(劫) .. Phạm: Kalpa Pàli:Kappa. Hán âm: Kiếp ba, Kiếp bả, Kiếp pha, Yết lạp ba. Hán dịch: Phân biệt thời phần, Phân biệt thời tiết, Trường thời, Đại thời, Thời. Vốn là đơn vị thời gian rất dài của Bà la môn giáo ở Ấn độ đời xưa, về sau Phật giáo dùng theo và coi đó là thời gian không thể tính toán được bằng năm tháng. Có thuyết nói 1 kiếp tương đương với 1 ngày ở cõi trời Đại phạm, hoặc 1.000 thời (Phạm:Yuga), tức là bốn mươi ba ức hai nghìn vạn năm (243.000.000 năm) ở nhân gian, cuối kiếp có nạn lửa xảy ra, đốt cháy hết tất cả, sau đó thế giới được thành lập lại.
Thuyết khác thì cho rằng 1 kiếp có 4 thời: 1. Viên mãn thời (Phạm: Kftayuga), tương đương với 1.728000 năm. 2. Tam phần thời (Phạm: Tretàyuga), tương đương với 1.296.000 năm. 3. Nhị phần thời (Phạm: Dvàyuga), tương với 864.000 năm. 4. Tranh đấu thời (Phạm: Kaliyuga), tương đương với 432.000 năm. