Home > Khai Thị Phật Học
Thấy Người Trong Gương
| Hòa Thượng Thích Thiện Huệ, Việt Dịch


Có người bần cùng nọ, mang nợ chồng chất, không sao trả nổi, nên bỏ đi trốn, đến một chỗ đồng không, nhác thấy có một cái rương, mở ra bên trong chất đầy vàng bạc châu báu, bên trên có một chiếc gương, người này vui mừng thò tay định lấy của báu, bỗng thấy trong gương xuất hiện một người đầu bù tóc rối, mặt mày lem luốc, khiến gã hoảng sợ, lật đật chắp tay nói "Tôi tưởng rương trống, nào dè có bạn bên trong, xin đừng giận". Nói xong bỏ chạy mất.

Phàm nhân cũng vậy, bị vô lượng phiền não bức bách, chịu sự quấy rầy của sinh tử, ma vương, con nợ, muốn vào Phật pháp tránh né sinh tử, tu hành thiện pháp tạo mọi công đức như chiếc rương trân bảo, song bị kính thân kiến làm vọng loạn, vọng thấy có ngã, liền đóng rương lại, cho đó là thật, do vậy đọa lạc, mất hết mọi công đức, thiền định đạo phẩm, các vô lậu thiện, cùng đạo quả tam thừa, như người ngu vất bỏ rương báu, vì ôm giữ ngã kiến.

Lời Bình:

Người nghèo dụ phàm nhân, nợ nần dụ nghiệp báo không bao giờ trả hết, rương bảo dụ Phật pháp, đồng không dụ tâm cảnh không, trân bảo dụ đạo quả, ảnh trong gương dụ ngã tướng, thấy ảnh sợ hãi dụ cho chấp huyễn khởi hoặc, tự gây chướng ngại. Bỏ chạy mất dụ cho xa lìa Phật pháp.

Câu chuyện này nêu lên hình ảnh của người do bị nghiệp báo bức bách, chịu vô lượng khổ bức thân, không bao giờ trả hết nổi nghiệp, và nghiệp quả cứ chồng chất thêm lên, để trốn khỏi những nghiệp nợ này, chỉ còn cách xa lìa các nghiệp nhân này, đến chỗ vô vi tịch tĩnh, vắng bóng hữu vi động loạn, gạp được pháp bảo vô giá có thể chấm dứt mọi thứ bần cùng và nghiệp nợ của hữu vi, nhưng vì còn chút mê chấp thấy có tứ tướng, nên chung cục vẫn chưa thực sự làm chủ kho báu, do đó vẫn chưa thoát được cảnh nghèo.

Ngã bao gồm thân tâm, thân thì chỉ là tứ đại giả hợp, tâm thì chỉ là lục trần duyên ảnh (kinh Viên giác), nên ngã chỉ là huyễn hóa, do cho huyễn này là thật, nên từ niệm hữu ngã, lưu xuất mọi vọng niệm thuận nghịch, thủ xả, khổ lạc. Nơi ngã đã vọng niệm, lại thêm tha nhân cũng vọng niệm, đem vọng niệm của ngã và tha tổng hợp tạo thành cảnh giới đầy thuận nghịch rối ren, bởi thuận của người này lại là nghịch của người kia, người kia muốn hết nghịch tất người này sẽ mất thuận, vì vậy để giữ thuận về mình cần phải duy trì cái nghịch của người kia, và ngược lại muốn giải thoát cái nghịch của mình tất cần phải phá đi cái thuận của kẻ kia, chính vậy mà cảnh giới thuận nghịch của ngã phát sinh vô gián đấu tranh. Chúng sinh (do ngã làm chủ) này muốn giải quyết giữa nhau, nhưng không biết căn bản của xung đột chính là tư tưởng đòi thuận và sợ nghịch của ngã. Ngày nào cội rễ này còn ngày ấy thế giới này vẫn mang tên Ta bà, nhưng chủng hạt của tư tưởng này chính là huyễn ngã.

