Home > Khai Thị Phật Học > Suy-Nghi-Than-Trong
Suy Nghĩ Thận Trọng
Sa Môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn | Ban Dịch Thuật Hán Tạng Pháp Âm, Việt Dịch


Gồm năm phần: Lời dẫn, Thận trọng đối với lỗi lầm, Thận trọng đối với tai họa, Thận trọng đối với hoàn cảnh, Thận trọng đối với vật thụ dụng.

XVII.1. Lời dẫn

Suy nghĩ thận trọng để ngăn ngừa lỗi lầm là nguyên lý tránh tai họa; ngậm miệng không chê bai là nguồn gốc để xa lìa tội ác. Răn trước, ngừa sau là nguyên tắc hàng đầu của người quân tử. Kính già quí trẻ là cốt lõi trong việc nuôi dưỡng sinh linh. Sau đó, xét rõ sự nổi chìm của tội phúc, biết nỗi khổ vui của tốt xấu. Thí như muốn tự thấy mặt mình thì phải nhờ soi gương, tóc rối mà muốn suôn thẳng thì phải nhờ lược chải. Thế nên, thấy được mặt là nhờ gương sáng, tóc được suôn thẳng là nhờ lược tốt, đức hạnh được vang xa là nhờ lời nói hiền thiện, quả báo được thù thắng là nhờ gieo nhân tốt lành. Vì vậy, bản thân phải chịu thất bại hẳn là do không chấp nhận lời khuyên đúng đắn; mạng sắp lìa đời hẳn là do không uống thuốc hay.

XVII. 2. Thận trọng đối với lỗi lầm

Phẩm Tế long trong kinh Đại tập ghi: “Lúc bấy giờ, trong chúng hội, có một con rồng mù tên là Phả-la-cơ-lê-xa lớn tiếng khóc than, thưa rằng:

– Bạch Đại Thánh Thế Tôn, xin Ngài cứu con! Xin Ngài cứu con! Nay thân con chịu nhiều đau khổ, ngày đêm thường bị các loài côn trùng cắn rỉa, ăn thịt, sống trong nước nóng, không lúc nào được tạm vui.

Đức Phật bảo Lê-xa:

– Vào thời quá khứ, ngươi từng làm tì-kheo ở trong Phật pháp, nhưng lại hủy phá giới cấm, trong ngầm dối trá, ngoài hiện tướng hiền lành, tham muốn quyến thuộc đông, đệ tử nhiều, danh tiếng vang khắp, ai ai cũng biết đến, còn tự xưng: ‘Ta là hòa thượng đã đắc quả A-la-hán’. [85a] Do nhân duyên này, ngươi được thí chủ cúng dường rất nhiều, nhưng chỉ riêng mình thụ dụng. Thấy người giữ giới thì ngươi lại nói xấu, khiến họ buồn khổ và thề rằng: ‘Đời đời dù sinh ra nơi nào, ta cũng ăn thịt ông’. Đó là thân đời trước của ngươi. Do nghiệp ác này, sau khi chết, ngươi sinh trong loài rồng. Những người kia vì lời thề nên ăn thịt ngươi, còn ngươi do tạo nghiệp ác nên phải chịu quả báo mù lòa. Lại nữa, trong vô lượng kiếp quá khứ lúc ở nơi địa ngục nước đồng sôi, ngươi cũng thường bị các loài côn trùng cắn rỉa, ăn thịt.

Nghe câu chuyện này, rồng buồn khổ khóc lớn, bạch Phật:

– Chúng con ngày nay đều xin chí thành sám hối, nguyện cho chúng con mau được thoát khỏi nỗi khổ này.

Khi ấy, hai mươi sáu ức con rồng đói kia đều nhớ lại thân quá khứ của mình, khóc lóc thảm thiết, nhớ lại đời trước tuy đã xuất gia ở trong Phật pháp nhưng tạo đủ các nghiệp ác, nên trải qua vô số thân bị đọa vào ba đường ác; do nghiệp báo này chưa hết, nên lại sinh vào loài rồng, chịu khổ cùng cực, chẳng hạn như con rồng mù này vậy.

Bấy giờ, Đức Phật bảo các con rồng:

– Các ngươi hãy lấy nước rửa chân Như Lai thì tội báo của các ngươi dần dần được tiêu trừ.

Ngay đó, tất cả rồng lấy tay vốc nước, thì nước đều biến thành lửa, lại biến thành tảng đá lớn, rồi nổi lửa dữ đỏ rực khắp cả lòng bàn tay, dập tắt thì lại cháy, bảy lần như thế. Thấy vậy, tất cả rồng đều kinh sợ, sầu não, nước mắt đầm đìa. Vâng lời Phật dạy, chúng phát nguyện lớn, lửa dữ đều bị dập tắt. Đến lần thứ tám, chúng lấy tay vốc nước rửa chân Như Lai, chí thành sám hối. Đức Phật thụ ký cho các con rồng này: ‘Vào thời Phật Di-lặc, các ngươi sẽ được làm người, gặp Phật xuất gia, tinh tiến trì giới, đắc quả A-la-hán’.

