Home > Khai Thị Phật Học
Chủng Tử
Hòa Thượng Thích Quảng Độ


(種子) Phạm, Pàli: Bìja. I. Chủng tử. Cũng như các loài mễ cốc do nơi hạt giống mà sinh, tất cả các hiện tượng sắc pháp (vật chất) và tâm pháp (tinh thần) cũng có hạt nhân sản sinh, hạt nhân ấy gọi là Chủng tử. Hạt giống của các loài mễ cốc gọi là Ngoại chủng (giống ngoài) - đối lại với hạt giống ngoài, tông Duy thức đem chủng tử nhiếp vào trong thức A lại da mà gọi là Nội hủng (giống bên trong). Hạt giống bên trong chỉ cái công năng sinh quả (tác dụng sinh quả) của chúng là các pháp hiện hành (các hiện tượng hiển hiện trước mắt) được huân tập (xông ướp) trong thức A lại da mà hình thành một tập tính đặc thù, vì thế còn gọi là Tập khí hoặc Dư tập.Thuyết chủng tử, nguyên là một loại thí dụ, thấy trước hết trong kinh Tạp a hàm. Trong Phật giáo bộ phái, Hóa địa bộ cũng nói, ở trong thức Cùng sinh tử uẩn thường có chứa hạt giống của sắc pháp và tâm pháp - về điểm này, Kinh lượng bộ cho rằng sắc pháp và tâm pháp làm hạt giống lẫn nhau và có đủ tính chất cái nọ huân cái kia, cho nên chủ trương thuyết Sắc tâm hỗ huân (vật, tâm xông ướp lẫn nhau).

Trong luận Du già sư địa, thức A lại da được lập làm Chủng tử thức, và bảo thức này có khả năng sinh ra hết thảy các pháp sắc, tâm, thiện, ác và có chứa hết thảy hạt giống. Danh từ Chủng tử sau trở thành một thuật ngữ trọng yếu của Duy thức học Đại thừa. Cứ theo luận Thành duy thức quyển 2 nói, thì trong thức A lại da, có thể cùng một lúc sinh khởi các pháp hiện hành bảy chuyển, và có đủ công năng khiến cho các hạt giống trước sau nối tiếp không dứt. Tức những cái có công năng sinh ra tất cả các pháp hữu lậu, vô lậu, hữu vi v.v... đều gọi là chủng tử. Cũng như hạt giống của thực vật, có đủ khả năng tính sản sinh hết thảy hiện tượng. Trong thức A lại da, chủng tử là nhân, là tác dụng, thức A lại da là quả, là bản thể. Nhưng chủng tử tự thân chẳng phải là một khách thể, mà là một tác dụng tinh thần thuần túy. Đứng về phương diện loại biệt mà nói, thì chủng tử có thể chia làm hai loại: 1. Loại có khả năng sản sinh các hiện tượng (mê giới của chúng sinh), gọi là Hữu lậu chủng tử. 2. Loại là nhân sinh ra Bồ đề, gọi là Vô lậu chủng tử. Hữu lậu chủng tử lại có thể chia làm hai loại: a. Loại có thể sinh ra các hiện tượng đồng loại với chủng tử, gọi là Danh ngôn chủng tử, Đẳng lưu chủng tử, Đẳng lưu tập khí. b. Loại giúp đỡ chủng tử Danh ngôn để do nghiệp thiện ác mà sản sinh tác dụng dị thục (tức có đủ công năng sản sinh quả hữu lậu trong tương lai), gọi là Nghiệp chủng tử, Dị thục chủng tử, Hữu chi tập khí, Dị thục tập khí.

