Home > Khai Thị Phật Học > Khuyen-Khich-Tu-Tap
Khuyến Khích Tu Tập
Sa Môn Thích Đạo Thế chùa Tây Minh biên soạn | Ban Dịch Thuật Hán Tạng Pháp Âm, Việt Dịch


Gồm bảy phần: Lời dẫn, Khuyên răn người nam, Khuyên răn người nữ, Khuyến khích tu tập, Quyến thuộc, Lìa chấp, Giáo giới.

XII.1. Lời dẫn

Ba cõi xoay vần, sáu đường trôi nổi. Bản tính sáng suốt không hư hoại nhưng ý thức nghĩ suy lại mê mờ. Chợt sinh chợt tử, lúc đến lúc đi, thân mạng này bỏ đi nhiều không sao kể xiết. Xác thân ta đã bỏ, chất cao vòi vọi tợ núi đồi; máu huyết ta đổ xuống, cộng dồn mênh mông như sông biển. Lấy đây mà quán sát thì tất cả chúng sinh đều là quyến thuộc. Người và quỷ hình hài tuy khác, nhưng sinh diệt vốn đồng. Tình ân ái lúc nào cũng theo nhau như bóng theo hình, như vang theo tiếng. Do ngu si nên chẳng biết thân sơ, bèn giết mạng chúng sinh kia để nuôi dưỡng thân mình, tàn hại lẫn nhau, kết gieo oán đối, nhiều kiếp hận thù, chất chồng khổ báo. Nếu tĩnh tâm suy nghĩ việc này, há không xót lòng ư?

XII.2. Khuyên răn người nam

Những người nam ở đời có hai hạng cao thấp đối lập nhau: giàu sang và nghèo hèn. Những kẻ giàu sang, phần nhiều thường hay buông lung phóng đãng, cống cao kiêu mạn, khinh khi lăng mạ những người thấp kém. Hoặc có kẻ cậy quyền ỷ thế, tự đề cao mình, hạ thấp người; hoặc có kẻ học rộng hiểu nhiều, rồi cậy tài nhục mạ người; hoặc người có miệng lưỡi lanh lợi, liền dùng lời lẽ lấn hiếp người khác; hoặc có kẻ khoe giàu sang, xa xỉ, khinh miệt người khác; hoặc người có thân hình tuấn tú, dáng mạo khôi ngô, rồi dựa vào vẻ đẹp, lăng mạ mọi người; hoặc có người ỷ mình cưỡi ngựa béo tốt, mà nhục mạ mọi người; có người ỷ mình nhiều tiền của, lắm nô tì mà nhục mạ người khác v.v… rất nhiều trường hợp như thế không thể kể hết. [58b] Chúng sinh ngu si thật đáng thương xót! Không biết vô thường sắp đến, cứ mãi khởi tâm cao ngạo. Quả báo địa ngục nước sôi, lò lửa, sắt nung, vạc dầu, v.v… đang chờ đợi; ngục tốt cầm chỉa ba đang chầu chực sẵn. Vậy mà không lo sợ, chỉ mãi ham khoái lạc. Khác nào heo dê chẳng biết cái chết kề bên? Khác gì ruồi nhặng tham đắm tử thi? Suy gẫm xưa nay, giàu sang không vĩnh viễn, mất còn trong chớp mắt, sang hèn đều như cát bụi. Người giàu sang chỉ thấy mộ hoang, kẻ nghèo hèn cũng đồng tro bụi. Đã biết sinh diệt cấp thiết, cần phải khiêm cung, kính trọng bậc trên. Bởi vì, thân sơ không nhất định, sang hèn chẳng thường hằng; khổ vui nào khó đổi, lên xuống càng dễ dời.

Lại suy nghĩ, sang hèn không thường hằng, giống như nước và lửa xoay vần, lạnh với nóng theo đó đổi thay. Cho nên người giàu sang ấm áo no cơm, không cần nhọc sức kiếm tìm, của cải vẫn tự nhiên đến. Ngược lại, kẻ nghèo khổ đói khát, bôn ba tìm cầu, thức khuya dậy sớm, thân hình tiều tụy, tâm trí héo sầu. Dẫu họ có kiếm được đôi đồng, rồi cũng bị tán thất trăm đường. Suốt ngày ao ước giàu sang, nhưng thực tế chưa từng có được, do đó, họ khổ não chất chồng. Bởi thế, nay khuyến khích mọi người thực hành bố thí, nỗ lực tu phúc.

Lại có người áo quần đẹp đẽ, sạch sẽ thơm tho, tùy theo thời tiết bốn mùa ấm, lạnh, nóng, mát đổi thay không thiếu. Nhưng lại có người, mảnh vải che thân cũng không đủ, rách nát bụi bặm, xấu xí hôi dơ. Tiết trời nóng nực, chẳng dám mơ quần lụa áo the; khí lạnh đóng băng, nào nghĩ đến chăn bông nệm ấm; đến nỗi hình hài chẳng che kín, nam nữ trần truồng, không chỉ đáng thẹn mà thật khổ lắm thay! Thấy cảnh này há không muốn lìa bỏ ư? Do đó, mới khuyến khích mọi người cần phải tu phúc, bố thí y phục, nhà cửa. Lẽ nào không thấy mọi người đều giàu có, còn ta hoàn toàn không? Cho nên cần phải dõng mãnh tu tập.

Lại có người, món ngon vật lạ được dâng đến tận nơi, thức ăn dọn bày hàng hàng lớp lớp, mâm cao cổ đầy, hương thơm ngào ngạt. Nhưng lại có người, cơm gạo lức cũng không đủ bữa, canh lê[1] hoắc[2] cũng không có mà ăn. Muối dưa sớm tối đều không, cá canh lâu ngày chẳng thấy, đến nỗi một bữa phải chia đôi, nên cháo nhừ cháo lỏng thay nhau, trái chín trái xanh đắp đổi; hơn nữa, rau cỏ úa vàng, càng thêm khốn đốn, thật vô phương cứu vãn. Thấy cảnh khổ này, há không muốn xa lìa ư? Bởi vậy, tôi nay khuyến khích mọi người nên tu phúc, thực hành bố thí thức ăn, món uống. Lẽ nào mọi người đều sung túc, còn ta khốn khó ư? Cho nên cần phải dõng mãnh tu tập.

[58c] Lại có người công danh hiển hách, cưỡi ngựa tốt, mặc áo lụa, khoái chí tự tại; đi thì trời người đón rước; đứng thì quỷ thần kính trọng. Nhưng lại có người hèn hạ quê mùa, mọi người khinh khi, sống chết chẳng thèm quan tâm, sống lầm than bên cống rãnh, lăn lóc giữa phân dơ. Dẫu có lớn tiếng kêu gào, nhưng ngược lại họ chịu thêm nỗi khổ bị đánh đập. Không chỉ quỷ thần bất kính, cả đến chó mèo cũng muốn hại. Thấy nỗi thống khổ này, há không muốn lìa bỏ ư? Bởi vậy, nay khuyến khích mọi người phải lo tu phúc, dẹp bỏ tâm kiêu mạn, nên thực hành đức tính khiêm cung. Lẽ nào mọi người thường giàu sang, còn ta nghèo hèn mãi sao? Cho nên hãy nỗ lực tu tập.

Lại có người hình dung tuấn tú, nói năng lưu loát, mọi người nghe đều ưa thích, giọng điệu bổng trầm, thường đem lợi ích cho người; lòng từ trang trải, lời lẽ chẳng làm tổn thương muôn vật. Nhưng lại có người mặt mày xấu xí, ăn nói cộc cằn, chỉ biết lợi riêng mình, chẳng nghĩ đến tha nhân. Người ta nhẫn nhục, nên nhận được quả tốt, còn mình lắm sân hận, nên phải chịu quả xấu. Thấy nỗi thống khổ này, há không muốn xa lìa sao? Bởi vậy, nay tôi khuyến khích mọi người nên tu phúc, dẹp trừ tâm sân hận, nỗ lực tu nhẫn nhục. Lẽ nào mọi người thường ở nơi tốt đẹp, còn ta mãi mãi chìm trong cảnh xấu ác sao? Cho nên cần phải dõng mãnh tu tập.

Lại có người ý chí mạnh mẽ, ít khi bệnh tật, thường lo tu tập, không chút chướng ngại. Nhưng lại có người thân thể bệnh hoạn ốm gầy, khí lực rã rời, đi đứng khó khăn, ngồi nằm bất ổn. Thấy cảnh xấu ác này thật đáng xả bỏ. Bởi thế, nay khuyến khích mọi người cần phải tu phúc, thực hành bố thí, thuốc thang tùy thời cứu giúp. Lẽ nào mọi người luôn tráng kiện mạnh khỏe, còn ta mãi lăn lộn với bệnh tật sao? Do đó, cần phải nỗ lực tu tập.

Những việc như thế, thật rất cần khuyến khích. Nếu không khuyến khích nhau, thì người học đạo dễ sinh giải đãi.

XII.3. Khuyên răn người nữ

Người nữ ở tại gia, lòng nhiều sân hận. Phật nói tính gian tà, nịnh nọt của người nữ nhiều hơn người nam. Hoặc đánh phấn thoa hương, điểm tô trang nhã; hoặc mặc quần lụa áo hoa, chỉ để dụ dẫn bọn ngu phu. Hoặc khoa môi múa mép, chớp mắt hát cười; hoặc thở than ngâm vịnh, ngắm nhìn láo liên; hoặc bày vai hở ngực, che mặt dấu đầu; hoặc bước đi yểu điệu, thân hình nghiêng ngả lắc lư, hoặc liếc mắt đưa tình, chợt buồn chợt vui. Tất cả cũng để mê hoặc cánh đàn ông, khiến họ khởi tâm say đắm. Những thuật yêu tà như thế nhiều không kể xiết. Người ngu say đắm, đều bị mê hoặc. Giống như bọn gian tặc dùng nhiều xảo trá, giống như bình đẹp chứa phân dơ lừa dối người, [59a] như lưới giăng cao rập bắt chim muông, như bủa lưới kín rình chờ tôm cá, như người mù bị sa hầm tối, như thiêu thân đâm đầu vào lửa, như ruồi nhặng ưa thích tử thi. Gần họ thì tan nhà mất nước, chạm vào như nắm phải rắn độc. Bên ngoài thì nói lời mật ngọt, nhưng trong lòng chứa đầy thuốc độc. Nhà cửa khốn đốn đều do người nữ; ra ngoài mất thân cũng do người nữ; vợ chồng bất hòa cũng do người nữ; nam nữ phản nghịch cũng do người nữ; anh em li tán cũng do người nữ; gia tộc kiện thưa cũng do người nữ; rơi vào đường ác cũng do người nữ; không được sinh làm trời người cũng do người nữ; chướng ngăn nghiệp thiện cũng do người nữ; không được dự vào quả Thánh cũng do người nữ…, tai họa như thế không thể kể hết.

Chúng sinh như thế, thật đáng khiếp sợ, thường bị lửa dục thiêu đốt mà cũng không lìa bỏ, đến nỗi từ trước đến nay không ngớt, phải mang khổ lụy triền miên.

Kinh Ma-đăng nữ[3] ghi: “Bấy giờ, A-nan bưng bát khất thực xong, đi dọc theo bờ sông, thấy một người nữ đang gánh nước, tôn giả đến xin nước, người nữ liền dâng. Cô ta đi theo đến chỗ A-nan dừng nghỉ, sau đó, trở về nhà thưa với mẹ là Ma-đăng, rồi nằm than khóc. Mẹ Hỏi:

– Việc gì khiến con buồn khóc?

Người nữ thưa:

– Mẹ muốn gả con thì đừng gả cho ai khác, vì lúc đi lấy nước ngoài sông, con đã gặp một sa-môn đến xin nước, con hỏi tên, ông ta nói tên là A-nan, nếu gả cho A-nan thì con mới đồng ý. Nếu mẹ không làm được thì con không chịu.

Người mẹ đi đến hỏi A-nan, biết A-nan là thị giả của Đức Phật, liền trở về nhà nói với con:

– A-nan là người tu học theo Đức Phật, không chịu làm chồng của con.

Người con khóc lóc bỏ ăn. Người mẹ biết phép thuật làm mê hoặc người, bèn thỉnh A-nan đến thụ trai, người con rất vui mừng. Người mẹ nói với A-nan:

– Con gái ta muốn làm vợ ông.

A-nan Đáp:

– Tôi giữ giới, nên không lấy vợ.

Người mẹ nói:

– Nếu con gái ta không lấy được ông làm chồng thì sẽ tự sát ngay.

A-nan nói:

– Thầy ta là Đức Phật, không cho phép kết giao với người nữ.

Người mẹ trở vào nói rõ cho con gái nghe. Người con khóc lóc, rồi bảo mẹ đóng cửa nhốt A-nan trong nhà, không cho ra ngoài, đến chiều tối A-nan ắt phải chịu làm chồng. Người mẹ liền đóng cửa, rồi dùng phép thuật trói buộc A-nan. Đến chiều, người mẹ sắp đặt chỗ nằm cho con gái, cô ta rất vui mừng, liền trang điểm xinh đẹp, nhưng A-nan không đến. Người mẹ nhóm lửa giữa sân, kéo áo A-nan nói:

– Nếu ông không chịu làm chồng của con gái ta, ta sẽ ném ông vào đống lửa này!

