Home > Khai Thị Phật Học
Sự Ra Đời Của Đức Phật Thích Ca
Đại Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan


Sự ra đời của Đức Phật Thích Ca theo Thông Bạch Phật Đản Phật Lịch 2565 2021 có đoạn ghi "Bản nguyện của ngài là gì khi hóa thân đến trần gian này?" Một câu hỏi mang đầy ý nghĩa nhất cần phải khai triển. Sự hóa thân xuống trần này với mục đích mở một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên cho đến ngày nay chưa từng có của loài người, đó là một kỷ nguyên trí tuệ và từ bi. Trước khi đi sâu vào trí tuệ và từ bi, trước hết ta quán chiếu đầu tiên sự xuất hiện bằng cách hóa thân của ngài xuống trần gian này.

A. Sự ra đời của ngài tại nước Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) có hai phương diện, phương diện lịch sử và phương diện biểu tượng. Ngài là Bồ Tát hóa thân xuống trần gian cởi con voi trắng sáu ngà là phương diện biểu tượng; Ngài là thái tử con vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và Hoàng Hậu Ma Da (Maha Maya) là phương diện lịch sử. Trước hết nhìn về phương diện biểu tượng:

1. Phương diện biểu tượng thứ nhất là voi trắng sáu ngà: theo truyền thuyết bốn vật cao quý nhất: [nhất điểu, nhì ngư, tam xà, tứ tượng] (Điểu là chim, thường gọi là chim Đại Bàng; Ngư cá hoá long [theo Tự Điển Việt Nam]; Xà là rắn, [theo Ấn Độ có loại rắn bảy đầu thường che mưa cho đức Phật Thích Ca, theo sử liệu]; Tượng, có chỗ gọi là voi.

a. Voi trắng: màu trắng là biểu tượng màu trong sạch, là màu giải thoát (bạch nghiệp là nghiệp trắng, là hết nghiệp, trong sạch không còn nghiệp.)

b. Sáu ngà là biểu tượng cho Lục Độ của Bồ Tát Hạnh. Lục Độ, theo Tự Điển Đoàn Trung Còn (Six vertus cardinals fr.), cũng kêu là Lục Ba La Mật (six Paramitas), Lục Độ là sáu phương pháp có khả năng đưa đến bờ giác bên kia.

Lục Độ gồm có:

1. Bố thí trừ tham lam, keo lận.
2. Trì giới trừ tà ác.
3. Nhẫn nhục trừ sân khuế.
4. Tinh tấn trừ giải đãi.
5. Thiền định trừ tán loạn.
6. Trí huệ trừ ngu si.

2. Phương diện biểu tượng thứ hai là đi bảy bước trên bảy hoa sen.

a. Hoa sen thông thường giải thích là biểu tượng trong sạch, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Nhưng hoa sen còn mang nhiều ý nghĩa khác, đạo Phật chính là đạo hoa sen; sao gọi là đạo hoa sen? Thế giới của Bồ Tát Hộ Minh an trụ chính là Thế Giới Liên Hoa Tạng, cũng như thế giới của Phật Đa Bảo là Thế Giới Bảo Tháp. Thế Giới Liên Hoa Tạng (Monde des litus fr.), theo Phật Học Tự Điển của Đoàn Trung Còn, quyển II, trang 200 có giải thích, mỗi đức Phật đều có cảnh Liên Hoa Tạng Thế Giới của mình. Như Kinh Hoa Nghiêm có chỉ rõ:

* Liên Hoa Tạng Thế Giới của đức Phật Thích Ca,
* Liên Hoa Tạng Thế Giới của đức Phật A Di Đà (Kinh Vô LượngThọ và Quán Vô Lượng Thọ)
* Liên Hoa Tạng Thế Giới của đức Phật Đại Nhật (Kinh Đại Nhật)

b. Phật đi bảy bước: số bảy là một pháp tiêu biểu, sự cấu trúc của vạn pháp trong vũ trụ này, theo Vạn Pháp Qua Cái Nhìn Của Duy Thức cùng một tác giả, gồm có bảy yếu tố: đất, nước, lửa, gió, nghiệp lực, nghiệp tướng, Thức A Lại Da. Thiếu một trong bảy yếu tố này vạn pháp không thể thành hình, ngoại trừ thế giới vô sắc.

c. Đức Phật đi bảy bước trên bảy hoa sen, nghĩa là khắp thế giới, ngài bước chân đến đâu là hoa sen nở đến đó, hay nói một cách khác giáo lý của ngài đi đến đâu là tinh thần hoa sen nở đến đó.