Mọi ý tưởng do huyễn ngã phát sinh dĩ nhiên đều là huyễn tưởng, không đúng thật, huyễn ngã tạo ra thế giới thuận nghịch, điều này chứng minh mọi ý niệm từ ngã đều mang tính thuận nghịch, nói cách khác là đối đãi bỉ thử, có nhị pháp để thủ xả tắng ái. Huyễn ngã là con đẻ của "nhất niệm vô minh vong thất chân như tự tính", vì vậy dùng huyễn ngã tư duy tất chỉ thấy theo vô minh huyễn hóa, thấy thế giới này là nhị biên, nên không sao thấy được chân như thật tính, do đó bản chất huyễn ngã này không sao thấy được cảnh giới bất nhị. Điều này được kinh Viên Giác miêu tả "Chưa lìa luân hồi mà bàn Viên giác thì Viên giác đó cũng trở thành luân hồi" (Vị miễn luân hồi nhi luận Viên giác, bỉ Viên giác tính tức đồng lưu chuyển). Nói theo nghĩa của "dược và bệnh" thì "ngã" là bệnh, thứ bệnh thấy mọi dược đều là bệnh.

Khi khởi niệm "ta phải tu chứng thánh quả", tất đã có chướng ngại của ngã, có ngã tất có nhị biên, thủ và xả, ngã tức năng chứng, thánh quả tức sở chứng. Ngã bị giới hạn bởi thân tâm thuộc ta, chứng thánh quả tất giới hạn trong phạm vi thánh, ngoài ngã có tha nhân, ngoài thánh có phàm, nên năng và sở chứng đều có giới hạn. Đã có giới hạn tất không phải "thánh quả cứu cánh" của Phật giáo đại thừa. Chứng quả thánh đồng nghĩa chứng được các thánh pháp, có nghĩa đối với thánh pháp, hiểu rõ mọi lý và hành được mọi pháp đó. Chân thánh tức năng thánh hóa mọi thứ, nên không gì không là thánh, đó là nghĩa bất nhị, nếu không như vậy tất chỉ là "phàm thánh". Ngã có tính nhị biên nên không thể thành "chân thánh", như vậy chân thánh tất không có ngã (vô ngã). Đã không có năng tu "ta hay người" lại cũng chẳng có sở chứng "thánh hay phàm". Không có năng tu hay "vô năng" tức "vô ngã", vô ngã ở đây không phải là đoạn diệt, mà là "vô sở bất tại", tức ngã "biến nhất thiết xứ". Không có sở chứng "thánh hay phàm" hay "vô sở" tức "vô pháp", vô pháp tức "vô xứ bất thị pháp". Thế nên đức Thế tôn do không có ngã nào để tu cũng chẳng có chút pháp nào để đắc nên được đức Phật Nhiên Đăng thọ kí thành chính đẳng chính giác (kinh Kim Cương). Pháp tu ngã pháp nhị vô này như củi sinh lửa củi tiêu lửa tắt (kinh Viên giác).

Ngã biến nhất thiết xứ, pháp biến nhất thiết xứ, nên ngã pháp bất nhị, ngã pháp "bất dị" mà "tức thị". Do vậy pháp tức Phật, Phật tức pháp, "vô xứ bất thị pháp, vô xứ bất thị Phật" nên Đạo Nhất thiền sư mới nói "Thử chỉ chỗ nào không phải là Phật, đồng với "đâu cũng là thuốc" (vô xứ bất thị dược). Đã không gì không là pháp (thật pháp), tất nhân ngã bình đẳng, lâi không gì không là ngã (Phật) tất vạn pháp nhất như không sai khác.

Khi mở nắp rương pháp bảo sẽ thấy rằng nơi đây vô ngã, rương bảo thuộc về vô ngã, hễ vô ngã tất pháp bảo hiển bầy. Nhận chân vô ngã tất năng sở không hai, pháp bảo với ta không hai, ngã pháp bất khả phân gọi là pháp thân. Do vậy làm chủ các pháp gọi là pháp vương. Ngược lại khi thấy có ngã trong rương tất không nhận chân được pháp bảo, không nhận chân đồng với hành động đóng rương bỏ chạy, tức không đắc được pháp bảo, chẳng khác gì cùng tử thấy gương bỏ chạy bỏ lại rương báu.