A-nan lấy làm hổ thẹn vì đã theo Phật xuất gia làm sa-môn mà không thoát được nạn này. [59b] Đức Phật biết A-nan gặp nạn, liền trì thần chú cứu về. A-nan trình bày rõ sự việc với Phật.

Nhìn A-nan ra đi, người nữ khóc lóc mãi không thôi, trong lòng luôn nhớ thương. Đến sáng hôm sau, người nữ đi tìm A-nan, lại thấy A-nan đi khất thực, bèn theo sau, hết nhìn chân, rồi đến nhìn mặt, A-nan hổ thẹn, lánh đi hướng khác, cô ta vẫn cứ bám theo. A-nan bạch Phật:

– Hôm nay, con gái bà Ma-đăng cứ đi theo sau con.

Đức Phật cho gọi cô gái đến, Hỏi:

– Con đi theo A-nan để làm gì?

Cô gái thưa:

– Con nghe A-nan không vợ, con lại chưa chồng, nên con muốn làm vợ A-nan.

Đức Phật nói:

– A-nan không có tóc, còn con thì có tóc, con có thể cạo tóc, thì ta sẽ cho A-nan làm chồng.

Cô gái Đáp:

– Con sẵn sàng cạo tóc!

Phật nói:

– Con hãy trở về thưa với mẹ, cạo tóc xong, rồi đến đây!

Người nữ về nhà thưa rõ với mẹ, mẹ nói:

– Mẹ sinh con, chăm chút mái tóc cho con. Tại sao con lại muốn lấy sa-môn làm chồng? Trong nước rất nhiều đàn ông giàu có, mẹ có thể gả con cho họ!

Người con nói:

– Sống chết gì con cũng chỉ lấy A-nan làm chồng.

Người mẹ nói:

– Con làm nhục giòng họ nhà ta rồi! Nói xong, người mẹ liền cạo tóc cho con.

Sau đó, người nữ đến chỗ Đức Phật, thưa:

– Con đã cạo tóc rồi!

Đức Phật Hỏi:

– Con thương A-nan điểm nào?

Cô gái thưa:

– Con thương đôi mắt của A-nan, thương lỗ mũi, thương cái miệng, lỗ tai, giọng nói, bước đi của A-nan.

Đức Phật nói:

– Trong đôi mắt chỉ có nước mắt, trong mũi chỉ có nước mũi, trong miệng chỉ có nước bọt, trong tai chỉ có ráy tai, trong thân là chỗ bất tịnh chỉ có phân tiểu hôi thối. Vợ chồng sống với nhau thì phải có ác lộ, từ trong ác lộ đó mà sinh con, đã có con thì có chết chóc, có chết chóc thì có than khóc. Như vậy, những thành phần thuộc về thân hình mà con yêu thương kia có gì đáng quí đâu?

Người nữ bèn suy gẫm những thứ dơ xấu trong thân, tâm dục liền dừng, ngay đó chứng quả A-la-hán. Đức Phật biết cô ta đã đắc đạo, liền nói:

– Con hãy đứng dậy và đi đến chỗ A-nan!

Cô ta hổ thẹn, liền quỳ gối cúi đầu bạch với Đức Phật:

– Con thật ngu si nên mới theo đuổi tôn giả A-nan. Nay tâm con đã được khai ngộ, như trong nhà tối được thắp đèn, như người đi thuyền, thuyền hư mà được cập bờ, như người mù được người dẫn dắt, như người già được chống gậy. Nay con được Phật chỉ dạy, khiến tâm con được khai mở như thế này.

Các thầy tì-kheo bạch Đức Phật:

– Nhờ nhân duyên gì, người nữ này được đắc đạo?

Đức Phật dạy:

– Năm trăm đời trước, người nữ này là vợ của A-nan, họ thương kính nhau và cùng đắc đạo ở trong giáo pháp của ta. Ngày nay vợ chồng gặp lại nhau, kính mến như anh em. Như thế, ở trong Phật đạo có gì không tốt? Khi Phật giảng xong, các thầy tì-kheo rất vui mừng”.

[59c] Kinh Xuất diệu ghi: “Thuở xưa, trong nước Xá-vệ có một người nữ ẵm con, mang bình đến giếng lấy nước. Có một người nam dáng mạo xinh đẹp, đang ngồi vui thú đờn ca bên phải giếng. Lúc ấy, người nữ kia phát khởi lòng dục, mê thích người nam; người nam cũng phát khởi lửa dục không kém, đắm say người nữ. Người nữ bị lửa dục làm mê mờ, dùng dây buộc cổ đứa bé treo giữa giếng. Lát sau chợt tỉnh, cô ta trở lại kéo đứa bé ra, thì đứa bé đã chết. Cô ta ưu sầu khổ não, gào khóc kêu trời v.v…”

Khi Đức Phật du hóa tại nước Câu-thiểm-di, đức vua có hiệu là Ưu-điền-câu-lưu, trong nước có một người giòng Bà-la-môn tên là Ma-nhân-đề sinh được một người con gái xinh đẹp tuyệt trần. Người cha thấy con gái xinh đẹp trong nước ít ai bằng, nên đặt tên cho con là Vô Tỷ. Từ vua quan, quần thần, cho đến những người giòng dõi quý phái ở các nước lân cận đều muốn tuyển cô ta làm thiếp. Người cha nói:

– Nếu bậc quân tử nào có dung mạo sánh ngang con gái ta, ta mới chấp thuận.

Bấy giờ Đức Phật đang du hóa tại nước ấy, bà-la-môn kia thấy Đức Phật có đủ ba mươi hai tướng quí và tám mươi vẻ đẹp, thân màu vàng ròng, cao lớn, nét mặt rạng ngời không ai sánh bằng, ông ta vui mừng, nói:

– Chồng của con gái ta chính là người này!

Ông ta về nhà, nói với vợ:

– Ta đã chọn được mối cho Vô Tỷ rồi! Hãy gấp trang điểm cho con rồi dẫn đi.

Thế là, vợ chồng cùng tô điểm cho con. Vô Tỷ bước đi uyển chuyển, dáng vẻ rạng rỡ, tuyệt đẹp với những vòng trang sức. Vợ chồng bà-la-môn dẫn cô gái đến chỗ Đức Phật. Trên đường đi người vợ thấy dấu chân của Đức Phật hiện rõ, tướng quý, sắc thái rạng ngời thật hiếm thấy trên thế gian này. Biết là bậc tôn quý hơn trời, người vợ nói với chồng:

– Nét đẹp, tướng quý trên dấu chân của người này chính là đây! Thật hiếm có trên thế gian, chính là bậc phi phàm. Người này ắt đã hoàn toàn thanh tịnh, không còn khởi tâm dâm dục nữa, ông ấy sẽ không thâu nạp con gái ta đâu. Tôi không thể làm việc nhục nhã này.

Người chồng thắc mắc:

– Do đâu mà nàng biết rõ ông ta như vậy?

Người vợ liền tụng kệ:

Kẻ dâm, vết chân kéo lê,
Người sân, vết chân thiếu ngón,
Kẻ ngu, vết chân xéo đất,
Bậc tôn quý, vết chân này!

Người nữ các bà không biết đâu! Nếu bà không thích thì hãy đi về, mình ta dẫn con gái đến đó cũng được.

Thế là cha con cùng đến chỗ Phật, cúi đầu đỉnh lễ Ngài, rồi bà-la-môn thưa:

– Nhân giả! Ngài giáo hóa nhọc nhằn, không ai phục vụ. Nay tôi có đứa con gái hèn kém này, xin dâng lên Ngài, tùy ý Ngài sai bảo.

Đức Phật bảo:

– Ông cho con gái của ông là đẹp ư?

Bà-la-môn thưa:

– Con gái của tôi nhan sắc tuyệt mĩ, thế gian này không ai sánh bằng. Các vị quốc vương và các nhà giàu có đều đến cầu hôn, mà tôi không gả. Nay trộm thấy Đại nhân sắc tướng rực rỡ, uy nghi đỉnh đặc, hiếm có trên đời, nên muốn dâng. Do đó mạo muội dẫn đến đây!

Đức Phật nói:

– Người thiếu nữ này đẹp ở điểm nào?

Bà-la-môn thưa:

– Từ đầu đến chân, nhìn toàn thân không điểm nào không đẹp.

Phật nói:

[60a] – Mê lầm thay đôi mắt thịt! Nay ta nhìn cô ta từ đầu đến chân không có một điểm nào đẹp cả. Ngươi hãy nhìn xem, trên đầu có tóc, tóc chỉ là sợi lông, đuôi của trâu ngựa cũng thế. Dưới tóc là cái sọ, sọ chỉ là xương; đầu heo của bọn đồ tể cũng giống vậy. Trong đầu có óc, óc chỉ giống như bùn, mùi thịt mỡ tanh hôi ngạt mũi, lỡ vỡ tuôn xuống đất chẳng ai dám giẫm đạp. Mắt là cái ao, chứa toàn là ghèn; trong mũi có nước mũi, trong miệng chỉ có nước bọt; trong bụng thì chứa tim, gan, phèo, phổi v.v… đều là những thứ tanh hôi. Ruột già, ruột non, dạ dày, bàng quang chỉ chứa toàn phân tiểu, hôi thúi khó tả. Như thế bụng là cái túi da, bên trong chứa toàn những thứ bất tịnh. Hai tay, hai chân thì xương liền xương liên kết nhau, gân căng da đùn, chỉ nhờ hơi thở để chuyển động. Giống như người gỗ, nhờ các cơ quan điều khiển thì nó mới hoạt động, tác động xong, tháo gỡ hết các bộ phận thân thể ra, các khớp lìa nhau, đầu chân lộn lạo, thân người cũng như vậy, có gì đáng quý đâu mà ông cho là không ai bằng? Khi xưa ta ngồi tại gốc cây bối đa[4], ma vương trời Tha Hóa Tự Tại đã trang điểm ba cô gái nhan sắc tuyệt vời, cõi trời không sánh bằng, dẫn đến muốn phá đạo tâm của ta. Ta liền chỉ rõ sự dơ uế trong thân, lập tức biến thành những bà lão, thân hình xấu xí, bọn chúng xấu hổ bỏ đi. Nay ông mang túi phân này đến muốn ta biến hóa thành thứ gì đây? Hãy mau dẫn trở về! Ta không nhận đâu!

Nghe Phật nói, bà-la-môn quá xấu hổ, đứng lặng câm. Lát sau mới bạch với Đức Phật:

– Nếu Ngài không nhận, thì tôi sẽ gả nó vua Ưu Điền được chăng?

Đức Phật im lặng không trả lời. Người bà-la-môn liền dẫn con gái đến dâng cho vua Ưu Điền. Có được thiếu nữ xinh đẹp ấy, vua rất vui mừng, liền phong cho vị bà-la-môn chức thái phó. Sau đó, vua xây dựng cung điện cho cô gái, cung cấp kĩ nữ, thị tì cả nghìn người. Chính hậu của vua quy y Phật và đã chứng quả Tu-đà-hoàn. Vì người nữ này sàm tấu, vua bị mê hoặc, nên dùng trăm mũi tên bắn vào hoàng hậu. Bị bắn tên, nhưng hoàng hậu vẫn không hoảng sợ, hoàn toàn không sân hận, chỉ một lòng nhớ nghĩ đến lòng từ của Phật. Bà quỳ thẳng, hướng về vua, những mũi tên bay vòng quanh hoàng hậu ba vòng, rồi bay trở lại rơi ngay trước mặt nhà vua, cả trăm mũi đều như thế. Nhà vua chợt tỉnh, buồn rầu lo sợ, liền ra lịnh xa giá, mau đến chỗ Đức Phật. Chưa đến nơi, vua vội xuống xe, từ ngoài chắp tay, từng bước tiến vào, đỉnh lễ Đức Phật, rồi quỳ thẳng trình bày:

– Con có tội quá nặng, thật xấu hổ với ba ngôi tôn quý, vì bị tâm dâm dật thấp hèn bùng phát, nên khởi tâm ác độc đối với thánh chúng của Đức Phật, dùng trăm mũi tên bắn vào đệ tử của Ngài. Thấy như vậy, tâm con vô cùng hoảng sợ. [60b] Chỉ có Đức Phật, bậc Chí tôn mới có lòng từ vô lượng. Bởi vì hàng đệ tử bạch y mà còn có sức từ bi đến như vậy, huống gì Đức Phật là bậc Chính Chân Vô Thượng? Nay con cúi đầu xin quy y ba ngôi tôn quý. Cúi xin Đức Phật mở lòng từ bi, xá tội cho con!

Đức Phật khen:

– Tốt lắm! Nay bệ hạ nhận biết việc ác, ăn năn lỗi đã làm. Đây là hành động của người sáng suốt. Ta ghi nhận ý tốt của bệ hạ!