Trên đây, chủng tử Danh ngôn là chủng tử Thân nhân duyên của hết thảy các pháp, là hạt giống lấy danh ngôn làm duyên mà được huân thành, còn được chia làm hai loại là Biểu nghĩa danh ngôn và Hiển cảnh danh ngôn. Chủng tử Biểu nghĩa danh ngôn, là trong danh ngôn (danh, cú, văn), giải thích rõ ràng nghĩa của các pháp - thức thứ sáu tức duyên theo danh ngôn này, tùy nơi âm thanh nói năng mà biểu hiện ra tướng trạng của tất cả các pháp, do đó mà huân thành chủng tử. Chủng tử Hiển cảnh danh ngôn, duyên với Kiến phần của bảy thức trước (tác dụng nhận thức tướng trạng các pháp) làm cảnh, theo duyên mà huân thành chủng tử. Nếu dựa vào tình hình hiện hành thụ dụng mà nói, thì chủng tử Danh ngôn còn có hai thứ là Cộng tướng và Bất cộng tướng. Cộng tướng danh ngôn chủng tử, như mặt trời mặt trăng, tinh tú, sông núi, đất liền v.v...... đều có thể mình người cùng chung thụ dụng, là cộng tướng - những chủng tử có khả năng khởi sinh ra loại cảnh giới cộng tướng ấy, đều gọi là Cộng tướng danh ngôn chủng tử.

Còn Tự tướng danh ngôn chủng tử thì chẳng hạn thân thể của mỗi người, chỉ có thể một mình người ấy thụ dụng - những chủng tử có khả năng biến hiện các tự tướng ấy, gọi là Tự tướng danh ngôn chủng tử. Lại đứng về phương diện tác dụng mà nói, thì Cộng tướng và Bất cộng tướng danh ngôn chủng tử đều nhờ Cộng nghiệp và Bất cộng nghiệp chủng tử trợ giúp mới có thể chiêu cảm tướng của chúng, tức Cộng nghiệp chủng tử trợ giúp Cộng tướng chủng tử, mới có thể chiêu cảm cộng tướng - Bất cộng nghiệp chủng tử trợ giúp Bất cộng tướng chủng tử, mới có thể chiêu cảm Bất cộng tướng. Theo đó có thể biết, tông nghĩa của Duy thức Đại thừa, bảo rằng bất luận là y báo hay chính báo, hết thảy muôn pháp đều do chủng tử biến hiện. Lại cứ theo luận Thành duy thức quyển 2, Nhiếp đại thừa luận thích quyển 2 (bản dịch đời Lương) nói, thì chủng tử có đủ sáu điều kiện, gọi là Chủng tử lục nghĩa: 1. Sát na diệt, vì là vô thường nên có sinh diệt biến hóa. 2. Quả câu hữu, quả là thức và căn. Thức và căn cùng dấy lên một lúc, không rời nhau. 3. Hằng tùy chuyển, khi thức dấy lên thì chủng tử cũng theo đó mà chuyển động, không có gián cách. 4. Tính quyết định, những tính thiện, ác mà thức duyên theo, tất có nhân quả, mà không xen tạp, thí dụ như thức mắt duyên theo cảnh xấu xa thì thành pháp xấu xa chứ không thể thành pháp tốt lành được. 5. Đãi chúng duyên, thức chẳng phải một nhân mà sinh, tất phải nhờ (chờ đợi đãi) các duyên bên ngoài mới có thể sinh hiện hành. 6. Dẫn tự quả, sắc (vật chất) và tâm đều tự dẫn sinh tự quả, sắc pháp do chủng tử của sắc pháp sinh ra, tâm pháp do chủng tử tâm pháp sinh ra, quyết không xen tạp lẫn lộn mà thành. Đến như tình hình sinh khởi của chủng tử, thì theo các loại chủ trương xưa nay, có thể qui nạp làm ba thuyết: 1. Bản hữu thuyết, chủ trương của sư Hộ nguyệt, gọi là Bản hữu gia. 2. Tân huân thuyết, chủ trương của sư Nan đà, sư Thắng quân, gọi là Tân huân gia. 3. Tân cựu hợp sinh thuyết, chủ trương của sư Hộ pháp, gọi là Tân cựu hợp sinh gia. Tông Duy thức lấy thuyết thứ ba làm thuyết chính, tức thừa nhận chủng tử có hai loại: 1. Bản hữu chủng tử, tức từ vô thủy đến nay, Chủng tử tiên thiên đã tồn tại trong thức A lại da, cũng gọi là Bản tính trụ chủng. 2. Tân huân chủng tử, tức là chủng tử hậu thiên do các pháp hiện hành mà huân tập thành, cũng gọi là Tập sở thành chủng. Sự phát sinh của các pháp, trừ trường hợp trí vô lậu ở sát na đầu tiên vào Kiến đạo là chỉ do bản hữu vô lậu chủng tử sinh khởi, còn ngoài ra tất cả các pháp khác, không một pháp nào không do cả hai loại chủng tử bản hữu và tân luân hòa hợp mà sinh.