B. Phương diện lịch sử: Đức Phật Thích Ca ra đời xây dựng xã hội trên nền tảng trí tuệ và từ bi.

1. Phần Trí Tuệ: Trí tuệ, tiếng Phạn là Prajnà, trí tuệ của ngài là trí tuệ siêu việt, trí tuệ ba la mật (Prajnàparamitas). Trí tuệ của ngài có thể nói một thứ trí tuệ vĩ đại đãõ được chứng minh tản mác khắp cả tạng kinh, đó là trí tuệ phi thường của một giáo chủ thể hiện qua tư tưởng. Là một giáo chủ vĩ đại không phải chỉ vài quyển kinh nho nhỏ không biện chứng. Trong bài này không bàn sâu về trí tuệ, vì nhiều kinh sách cũng như mạng internet đã giải thích rất nhiều.

2. Phần Từ Bi: gọi cho đủ là tâm từ bi. Tâm từ bi có một số người lầm lẫn giải thích là tâm thương yêu; những người giải thích như thế vô tình hạ thấp giá trị tâm từ bi của Phật giáo. Tâm thương yêu có mặt trái của nó, vì thương không được thì thù ghét, yêu không được là thù hận. Từ Bi, nghĩa chữ Trung Hoa giải thích: Từ năng giữ lạc, bi năng bạt khổ, Từ nghĩa là tôn trọng sự sống, tức là không được phá hoại hạnh phúc của chúng sanh; Bi nghĩa là bảo vệ sự sống, tức là thấy chúng sanh đau khổ phải ra tay cứu giúp, không được ngoảnh mặt làm ngơ. Nói cách khác, Tâm từ bi là tâm của Bồ Tát, Tâm Từ là tâm hành động bảo vệ sự sống hạnh phúc của chúng sanh và Tâm Bi là cũng là tâm hành động có nhiệm vụ cứu thoát sự thống khổ của chúng sanh. Chúng ta không cần giải thích nghĩa Tâm Từ Bi là tâm thương yêu, mà chúng ta chỉ cần giải thích thẳng danh xưng tâm từ bi là hàm đủ nhiều ý nghĩa trong đó.

Trong bài này tôi chỉ trình bày những đặc điểm tư tưởng của đức Phật Thích Ca. Sau thi thành đạo, đức Phật Thích Ca bắt đầu mở cuộc cách mạng xã hội, đồng thời cũng cách mạng văn hóa tư tưởng. Muốn cách mạng xã hội và văn hóa tư tưởng thành công trước hết phải hoàn tất cuộc cách mạng bản thân.

Thời bấy giờ phái tu khổ hạnh của Bà La Môn chủ trương rất phổ biến và thạnh hành ở Ấn Độ, đức Phật muốn phá chủ trương này, ngài phải tu hạnh cho hơn các vị khổ hạnh khác, theo sử liệu mỗi ngày ngài chỉ ăn một hạt mè cho nên thân ốm gầy còn do bọc xương; trong lúc vô rừng tu, ngài được vua Tịnh Phạn phái năm ông Kiều Trần Như vô rừng tu theo ngài cho có bạn, đồng theo dõi báo cáo cho vua và hội đồng tôn giáo Bà La Môn biết; sự tu khổ hạnh của ngài được hội đồng tôn giáo Bà La Môn ca ngợi và phổ biến vang rộng khắp nơi. Sau khi ngài dùng sửa của nàng Sujatas phái tu khổ hạnh của Bà La Môn bị sụp đổ ngay. Ngài chủ trương tu ép xác khổ hạnh là sai lầm lớn chết trước khi chứng quả, còn nếu buông chìu thể xác cũng sai lầm càng tăng thêm dục vọng, ngài thí dụ người tu nếu ép xác khổ hạnh cũng như cây đờn lên giây quá sẽ đứt, còn buông thả giây quá thì không kêu, mục đích muốn cây đờn kêu ra tiếng. Từ đó ngài bỏ phép tu khổ và đi đến gốc bồ đề thiền tọa, nhơn đây ngài chứng quả bồ đề. Về sự chứng quả dưới cội bồ đề của ngài, tôi không cần kể chi tiết, vì các kinh sách cũng như trên mạng internet cũng đã nói rõ vềsự chứng ngộ của ngài. Trong đoạn này tôi muốn nói đặc điểm đức Phật đả phá chủ trương khổ hạnh của Bà La Môn.