Nhà vua đỉnh lễ sám hối như vậy ba lần, Đức Phật cũng ba lần ghi nhận hành động của vua. Nhà vua cúi đầu sát đất, lui về chỗ ngồi thưa:

– Tính khí con người vốn ngang ngược, bạo ác buông lung, không có tâm nhẫn nhục, ba độc không diệt trừ, ý ưa thích làm việc xấu ác, chỉ đam mê sắc đẹp lộng lẫy của người nữ mà không biết đó chính là nguồn ác, sau khi chết ắt bị đọa địa ngục. Xin Phật thương xót, giảng rõ về những điểm xấu ác, mê hoặc của người nữ! Hễ ai sa vào lưới của nó thì khó lòng thoát ra được. Con nghe tai họa ấy, chợt tự răn mình, để cho nhân dân trong nước, lớn nhỏ đều tu sửa đức hạnh!

Đức Phật dạy:

– Chỉ trả lời câu hỏi của bệ hạ hay nói rõ những ý khác?

Nhà vua nói:

– Những ý khác ngày sau thưa hỏi cũng không muộn. Nay xin Thế Tôn giảng về tai họa lớn do bị người nữ mê hoặc. Nếu không biết rõ tai họa ấy, thì làm sao tránh xa được. Cúi xin Phật hãy giải thích rõ về hiện trạng ở địa ngục và sự xấu ác của người nữ!

Đức Phật dạy:

– Hãy lắng nghe! Người nam có tính xấu, ngu si cuồng bạo khi nhìn người nữ xinh đẹp.

– Dạ vâng! Xin thụ nhận lời chỉ dạy! – Nhà vua nói.

Đức Phật dạy:

– Người nam có bốn việc ác cần phải biết:

1. Ở đời có những kẻ dâm phu, tâm thường mơ tưởng đến người nữ, ý luôn muốn nghe lời dịu ngọt, lìa bỏ pháp chân chính, nghi ngờ lời chân thật, tin theo điều tà vạy, sa vào lưới dục, chìm trong mê muội, bị dục sai khiến, giống như nô tì sợ chủ. Người đã ham thích nữ sắc rồi thì không kể đến ác lộ hôi dơ trong chín lỗ, lăn lộn trong dục giống như heo trong chuồng, chẳng biết hôi thúi, thích thú cho là nơi an vui, không tính đến đời sau sẽ rơi vào địa ngục Vô Gián, chịu khổ vô cùng. Người chú tâm vào dâm dục, thường mút những đàm dãi, lặn hụp trong máu mủ, quí nó như của báu, cho nó ngọt như mật, nên gọi là người nam làm nô tì cho dục.

2. Cha mẹ nuôi con, mang nặng đẻ đau, công ơn dưỡng dục rộng lớn không cùng, khổ nhọc không thể nghĩ bàn. Nuôi con thành người, đến nỗi phải tan gia bại sản, gối mỏi chân mòn. Lại đến tuổi trưởng thành phải tìm mai mối, cưới vợ cho con. Nếu ở phương xa, cha mẹ vẫn tìm đến thăm viếng, chẳng quản gần xa, không từ khó nhọc, thế mà con chỉ chú tâm vào dâm dục, quên bặt cha già mẹ yếu. Có được vợ rồi quý mến như của báu, chỉ muốn cùng nhau hưởng lạc, ghét bỏ mẹ cha, tin lời yêu nữ dụ dỗ, đến nỗi có khi tranh đấu kiện thưa, chẳng màng suy nghĩ thân ta từ đâu mà có, cô phụ ân đức vô lượng của song thân.

[60c] 3. Ở đời, có người nam khổ nhọc thân tâm, làm ra nhiều tiền của, vốn có ý kính tin Phật pháp, có lòng tôn thờ sa-môn, Phạm chí, hiểu rõ thế gian là vô thường, nên bố thí làm phúc. Nhưng sau khi cưới vợ, lại bị tình dục làm mê hoặc, ngu si che lấp tâm trí, bèn bỏ việc chân chính chạy theo điều tà vạy, đều do mưu kế của người nữ. Nếu có ý bố thí, quá lắm cũng chỉ bằng lời. Đắm say nữ sắc bỏ mất hạnh thanh tịnh, trở thành hạng người thấp hèn, chẳng cần biết đến lời răn dạy trong kinh Phật, không quan tâm đến kết quả của họa phúc. Nếu để bị dâm dật sai khiến tức ném thân vào lưới mê, nhất định đọa vào đường ác, trọn đời cũng không thể thoát ra.

4. Làm một người nam mà không suy nghĩ đến ân dưỡng dục, tiền của dư giả mà không phụng dưỡng song thân, chỉ dùng để chạy rảo khắp nơi vui hưởng dâm dục, ôm giữ của báu dụ dỗ phụ nữ; hoặc giết súc vật tế lễ quỷ thần nơi đền miếu; uống rượu, ca múa tụ tập nam nữ, ăn chơi khoái lạc, trọn ngày thâu đêm. Bên ngoài làm vẻ cầu phúc, nhưng bên trong chiêu dụ gian dâm. Sau khi say sưa, cùng nhau hưởng lạc, cùng nhau mời gọi để thỏa mãn gian tình. Đến khi gặp đôi thì vui mừng không gì sánh nỗi, lưới dâm trói buộc không còn hay biết. Ngay lúc hành động như thế cho đó là thú vui, chẳng biết mùi hôi thúi nơi đường ác, nỗi thống khổ nơi địa ngục. Vừa đáng chê cười, vừa đáng thương xót. Giống như kẻ ngông cuồng chẳng biết tội lỗi.

Người nam có bốn việc xấu ác như thế, bị đọa vào ba đường ác. Vì thế phải nên suy xét tránh xa nó, mới thoát khỏi khổ đau. Hãy nghe Ta nói kệ về điều xấu ác của người nữ. Phật liền nói:

Do bị dục sai khiến,
Ý buông lung, bất an,
Thói quen làm việc ác,
Đâu thể cho là hiền,
Luôn ở ba đường ác,
Xoay vần như bánh xe,
Sống trong đời có Phật,
Mà chẳng được nghe pháp,
Người nữ thật xấu ác,
Không thể là duyên lành,
Bị ân ái trói buộc,
Dẫn người vào nẻo tội,
Người nữ có gì đẹp,
Chỉ toàn là bất tịnh,
Sao không suy xét kỹ,
Bị nó làm cuồng mê,
Bên trong toàn hôi thúi,
Ngoài điểm tô xinh đẹp,
Lại chứa toàn nọc độc,
Nguy hiểm như rồng, rắn,
Giống như cá cắn câu,
Thiêu thân đâm vào đèn,
Buộc tâm vào sắc dục,
Đâu biết họa về sau!

Phật dạy như thế, vua Ưu-điền rất vui mừng, liền gieo năm vóc sát đất, bạch Phật:

[61a]- Bạch Thế Tôn! Quả thật, từ khi sinh ra đến nay, con chưa từng nghe những điều xấu ác của người nữ đến như thế. Người nam cuồng loạn chạy theo xấu ác ấy mà không hề hay biết, không chế ngự được tâm ý. Từ nay về sau, trọn đời con xin sám hối, quy y tam bảo, không dám tái phạm. Nói xong, vua đỉnh lễ Đức Phật, vui mừng lui ra.

Kinh Thư chép: “Trọng Ni[5] răn: “Mối họa nuôi dưỡng tiểu nhân và con gái, gần thì không thể hòa hợp; xa thì bị oán trách”.

Do đó, kinh dạy: “Người nữ đẹp lộng lẫy, có tám mươi bốn thói xấu. Trong đó tám thói rất xấu bị người trí ghét bỏ. Đó là ganh tị; sân giận vô cớ; chửi mắng; nguyền rủa; trấn áp; xan tham; thích trang điểm. Cho nên người nữ có nhiều tà vạy yêu mị. Thế nên, phải nguyện lìa bỏ tà ác, để cầu chính pháp, sớm được xuất gia thực hành tự lợi, lợi tha”.

Luận Đại trí độ ghi: “Bản tính của người nữ, nếu được đối đãi tử tế thì họ cao ngạo; nếu không đối đãi tử tế, thì họ lo sợ. Người nữ thường đem lại những lo âu, phiền não, sợ hãi cho người khác, thì sao có thể gần gũi được? Người thân bè bạn xa lìa là tội của người nữ. Như truyện Tích nói: ‘Một hôm, có người đánh cá tên là Thuật-ba-già đang đi trên đường, từ xa nhìn thấy khuôn mặt vương nữ Câu-mâu-đà trên lầu cao, qua song cửa sổ. Về nhà trong lòng cứ mãi tưởng nhớ hình ảnh vương nữ, ngày tháng trôi qua, ông ta nhớ mãi đến nỗi bỏ ăn bỏ uống. Người mẹ thấy vậy bèn hỏi nguyên do, ông ta đem sự tình kể cho mẹ:

– Sau khi thấy vương nữ, trong lòng con nhớ mãi không quên!

Người mẹ khuyên:

– Không thể được! Bởi con là hạng thấp hèn, còn vương nữ là bậc tôn quý!

Người con Đáp:

– Tâm con đã thầm yêu mến cô ta không thể nào quên. Nếu không được như ý nguyện, thì con không thiết sống nữa!

Người mẹ thương con, nên mang chim cá vào cung biếu cho vương nữ. Vương nữ thấy lạ, bèn Hỏi:

– Bà muốn cầu điều gì?

Bà mẹ nói:

– Hãy cho mọi người lui ra, tôi sẽ trình bày hết sự tình! Tôi chỉ có một người con trai, nhưng vì nó ngưỡng mộ vương nữ, mà từ tình cảm kết thành bệnh nặng, mạng sống đang nguy cấp. Cúi xin vương nữ rũ lòng thương xót cứu mạng con tôi!

Vương nữ Đáp:

– Hãy trở về, bảo con trai bà ngày rằm mỗi tháng, đến trong miếu thờ trời nọ, đứng phía sau tượng trời đợi ta!

Người mẹ trở về, nói với con:

– Ta đã xin được rồi! – Bà kể lại sự việc trên, rồi bảo con tắm gội sạch sẽ, mặc áo mới, đến đứng sau tượng trời.

Đến ngày, vương nữ thưa với vua cha:

– Con không được bình an, muốn đến miếu thờ trời để cầu phúc!

Vua nói:

– Rất tốt!

Rồi cho năm trăm cỗ xe chở đến miếu thờ trời. Đến nơi, vương nữ ra lệnh người hầu đều đứng ngoài cửa, một mình vào miếu. [61b] Thiên thần suy nghĩ: ‘Điều này không được, vua là chủ cõi này, không thể để cho gã tiểu nhân làm nhục vương nữ’. Thiên thần liền yểm anh ta ngủ say như chết. Vương nữ vào, thấy anh ta ngủ, liền đánh thức mấy lần mà vẫn không tỉnh, bèn đem xâu chuỗi giá trị mười vạn lượng vàng để lại bên anh ta rồi ra về. Sau khi tỉnh dậy, chàng ta thấy chuỗi anh lạc, liền hỏi mọi người. Anh ta biết vương nữ đến, nhưng không thỏa mãn tình dục, nên anh ta buồn giận, rốt cuộc bị lửa dâm bừng phát, thiêu đốt mà chết”. Lấy đây để chứng minh đủ biết tâm người nữ chẳng chọn sang hèn, mà chỉ chạy theo lòng dục.

Luận Tát-bà-đa ghi: “Thà đem thân phần[6] bỏ vào miệng rắn độc, chứ đừng bao giờ phạm vào người nữ. Rắn độc có ba cách hại người: nhìn người; chạm người; cắn người. Người nữ cũng có ba trường hợp hại người: nếu nhìn người nữ, phát khởi lòng dục, liền bị mất hết pháp thiện; nếu xúc chạm người nữ, thì thân phạm tội bực trung, liền bị mất hết pháp thiện; nếu cùng giao hợp, thì thân phạm trọng tội, liền bị mất hết pháp thiện. Lại có bảy trường hợp hại người:

1. Nếu bị rắn độc làm hại, thì chỉ hại thân đời này; còn nếu bị người nữ làm hại, thì hại vô số thân.

2. Nếu bị rắn độc làm hại, chỉ bị hại quả báo thân vô kí; còn nếu người nữ làm hại, thì hại thân thiện pháp.

3. Nếu bị rắn độc làm hại, thì chỉ hại thân năm thức (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt và thân thức); còn nếu bị người nữ làm hại, thì hại thân sáu thức (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý thức).

4. Nếu bị rắn độc làm hại, thì vẫn được dự vào chúng thanh tịnh; còn nếu bị người nữ làm hại, thì không được dự vào chúng tăng.

5. Nếu bị rắn độc làm hại, thì vẫn được sinh vào cõi người, cõi trời, được gặp hiền thánh; còn nếu bị người nữ làm hại, thì đọa vào ba đường ác.

6. Nếu bị rắn độc làm hại, thì vẫn còn có thể chứng được bốn quả Sa-môn; còn nếu bị người nữ làm hại, thì tu tập bát chính đạo cũng không thành tựu.

7. Nếu bị rắn độc làm hại, thì vẫn có người thương nhớ, cứu giúp; còn nếu bị người nữ làm hại, thì tất cả mọi người đều lìa bỏ, không ai ưa thích. Vì nhân duyên ấy, cho nên thà đem thân phần bỏ vào miệng rắn độc, trọn đời đừng bao giờ xúc chạm người nữ!”.
Kinh Tăng nhất a-hàm ghi: “Người nữ có năm sức mạnh dẫn đến khinh thường chồng mình:

1. Sức mạnh của sắc đẹp.
2. Sức mạnh của thân tộc.
3. Sức mạnh của cải.
4. Sức mạnh của con cái.
5. Sức mạnh tự vệ.

Do năm sức mạnh này, đưa đến người nữ khinh thường chồng mình. Người chồng chỉ có một sức mạnh có thể che lấp hết sức mạnh của người nữ, đó là sức mạnh giàu sang. Thiên ma Ba-tuần cũng có năm sức mạnh: sắc, thanh, hương, vị, xúc.

[61c] Người ngu si đắm trước năm pháp này, thì hết phương cứu vớt. Nếu thánh đệ tử thành tựu một năng lực không phóng dật, không bị nó trói buộc, thì có khả năng phân biệt rõ pháp sinh, lão, bệnh, tử, chiến thắng được năm sức mạnh của thiên ma, không bị rơi vào cảnh ma, đến được bờ niết-bàn. Bấy giờ Đức Phật liền nói kệ:

Giới là đường an ổn,
Phóng dật là nẻo chết,
Không tham thì không chết,
Mất đạo là mất mình.

Bấy giờ, Đức Phật bảo các thầy tì-kheo:

– Người nữ mong ước năm điều: một, sinh trong nhà quí tộc; hai, được gả vào nhà giàu sang; ba, khiến chồng nghe theo lời mình; bốn, có nhiều con; năm, nắm quyền trong gia đình. Đây là năm việc mà người nữ luôn ham muốn”.

Kinh Đại Oai Đức đà-la-ni ghi: “Đức Phật bảo A-nan:

– Thí như có một đống cát lớn, nhỏ vào một giọt nước, thì có thể thấm ướt; như một người nữ, có thể lấy hàng nghìn người nam để thỏa mãn lòng dục mà cũng không biết đủ. Người phụ nữ có ba điều không biết đầy đủ: một, tự trang điểm; hai, thụ hưởng dục lạc với người nam; ba, thích nói, nghe những lời dịu ngọt, bi ai. Này A-nan! Người nữ có năm ổ vi trùng ung nhọt, mà người nam không có, năm ổ trùng ấy ở trong âm đạo. Mỗi ổ trùng có tám mươi con, trùng này có hai đầu, miệng nhọn như mũi kim. Khi ăn, nó thường châm cắn người nữ, khiến cho người nữ bứt rứt khó chịu, buộc phải hành dâm. Vì bị khiến hành dâm, nên gọi là người nữ bị dâm làm khổ não. Đây là nỗi khổ riêng của người nữ. Vì quả báo của nghiệp mà phát khởi hạnh dâm, đam mê người nam không biết chán. Người nữ, khi thấy người nam, liền nói lời dịu dàng, ngắm nhìn đắm đuối, nhìn rồi lại nhìn, chiêm ngưỡng từ đầu đến chân, phát khởi ý dâm, mắt nhìn chăm chăm vào mặt người nam, răng cắn vào môi, mặt đổi sắc tía, vì lửa dục đốt nên trán chảy mồ hôi, hễ đứng thì không muốn ngồi, ngồi thì không muốn đứng, dùng cành cây vẽ trên đất, hai tay quờ quạng. Hoặc đi được ba bước, đến bước thứ tư, liếc nhìn hai bên; hoặc đứng tựa ngạnh cửa, chau mày rên rỉ, uốn éo thân hình, tay trái vén y, tay phải vỗ đùi, lại dùng móng tay khảy răng, lấy cỏ xỉa răng, đưa tay gãi đầu, lộ bày cẳng chân, cất tiếng như trẻ con, đường bằng phẳng mà đi nghiêng ngã, nhìn dáo dác khắp nơi. Các tướng như thế, nên biết người nữ ấy lửa dục đang phát, cần phải lánh xa, đừng cho nó phát khởi kẻo bị sinh vào địa ngục!”.

[62a] Kinh Giải thập nhị nhân duyên trong A-hàm ghi: “Có một vị a-la-hán dùng thiên nhãn quán kỹ, thấy rất nhiều ngưòi nữ bị đọa địa ngục, bèn hỏi Phật nói nguyên do?

Đức Phật dạy:

– Do bốn nhân duyên: Một, do lòng dục mà tham của báu, y phục…. Hai, do tính ganh ghét, đố kị. Ba, do lắm lời. Bốn, do lòng dâm mà làm dáng. Do bốn nhân duyên này mà có nhiều người nữ bị đọa địa ngục!”.

XII.4. Khuyến đạo

Lòng kiêu mạn, người thiện kẻ ác đều có, trí ngu chẳng khỏi, sang hèn chẳng không, nhưng ở đây chỉ bàn đến những người có tâm kiêu mạn nặng. Người thế tục có tâm kiêu mạn rất nặng, ưa khoe điều hay của mình bằng những lời không thật, xét nét người hiền lương, chê bai bậc thánh đức… Đó là điều mà trọn ngày họ thường làm! Họ chưa từng biết hổ thẹn, phát lồ sám hối, hướng lòng cầu đạo, soi xét lại mình. Nên sách thế tục có câu: “Gắng sức làm lành, để thân được an ổn; tận tâm hiếu dưỡng để cha mẹ vui lòng”.

Có nhiều bậc quân tử noi theo Phật pháp, tinh tiến tu hành, nhân từ, liêm khiết, khiêm cung, cẩn trọng, thành tín, vâng thuận; được như vậy đều nhờ có gieo nhân kiếp trước, nên bản tính tự nhiên hiển lộ, đâu khác gì với đạo?

Lại có người xuất gia, không nương theo Thánh giáo, trái phạm giới luật, không chịu học hỏi, mê muội chẳng khác người đời. Nhưng người tăng kẻ tục, hình tướng trái nhau, lỗi có nặng nhẹ, phạm có ít nhiều, tâm có ngu sáng. Do đó, người xuất gia khi chưa phạm, thì mỗi niệm đều thuận với đạo, nghiệp lành huân tập, nền phúc sâu dày. Mặc dầu mầm ác nhỏ, nhưng vì khinh suất, nên lỡ gây tạo, không đến nỗi nguy hại, nếu hổ thẹn sám hối thì trở lại thanh tịnh.

Người đời, thân không biết xấu hổ; tâm không biết thẹn, nuôi dưỡng vợ con; năm món dục đầy nhà, các thức cay nồng, rượu thịt muốn ăn liền có, ái tình sâu nặng chưa từng tạm bỏ. Sống trong xấu ác, há thoát khỏi quả báo ư? Thế thì đường sáng tối nên đã phân ngõ, thiện ác khác biệt. Nên biết, ánh sáng có thể xua tan bóng tối, nhưng bóng tối không thể đẩy lùi ánh sáng. Ánh sáng ngọn đèn nhỏ cũng đủ làm sáng tỏ căn nhà tối lớn.

Người xuất gia tuy trước đã phạm lỗi nhỏ, như trước đã nói, sửa đổi thành chính, tuy có thể ánh sáng chẳng tăng rực rỡ, nhưng nguồn sáng xưa vẫn hằng soi? Như đèn còn đủ tim dầu, nhà nông có nhiều trâu ruộng.

Lại nữa, người xuất gia làm ác rất khó, giống như đi thuyền trên đất; người tại gia dễ tạo lỗi lầm, giống như bơi thuyền trong biển. Trái lại, người xuất gia dễ dàng học đạo, giống như bơi thuyền trong biển; người tại gia tu phúc rất khó, giống như đi thuyền trên đất. Thuyền thì giống nhau mà biển và đất liền sai khác, nên nhanh chậm không đồng. Sự khó dễ của tu trì và sự vi phạm cũng như thế. [62b] Việc ác dễ nhiễm, điều thiện khó thành. Hãy sớm tự tìm giải thoát, cố gắng phát tâm xuất gia!

Kinh Hiền ngu ghi: “Phúc đức xuất gia rất nhiều. Nếu khuyến khích tôi tớ, người dân hay tự mình xuất gia học đạo thì công đức vô lượng, không gì sánh bằng. Công đức xuất gia cao hơn núi Tu-di, sâu hơn biển lớn, rộng hơn hư không, vì xuất gia, nhất định thành Phật.

Xưa, Phật còn tại thế, trong thành Xá-vệ có một trưởng giả tên là Phúc Tăng, đã hơn trăm tuổi, nên bị kẻ lớn người nhỏ trong nhà đều khinh chê. Ông nghe nói công đức xuất gia vô lượng, liền đến chỗ Phật xin xuất gia, gặp lúc Phật đi vắng, ông bèn đến chỗ tôn giả Xá-lợi-Phất. Tôn giả Xá-lợi-phất thấy ông quá già nên không độ, cả năm trăm vị a-la-hán cũng như thế. Ông buồn bã đứng trước cổng chùa khóc lớn.

Đức Phật trở về, dùng nhiều lời an ủi, rồi bảo tôn giả Mục-kiền-liên độ ông xuất gia, tôn giả Mục-kiền-liên trao giới cho ông. Sau đó thường bị những tì-kheo nhỏ tuổi châm chọc, ông trầm mình xuống sông. Tôn giả Mục-kiền-liên quán thấy bèn dùng thần thông vớt ông lên bờ. Biết rõ nguyên do, tôn giả nghĩ: ‘Nếu không dùng việc sinh tử răn dọa, thì ông ta khó có thể đắc đạo’. Tôn giả liền bảo ông ta chú tâm, nắm chặt chéo áo của mình rồi vọt lên hư không bay ra bờ biển. Tại đây ông ta thấy một người nữ xinh đẹp, vừa mới chết trên xác người ấy có một con dòi từ miệng bò ra rồi chui vào mũi, lại từ mắt bò ra rồi rúc vào tai. Mục-kiền-liên thấy rồi bỏ đi. Ông lão Hỏi:

– Người này là ai?

Tôn giả Đáp:

– Đó là vợ của Đại-tát-bạc ở trong thành Xá-vệ, dung mạo xinh đẹp hiếm có trên thế gian, cô ta thường dùng ba thứ cây lạ để trang điểm, khi soi gương thấy mình xinh đẹp, nên sinh tâm kiêu mạn và tự đắm đuối mình. Người chồng rất thương vợ, một hôm cùng dẫn đi biển, biển dữ sóng lớn làm vỡ thuyền, nên bị chết đuối, thây tấp vào bờ. Do tự luyến tiếc thân mình, nên sau khi chết cô ta hóa thành con dòi bám víu thân này, đến lúc bỏ thân dòi liền rơi vào địa ngục lớn chịu khổ vô lượng.

Ông lão lại đi về phía trước, thấy một người nữ đang đội vạc đồng, sau đó đổ nước vào và đun sôi sùng sục, rồi cô gái cởi y phục nhảy vào trong vạc khiến cho thịt chín nhừ tuột khỏi xương, nước sôi đẩy xương văng ra khỏi vạc. Bên ngoài có gió thổi biến bộ xương kia thành người trở lại, rồi tự ăn thịt mình.

Phúc Tăng hỏi thầy:

– Người nữ ấy là ai?

Thầy Đáp:

– [62c] Trong thành Xá-vệ, có một vị ưu-bà-di kính tín tam bảo, xin cúng dường cho một vị tì-kheo trong mùa hạ. Bà ta cất một gian nhà ở đầu đường, làm các món hương hoa, thức ăn, nước uống ngon ngọt, sai người tớ gái đem đến cúng dường. Người tớ đem đến chỗ vắng chọn món ngon ăn hết, rồi mới đem đến cho tì-kheo. Bà chủ biết được Hỏi:

– Ngươi có lén ăn bớt không?

Đứa tớ gái Đáp:

– Thưa không. Vị tỳ kheo ấy ăn xong, còn dư cho con ăn. Nếu con ăn trước thì đời đời tự ăn thịt mình!

Do nhân duyên đó, nên trước chịu hoa báo[7], sau đọa xuống địa ngục.

Ông lão lại đi về phía trước cách đó không xa, thấy một cây thịt, côn trùng vây quanh dày đặc, rứt rỉa thịt. Thấy thế, ông bèn hỏi tôn giả Mục-kiền-liên:

– Đó là cây gì?

Mục-kiền-liên Đáp:

– Đó là tì-kheo doanh sự[8] Thác-lợi-tra. Vì xài phí tài vật của chúng tăng, đem hoa quả thức ăn cho người thế tục. Vì nhân duyên đó nay chịu hoa báo như thế, sau đọa xuống địa ngục. Những con dòi rúc rỉa cây thịt chính là những người lúc ấy nhận vật của tỳ kheo kia.

Ông lão lại đi tiếp, thấy một người nam, quanh thân mọc nhiều đầu thú, các ác quỉ thần tay cầm cung nỏ với ba mũi tên độc, đầu bịt sắt và đều có lửa cháy, tranh nhau bắn vào người nam, khiến cho người ấy toàn thân cháy rụi.

Phúc Tăng hỏi thầy:

– Đó là người nào?

Mục-kiền-liên Đáp:

– Tiền thân người này là một vị thợ săn giỏi, giết hại nhiều cầm thú nên chịu quả khổ như thế. Sau khi chết, đọa vào địa ngục lớn.

Đi thêm một đoạn, Phúc Tăng thấy một ngọn núi lớn, chân núi có nhiều đao kiếm, lại có một người từ trên núi lao xuống bị mũi đao, ngọn kiếm đâm nát thân thể. Lao xuống rồi lại leo lên, làm mãi như thế không ngừng.

Phúc Tăng hỏi Thầy:

– Đó là người nào?

Đáp:

– Đó là Đại Đấu Tướng, vua của thành Vương Xá. Vì mạnh mẽ, xông xáo, nên vua thường làm tiên phong, giết hại nhiều sinh mệnh, trước thụ khổ này, sau đọa địa ngục.

Lại đi thêm một đoạn, Phúc Tăng thấy một núi xương, núi này cao lớn bảy do-tuần, thường che lấp ánh sáng mặt trời làm cho biển tối tăm. Bấy giờ tôn giả Mục-kiền-liên đi qua lại trên một chiếc xương sườn lớn ở núi xương.

Phúc Tăng hỏi Thầy:

– Núi xương này là sao?

Đáp:

– Ông nên biết, đó là xương của thân đời trước ông đó!

Phúc Tăng nghe vậy, lòng kinh hoàng, sợ rởn gáy, toát mồ hôi, bạch rằng:

– Nay con nghe điều này, nhưng lòng chưa hiểu, mong Ngài giảng rõ ngọn ngành!

Mục-kiền-liên bảo:

– Sinh tử xoay vần không có giới hạn, nghiệp thiện ác đã gây tạo, không bao giờ mất, nên nhất định phải chịu quả báo. Hãy lắng nghe: ‘Vào thời quá khứ ở cõi Diêm-phù-đề có một vị vua tên là Pháp Tăng, ưa thích bố thí, trì giới, nghe pháp, giàu lòng từ bi, không làm tổn hại mạng sống muôn vật, dùng chính pháp trị nước suốt mười hai năm. [63a] Một hôm, nhân lúc rảnh rỗi, vua cùng mọi người đang vui đùa, các quan thần tâu có một kẻ phạm tội giết người. Gặp lúc đang ham vui, nên vua liền pHán:

– Hãy trị theo phép nước!

Vị quan liền theo pháp nước mà xử: giết người đáng tội chết, mà xử trảm người đó. Vui đùa xong, vua Hỏi:

– Tội nhân đâu rồi.

Quan Đáp:

– Đã chém đầu rồi!

Vua nghe xong, dậm chân bất tỉnh, vả nước vào mặt mới tỉnh dậy, rơi lệ mà nói:

– Người trong cung cùng kỹ nữ và voi ngựa bảy báu đều ở lại, chỉ riêng mình ta vào địa ngục. Ta nay đã giết người, ta chính là vua đồ tể, không biết đời đời thác sinh vào chốn nào. Nay ta quyết định không làm vua nữa!

Vua liền bỏ ngôi, vào núi sống một mình, sau khi chết sinh vào trong biển lớn làm cá ma-kiệt, thân dài bảy trăm do-tuần. Các vị đại thần của vua, cậy thế lực của mình, bức ép trăm họ, giết hại vô số, sau khi chết đều đọa làm cá ma-kiệt, bị nhiều côn trùng rúc rỉa thân xác, do ngứa thân nên cá cọ mình vào núi, khiến cho dòi chết, máu chảy một trăm dặm, nhuộm đỏ cả biển. Cá ngủ một giấc dài đến một năm, tỉnh dậy đói khát liền hút nước, nước lùa vào miệng như chảy vào sông lớn.

Bấy giờ, gặp lúc có năm trăm người buôn vào biển tìm châu báu, bị cá há miệng nên thuyền trôi nhanh vào miệng, mọi người sợ hãi cất tiếng khóc lớn, vừa trôi đến miệng cá, trong khoảnh khắc có người xưng niệm Nam-mô Phật, cá nghe tiếng “Phật” liền ngậm miệng lại, nhờ vậy những người buôn sống sót. Cá vì đói mà chết, lại sinh vào thành Vương Xá, làm thân ông. Sau khi cá chết, dạ-xoa, la-sát mang xác cá đặt ở bờ biển, thịt tiêu hết, xương còn lại tạo thành núi xương. Vua Pháp Tăng thuở xưa, nay là thân ông. Do nhân duyên giết người, nên đọa làm cá trong biển.

Pháp Tăng nghe rồi sợ sự sinh tử vô cùng, nhìn thấy thân xưa, hiểu rõ vô thường, bèn đắc quả A-la-hán.

Kinh Niết-bàn ghi: “Nhà cửa như ngục tù, vợ con như xiềng xích, tài vật như gánh nặng, quyến thuộc như oan gia. Nếu người nào có thể một ngày một đêm thụ trì giới pháp thanh tịnh, sáu thời bái sám, một năm ăn chay ba tháng, mỗi tháng ăn chay sáu ngày, rau dưa đạm bạc, giữ gìn thân, khẩu, ý không cho chạy theo cảnh trần, chuyên tâm hướng đến giải thoát, dốc lòng tu tập Phật pháp, đi đứng oai nghi không thiếu, nằm ngồi giới tướng không quên, đêm ngồi thiền định, ngày học Phật pháp, kính trọng sa-môn, thương xót muôn loài. Nếu thường như thế, tuy người tại gia, nhưng có thể sớm được giải thoát. Vì thế kinh nói: ‘Vào thời Phật pháp sắp diệt, người tại gia hộ pháp, tu thiện được sinh lên cõi trời như tuyết bay trên không; còn tì-kheo phá giới, phạm trai sẽ đọa vào đường ác như mưa rơi xuống đất’. [63b] Nên biết sống trong cảnh khổ mà tu phúc, thì được phúc rất lớn; ở chốn giàu sang mà tạo tội thì chịu tội chẳng nhỏ. Cho nên, từ chốn khổ vào chỗ giàu sang, thì đâu biết hết niềm vui trong cảnh sướng; từ chỗ sướng vào nơi đau khổ, liền nếm đủ nỗi khổ đau trong cảnh khổ. Lời nói này thật đáng chiêm nghiệm! Mong mọi người hãy tỉnh giác!

Kinh Pháp cú ghi:

“Lửa dâm dục nóng nhất,
Sân hận chất kịch độc,
Khổ nào bằng khổ thân,
Vui nào hơn Niết-bàn!”.

Phật nói kệ xong, bảo các tì-kheo: “Vào thuở xa xưa cách đây vô số kiếp, có một tì-kheo chứng được ngũ thông tên là Tinh Tiến Lực. Vị ấy thiền định cầu đạo bên một gốc cây trong rừng. Bấy giờ có bốn con vật đến nương tựa để được an ổn. Đó là bồ câu, quạ, rắn độc và nai. Ban ngày chúng đi kiếm ăn tối về ngủ. Một hôm, bốn con hỏi nhau:

– Ở thế gian, thứ gì là khổ nhất?

Quạ nói:

– Đói khát là khổ nhất! Vì khi đói khát thân yếu, mắt mờ, tâm hoảng loạn, lao thân vào lưới không kể dao nhọn. Chúng ta tan thân mất mạng đều do đói khát. Vì thế tôi cho đói khát là khổ nhất!

Chim bồ câu nói:

– Dâm dục mới là khổ nhất! Lòng dục lẫy lừng như lửa mạnh, không còn nhớ nghĩ gì hết. Nguy thân, mất mạng đều do dâm dục!

Rắn độc nói:

– Sân hận là khổ nhất! Ý độc vừa khởi thì không kể đến kẻ thân người sơ, ai cũng có thể bị giết hại, lại cũng có thể hại cả chính mình!

Nai nói:

– Sợ hãi là khổ nhất! Tôi ở trong rừng hoang thường phải cảnh giác, lo sợ bọn thợ săn, cùng các loài sói… vẳng nghe có tiếng động, liền đâm đầu bỏ chạy, đến nỗi lao đầu xuống vực, khiến mẹ con phải xa nhau, gan mật tan nát. Vì thế tôi cho sợ hãi là khổ nhất!

Vị tì-kheo nghe xong nói:

– Các con nói vẫn chưa đúng, vì không xét đến gốc khổ. Nỗi khổ trong thiên hạ không gì bằng thân mình. Vì thân là đồ chứa đựng tất cả khổ, lo sợ không cùng. Ta vì thế mà bỏ nhà thế tục, học đạo giải thoát, đoạn trừ vọng tưởng, không tham bốn đại, là vì muốn đoạn gốc khổ, lòng hướng đến giải thoát niết-bàn!”.

Thế nên biết thân là gốc của nỗi khổ lớn.

Do đó Lão Tử có câu: “Tại họa lớn nhất không gì bằng thân!”.

XII.5. Quyến thuộc

Kinh Tu-ma-đề trưởng giả ghi: “Khi Đức Phật còn tại thế, tại nước Xá-vệ có một vị trưởng giả tên là Tu-ma-đề. Sau khi ông ta chết thì cha mẹ, thân tộc và những người quen biết đều thương tiếc, khóc lóc, than ngắn thở dài, ngất xỉu trên đất. Có người kêu gào cha mẹ anh em; có người réo gọi chồng con v.v…, trong nhà đầy cảnh tượng mọi người đua nhau kêu khóc như thế. [63c] Lại có người đem bùn đất bôi lên thân, lại có người dùng dao tự cắt tóc …, đau đớn, vật vã như bị tên độc bắn trúng tim mình. Có người trùm vạt áo lên đầu khóc lóc bi ai, giống như rừng cây bị xác xơ sau một cơn bão dữ. Lại có người giẫy giụa trên đất như cá mắc cạn v.v…, nằm ngổn ngang như cây bị đốn gốc tiện cành; như đem gai độc đâm vào thân thể. Bấy giờ Đức Thế Tôn biết rõ sự tình, nhưng vẫn cứ hỏi tôn giả A-nan:

– Bọn người kia vì sao mà gào khóc bi ai như thế?

Tôn giả A-nan trình bày rõ sự việc, rồi bạch:

– Cúi xin Đức Thế Tôn lòng thương xót mà đến nhà ấy hóa độ mọi người! Các Đức Phật Thế Tôn không bao giờ giảng nói khi không có lời cầu thỉnh, nay con vì bọn họ mà cầu thỉnh Đức Thế Tôn, vì lòng đại bi, hãy đến độ cho gia đình ấy!

Như Lai nhận lời cầu thỉnh của tôn giả A-nan, liền đến gia đình nọ. Lúc đó, mọi người từ xa trông thấy Đức Thế Tôn, mỗi mỗi đưa tay gạt lệ lau mặt, ra trước đón Đức Phật. Khi đến gần, họ liền đỉnh lễ bên chân Ngài, đau xót, nghẹn ngào nói không nên lời, lòng muốn than lớn, nhưng vì kính nể Như Lai nên người lại đứng im không dám thở. Bấy giờ Đức Phật bảo cha mẹ của trưởng giả:

– Sao các quá bi ai sầu não, mãi chấp vào thân giả tạm này!

Mọi người đều đồng thanh bạch với Đức Phật:

– Bạch Thế Tôn! Khắp thành Xá-vệ chỉ có một người thông minh trí huệ, xinh đẹp tài giỏi, tuổi vừa đôi mươi, người trong thành không ai sánh bằng. Anh ta lại có nhiều tiền của, kho đụn, xe ngựa, y phục, nô tì v.v… tất cả đều không thiếu một thứ gì. Vậy mà bỗng nhiên người này bỏ mạng, khiến chúng tôi vô cùng thương xót, luyến tiếc, không thể tự kiềm chế được! Kính lạy Đức Thế Tôn thương xót chúng con, bằng cách nào chỉ dạy, giúp cho chúng con vượt qua nỗi thương đau này và từ nay về sau chúng con hoàn toàn không còn chịu những nỗi thống khổ như thế này nữa!

Nghe vậy Đức Phật bảo với cha mẹ, quyến thuộc của trưởng giả và mọi người:

– Các vị đã từng thấy người nào có sinh mà không có già, bệnh và chết không?

– Chưa từng thấy! Bạch Thế Tôn! – Mọi người thưa.

Đức Phật lại dạy tiếp:

– Các vị muốn lìa bỏ những nỗi sầu bi khổ não của sinh, già, bệnh, chết, vậy các vị có từng nghĩ đó là do bị ân ái trói buộc không? Hãy có chính kiến mà quy y Tam bảo. Vì sao? Bởi vì trong thế gian không ai hơn Phật, vì Phật khéo dẫn dắt kẻ ngu si mê muội. Giáo pháp Phật dạy chính là thuốc hay”.

Kinh Pháp cú dụ ghi: “Xưa có một bà-la-môn xuất gia học đạo từ lúc thiếu niên, đến năm sáu mươi tuổi vẫn chưa chứng đạo. Theo giáo pháp Bà-la-môn, hễ vị nào tu tập đến sáu mươi tuổi mà vẫn chưa chứng đạo thì phải hoàn tục. [64a] Sau khi trở về sống với vợ, sinh được một bé trai xinh đẹp, dễ thương. Năm lên bảy tuổi đi học, cậu bé rất thông minh, nói năng lưu loát. Một hôm, đứa bé thông tuệ hơn người này bỗng nhiên mắc bệnh nặng, chỉ một đêm liền chết. Vô cùng thương tiếc, đau xót không chịu nỗi, bà-la-môn nằm vật vã bên thi thể, nhưng cậu bé đã tắt thở, không thể sống lại được. Thân tộc khuyên can rồi tẫn liệm và đem mai táng ở ngoài thành. Người cha suy nghĩ: ‘Nay ta than khóc, kể lể có ích gì? Chi bằng ta hãy đến chỗ Diêm-la vương để cầu xin mạng sống cho con trai ta!’. Nghĩ vậy, ông ta liền tắm gội sạch sẽ, trì trai giới rồi mang hoa hương ra đi. Ông ta hỏi mọi người về nơi làm việc của Diêm-la vương, nhưng chẳng ai biết cả. Cứ thế, ông ta đi mãi về phía trước, đi được vài nghìn dặm, đến một khu rừng sâu, thấy có nhiều vị Phạm chí đắc đạo, ông ta cũng hỏi nơi làm việc của Diêm-la vương như trước. Các vị Phạm chí Hỏi:

– Ông hỏi nơi làm việc của Diêm-la vương để cầu điều gì?