Bởi vì, theo tông Duy thức, trong quan hệ Chủng tử biến hiện thành các pháp, thuyết trọng yếu nhất là: do ba pháp cấu thành nhân quả hai lớp. Ba pháp là chỉ Chủng tử năng sinh (bản hữu chủng tử), hiện hành sở sinh, và Tân huân sở huân (tân huân chủng tử). Nhân quả hai lớp, là chỉ chủng tử sinh hiện hành,hiện hành huân nhân chủng tử. Ba pháp ấy cùng một lúc đắp đổi nhau thành hai lớp quả, tức một chủng tử trong cùng một khoảng sát na đã là cái nhân hiện hành, thì cũng là cái quả chủng tử của sát na sau, cho nên cũng có thế gọi là chủng tử sinh chủng tử. Đương khi các duyên sắc, tâm hòa hợp, thì chủng tử trong thức A lại da, ngay lúc đó, tất sản sinh một loại hiện tượng nào đó ở ngoại giới, đó tức là Sinh khởi hiện hành - trong cùng một sát na, pháp hiện hành tất lại tùy sự ứng hợp mà huân chủng tử, đó tức là Hiện hành huân chủng tử. Đứng về phương diện tám thức mà bàn, thì chủng tử do thức thứ tám nắm giữ là nhân, sinh ra bảy chuyển thức mắt, tai v.v... - cùng một sát na, pháp hiện hành của bảy chuyển thức cũng là nhân, sinh khởi chủng tử của thức thứ tám, do đó mà có thuyết Bảy chuyển, tám thức làm nhân quả cho nhau. Ngoài ra, tông Duy thức còn một tông nghĩa khác nữa, đó là thuyết Ngũ tính các biệt, tức chủ trương cho rằng, hết thảy hữu tình chúng sinh từ bản hữu đến nay tức đã có đủ năm loại hình bất đồng là: Thanh văn chủng tính, Độc giác chủng tính, Như lai chủng tính, Bất định chủng tính, và Vô tính hữu tình, mỗi mỗi khác nhau, mà không thể chuyển biến thay đổi. Chủ trương này rất mâu thuẫn với thuyết Chúng sinh tất hữu Phật tính của các nhà Nhất thừa. [X. kinh Giải thâm mật Q.2 - luận Câu xá Q.4, Q.5 - luận Du già sư địa Q.5, Q.51, Q.52 - luận Hiển thức - luận Hiển dương thánh giáo Q.17

- Thành duy thức luận thuật kí Q.7 phần cuối - Du già luận kí Q.13 phần trên, Q.13 phần dưới]. II. Chủng tử. Trong Mật giáo, là chữ Phạm biểu thị Phật, Bồ tát và chư tôn nói chân ngôn. Là chữ mà các hành giả chân ngôn quán chiếu khi tu phép quán Tự luân. Còn gọi là Chủng tự, Chủng tử tự. Sở dĩ gọi là Chủng tử là vì nó có ý từ một chữ có thể sinh ra nhiều chữ, và nhiều chữ lại có thể thu nhiếp vào một chữ. Cho nên biết, danh từ Chủng tử hàm có các nghĩa dẫn sinh, nhiếp trì. Chẳng hạn như hợp mười chữ làm một câu, nếu lấy chữ thứ nhất làm chủng tử, thì có thể dẫn sinh chín chữ dưới có đủ trí quán, đồng thời, ý nghĩa của chín chữ ấy cũng có thể nhiếp vào chữ thứ nhất. Mật giáo dùng lý này mà chủ trương nếu biết rõ một pháp, thì tức biết rõ hết thảy pháp - nếu biết rõ một pháp không, tức biết rõ hết thảy pháp không - nếu có thể ở nơi một chữ mà chuyên chú quán xét, tu các hành nguyện, thì có thể đều được viên mãn hết thảy hành nguyện. Nói cách phổ thông, thì chủng tử gồm có ba nghĩa: 1. Liễu nhân nghĩa, ví như nhờ khói mà biết được thể tính của lửa - nhờ quán xét chữ chủng tử mà có thể biết rõ được trí Phật. 2. Sinh nhân nghĩa, ví như do hạt giống của các loại thực vật có thể sinh ra gốc rễ cây cành hoa quả - do chủng tử có thể sinh ra hình Tam muội da. 3. Bản hữu nghĩa, ý nói môn chữ tức là nguồn gốc của các pháp, đầy đủ tính đức bản lai và có thể làm thành khuôn phép.

Vì chủng tử có đủ ba nghĩa nói trên, nên phần nhiều chư tôn Mật giáo lấy đó làm biểu trưng. Đứng về phương diện nguyên lai mà nói, thì chủng tử của chư tôn có mấy loại sau đây:1. Tương đối thường thấy, phần nhiều lấy chữ thứ nhất của chân ngôn, chẳng hạn như chủng tử của Đại nhật Như lai tại Thai tạng giới là, chủng tử của Nguyệt thiên là, chủng tử của Thủy thiên là. 2. Lấy chữ giữa của chân ngôn làm chủng tư, như chủng tử của Địa tạng. 3. Cũng lấy chữ sau cùng của chân ngôn làm chủng tử, như chủng tử của Đại nhật Như lai ở Kim cương giới, chủng tử của Thích ca Như lai . 4. Lấy hiệu Phạm làm chủng tử, như chủng tử của Văn thù, chủng tử của Dược sư . 5. Lấy dụng ngữ tương ứng với bản thệ, như chủng tử của Thánh quan âm, là lấy từ chữ Samantamukha (Phổ môn). 6. Lấy cả chân ngôn và hiệu Phạm, như chủng tử của Phật A di đà. Ngoài những chủng tử của mỗi vị tôn khác nhau ra, còn có chủng tử chung cho các vị tôn, gọi là Thông chủng tử, chẳng hạn như năm bộ Kim cương, đều lấy chủng tử của vị chủ tôn (Đại nhật, A súc, Bảo sinh, Di đà, Bất không thành tựu) làm chủng tử chung cho các bộ. Lại nữa, chủng tử chẳng phải chỉ hạn ở chư tôn sử dụng, mà tất cả pháp môn đều được kiến lập chủng tử. Chẳng hạn như năm đại đều có chủng tử của chúng: chủng tử của đất là (chữ a), của nước là (chữ phọc), của lửa là (chữ la), của gió là (chữ ha), của không là (chữ khư). Ngoài ra, mạn đồ la có viết chủng tử, gọi là Chủng tử mạn đồ la - dùng chủng tử để quán xét, thì còn gọi là Chủng tử quán. Xưa nay đã có đem chủng tử của chư tôn trong các kinh quĩ Mật giáo thu chép thành Chư tôn chủng tử chân ngôn tập, Chủng tử tập v.v...... [X. Nhân vương kinh đạo tràng niệm tụng nghi quĩ Q.hạ - Đại nhật kinh sớ Q.1, Q.6. Q10, Q.14].
 
Trích từ: Phật Quang Đại Từ Điển


Từ Ngữ Phật Học Trong: Chủng Tử