Bấy giờ, các con rồng đều chứng được túc mạng tâm[24], tự nhớ lại nghịêp đã tạo trong đời quá khứ, từng ở trong Phật pháp, hoặc làm cư sĩ thân cận với chúng tăng, hoặc tới lui nghe pháp. Những người có lòng tin cúng dường các món ăn, thức uống, hoa quả, thì cùng với các tì-kheo ăn uống.

Có rồng nói:

– Tôi thường dùng thức ăn, thức uống và hoa quả của tứ phương chúng tăng.

Có rồng nói:

– Tôi đến chùa cúng dường chúng tăng, hoặc lễ bái và cũng ăn uống như thế.

Rồng khác nói:

– Tôi từng làm người cư sĩ ở trong pháp hội của Phật Tì-bà-thi.

Rồng khác lại nói:

– Tôi từng làm người cư sĩ ở trong pháp hội của Phật Thích-ca Mâu-ni, hoặc do nhân duyên quen biết thăm hỏi, hoặc tới lui nghe pháp mà qua lại chốn chùa chiền. Những người có lòng tin đem các thứ hoa quả, đồ ăn, thức uống cúng dường chúng tăng. [85b] Tì-kheo nhận rồi, trở lại cho tôi, tôi liền thụ. Vì nghiệp duyên ấy, nên tôi bị đọa vào địa ngục trải qua vô số kiếp, hoặc bị thiêu nấu ở trong lửa dữ, hoặc uống nước đồng sôi, hoặc nuốt hòn sắt nóng… Ra khỏi địa ngục, tôi đọa làm súc sinh; bỏ thân súc sinh, lại sinh vào loài ngạ quỷ, chịu nhiều sự thống khổ như thế. Nhưng vì nghiệp ác chưa hết, nên tôi phải sinh trong loài rồng này, thường bị khổ đau.

Đức Phật dạy:

– Những nghiệp ác này không khác gì trộm vật của Phật… Tội này bằng nửa năm tội nghịch. Nay ngươi nên suốt đời quy y tam bảo, dốc lòng tu thiện. Nhờ công đức này, trong đời hiền kiếp, các ngươi sẽ gặp vị Phật cuối cùng hiệu là Lâu-chí[25]. Vào thời Đức Phật ấy, tội lỗi của các ngươi sẽ được dứt trừ.

Sau khi nghe Phật dạy, tất cả rồng đều chí thành, nguyện suốt đời thụ trì tam quy.

Bấy giờ, trong số ấy, có vợ của con rồng mù, miệng bị lở loét, đầy dẫy giòi bọ, hôi thối giống như phân tiểu, cho đến những thứ dơ uế toát từ thân căn của người nữ, thật là khó nhìn. Khi nó ăn uống, thì máu mủ chảy ra. Toàn thân thường bị ruồi muỗi, các loài trùng độc cắn rỉa, ăn thịt. Thân thể hôi thối, chẳng ai dám nhìn.

Lúc ấy, với lòng đại bi, Đức Phật nhìn thấy vợ của rồng kia mù lòa khốn khổ như thế, bèn Hỏi:

– Vì sao ngươi phải mang lấy thân xấu xa như vậy, trong quá khứ đã từng làm nghiệp gì?

Rồng vợ Đáp:

– Bạch Đức Thế Tôn, thân của con đây phải chịu các thứ khổ bức bách, không có lúc nào tạm dừng, giả sử muốn nói cũng không thể nói được. Con nhớ lại, vào thời quá khứ cách đây ba mươi sáu ức kiếp, trong trăm nghìn năm, con sinh vào loài rồng chịu khổ như thế, suốt cả ngày đêm, không phút giây tạm dừng. Lại trong chín mươi mốt kiếp xa xưa, vào thời Phật Tì-bà-thi, con từng làm tì-kheo ni ở trong Phật pháp, thường nghĩ đến việc dâm dục hơn cả người say. Tuy đã xuất gia, nhưng con không thực hành đúng pháp, trong chốn già-lam trái phạm giới luật, nên thường bị thiêu nướng trong ba đường ác.

Trình bày xong, rồng bạch Phật:

– Xin Ngài cứu con!

Nghe rồng kể lại sự thật như thế, Đức Phật lấy một ít nước đổ vào miệng rồng. Khi ấy lửa và giòi bọ, máu mủ đều tan biến. Miệng được sạch sẽ, rồng lại thưa:

– Đại Thánh Như Lai! Con nhớ thuở quá khứ, thời Phật Ca-diếp, con từng làm người cư sĩ. Một hôm, con đang cày ruộng, có vị tì-kheo đến xin con năm mươi đồng tiền. Khi ấy, con trả lời:

– Đợi khi lúa chín, tôi sẽ cúng cho ngài.