Ông ta Đáp:

– Tôi có một đứa con trai thông minh, tuấn tú hơn người vừa mới chết, vì quá đau xót, tiếc thương không thể chịu nỗi, nên tôi muốn đến Diêm vương cầu xin cho nó được sống lại. Tôi sẽ quay về nuôi dạy để mong được nương tựa tuổi già.

Các vị Phạm chí thương hại kẻ ngu si, liền bảo ông ta:

– Nơi làm việc của Diêm-la vương chẳng phải là chỗ mà người sống có thể đến được. Nay ta chỉ cho ông một cách: ông hãy đi về phía tây hơn bốn trăm dặm, có một dòng sông lớn, trong dòng sông đó có một tòa thành. Đó là thành mà các thiên thần xem xét, lưu giữ các việc làm của người thế gian trong đời trước. Vào ngày mồng bốn, tháng tư hằng năm, Diêm-la vương thường xét xử hành vi thiện ác của nhân gian, ắt phải đến thành này. Ông trì trai giới đến đó nhất định sẽ gặp được Diêm-la vương.

Người bà-la-môn rất vui mừng, nghe theo lời chỉ dẫn đi đến dòng sông ấy. Đến giữa dòng sông, ông ta thấy một thành trì rất đẹp, cung điện, nhà cửa giống như trời Đao-lợi. Ông ta đến cửa thành, đốt hương, nhón gót chân đứng cầu xin được diện kiến Diêm-la vương. Diêm-la vương bèn lệnh cho lính gác cửa dẫn ông ta vào gặp. Người bà-la-môn tâu:

– Con sinh muộn được một bé trai, năm nay được bảy tuổi mong nương tựa lúc tuổi già. Nào ngờ, nó vừa chết cách đây mấy ngày! Cúi xin đại vương rủ lòng thương xót cứu cho con trai con được sống lại!

Diêm-la vương nói:

– Lòng mong cầu của ngươi rất tốt! Con trai của ngươi hiện đang vui đùa trong vườn phía đông, hãy đến dẫn nó về!

Người bà-la-môn liền đi ngay, thấy con mình cùng vui đùa với các đứa trẻ, ông ta chạy đến ôm nó vào lòng, khóc nức nở, nói với nó:

– Cha ngày đêm nhớ con, ăn ngủ không yên, mà con chẳng nhớ nghĩ đến nỗi đắng cay thống khổ không nguôi của cha mẹ sao? Đứa bé ngạc nhiên, ngơ ngác trách ngược lại ông ta:

– Ô! Ông già ngu si lẩm cẩm, không hiểu gì cả! Nương nhờ một lát mà gọi người ta là con? Chớ nhiều lời, chi bằng hãy đi mau! Nay ta có cha mẹ ở đây, chỉ gặp tình cờ sao ông ôm ta vào lòng?

[64b] Người bà-la-môn buồn bã, khóc lóc bỏ đi, liền suy nghĩ: ‘Ta nghe nói sa-môn Cù-đàm biết rõ về đạo lý thần hồn của con người biến hóa. Ta nên đến đó để hỏi Ngài’. Ông ta liền đi tìm Đức Phật. Lúc đó Đức Phật đang giảng pháp cho các Phạm chí tại Kì-hoàn, nước Xá-vệ. Ông ta đến gặp Phật, cúi đầu đỉnh lễ, trình bày cặn kẽ đầu đuôi sự việc lên Đức Phật, rồi khóc:

– Thật đúng là con trai của con, mà nó chẳng nhận ra; trái lại nó cho con là ông già ngu si, lẩm cẩm, chỉ nương nhờ một lát mà nhận lầm nó là con? Hoàn toàn nó không có chút tình cha con! Bạch Thế Tôn! Vì nguyên do gì mà như thế?

Đức Phật nói:

– Ông thật ngu si! Người sau khi chết, thần thức liền đi thụ thân. Cha mẹ, vợ con đều do nhân duyên mà gặp nhau, giống như khách tạm đến rồi đi. Người ngu si chấp trước, cho là của riêng mình rồi sầu bi, khổ não, không hiểu rõ gốc rễ, chìm đắm sinh tử, không chịu dừng nghỉ. Chỉ có người trí, không đam mê ân ái, biết khổ mà dứt bỏ những thói thường tình, nỗ lực tu trì giới luật, học tập kinh điển, diệt trừ vọng tưởng, thoát khỏi sinh tử.

Người bà-la-môn nghe xong, tâm hoát nhiên hiểu rõ, liền ngay chỗ ngồi chứng quả A-la-hán”.

Kinh Đại pháp cự ghi: “Đức Phật dạy:

– Tất cả chúng sinh đều tùy theo loại thân hình mà đặt tên, như chim sẻ, v.v… Nhưng chúng sinh trong loài ngạ quỷ không có tên gọi nhất định. Đừng cho rằng trời nhất định là trời, người nhất định là người, ngạ quỷ nhất định là ngạ quỷ. Phải biết, một việc có nhiều tên gọi, một người có nhiều tên gọi, một trời có nhiều tên gọi, cho đến ngạ quỷ, súc sinh cũng có nhiều tên gọi. Như thế, cũng có nhiều ngạ quỷ hoàn toàn không có tên, bởi vì trong khoảng khảy móng tay, hình hài nó đã thay đổi, tạo thành muôn thân hình khác, thì làm sao có thể gọi tên nó được? Trong đó, nếu nhân duyên nghiệp ác chưa hết, thì trong một niệm phải bị biến đổi rất nhiều loại thân hình”.

Kinh Pháp cú dụ ghi: “Thuở xưa, khi Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, có một trưởng giả giòng Bà-la-môn giàu có vô cùng, nhưng lại là người rất keo kiệt, không thích bố thí, mỗi khi ông ta ăn, liền sai người nhà đóng chặt các cửa, không được để người xông vào xin ăn. Một hôm, Đức Phật đang thuyết pháp cho trời người, lúc đó, ông ta ở nhà muốn được món ăn ngon, bèn sai vợ làm cơm, rồi giết con gà mập, ướp gia vị tiêu, gừng… hợp khẩu vị, rồi đem nấu chín, dọn lên mâm bát xong, bảo đầy tớ đóng cửa để vợ chồng ngồi ăn. Đứa con ngồi giữa cùng ăn chung với hai người, cha mẹ xé thịt gà đút con ăn, không bỏ một thứ gì. Đức Phật biết vị trưởng giả này có phúc đức sâu dày, đã đúng lúc được độ, [64c] nên Ngài hóa làm sa-môn, xét biết lúc ông ta ngồi ăn, liền hiện đến trước mặt, chú nguyện vào thức ăn và nói:

– Dù ít hay nhiều người cũng nên bố thí, nhất định sẽ được phúc lớn!

Ông ta ngẩng đầu lên, thấy vị sa-môn, liền chửi mắng:

– Ông là người xuất gia mà không biết liêm sỉ, nhà ta đang ăn, sao ông đường đột vào đây?

Sa-môn Đáp:

– Ông mới là người ngu si không biết liêm sỉ! Ta là kẻ xin ăn, cớ sao lại xấu hổ?

Trưởng giả Hỏi:

– Gia đình ta cùng nhau hưởng lạc, tại sao lại xấu hổ?

Sa-môn Đáp:

– Ông giết cha mẹ để nuôi dưỡng oan gia mà không biết xấu hổ; ngược lại còn chửi người ăn xin không biết xấu hổ!

Ngay đó, Đức Phật liền nói kệ:

Cõi đã sinh không đoạn,
Mà bón thêm tham dục,
Oán cừu càng chất cao,
Người ngu lòng bất an,
Địa ngục lá đồng sắt,
Người trí không bị giam,
Kẻ ngu thấy vợ đẹp,
Đắm say nên bị nhốt,
Bậc trí cho ân ái,
Là địa ngục, khó thoát,
Cho nên cần trừ dẹp,
Không luyến ái, được an.

Trưởng giả nghe bài kệ, kinh ngạc Hỏi:

– Vì sao đạo nhân nói như vậy?

Sa-môn Đáp:

– Con gà trên bàn kia chính là thân phụ của ông đời trước, vì keo kiệt tham lam nên thường sinh trong loài gà bị ông ăn thịt. Đứa bé này, đời trước làm la-sát. Ông là một nhà lái buôn lớn, đi thuyền vào biển, thuyền lật, ông bị cuốn trôi đọa vào nước La-sát, bị la-sát ăn thịt. Như thế đến năm trăm đời, khi tuổi thọ hết, la-sát trở lại sinh làm con ông. Vì tội của ông đời trước chưa hết, nên đời này nó muốn hại ông. Vợ của ông ngày nay, chính là mẹ của ông đời trước. Vì ân ái sâu nặng, nên nay trở lại làm vợ ông. Vì ông ngu si, không nhận ra người thân đời trước, nên nay ông giết cha gây oán thù, lấy mẹ làm vợ. Sinh tử trong năm đường xoay vần không bờ mé, lăn lộn trong năm loài chẳng ai còn có thể nhận ra nhau! Chỉ có bậc Đạo sư thấy rõ đời này đời trước; người ngu không biết, há không xấu hổ sao?

Lúc đó, lông tóc trưởng giả bỗng nhiên dựng đứng, vô cùng khiếp sợ. Đức Phật liền hiện thần lực giúp ông ta thấy được đời trước. Nhờ oai thần của Phật, ông ta biết rõ đời trước của mình, bèn xin sám hối tạ tội. Sau đó, thụ trì ngũ giới, Đức Phật thuyết pháp độ ông ta. Từ đó ông ta tu tập và chứng được quả Tu-đà-hoàn”.

Kinh Phật thuyết trưởng giả tử áo não tam xứ ghi: “Bấy giờ, tại thành Xá-vệ có vị trưởng giả rất giàu có, tài sản vô số, nhưng không có con, nên ông ta sợ sau khi chết, tài sản của ông ta sẽ bị rơi vào tay triều đình. [65a] Vợ cả của ông ta lo đi cầu đảo thần linh, quy y tam bảo, siêng năng không biếng trễ, nên đã mang thai. Bà là người thông minh, biết rõ được năm điều: một, biết rõ ý chồng; hai, biết chồng suy nghĩ hay không suy nghĩ; ba, biết rõ nhân duyên mang thai; bốn, phân biệt rõ nam hay nữ; năm, phân biệt rõ điều thiện, điều ác. Do đó, bà báo tin cho chồng là bà đã thụ thai! Trưởng giả nghe tin vô cùng mừng rỡ. Đủ tháng đủ ngày, bà sinh được một bé trai, ông ta liền cấp cho năm nhũ mẫu, ẵm bồng nuôi nấng. Đến khi cậu bé lớn khôn, ông ta liền tìm cưới cho con một người vợ đẹp. Một hôm, vợ chồng cậu bé đi dạo trong vườn, thấy cây Vô Ưu, hoa màu trắng, nhụy hoa màu lụa đỏ mịn màng. Thấy vậy, cô vợ nói:

– Thiếp muốn có được đóa hoa này!

Người chồng liền leo lên cây, vì muốn hái được hoa, mà cành cây quá nhỏ yếu, nên bị gãy, cậu ta rơi xuống đất và chết. Cha mẹ nghe tin, vội vã chạy đến ôm đầu con vào lòng, xoa bóp lay gọi nhưng hoàn toàn tuyệt vọng. Cha mẹ đau xót, thân thể tiều tụy, héo sầu. Bạn bè thân thuộc thấy vậy cũng đau xót lây. Gặp lúc Đức Phật và A-nan đi vào thành, thấy cảnh ấy, thương xót cho ông bà chỉ có một người con mà bị té chết.

Phật bảo trưởng giả:

– Con người có sinh phải có tử, sự vật có thành ắt có hoại. Do đó, người khi thọ mạng hết thì không thể lẫn trốn, vì thế ông không nên quá đau xót, đừng để luyến ái mê hoặc.

Đức Phật dạy tiếp:

– Cậu bé này vốn từ cõi trời Đao-lợi, vì tuổi thọ hết, nên nó sinh vào làm con ông. Sau khi tuổi thọ làm con trong nhà ông hết, nó liền sinh vào loài rồng và bị kim sí điểu bắt ăn thịt. Cha mẹ ba nơi đồng thời cùng khóc lóc, như vậy nó là con ai? Đức Phật liền nói kệ:

Là trời trên cõi trời,
Hay là con của ông?
Hay là con loài rồng,
Sinh trong chốn long cung?
Hãy nghe Ta giảng giải,
Chẳng phải là con trời,
Cũng không phải con ông,
Càng không phải loài rồng,
Chỉ là nhân duyên sinh,
Vô thường, không thật có,
Mọi vật không bền chặt,
Giống như khách qua đường!