C. Đầu Tiên Thành Lập Tam Bảo.

Đức Phật nghĩ rằng sau khi ngài nhập diệt, các đệ tử sau này cũng như dạy các đệ tử của họ nên chọn Tam Bảo làm điểm tựa lý tưởng. Vì lý do đó đức Phật cấp tốc đến vườn nai tìm năm ông Kiều Trần Như.
Sau khi đức Phật dùng sửa của nàng Sujatas, năm ông Kiều Trần Như cho Ngài bị ô nhiễm trần tục, nên bỏ ngài đi đến vườn nai tu riêng. Khi nhìn thấy Phật từ xa đi đến năm ông Kiều Trần Như bàn nhau không tiếp đức Phật rồi tiếp tục ngồi thiền im lặng. Khi đức Phật đến bổng nhiên năm ông KiềuTrần Như quay lại tiếp rước ngài, lấy nước rửa chân ngài và mời ngài ngồi. Đức Phật liền hỏi:

Đức Phật hỏi: Trước khi tôi đến đây, các ông bàn nhau không tiếp tôi, sao bây giờ các ông lại tiếp tôi?

Năm ông Kiều Trần Như hỏi lại đức Phật, bọn tôi bàn riêng, sao ngài lại biết?

Đức Phật trả lời: tôi đã chứng quả cho nên tôi biết.

Từ đó năm ông Kiều Trần Như tin tưởng đức Phật đã chứng ngộ, cho nên đức Phật bảo điều gì họ đều nghe theo. Khi bọn họ tin đức Phật, đức Phật bắt đầu giảng Tứ Đế. Tứ Đế, là bốn điều chân thật, Tứ Đế gồm có: khổ, tập, diệt, đạo. Đức Phật sau khi giảng Tứ Đế xong, liền tóm lược để phán quyết trước khi thành lập Tam Bảo, gọi là Tam Chuyển Pháp Luân, nghĩa là ba lần chuyển bánh xe pháp. Tam Chuyển Pháp Luân gồm có: thị chuyển, khuyến chuyển và chứng chuyển.

1. Thị chuyển, là chuyển pháp luân chỉ bày gồm có:

Đây đích thực là khổ,
Đây đích thực là tập,
Đây đích thực là diệt,
Đây đích thực là đạo.

2. Khuyến chuyển, là chuyển pháp luân khuyên bảo gồm có:

Đây đích thực là khổ các ông phải biết,
Đây đích thực là tập các ông phải diệt,
Đây là diệt (Niết Bàn) các ông phải chứng,
Đây là đạo các ông phải tu.

3. Chứng chuyển, là chuyển pháp luân chứng minh, ở đây lay bản thân đức Phật chứng minh.

Đây là khổ ta đã biết,
Đây tập ta đã diệt,
Đây diệt (Niến Bàn) ta đã chứng,
Đây là đạo ta đã tu.

Sau khi đức Phật chuyển pháp luân, năm ông Kiều Trần Như liền đắc pháp, tiếp theo đức Phật thành lập Tam Bảo:

Phật bảo là chỉ cho đức Phật biểu tượng,
Pháp bảo là chỉ cho Tứ Đế biểu tượng.
Tăng bảo là chỉ cho năm ông Khiều Trầøn Như biểu tượng.