Vị tì-kheo nói:

– Nếu không thể cho năm mươi đồng thì cho xin mười đồng cũng được.

Lúc đó, con tức giận, nói với vị tì-kheo:

– Dù chỉ mười đồng, tôi cũng không cho.

Bấy giờ, vị tì-kheo sinh lòng buồn khổ, ra về.

[85c] Lại một lần khác, con vào vườn cây của chùa trộm lấy mười quả xoài là vật của hiện tiền tăng, rồi ăn một mình. Do nghiệp ác này, nên con chịu khổ trong chốn địa ngục. Nghiệp ác ấy chưa hết, con phải sinh làm rồng đói ở nơi đầm vắng, thường bị các loài côn trùng cắn rỉa, ăn thịt, máu mủ chảy khắp, đói khát khổ não. Còn vị tì-kheo kia do nghiệp ác của lòng sân giận, nên chết đọa làm con rồng độc nhỏ sống trong nách con để hút máu, hơi nóng xông khắp thân, không thể chịu được. Thế nên, thân con nóng bức, máu mủ đầm đìa.

Rồng lại bạch Phật:

– Xin Ngài từ bi thương xót cứu con, để con mau được thoát khỏi rồng độc oan gia này!

Bấy giờ, Đức Phật dùng tay vốc nước, phát nguyện và kể rằng:

– Thuở xưa, gặp thời đói khát, Ta phát nguyện làm một con vật có thân to lớn, dài rộng vô lượng, rồi dùng năng lực thần thông ở giữa hư không xướng lên rằng:

– Trong đầm vắng kia, có một con vật to lớn, tên là Bất Sân, các người nên đến lấy thịt của nó về làm thức ăn cho khỏi đói.

– Người, phi nhân v.v.. nghe lời này, tất cả đều tranh nhau đến ăn thịt nó.

Nghe Phật phát nguyện và kể lại sự thật này, con rồng nhỏ ở dưới nách rồng kia bèn chui ra, cả hai cùng bạch Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn! Đến khi nào chúng con mới hết kiếp rồng, dứt sạch tội báo?

Đức Phật bảo:

– Nghiệp này rất nặng, sẽ bị đọa địa ngục Ngũ Vô Gián[26]. Vì sao? Nếu có vật của tứ phương tăng[27], hoặc vật của hiện tiền tăng[28], vật do đàn-việt có niềm tin sâu dày dâng cúng, như hoa quả, vườn cây, đồ ăn, thức uống, giường chiếu, tọa cụ, thuốc thang… mà mình tự tiện tiêu xài riêng, hoặc mang ra ngoài cho những người cư sĩ, bạn bè quen biết, tội này rất nặng, phải chịu quả báo nơi địa ngục A-tỳ. Vì thế, các ngươi nên thụ trì tam quy. Sau khi quy y tam bảo, các ngươi mới có thể sống trong dòng nước lạnh. Ba lần xưng, ba lần thụ như thế, các ngươi sẽ được an ổn sống trong dòng nước ấy”.

Bấy giờ, Đức Phật liền nói kệ cho các con rồng nghe:

Thà dùng dao bén tự xẻ thân,
Từng đoạn xương khớp, thịt, da, gân,
Tài vật do đàn-việt dâng cúng,
Cư sĩ thế tục chẳng có phần.
Thà nuốt sắt nóng cháy phừng phừng,
Khiến cho miệng lưỡi lửa bốc lên,
Đồ ăn, thức uống của tăng chúng,
Cư sĩ không nên lén tự dùng.
Là người cư sĩ sống tại gia,
Thà đem lửa lớn như Tu-di,
Tự tay bốc lấy bỏ vào miệng,
Chứ không dám dùng vật của tăng.
[86a] Thà dùng dao bén xẻ thân mình,
Tự ăn da thịt của bản thân,
Nếu là người tại gia cư sĩ,
Không nên nhận thức ăn tăng chúng.
Thà tự gieo mình vào ngọn lửa,
Đang cháy phừng phực khắp căn phòng,
Nếu là người tại gia cư sĩ
Chớ ngồi, chớ nằm giường chúng tăng.
Thà dùng chày sắt nung lửa dữ,
Đưa tay cầm lấy bị cháy tiêu,
Nếu là người tại gia cư sĩ,
Không nên lén dùng vật của tăng.
Thà dùng dao chày thật bén tốt,
Tự lóc, giả thịt của bản thân,
Đối với hàng xuất gia thanh tịnh,
Chớ khởi lên một niệm giận sân.
Thà tự tay móc hai mắt mình,
Vứt bỏ, quăng ném xuống nền đất,
Đối với người tu tập pháp lành,
Không nên nhìn bằng tâm sân giận.
Thà lấy tấm sắt nóng quấn thân,
Đi đứng, ngồi nằm thân chẳng yên,
Chớ khởi tâm sân, sinh đố kị,
Mà khoác y thanh tịnh của tăng.
Thà uống nước tro hay nước muối,
Nước sôi phỏng miệng như lửa bỏng,
Không nên ôm lòng tham, sân, ác,
Uống thuốc đàn-việt cúng chúng tăng.

Sau khi Đức Phật nói bài kệ này, bầy rồng một vạn bốn nghìn con đều thụ trì tam quy, tất cả nghiệp báo khổ đau trong quá khứ, hiện tại đều được tiêu trừ, tin sâu tam bảo, tâm không lui sụt. Lại có các bầy rồng khác gồm tám mươi ức con cũng phát tâm quy y tam bảo.

Kinh Đại tập ghi: “Có vị tì-kheo nhận được tất cả những vật dụng cần thiết. Tất cả vật dụng ấy đều do đàn-việt có tín tâm cúng dường. Vậy mà vị này hoặc để mình ăn, hoặc cho người khác, hoặc cùng mọi người lén lấy cất giấu, dùng riêng ở chỗ khuất. Vì những việc làm như thế, nên vị này đọa vào ba đường ác, mãi chịu khổ đau.

Lại có chúng sinh nghèo cùng hèn hạ, không được an ổn, cho nên xuất gia mong được giàu có, an ổn vui sướng. Thế nhưng, sau khi xuất gia, vị ấy biếng nhác, không chịu đọc tụng kinh điển, không siêng năng tu tập thiền định, trí tuệ, chỉ thích tò mò việc của tăng.

Lại có tì-kheo ngày đêm siêng năng tu tập pháp lành, đọc tụng kinh điển, tọa thiền, tu tuệ không phút giây lơ là. Nhờ công đức này, vị ấy được bốn chúng cúng dường đầy đủ. Bấy giờ, vị ấy làm tri sự được nhiều lợi dưỡng, rồi hoặc lấy dùng riêng, hoặc lén cho những người thế tục thân quen. Do nghiệp duyên này, vị ấy ở mãi trong đường ác, ra rồi lại vào. Kẻ ngu si như thế không sợ quả báo đời sau nặng nhẹ ra sao. [86b] Thế nên, nay Ta răn nhắc các đệ tử sa-môn: ‘Hãy nhớ nghĩ đến pháp mà hành trì, không được tự xưng: ‘Tôi là sa-môn, tu hành đúng chính pháp’. Nhờ nương tựa vào chúng tăng, nên các ông được nhận các vật do đàn-việt cúng dường, như bánh, rau, hoa, quả, nhưng đó là vật thực của chúng tăng, không được tự tiện lấy cho người thế tục, cũng không được nói: ‘Đó là vật của tôi’, rồi ăn biệt[29] chúng”.

Lại nữa, cũng không được lấy vật của chúng tăng cất chứa, kiếm lời, mua bán đổi chác… bảo là làm lợi ích, để rồi phải bị người đời chê bai. Lại cũng không được mua rẻ bán đắt, để tranh lợi với đời. Lại cũng không được vì việc ăn uống hay việc tăng mà làm cho chúng sinh bị rơi vào ba đường ác, phải nên khuyên bảo họ an trú trong pháp lành để họ có niềm tin vững chắc vào tam bảo, nhiếp hộ tất cả chúng sinh cho đến cha mẹ, đều được an ổn, đắc ba môn giải thoát[30].

Kinh Thập luân ghi: “Nếu vật của tứ phương tăng, hoặc các vật dụng cần thiết v.v.., mà không chia cho những người trì giới, phá giới, người này sau khi mạng chung, sẽ đọa vào địa ngục A-tì”.

XVII.3. Thận trọng đối với tai họa

Kinh Cựu tạp thí dụ ghi: “Xưa, ở một nước nọ, ngũ cốc được mùa, nhân dân an lạc, không có tật bệnh, ngày đêm ca múa, chẳng ai lo phiền. Bấy giờ, vua hỏi quần thần:

– Trẫm nghe trong thiên hạ có tai họa, đó là gì vậy?

Quần thần trả lời:

– Chúng thần không biết.

Nhà vua bèn sai một vị quan đến nước lân cận tìm mua tai họa. Lúc đó, thiên thần hóa làm người, vào chợ bán một con vật lạ trói bằng dây sắt, hình dáng giống như heo.

Thấy vậy, vị quan Hỏi:

– Đây là con gì?

Thiên thần trả lời:

– Là mẹ của tai họa.

– Có bán không?

– Có bán.

– Bao nhiêu tiền?

– Một nghìn vạn.

– Nó ăn những thứ gì?

– Ăn một thăng kim.

Sau khi mua được mẹ tai họa, vị quan ra lệnh mỗi nhà phải đi tìm kim. Thế là mọi người xúm đôi xúm ba cùng nhau tìm kim, khiến cho quận huyện khắp nơi đều rối loạn, người dân chịu nhiều tai họa, đau thương.

Vị quan tâu vua:

– Tuy được mẹ của tai họa, nhưng lại làm cho dân tình rối loạn, nam nữ thất nghiệp. Giờ đây, thần muốn giết chết nó, không biết bệ hạ có cho phép không?

Vua bảo:

– Tốt lắm.

Vị quan liền đem ra ngoài thành định giết, nhưng đâm thì không vào, chém thì không đứt, chặt thì không chết, chất củi đốt thì thân nó đỏ như lửa rồi bỏ chạy. Nó chạy qua làng thì cháy làng, đến chợ thì cháy chợ, vào thành thì cháy thành, vào đất nước thì cháy đất nước, làm cho dân chúng rối ren, đói khát, khốn khổ. Cảnh khổ ấy là do chán vui, rước họa gây ra”.

Câu chuyện này dụ cho người nam thường bị lửa dục nữ sắc thiêu đốt. Người đời tham đắm sắc dục, đến chết vẫn không biết khổ.

XVII.4. Thận trọng đối với hoàn cảnh

[86c] Kinh Chính pháp niệm ghi: “Bồ-tát Khổng Tước bảo đại chúng:

– Nếu tì-kheo nào sợ tiếng xấu thì nên tránh xa những nơi tội lỗi:

1. Không vào nơi người nữ vui chơi.
2. Không vào quán rượu.
3. Không gần gũi cũng không nói chuyện với người bán rượu.
4. Không gần gũi cũng không nói chuyện với kẻ nghiện rượu.
5. Không giao du với kẻ trộm cắp.
6. Không gần người trước đây đã từng làm việc ác.
7. Không gần kẻ ưa đánh nhau.
8. Không gần kẻ độc ác, ngầm hại người.
9. Không gần người đã nhiều lần bỏ đạo.
10. Không gần kẻ đam mê cờ bạc.
11. Không gần người ca múa hát xướng.
12. Không gần gũi trẻ em.
13. Không gần người say đắm nữ sắc.
14. Không gần người tính tình nóng nảy.
15. Không gần người nói năng bừa bãi.
16. Không gần người tham lam.
17. Không gần người mua bán dối trá.
18. Không tới lui với kẻ xảo trá ở đầu đường, xó chợ, bị người khinh ghét.
19. Không gần người đào ao, vét hồ.
20. Không gần kẻ hoàng môn, không đi chung đường với người nữ.
21. Không gần người huấn luyện voi.
22. Không gần kẻ đâm thuê chém mướn.
23. Không gần người huấn luyện ngựa.
24. Không gần người chấp đoạn kiến.
25. Không gần người chẳng có giới luật”.

Tì-kheo không nên gần gũi những hạng người xấu xa như thế, nếu gần những người này, thì sẽ có hành vi giống như họ.

Vì vậy, tì-kheo phải sợ tiếng xấu, không nên đi chung đường hoặc gần gũi những người có hành vi không chân chính.

Khi ấy, bồ-tát nói kệ:

Nếu gần kẻ xấu ác,
Sẽ thành người bất thiện,
Thế nên phải tránh ác,
Chớ làm điều bất thiện.
Thân cận với người nào,
Hẳn luôn gần gũi họ,
Vì gần nên cùng làm,
Hoặc thiện, hoặc bất thiện.
Những ai chuộng điều tốt,
Nên gần gũi người lành,
Nhờ vậy được an vui,
Thiện không gây ra khổ.
Gần thiện tăng công đức,
Gần ác thêm lỗi lầm,
Công đức và tai họa,
Nay lược nói như vầy.
Nếu thân cận người thiện,
Sẽ được tiếng tốt đẹp,
Còn gần người bất thiện,
Bị mọi người xem thường.
Phải luôn gần người thiện,
Xa lìa bạn bè ác,
Nhờ gần gũi người thiện,
Dứt bỏ các việc ác.

[87a] Kinh Tạp a-hàm ghi: “Bấy giờ, Đức Phật bảo các tì-kheo:

– Ví như cái chày gỗ cứ giã suốt ngày đêm, không lúc nào dừng, thì nó sẽ mau mòn. Cũng vậy, này các tì-kheo! Từ xưa đến nay không phòng hộ các căn, ăn uống không biết tiết độ, đầu hôm, cuối đêm không siêng năng tỉnh giác tu tập pháp lành; nên biết, những người này suốt ngày chỉ làm tổn giảm chứ không làm tăng trưởng pháp lành, cũng như cái chày gỗ kia vậy”.

Lại nữa, kinh Tự ái ghi: “Phật dạy:

– Người sống ở đời, tâm nghĩ điều ác, miệng nói lời ác, thân làm việc ác. Ba nghiệp này xuất phát từ tâm rồi thể hiện ra thân, miệng, tạo thành nghiệp ác, làm tổn hại chúng sinh. Do bị tổn hại, chúng sinh kết thành oán hận, lòng thề muốn báo thù ngay trong đời này. Hoặc sau khi chết, thần thức sinh lên trời, rồi trở xuống báo thù; hoặc sinh làm người, hay đọa làm súc sinh, ngạ quỉ, địa ngục, lại đánh giết nhau. Đây đều là do nghiệp ác đời trước, chứ chẳng phải vô cớ vậy.

Đức Phật nói kệ:

Tâm làm chủ các pháp,
Tâm dẫn đầu, tâm tạo,
Nếu với tâm ngu si,
Nói năng hay hành động,
Thì tội khổ theo sau,
Như xe lăn theo vết.
Tâm làm chủ các pháp,
Tâm dẫn đầu, tâm tạo,
Nếu với tâm hiền thiện,
Nói năng hay hành động,
Thì phúc báo theo sau,
Như bóng luôn theo hình”.

Kinh Cựu tạp thí dụ ghi: “Xưa, gặp lúc hạn hán, ao hồ khô cạn, ba ba không thể đến hồ để tìm thức ăn. Lúc ấy, một con hạc lớn bay đến đậu bên cạnh, ba ba theo van xin, mong được cứu giúp. Chim hạc bèn gắp ba ba bay qua thành ấp, xóm làng. Ba ba không chịu im lặng, cứ hỏi liên tục: ‘Đây là nơi nào?’, hạc liền đáp lời. Vừa lúc hạc mở miệng, ba ba rơi xuống đất, thì bị người bắt ăn thịt”.

Người đời ngu si, không giữ gìn miệng lưỡi, cũng như con ba ba này vậy.

Kinh Pháp cú thí dụ ghi: “Phật bảo bà-la-môn:

– Thế gian, có bốn điều mà con người khó làm được. Nếu người nào thực hành thì được phúc báo, không bị nghèo khổ. Bốn điều ấy là:

1. Tuổi trẻ khỏe mạnh, mà không sinh tâm kiêu mạn
2. Tuổi già tinh tiến, mà không tham lam dâm dật
3. Có của quý giá, thường nghĩ đến bố thí
4. Theo thầy học hỏi, tin nhận lời đúng đắn.

Như ông cụ này không thực hành bốn điều trên, còn cho rằng thân mạng và của cải là thường còn, không tính đến thành hay bại; bỗng chốc chúng sẽ tiêu tan, cũng như con hạc canh giữ ao khô, hoàn toàn không được gì cả. Ngay đó, Đức Phật nói kệ:

Ngày đêm kiêu mạn,
Già vẫn tham dâm,
Có của không thí,
Không vâng lời Phật,
Làm bốn điều xấu,
Là tự hại mình,
Than ôi! Già đến,
Sắc biến, da nhăn,
Trẻ được trọng dụng,
[87b] Già bị xem thường,
Không tu Phạm hạnh,
Lại chẳng giàu sang,
Già như hạc trắng,
Canh giữ ao khô,
Đã không giữ giới,
Cũng không có của.
Già yếu, sức tàn,
Hối hận sao kịp,
Già như lá thu,
Rách rưới, bẩn thỉu,
Cái chết kề bên,
Hối hận sao kịp”.

Kinh Tạp bảo tạng ghi: “Phật bảo:

– Xưa, vua nước Ca-thi tên là Ác Thụ, thường làm điều phi pháp, bạo ngược vô đạo, gây khổ đau cho muôn dân. Nếu có khách buôn từ các nơi đến, tất cả vật quý báu tốt đẹp của họ đều bị vua đoạt lấy, không trả tiền. Do vậy, vật báu trong nước rất đắt. Mọi người truyền tai nhau, tiếng ác của vua vang khắp.

Bấy giờ, chim anh vũ[31] chúa ở trong rừng, nghe người đi đường đều chê trách sự ác độc của vua, liền suy nghĩ: ‘Ta tuy là loài chim mà còn biết đó là điều sai trái, nay ta phải đến chỉ bày con đường lành cho vua. Nếu vua nghe theo lời ta, ắt sẽ cho rằng: ‘Con chim chúa kia còn biết nói lời hiền thiện, còn ta là vua mà để nó chê trách?’, có thể ông ấy sẽ sửa đổi.

Nghĩ xong, anh vũ chúa bay đến vườn của vua, liệng quanh rồi đậu trên một cành cây. Gặp lúc phu nhân nhà vua vào vườn dạo chơi, anh vũ chúa liền vỗ cánh kêu vang, rồi nói: ‘Nay vua thật là bạo ngược vô đạo, tàn sát muôn dân, giết hại cả loài chim thú. Người và vật đều căm phẫn, tiếng ai oán đầy khắp thiên hạ, phu nhân cũng độc ác giống như vua vậy. Là bậc cha mẹ của dân, há lại như thế sao?’.

Nghe vậy, phu nhân vô cùng tức giận, suy nghĩ: ‘Sao con chim bé nhỏ này lại trách mắng ta thậm tệ như thế?’

Thế là, phu nhân sai người đuổi bắt chim anh vũ.

Không chút sợ hãi, anh vũ bèn đậu trên tay người định bắt mình. Phu nhân được chim, liền mang đến cho vua. Vua hỏi anh vũ:

– Vì sao ngươi trách mắng ta?

Anh vũ trả lời:

– Tôi nói những việc làm sai quấy của vua là muốn giúp ích cho vua, chứ tôi đâu dám mắng vua.

Khi ấy, vua Hỏi:

– Ta đã làm điều gì sai quấy?

Anh vũ trả lời:

– Vua có bảy điều sai quấy, làm nguy hại đến tính mạng của vua.

Vua Hỏi:

– Bảy điều ấy là gì?

Anh vũ kể:

1. Say đắm nữ sắc, không trọng người chính trực.

2. Đam mê rượu chè, không chăm lo việc nước.

3. Ham cờ bạc, không giữ gìn phép tắc.

4. Không có tâm từ, chuyên săn bắn giết hại.

5. Ưa nói lời ác, không nói lời hiền thiện.

6. Sưu cao, thuế nặng, hình phạt khắt khe, gấp bội lệ thường.

7. Bất chấp đạo nghĩa, cướp đoạt tài sản của dân.

Đó là bảy điều làm nguy hại cho vua. Lại có ba điều làm cho đất nước suy đồi.

Vua lại Hỏi:

– Ba điều đó là gì?

Anh vũ nói:

1- Gần gũi với những hạng người dua nịnh, độc ác.

[87c] 2- Không thân cận những bậc hiền tài, không học hỏi điều hay, lẽ phải.

3- Thích xâm chiếm nước khác, không chăm lo đời sống của dân.

Nếu đại vương không trừ bỏ ba điều này, thì chẳng bao lâu đất nước sẽ bị diệt vong. Là bậc quân vương, thì cả nước đều hướng về trông cậy. Vua phải như cây cầu, cứu giúp muôn dân. Vua phải như cái cân, thân sơ đều đối xử bình đẳng. Vua phải như con đường, dẫn theo dấu chân của bậc thánh. Vua như mặt trời, chiếu sáng khắp thế gian. Vua như mặt trăng, làm muôn vật mát dịu. Vua như cha mẹ, thương yêu nuôi dưỡng muôn dân. Vua như trời cao, che chở mọi loài. Vua như đất rộng, dưỡng nuôi vạn vật. Vua như ngọn lửa, thiêu rụi tai họa cho trăm họ. Vua như dòng nước, thấm nhuần khắp nơi. Vua phải như các bậc Chuyển luân thánh vương thời quá khứ, dùng pháp thập thiện[32] giáo hóa chúng sinh.

Vua nghe lời này, lòng rất hổ thẹn, cho rằng: ‘Lời chim anh vũ thật chí thành tha thiết, ta là vua một nước mà làm điều vô đạo. Giờ đây, ta phải nghe theo lời khuyên của anh vũ, tu tập chính hạnh và tôn chim làm thầy’”.

Từ đó, trong nước, đường lối đạo đức được ban hành, tiếng xấu không còn. Phu nhân và bá quan văn võ đều hết lòng trung thành kính trọng. Nhân dân cả nước đều vui mừng.

Chim anh vũ thuở ấy chính là Ta. Vua Ác Thụ nước Ca-thi nay là phụ tướng. Phu nhân thuở ấy nay là phu nhân của phụ tướng.

XVII.5. Thận trọng đối với vật thụ dụng

Luật Tăng-kì ghi: “Đức Phật bảo các tì-kheo:

– Vào thời quá khứ, tại thành Ba-la-nại, nước Ca-thi, có vị bà-la-môn đào một cái giếng công cộng ở nơi đồng trống để cho người đi đường và kẻ chăn trâu đến giếng đó lấy nước uống và tắm rửa.

Một hôm, lúc trời về chiều, có bầy dã can đến uống nước còn đọng lại trên đất, nhưng dã can chúa không chịu uống nước bẩn ấy. Nó bèn chui đầu vào cái chum để uống. Uống xong, nó hất cái chum lên cao, rồi giáng xuống đất làm vỡ cái chum, nhưng miệng chum vẫn dính nơi cổ của nó.

Thấy vậy, bọn dã can nói với dã can chúa:

– Lá cây dính nước còn có thể dùng được thì cũng phải giữ gìn, huống là cái chum này có lợi cho người đi đường, sao lại đập vỡ nó đi?

Dã can chúa nói:

– Tôi làm như vậy chỉ để vui thôi, đâu cần nghĩ đến những việc khác.

Bấy giờ, người đi đường mách với vị bà-la-môn:

– Cái chum của ngài đã bị vỡ rồi.

Vị bà-la-môn lại làm cái khác giống như cái trước, rồi cũng bị dã can chúa phá vỡ, cho đến mười bốn lần. Bọn dã can nhiều lần khuyên can, nhưng dã can chúa vẫn không nghe theo.

Khi ấy, bà-la-môn suy nghĩ: ‘Kẻ nào làm vỡ cái chum này, ta sẽ rình xem’, thì biết đó chính là dã can. [88a] Bà-la-môn lại nghĩ: ‘Ta đào giếng để làm điều phúc thiện mà còn gặp nạn’. Thế rồi, ông ta làm một cái chum gỗ chắc chắn, khó vỡ, để dã can chui đầu vào dễ mà khó chui ra và cũng đặt bên cạnh giếng. Sau đó, ông ta cầm gậy, núp ở chỗ khuất rình bắt nó.

Khi người đi đường uống nước xong, dã can chúa cũng đến uống nước như trước. Uống xong, nó cũng đập cái chum xuống đất, nhưng chum không vỡ. Ngay đó, vị bà-la-môn cầm gậy, đánh chết dã can. Bấy giờ, trên không trung có vị trời nói kệ:

Bạn tốt nói lời lành,
Cứng đầu, không chịu nghe,
Ngoan cố nên chuốc họa,
Đó là tự hại mình,
Vì vậy, dã can ngu,
Tự rước họa vào thân.
Phật bảo các tì-kheo:

– Dã can chúa thuở ấy là Đề-bà-đạt-đa ngày nay, bầy dã can thuở ấy nay là các tì-kheo can gián Đề-bà-đạt-đa. Nên biết, vào thời quá khứ, Đề-bà-đạt-đa đã nhiều lần không chịu nghe theo lời can gián của đồng loại để đến nỗi tán thân mất mạng. Ngày nay, ông ấy lại không chịu nghe theo lời khuyên can của các tì-kheo, nên bị rơi vào đường ác, mãi chịu khổ đau.

Có bài tụng rằng:

Luôn luôn thận trọng,
Soi lại chính mình,
Không nói hai lời,
Tâm không vọng tưởng.
Ít muốn, biết đủ,
Đừng xét kia đây,
Canh cánh giữ gìn,
Mọi nỗi buồn vui.

—————————————-
[24] Túc mạng tâm 宿命心(Cg: túc mạng trí): trí biết được những thụ báo sai biệt, thiện ác khổ vui trong một đời hay trong vô lượng đời ở quá khứ.

[25] Lâu Chí 樓至 (S: Rudita, Rucika): vị Phật xuất thế sau cùng trong số một nghìn vị Phật trong kiếp Hiền.

[26] Địa ngục Ngũ Vô Gián (Ngũ Vô Gián địa ngục 五無間地獄): địa ngục có năm quả báo vô gián, tức chỉ cho địa ngục A-tì. Năm quả báo vô gián là thời vô gián, hình vô gián, thụ khổ vô gián, thú quả vô gián và mạng vô gián.

[27] Vật của tứ phương tăng (tứ phương tăng vật 四方僧物): chỉ cho các vật cúng dường đến từ nơi khác và thuộc về vật dùng chung của tất cả tì-kheo, như chùa chiền, kho lẫm, ruộng vườn, cơm gạo, y phục, thuốc men…

[28] Vật của hiện tiền tăng (hiện tiền tăng vật 現前僧物): đồ vật mà chúng tăng hiện tiền có thể thụ dụng theo nhu cầu vật chất trong cuộc sống, như y phục, thực phẩm, thuốc men và những di vật của vị tì-kheo đã mất.

[29] Ăn biệt chúng (biệt chúng thực 別眾食): không cùng ăn chung với chúng tăng.

[30] Ba môn giải thoát (tam giải thoát môn 三解脫門): ba môn giải thoát đạt đến Niết-bàn, bao gồm Không môn, Vô tướng môn và Vô nguyện môn.

[31] Anh vũ 鸚鵡: chim két.

[32] Thập thiện 十善: mười điều lành, tại gia hay xuất gia đều phải gìn giữ thân, miệng và ý không cho trái phạm. Đó là Không sát sinh; Không trộm cướp; Không tà dâm; Không vọng ngữ; Không ỷ ngữ; Không lưỡng thiệt; Không ác khẩu; Không tham; Không sân; Không si.