Đức Phật bảo trưởng giả:

– Chết không ai có thể tránh được, chết rồi không thể sống lại được nữa!

Trưởng giả bạch:

– Vậy, tội phúc đời trước của đứa trẻ này như thế nào?

Đức Phật dạy:

– Cậu bé này đời trước rất thích bố thí, tôn kính mọi người, nhờ phúc đức này mà nó được sinh vào nhà giàu có; nhưng cũng vì ưa săn bắn, làm tổn hại sinh vật, nên đời nay tuổi thọ nó ngắn ngủi. Tội và phúc bám theo người như bóng theo hình”.

Nghe Phật giảng giải, vị trưởng giả vui mừng, lòng thanh thản, liền chứng được pháp nhẫn.

XII.6. Bỏ chấp

[65b] Luận Thập trụ tỳ-bà-sa ghi: “Trong nhà, từ quyến thuộc như cha mẹ, anh em, vợ con… cho đến các vật như xe ngựa… đều làm cho con người tăng thêm lòng tham cầu không biết đủ. Gia đình là chốn khó đầy như biển gom chứa nước của các dòng sông. Gia đình là nơi không bao giờ đủ như bếp thiêu đốt củi. Gia đình là nơi xét nét suy tính nối tiếp không dừng. Gia đình vốn là khổ như kẻ oán giả làm người thân. Gia đình ngăn cản đến Thánh đạo. Gia đình là chỗ rối loạn từ sự chống trái đấu tranh nhau. Gia đình tạo thêm nhiều sân hận, chê trách xấu tốt. Gia đình tuy khá dài lâu, nhưng cũng biến đổi vô thường. Gia đình là nơi chứa nhóm các khổ bởi mong cầu và bảo vệ. Gia đình là chỗ đáng nghi ngờ, như không tin kẻ giặc. Gia đình là điên đảo, tham đắm và hư dối. Gia đình là người kỹ nữ với những trang sức giả dối. Gia đình là nơi đổi thay, vì có kết hợp ắt có ly tan. Gia đình là vay mượn không phải thật có. Gia đình như giấc mộng, vì giàu sang rồi sẽ nghèo khổ. Gia đình như sương buổi sáng tan biến trong chốc lát. Gia đình như giọt mật, vì vị ngọt rất ít. Gia đình như bãi gai muốn đâm hại người. Gia đình như con trùng sắt, thường luôn rúc rỉa. Gia đình có các tai họa như thế không thể kể hết. Thế nên bồ-tát tại gia nên biết vợ con, quyến thuộc, tiền của…không thể cứu mình, không thể đưa mình về chính đạo, cũng chẳng phải là bạn tốt. Do đó nên mau buông bỏ.

Lại từ vô thỉ đến nay, hết thảy chúng sinh trong sáu đường từng qua lại làm cha con… xa, gần có gì cố định? Có bài kệ:

Vô minh che trí tuệ,
Nhiều kiếp trong sinh tử,
Đến, đi biết bao lần,
Làm cha con lẫn nhau,
Tham đắm vui trần thế,
Không biết điều vui hơn,
Kẻ oán thành người thân,
Người thân lại thành oán,
Nên ta phương tiện nói,
Chớ sinh tâm thương ghét,
Nếu sinh tâm thương ghét,
Không thể thấu rõ pháp.

Kinh Đại bồ-tát tạng ghi: “Này Xá-lợi! Nếu có chúng sinh tham đắm sắc dục nam nữ, nên biết người đó tham đắm bão cát, tham đắm mũi dao nhọn, tham đắm hòn sắt nóng, tham đắm giường sắt nóng, tham đắm ghế sắt nóng. Này Xá-lợi! Nếu có người ưa đeo vòng hoa, xoa ướp mùi hương ưa, tức là ưa đeo vòng hoa sắt nóng, cũng là ưa bôi phân tiểu vào thân.

Này Xá-lợi! Nếu có người gìn giữ bảo vệ nhà cửa nên biết người đó đang ôm ấp vò sắt nóng lớn. Nếu có người gìn giữ tôi tớ, nên biết người đó đang gìn giữ những ngục tốt ác độc ở địa ngục. [65c] Nếu có người gìn giữ voi, ngựa, lừa, lạc đà, trâu, dê, heo, gà, nên biết người đó đang gìn giữ những con chó đen mạnh dữ ở địa ngục và cũng là đang gìn giữ một trăm do-tuần lính cấm vệ.

Tóm lại, nếu gìn giữ sắc dục vợ con, nam nữ tức là gìn giữ hết thảy nỗi khổ nhóm họp như lo buồn, sầu não, bi ai.

Này Xá-lợi! Thà phải nằm giường sắt nóng lớn cả nghìn do-tuần, khiến cho lửa thiêu cháy tan thân thể còn hơn nhận sắc dục người nữ như vợ lớn, vợ bé mà cha mẹ ban cho, nhẫn đến không dùng tâm ái nhiễm từ xa nhìn tướng ấy, huống gì là gần gũi ôm ấp. Vì sao? Này Xá-lợi! Nên biết, người vợ là gốc của các khổ; là gốc của mọi sự chướng ngại; là gốc của giết hại; là gốc của mọi sự ràng buộc; là gốc của sầu lo; là gốc của oán đối; là gốc của đui mù. Nên biết, người vợ làm mất con mắt tuệ của người chồng; người vợ như hoa sắt nóng, rải khắp mặt đất mà người chồng phải dẫm lên; người vợ làm cho người chồng ngày càng tăng thêm thói quen tà vạy.

Này Xá-lợi! Vì nhân duyên gì gọi là người vợ? Vợ là tăng thêm gánh nặng. Vì sao? Vì người vợ thường khiến cho chúng sinh phải nhận chịu gánh nặng, khiến cho chúng sinh vì mang gánh nặng đó mà làm việc, khiến chúng sinh mang gánh nặng đó mà rong ruổi cùng khắp; hay khiến chúng sinh vì gánh nặng đó mà lòng khổ nhọc, hay khiến cho chúng sinh bị gánh nặng đó nung nấu bức bách, hay khiến chúng sinh bị gánh nặng đó làm tổn thương.

Này Xá-lợi! Lại vì nhân duyên gì gọi là người vợ? Vì vợ là chỗ chúng sinh phải cống hiến tài vật, là chỗ đọa đày những kẻ làm nô lệ cho tham ái. Như người thuận theo vợ thì vợ là nơi thu thuế. Nếu người vợ đẹp thì vợ là chốn mê hoặc. Như người vợ giỏi hơn chồng thì chồng bị sai khiến, như vợ kém chồng thì chồng là nơi để vợ nương nhờ, như người vợ dễ dãi thì đó là chỗ phóng dật. Như làm tôi tớ cho vợ thì vợ là chỗ khổ nhọc, như chìu theo ý vợ thì vợ là chỗ làm cho nghiêng ngửa. Này Xá-lợi! Vì các nhân duyên như thế nên gọi là các chỗ đó chính là vợ”.

Kinh Tạp a-hàm ghi: “Bấy giờ Đức Phật bảo các tì-kheo:

– Có ba dạng con: một; người con tốt như cha mẹ; hai, người con tốt hơn cha mẹ; ba, người con xấu hơn cha mẹ.

1. Người con tốt như cha mẹ là sao? Nghĩa là cha mẹ giữ năm giới, thì người con cũng noi theo cha mẹ giữ năm giới.

2. Người con tốt hơn cha, mẹ là sao? Đó là cha mẹ không giữ gìn năm giới, nhưng người con thường giữ gìn năm giới.

3. Người con xấu hơn cha mẹ là sao? Như cha mẹ không giữ gìn năm giới, con cũng không giữ được năm giới”.

XII.7. Giáo giới

[66a] Kinh Trung a-hàm ghi: “Bấy giờ có người làm nghề dạy ngựa tên là Chỉ-thi, đến chỗ Phật, đỉnh lễ dưới chân Ngài rồi ngồi một bên thưa:

– Bạch Đức Thế Tôn! Con thấy người đời rất kém cỏi giống như bầy ngựa. Ở thế gian chỉ có con là có thể điều phục được loài ngựa, những con ngựa hung dữ thì con có biện pháp khiến chúng biểu hiện tính nết chỉ trong chốc lát, rồi tùy theo tính nết mỗi con mà có cách trị riêng.

Phật bảo người dạy ngựa:

– Này người chủ tụ lạc! Ngươi có bao nhiêu phương pháp để điều phục ngựa?

Người dạy ngựa Đáp:

– Thưa, có ba phương pháp:

1. Dịu dàng vỗ về

2. Cứng rắn, đánh phạt

3. Vừa dịu dàng vừa cứng rắn.

Phật nói:

– Ngươi dùng ba phương pháp này, nếu con ngựa không điều phục được thì phải làm thế nào?

Người dạy ngựa bạch Phật:

– Con nào không điều phục được thì giết. Vì không để nó làm mất uy tín của con.

Người dạy ngựa lại bạch Phật:

– Thế Tôn là bậc điều phục không ai bằng, vậy Ngài dùng mấy cách để điều phục người khác?

Phật bảo:

– Ta cũng dùng ba cách để điều phục người khác. Sao gọi là ba?

1. Thuần dịu dàng
2. Thuần cứng rắn
3. Vừa dịu dàng vừa cứng rắn.

Phật bảo chủ tụ lạc:

– Thuần dịu dàng, như ngươi nói, đó là thân làm việc thiện, đó là quả báo của thân làm việc thiện; đó là miệng nói điều thiện, ý khởi điều thiện, đó là quả báo của miệng nói lời thiện, ý khởi điều thiện; đó gọi là trời, đó gọi là người; đó gọi là hóa sinh cõi thiện; đó gọi là niết-bàn; đó gọi là dùng thuần dịu dàng để dạy bảo.

– Thuần cứng rắn, như ngươi nói, tức thân người ấy làm việc ác, thân người đó chịu quả báo ác, miệng người đó nói lời ác và khởi ý ác, là miệng ý chịu quả báo ác. Đó gọi là địa ngục, đó gọi là súc sinh, đó gọi là ngạ quỷ, đó gọi là đường ác, đó gọi là rơi vào ác thú. Đó gọi là Như Lai dùng phương pháp cứng rắn để điều phục.

– Vừa dịu dàng vừa cứng rắn, nghĩa là Như Lai có lúc nói thân làm việc thiện; có lúc nói quả báo của thân làm việc thiện; có lúc nói miệng nói điều thiện, ý khởi việc thiện; có lúc nói quả báo của miệng nói điều thiện, ý khởi việc thiện; có lúc nói thân làm việc ác; có lúc nói quả báo của thân làm việc ác; có lúc nói, miệng nói điều ác, ý khởi việc ác; có lúc nói quả báo của miệng nói điều ác, ý khởi việc ác. Như thế gọi là trời, như thế gọi là người, như thế gọi là cõi thiện, như thế gọi là niết-bàn. [66b] Như thế gọi là địa ngục, như thế gọi là súc sinh, ngạ quỉ, như thế gọi là đường ác. Đó gọi là vừa dịu dàng vừa cứng rắn.

Người dạy ngựa bạch Phật:

– Thế Tôn! Như dùng ba phương pháp này điều phục chúng sinh. Nhưng có người không thể điều phục thì làm sao?

Đức Phật bảo chủ tụ lạc:

– Cũng nên giết, vì sao? Vì không để làm mất uy tín của Ta.

Người dạy ngựa bạch:

– Giết hại mạng sống, đối với pháp của Đức Thế Tôn là không thanh tịnh. Trong pháp của Ngài cấm giết hại mà sao nay Ngài nói giết? Nghĩa ấy như thế nào?

Phật bảo chủ tụ lạc:

– Trong pháp của Như Lai không cho giết hại, nhưng trong pháp của Như Lai cũng dùng ba cách để dạy. Đối với người không điều phục được thì không nói chuyện, không dạy bảo, cũng không khuyên nhắc. Há chẳng phải đã chết sao?

Người dạy ngựa bạch Phật:

– Đúng thế thưa Thế Tôn, không nói chuyện, mãi mãi không khuyên răn dạy bảo, đúng là người ấy đã chết. Vì nhân duyên này, từ nay con xa lìa các điều ác, các nghiệp bất thiện.

Người dạy ngựa sau khi nghe Phật nói pháp, vui mừng đỉnh lễ lui ra”.

Kinh Pháp cú dụ ghi: “Đức Phật hỏi người quản tượng:

– Có mấy cách điều phục voi?

Đáp:

– Có ba cách: một, dùng móc sắt móc vào miệng rồi buộc dây dẫn; hai, giảm phần ăn khiến voi đói gầy; ba, dùng gậy đánh làm cho nó đau đớn. Do móc sắt móc miệng nên chế ngự được miệng hung dữ, do không cho ăn nên điều phục được thân, do dùng gậy đánh nên điều phục được tâm của voi.

