ngủ nhờ tại một chùa nọ ở cửa Nam của Thanh Thành, tôi lại bị ho kịch liệt! Mấy vị đồng học quan tâm đã vì tôi đến trước tượng Bồ Tát ở tiền điện xin xăm, được quẻ xăm như sau: “Biển rộng ngộ cuồng phong, sóng lớn đánh vào thuyền, thuyền lật bị ngã xuống, không chìm cũng kinh hồn” . Cầu xong, họ đưa quẻ ấy cho tôi coi. Tôi xem rồi, rất lãnh ngộ, do vậy, nói với họ: “Trên đường đi, tôi không ngừng cung kính niệm thánh hiệu Bồ Tát, nẩy sanh ý chí cực kiên cường. Hiện thời, tuy có cảnh tượng rất nguy hiểm, tôi tự tin ắt sẽ giống như tàu bọc sắt của quân đội bình yên vượt sông, xin chớ lo rầu!” Quả nhiên, tới nửa đêm, ho hắng lập tức ngưng dứt. Sáng hôm sau, đặc biệt cảm thấy bụng đói như cào, ăn một mạch hai chén cháo mới cảm thấy no, khí lực toàn thân cũng do đó mà gia tăng rất nhiều! Từ Thanh Thành tới Cửu Hoa Sơn, hơn sáu mươi dặm đường núi, tôi đã có thể theo hàng ngũ mà đi, không đến nỗi quá tụt hậu. Đấy là kỳ tích thứ hai.

Men theo đường núi tiến lên, chúng tôi đã đi qua chùa Long An quy mô to lớn, hai thánh am theo phương thức lều tranh, một túc am, Tiểu Kiều Am và Đại Kiều Am có cảnh trí u tuyệt. Trong ấy, có nhục thân Bồ Tát thuộc niên đại gần nhất. Chùa Cam Lộ phủ kín trúc biếc, trong ấy có toàn bộ Kinh Tạng thuộc hai đời Đường và Tống, có đình Bán Tiêu để đón gió, vị trà thấm đẫm lòng người. Ở các nơi ấy, chúng tôi đều từng lưu lại và thăm viếng. Tuy cũng có tâm lý thưởng thức phong cảnh, nhưng do thời gian gấp rút, hoàn toàn chẳng có tâm tình ngâm vịnh, tán thưởng gió trăng. Cuối cùng, chiêm bái tới chùa Kỳ Viên, nhằm đúng lúc chùa ấy có pháp hội giảng kinh. Chúng tôi đi thăm một vòng, cả đám liền ngủ lại Bách Tuế Cung. Khi đó, vào ban ngày, mỗi giờ tôi chỉ ho mấy lượt mà thôi!

Lần đầu tiên, ngủ lại thánh địa, mọi người mang tâm tình vui sướng dào dạt chẳng thể nói lên lời. Giám Viện trong chùa tiếp đãi thân thiết và chu đáo, khiến cho nhóm chúng tôi ngủ say đến nỗi chẳng biết trời đã sáng bạch. Cho tới khi tôi rời giường, các bạn học đã chia thành từng nhóm đi triều bái các di tích nơi thánh địa. Tôi đã có thể chịu đựng nỗi mệt nhọc vượt ngàn dặm đến thánh địa, đương nhiên sẽ chẳng lẽ nào cầu dưỡng bệnh một mình nữa! Do vậy, cũng mang theo y cụ (y ca sa và tấm ngọa cụ), từ chùa Hóa Thành đến tháp thờ nhục thân của Bồ Tát tại rặng Thần Quang để triều lễ, mỗi bước một lạy. Trong khi triều bái, tôi thầm nghĩ đến tinh thần kiền thành mỗi bước mỗi lạy triều bái tứ đại danh sơn của những vị tu tâm đã lâu, bất giác hổ thẹn vạn phần! Hành động nhỏ nhoi như tôi làm sao có thể biểu thị lòng kính ngưỡng và hồi báo một phần trong vạn phần ân đức của Bồ Tát?