Sau khi thành lập Tam Bảo xong, đức Phật bắt đầu mở con đường hoằng pháp. Con đường hoằng pháp của đức Phật, có nhiều kinh sách cũng như trên mạng internet đã trình bày rất phong phú, trong bày này không cần nói lại thêm thừa, ở đây chỉ trình bày những đặc điểm về kỷ thuật mà đức Phật áp dụïng trên hành trình hoằng pháp. Trên con đường hoằng pháp, dĩ nhiên đức Phật gặp rất nhiều thuật duyên cũng có và cũng gặp rất nhiều nghịch duyên. Cho nên đức Phật luôn luôn áp dụng bốn kỷ thuật để hóa giải: bốn kỷ thuật là: giải đáp, mặc đáp, phản đáp và vấn đáp.

a. Giải đáp: nghĩa giải thích để trả lời, thí dụ như theo truyền thuyết một bà già có đứa con yêu quý đã chết, bà liền đến gặp đức Phật liền đảnh lễ cầu xin đức Phật cứu sống con bà; đức Phật liền trả lời, bà hãy đi đến nhà nào có năm đời không người chết xin tro của họ đem về cho Phật, Phật sẽ cứu con bà. Bà đi hỏi khắp nơi liền thất vọng trở về bạch Phật bà nói nhà nào năm đời cũng có người chết, nhân đó đức Phật liền giảng lý vô thường, thế là bà liền giác ngộ. Đây là phương pháp giải đáp và phương pháp này được thấy rất nhiều trong Kinh Tạng.

b. Mặc Đáp: nghĩa là trả lời bằng cách làm thinh không nói, hoặc trả lời bằng hành động không nói. Có nhều người đến hỏi đức Phật có tánh cách chất vấn hơn thành tâm đức Phật không trả lời và trả lời qua hành động để chứng minh. Thí dụ như vua thỉnh đức Phật và tăng đoàn vào cung để cúng dường, đức Phật làm thinh không trả lời, thế là vua biết liền trở về cung tổ chức, lập tức đức Phật và tăng đoàn cùng nhau đi vào cung vua để thọ trai. Đây là phương pháp mặc đáp, được thấy rất nhiều trong Kinh Tạng.

c. Phản Đáp: trả lời bằng cách phản bác. Thí dụ như Bà La Môn chủ trương vạn hữu vũ trụ do Brahman sanh, đức Phật bác liền chủ trương vạn hữu vũ trụ đều do nhân duyên sanh mà không phải do Brahman sanh. Thêm nữa, khi Thái Tử đi dạo bốn cửa thành, đến cửa thành thứ tư, gặp một vị sa môn, liền xuống xe đến hỏi mục đích, vị sa môn trả lời, bần đạo xuất gia để tìm phương pháp cứu khổ chúng sanh, Thái Tử nghe xong liền trở về cung xin vua cha xuất gia. Vua Tịnh Phạn nghe xong liền can ngăn đủ điều, vua nói sự nghiệp này phụ vương để lại cho con, nếu con đi xuất gia thì sự nghiệp này để lại cho ai! Muốn con không đi xuất gia, phụ vương phải chấp nhận bốn điều kiện sau đây:

Cho con trẻ mãi không già,
Cho con mạnh khoẻ mãi không đau.
Cho con sống mãi không chết,
Cho con đi cứu khổ tất cả chúng sanh.

Đây cũng là phương pháp phản đáp, vua Tịnh Phạn trả lời không được, liền ra lệnh giới nghiêm trăm phần trăm cấm không cho Thái Tử đi xuất gia.

d. Vấn Đáp: nghĩa là hỏi tức là trả lời. Đây là phần vấn đáp rất quan trọng trong công thức truyền giáo của đức Phật. Một người đến hỏi đức Phật, đức Phật không trả lời mà còn hỏi lại mục đích của người hỏi gọi là Vấn, đức Phật liền đem giáo pháp của ngài, giải thích sự thắc mắc của họ, gọi là Đáp, gọi cho đủ là Vấn Đáp. Cụ thể như, Trưởng Giả (Đại Gia) Cấp Cô Độc, đến gặp đức Phật tại Tịnh Xá Trúc Lâm, liền trình bày sự thắc mắc của Trưởng Giả, đức Phật giải tỏa sự thắc mắc của Trưởng Giả, Trưởng Giả quá vui mừng liền chạy về nước Kiều Tát La xin mua vườn Thượng Uyển của Thái Tử Kỳ Đà. Hai bên thương lượng mua bán xong, nhưng Thái Tử đặt điều kiện không được đốn cây đại thọ, Trưởng Giả đồng ý, liền ra tay xây dựng Tịnh Xá, lấy tên là Tịnh Xá Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên hiến dâng cúng dường cho đức Phật.

*Tiếp theo trường hợp thứ hai, khi đức Phật độ người gánh phân thuộc dòng hạ tiện, tiếng vang đến vua Ba Tư Nặc, vua Ba Tư Nặc cùng quần thần kéo đến gặp đức Phật, đức Phật biết có chuyện, liền sai vị A La Hán có thần thông ra trước ngọ môn biểu diễn vài thần thông cho vua thấy rồi biến mất, vua Ba Tư Nặc và quần đều cúi đầu đảnh lễ, khi nhìn lên vua và tất cả đều không thấy vị A La Hán đó ở đâu. Lúc đó vua đi kiếm bổng nhiên gặp đức Phật, đức Phật mời vua vào tịnh thất, sau khi tất cả an tọa xong, đức Phật mới hỏi bệ hạ đến đây có chuyện gì?

Vua trả lời, nghe nói Thế Tôn độ người gánh phân thuộc dòng hạ tiện phải không? Đức Phật trả lời có. Vua yêu cầu Thế Tôn trục xuất nó đi để làm ô nhiễm Tăng Đoàn. Đức Phật không nói gì liền hỏi lại vua,

Bệ hạ vào đây có gặp vị Sa Môn nào không?

Vua trả lời có, trẩm thấy vị Sa Môn đó là thánh nhân nên trẩm đảnh lễ, nhưng khi đứng lên không thấy vị Sa Môn đó ở đâu.

Đức Phật trả lời vị Sa Môn đó là người gánh phân.

Vua Ba Tư Nặc nghe qua vô cùng ngỡ ngàng, nhân đó đức Phật giảng, Một xã hội tiến bộ, Bệ Hạ có trách nhiệm bảo vệ trật tự an ninh, nếu không có Bệ Hạ xã hội sẽ loạn, đó là bổn phận của Bệ Hạ, ngoài Bệ Hạ không có ai thay thế được; một xã hội giàu có ấm no, sĩ nông công thương phải có trách nhiệm xây dựng phát huy, đó là bổn phận của họ, nếu không có họ đóng góp thì xã hội nghèo đói, không ai thay thế được, kể cả Bệ Hạ; một xã hội sạch sẽ vệ sinh, người gánh phân phải có trách nhiệm, đó là bổn phận của người gánh phân, nếu không có họ xã hội sẽ hội thúi. Tóm lại xã hội không có vấn đề giai cấp chỉ có bổn phận và trách nhiệm. Vua Ba Tư Nặc nghe đức Phật trình bày qua làm thinh trong tâm tư đồng ý và không có đề cập đến người gánh phân.

* Tiếp theo trường hợp thứ ba, câu truyện nàng Ma Đăng Già yêu ông A Nan. Một hôm nọ, ông A Nan đi khất thực một mình, khi đi ngang qua nhà của nàng Ma Đăng Già, nàng Ma Đăng Già thấy ông A Nan quá đẹp trai liền khởi tâm yêu đam mê ông A Nan, nàng Ma Đăng Già tìm cách bắt cóc ông A Nan bằng phương pháp dùng thần chú Ta Tỳ La Phạm Thiên mê hoặc ông A Nan, lúc đó ông A Nan bất tỉnh, theo nàng Ma Đăng Già vào phòng sắp bị phạm giới, bổng nhiên đức Phật biết, cấp tốc phái ngài Văn Thù thiết lập năm đàn tràng (Năm Đàn Tràng gồm có Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung Ương, mỗi Đàng Tràng, ngài Văn Thù ra lệnh một số Thần Kim Cang Phật Tích trấn thủ, sau đó ngài Văn Thù đi cứu ông A Nan.

Muốn rõ Đàng Tràng này xin đọc bài Tựa Kinh Lăng Nghiêm), đem thần chú Lăng Nghiêm hóa giải chú Ta Tỳ La Phạm Thiên cứu ông A Nan đem về tịnh xá trình diện trước đức Phật, thấy đức Phật ông A Nan liền quỳ xuống vừa đảnh lễ vừa khóc, đức Phật biết không có gì liền an ủi; tiếp theo nàng Ma Đăng Già trực tiếp đến tịnh xá gặp thẳng đức Phật cầu xin đức Phật gả ông A Nan cho con, con rất yêu ông Anan; đức Phật liền hỏi:

Cô yêu ông A Nan thật phải không?