Đức Phật bảo cư sĩ:

– Ta cũng dùng ba cách để điều phục tất cả chúng sinh và tự điều phục mình, đạt đến giải thoát:

1. Dùng tâm chí thành để điều phục tai họa của miệng.
2. Dùng tâm từ bi, thuần khiết để điều phục thân cang cường.
3. Dùng trí tuệ để diệt trừ mê mờ.

Dùng ba điều này để độ thoát hết thảy chúng sinh ra khỏi ba đường ác”.

Kinh Diêm-la vương ngũ sứ ghi: “Đức Phật bảo các tì-kheo:

– Con người sinh ở đời, không hiếu cha mẹ, chẳng kính sa-môn, không nhân từ, không học giới kinh, không sợ đời sau, người ấy sau khi chết sẽ đọa vào địa ngục. Chủ ghi chép sổ bộ đưa tội nhân đến thưa với vua Diêm-la:

– Chúng sinh nay quá ác, không hiếu kính cha mẹ, tạo các tội lỗi, không có phúc đức, không hề sợ chết, mong vua trừng phạt.

[66c] Vua Diêm-la trước nhẹ nhàng dùng lời chân chính lần lượt hiện thành năm sứ giả và Hỏi:

– Thứ nhất, người đời lúc mới sinh nằm trên giường tiểu tiện trên đó, nhưng không thể tự dọn, miệng không biết nói, không biết xấu tốt. Ngươi có thấy thế không?

Tội nhân Đáp:

– Thưa, có thấy.

Vua nói:

– Ngươi cho rằng mình không như thế sao? Nhưng thần thức con người theo thân ấy, hễ có chết thì có sinh. Tuy còn nhỏ chưa biết gì nhưng phải thường làm thiện để trau dồi ba nghiệp chân chính, vì sao buông tâm phóng ý tạo các tội lỗi?

Tội nhân Đáp:

– Vì ngu muội không biết.

Vua nói:

– Ngươi tự mình ngu si, buông lòng làm ác, lỗi đó chẳng phải của cha, mẹ, vua, thầy, trời, sa-môn, người xuất gia v.v.., đâu có thể không nhận tội? Nên nay phải chịu khổ. Đó là Diêm vương đưa ra thiên sứ thứ nhất để răn dạy tội nhân.

Thứ hai, Diêm-la lại Hỏi:

– Lúc ngươi làm người, thiên sứ lại đến, ngươi có biết không?

Tội nhân Đáp:

– Thưa, không biết.

Vua nói:

– Ngươi có thấy người đời khi già tóc bạc, răng rụng, ốm yếu, dáng đi lưng còng cúi thấp, đứng phải nhờ gậy không thể tự lực chăng?

Tội nhân Đáp:

– Thưa có thấy.

Vua nói:

– Ngươi cho rằng chỉ một mình ngươi có thể không già ư? Phàm con người sinh ra thì phải có già chết, vì thế thường phải làm thiện để trau dồi ba nghiệp chân chính, giữ gìn giới cấm, cớ sao ngươi tự buông bỏ?

Tội nhân Đáp:

– Con vì ngu si nên dẫn đến như thế.

Vua nói:

– Ngươi tự mình ngu si mà làm ác, chứ chẳng phải lỗi của cha mẹ, vua, trời, sa-môn, người xuất gia…Tội tự do ngươi, há có thể không chấp nhận? Nên nay phải chịu quả báo. Đó là vua Diêm-la đưa ra thiên sứ thứ hai để răn dạy tội nhân.

Thứ ba, vua Diêm-la lại nói:

– Lúc làm người, ngươi há không thấy nam, nữ ở thế gian thân thể bệnh tật đau khổ, đứng ngồi không yên, cái chết đến gần, sinh ra buồn phiền, thầy thuốc chữa trị vẫn không thể khỏi sao?

Đáp:

– Thưa, có thấy.

Vua nói:

– Ngươi liệu có thể không bệnh tật chăng? Con người đã có già thì đều phải có bệnh. Thấy thân khỏe mạnh nên cố gắng làm thiện giữ gìn giới cấm, làm cho ba nghiệp chân chánh. Cớ sao lại tự buông bỏ!

Tội nhân Đáp:

– Vì ngu muội nên dẫn đến như vậy.

Vua nói:

– Ngươi do ngu muội mà làm ác, lỗi này chẳng liên quan đến cha, mẹ, vua, trời, sa-môn, người xuất gia. Tội tự do ngươi, há có thể không chấp nhận? Nên nay phải chịu quả báo. Đó là vua Diêm-la đưa ra thiên sứ thứ ba để răn dạy tội nhân.

[67a] Thứ tư, vua Diêm-la lại Hỏi:

– Lúc làm người, ngươi há không thấy người chết, người ta đem chôn hay bỏ thây nơi vắng để tự hoại, cho đến bảy ngày thì da thịt tan rã, chồn, cáo, trăm chim đến ăn. Con người hễ đã chết thì thân nhơ thối rữa, ngươi há không thấy?

Tội nhân Đáp:

– Thưa có thấy.

Vua nói:

– Ngươi cho rằng riêng ngươi có thể thoát khỏi cái chết chăng? Con người hễ có sinh thì phải có chết, biết mình còn ở đời thì thường làm việc thiện, giữ gìn ba nghiệp, thọ trì giới cấm. Cớ sao tự mình buông bỏ?

Tội nhân Đáp:

– Vì ngu muội nên dẫn đến như thế.

Vua nói:

– Ngươi tự làm ác, đó chẳng phải là lỗi của cha, mẹ, vua, trời, sa-môn, người xuất gia… Tội tự do ngươi, há có thể không chấp nhận? Nên nay phải chịu quả báo. Đó là vua Diêm-la đưa ra thiên sứ thứ tư để răn dạy tội nhân.

Thứ năm, vua Diêm-la lại Hỏi:

– Lúc làm người, ngươi há không thấy những kẻ xấu, người ác bị lính đuổi bắt dẫn chỗ quan, rồi bị hình phạt, hoặc là chặt tay, chân; hoặc xẻo tai, mũi; hoặc thiêu thân hình; hoặc treo đầu lên cao cho ánh mặt trời thiêu đốt; hoặc phanh tứ chi… rất nhiều hình phạt đau đớn khổ sở không?

Tội nhân Đáp:

– Thưa có thấy.

Vua nói:

– Ngươi cho rằng riêng ngươi làm ác có thể thoát được sao? Mắt thấy ở đời tội phúc rõ ràng, sao chẳng làm thiện, giữ gìn ba nghiệp, vâng theo giới kinh. Vì sao vui thích làm điều ác?

Tội nhân Đáp:

– Vì ngu muội nên dẫn đến như thế.

Vua nói:

– Ngươi cố ý làm những việc không chân chính. Đó chẳng phải là lỗi của cha, mẹ, vua, trời, sa-môn, người xuất gia… Nay tội chướng này phải tự lãnh nhận. Đó là vua Diêm-la đưa ra thiên sứ thứ năm để răn dạy tội nhân.

Phật nói kinh xong các đệ tử đến trước Phật cúi đầu đỉnh lễ, vui vẻ vâng làm”.

Kinh Đại pháp cú có bài kệ:

Tuy tụng nghìn lời hay,
Không hành có ích gì,
Chẳng bằng vừa nghe qua,
Siêng tu được lợi ích.
Tuy tụng đến nghìn lời,
Mà ý nghĩa sai lạc,
Không bằng nắm nghĩa chính,
Nghe rồi tâm thanh tịnh.
Tuy tụng nghìn lời hay,
Vô nghĩa có ích gì,
Không bằng nghe một nghĩa,
Làm theo được giải thoát.
Tuy tụng đến nghìn lời,
Không kính có ích gì,
Không bằng chỉ một hạnh,
Vui vẻ nguyện thực hành.
Tuy tụng đến nghìn lời,
Tâm chấp ngã không diệt,
Không bằng hiểu một câu,
Bỏ kiêu mạn phóng dật.
Tuy tụng đến nghìn lời,
Cầu danh càng dính mắc,
Không bằng nghe một điều,
Bỏ chấp, lìa tham đắm.
Tuy tụng đến nghìn lời,
Chẳng muốn trừ tội chướng,
Không bằng chỉ một câu,
Xa lìa đường sinh tử.
Tuy tụng đến nghìn lời,
Sắc dục càng bền chắc,
Không bằng hiểu một nghĩa,
Tâm, cảnh hư vọng dứt.
Tuy tụng đến nghìn lời,
Không cầu đạo xuất thế,
Không bằng ngộ một pháp,
Lìa hẳn khỏi ba cõi.
Tuy tụng đến nghìn lời,
Không giữ lòng bi trí,
Không bằng nghe một điều,
Làm lợi mình, lợi người.
Người sống một trăm tuổi,
Xan tham ngày càng chặt,
Chẳng bằng sống một ngày,
Xả bỏ tài và sắc.
Người sống một trăm tuổi,
[67b] Không thích nghiêm trì giới,
Không bằng sống một ngày,
Tịnh tâm giữ giới hạnh.
Người sống một trăm tuổi,
Hay sân hận không nhẫn,
Không bằng sống một ngày,
Hoan hỷ không sân hận.
Người sống một trăm tuổi,
Giải đãi không siêng năng,
Không bằng sống một ngày,
Thân tâm đều tinh tiến.
Người sống một trăm tuổi,
Lòng ưa việc phóng túng,
Không bằng sống một ngày,
Đưa tâm về tĩnh lặng.
Người sống một trăm tuổi,
Mà tâm thức mê muội,
Không bằng sống một ngày,
Tỏ ngộ, hết vô minh.
Người sống một trăm tuổi,
Không khéo điều thân tâm,
Không bằng sống một ngày,
Khéo điều tâm chuyển ý.
Người sống một trăm tuổi,
Mà chí nguyện nhỏ, yếu,
Không bằng sống một ngày,
Mà sức tuệ mạnh mẽ.
Người sống một trăm tuổi,
Không phát được nguyện lành,
Không bằng sống một ngày,
Phát bốn hoằng thệ nguyện[9].
Người sống lâu trăm tuổi,
Không phát sinh trí tuệ,
Không bằng sống một ngày,
Mà trí tuệ nhạy bén.

Kinh Tạp a-hàm ghi: chư thiên nói kệ rằng:

Người ở trong thế gian,
Búa từ cửa miệng sinh,
Trở lại chặt thân mình,
Đó là vì lời ác.
Đáng chê thì khen ngợi,
Đáng ngợi khen lại chê,
Tội ấy từ miệng sinh,
Chết đọa vào đường ác.

Kệ rằng:

Lập chí ngăn tâm ngu,
Vui ưa kết bạn hiền,
Cùng nhau lập nguyện rộng,
Bỏ tục chuộng thanh cao,
Buông xả người và vật,
Rảnh rang khỏi bó buộc,
Lặng lặng tìm về chân,
Gắng lên tâm mềm yếu,
Cảnh tỉnh tu ba nghiệp,
Quyết dừng lặng bốn lưu[10],
Khởi thệ nguyện rộng lớn,
Thuyền từ cứu người đắm,
Vui mong về diệu giác[11],
Khéo biết tu giải thoát,
Giữ tâm tu chính đạo[12],
Nguyện thành Phật mới thôi.
———————————————–

[1] Lê 莉: tên một thứ cỏ.

[2] Hoắc 藿: lá cây đậu.

[3] Kinh Ma-đăng nữ (Ma-đăng già kinh 摩登伽經): kinh, hai quyển, do các ngài Ngô Trúc, Luật-viêm dịch. Nội dung Đức Phật độ Ma-đăng-già và nói về các ngôi sao…

[4] Cây bối-đa (Gđ: bối-đa-la diệp貝多羅葉; S: pattra): loại cây dùng lá để chép tư liệu hoặc kinh văn. Khi chưa phát minh ra giấy, người Ấn Độ thời cổ dùng lá thay giấy.

[5] Trọng Ni 仲尼: Khổng Tử.

[6] Thân phần 身分: nam căn.

[7] Hoa báo 華報: hoa nở trước khi kết trái. Chúng sinh trồng nghiệp nhân thiện ác, quả có được từ nghiệp nhân này là quả báo, cái có trước quả báo thì gọi là hoa báo. Như lấy việc tu thiện, niệm Phật làm nghiệp nhân, vãng sinh Cực Lạc là hoa báo, về sau chứng Đại Bồ-đề là quả báo.

[8] Tì-kheo doanh sự (doanh sự tỉ khâu 營事比丘): tì-kheo chuyên quản lý các việc chúng tăng trong chùa.

[9] Bốn hoằng thệ nguyện (tứ hoằng thệ nguyện 四弘誓願): bốn điều nguyện rộng lớn mà tất cả bồ-tát nên phát khởi khi còn ở nhân vị như: chúng sinh vô biên thệ nguyện độ. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Pháp môn vô lượng thệ nguyện học. Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

[10] Bốn lưu (tứ lưu 四流): gồm kiến lưu, dục lưu, hữu lưu và vô minh lưu.

[11] Diệu giác 妙覺: tự mình giác ngộ khiến người giác ngộ, hai việc làm ấy đều được tròn đầy gọi là diệu giác. Tức chỉ quả vị Phật.

[12] Chính đạo 正道 (Cg: bát chính đạo; S: āryāṣṭāṅgika-mārga): tám con đường thánh. Đó là chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tiến, chính niệm, chính định.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Khuyến Khích Tu Tập