Mỗi bước, mỗi lạy, vượt qua Nam Thiên Môn, đi qua Thập Vương Điện cây phủ rợp bóng, mới đến được bậc thềm đá dẫn lên tháp Bồ Tát vừa dốc lại vừa cao. Lúc ấy, tôi thở hổn hển như trâu, mồ hôi tuôn như mưa, nhưng tâm lặng như gương, thân nhẹ như gió, có một loại tâm cảnh “trăm mạch đều thông, trăm niệm quét sạch”, quả thật là chẳng có cách nào hình dung. Cho nên rất nhanh chóng tới trước tháp của Bồ Tát. Sau khi tiếp tục đảnh lễ bốn mươi tám lần, toàn thân tinh thần phấn khởi. Không chỉ là chẳng có mệt nhọc gì, từ đó, căn bệnh ho hắng khổ sở bị tiêu trừ chẳng sót. Đấy là kỳ tích thứ ba!  

Ở Cửu Hoa Sơn mấy ngày, tôi lễ khắp tất cả các thánh tích đạo tràng, bái kiến chẳng ít tượng nhục thân tổ sư, ngay cả chỗ cao nhất là Địa Tạng Lâm trên ngọn Thiên Đài, một đường thẳng tắp lên trời, cái chuông U Minh nặng tám vạn bốn ngàn cân trên đỉnh núi, các thắng cảnh mỹ lệ hiểm trở, cũng đều lên tới nơi chẳng sót. Khi trở về Thượng Hải, đổi thành một thân thể linh hoạt, mạnh khỏe, khiến người khác chẳng dám tin tưởng tôi là kẻ yếu ớt chẳng chịu nổi gió máy. Ai đã ban thưởng? Do sức của ai khiến thành ra như vậy? Là do lòng Từ gia hộ của Địa Tạng Bồ Tát, là ân điển của Địa Tạng Bồ Tát. Nếu không, tôi đã sớm chết vì bệnh tại Thượng Hải rồi! Nam mô đại nguyện Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.

Kinh Sách Liên Quan

 
1.    Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, Tam Tạng Sa Môn Thật Xoa Nan Đà | Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Việt Dịch
2.    Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Thiển Thích, Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa | Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành, Việt Dịch
3.    Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Khoa Chú, Đại Sư Cổ Diêm Khuông Am Thanh Liên bật-sô Linh Thừa | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
4.    Những câu chuyện linh ứng về Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát Tập 1, Hòa Thượng Thích Như Điển, Việt Dịch
5.    Những câu chuyện linh ứng về Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát Tập 2, Hòa Thượng Thích Như Điển, Việt Dịch
6.    Những câu chuyện linh ứng về Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát Tập 3, Hòa Thượng Thích Như Điển, Việt Dịch
7.    Địa Tạng Bồ Tát Bản Tích Linh Cảm Lục, Hòa Thượng Thích Như Điển, Việt Dịch
8.    Địa Tạng Bồ Tát Bốn Nguyện Kinh Giảng Ký Quyển Hạ, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
9.    Địa Tạng Bồ Tát Bốn Nguyện Kinh Giảng Ký Quyển Thượng, Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Cư Sĩ Diệu Âm, Việt Dịch
10.    Địa Tạng Bồ Tát Thánh Đức Đại Quan, Đại Sư Hoằng Nhất | Cư Sĩ Như Hòa, Việt Dịch
11.    Phổ Khuyến Đạo Hữu Tịnh Độ Trì Tụng Kinh Địa Tạng, Pháp Sư Tâm Nhiên | Hòa Thượng Thích Pháp Chánh, Việt Dịch
12.    Sự Tích Linh Nghiệm Của Ngài Bồ Tát Địa Tạng, Pháp Sư Tâm Nhiên | Hòa Thượng Thích Pháp Chánh, Việt Dịch
13.    Bồ Tát Địa Tạng Thánh Đức Hỏi - Đáp, Cư Sĩ Lý Viên Tịnh | Thích Giác Nguyên, Việt Dịch
14.    Từ Bi Địa Tạng Bảo Sám, Ni Sư Hải Triều Âm
15.    Kinh Đại Thừa Đại Tập Địa Tạng Luân, Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang | Thích Nữ Huệ Thanh, Việt Dịch
16.    Kinh Địa Tạng Dịch Giải, Tam Tạng Sa Môn Thật Xoa Nan Đà | Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang, Việt Dịch
17.    Kinh Đại Thừa Đại Tập Địa Tạng Thập Luân, Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang | Thích Nữ Huệ Thanh, Việt Dịch
18.    Giải Thích Kinh Địa Tạng, Cư Sĩ Phạm Cổ Nông | Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến, Việt Dịch