Cô trả lời con yêu ông A Nan thật.

Cô yêu ông A Nan thật, Phật bảo gì cô có làm theo không?

Cô trả lời, Phật biểu gì con liền làm theo,

Nhất định phải không?

Cô trả lời, con nhất định.

Tiếp theo, đức Phật bảo, ông A Nan đầu cạo, cô về xin mẹ cạo đầu giống như ông A Nan đến đây Phật sẽ gả ông A Nan cho cô. Cô liền chạy thẳng về nhà thưa mẹ, Phật bảo con phải cạo đầu giống như ông A Nan thì Phật mới gả ông A Nan cho con, bà mẹ thương con liền đồng ý bảo con làm sao cứ làm. Vì quá yêu ông A Nan cô can đảm cạo bỏ đầu tóc quý phái của cô, cạo tóc xong, cô chạy thẳng đến tịnh xá trình diện đức Phật, đức Phật liền mở cuộc vấn đáp độc đáo nhất, Phật liền hỏi:

Cô yêu ông A Nan ở chỗ nào?

Con yêu ông A Nan có đôi mắt quá đẹp.

Cặp mắt của ông A Nan đâu có gì đẹp, vì đầy cả ghèn, mỗi ngày phải rửa mặt lau cho sạch.

Cô nói ông A Nan có sống mủi đẹp.

Sống mủi có gì đẹp trong đó chứa đầy cứt mủi.

Ông A Nan có miệng đẹp

Phật trả lời miệng có gì đẹp thở ra đầy mùi hôi...

Đức Phật giảng trong cửu khiếu của ông A Nan không có đẹp, vì chỗ chứa đầy bất tịnh, cô Ma Đăng Già nghe đức Phật giải thích qua liền tỏ ngộ không còn yêu nữa, liền xin Phật xuất gia, đức Phật lập tức thọ ký và gởi cô qua bà dì là Ma Ha Ba Xà Ba Đề để cô tu cùng các cô trong Ni Đoàn cho có bạn, nghe đâu cô chứng quả A La Hán sớm hơn ông A Nan.

Trong bốn kỷ thuật truyền giáo: giải đáp, mặc đáp, phản đáp và vấn đáp, mục vấn đáp, đức Phật thành công lớn nhất, chinh phục đựợc các trưởng giả ( các đại gia), các vua chúa, từ đó uy tín của đức Phật vang dội khắp nơi cả Ấn Độ do các vị trưởng giả vua chúa phổ biến, cho nên đức Phật và Tăng Đoàn đến đâu đều được các trưởng giả, các vua chúa và dân chúng ra đón rước trọng thể.

D. Phần Kết Luận:

Để giải đáp câu hỏi trong Thông Bạch Phật Đản Phật lịch 2565 2021 “Bản nguyện của ngài là gì khi hóa thân đến trần gian này?” Đức PhậtThích Ca xuống trần gian này để mở một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên trí tuệ và từ bi. Kỷ nguyên này được khởi điểm từ Ấn Độ. Tại Ấn Độ đức Phật thành công ba cuộc cách mạng, sau khi thành công cách mạng bản thân được chứng quả thành Phật, tiếp theo đức Phật thành công đả phá giai cấp và nô lệ để xây dựng chủ nghĩa bình đẳng đặt trên nền tảng tinh thần trí tuệ và từ bi. Trên đường xây dựng, đức Phật áp dụng phương thức kỷ thuật: giải đáp, mặc đáp, phản đáp và vấn đáp, tất cả đều thành công vẻ vang. Có thể nói những đặc điểm vừa trình bày trên cũng đủ nói lên giá trị siêu phàm của đức Phật Thích Ca. Trong bài "Đức Phật, Nhà Đại Cách Mạng", trong đoạn kết luận có đoạn: "Ngài xứng đáng là bậc vĩ nhân trên hết trong tất cả vĩ nhân trên thế giới. Ngài không còn là con người của dân tộc Ấn Độ tôn thờ, mà của chung tất cả nhân loại noi gương."

Viết xong ngày 03. 06. 2021.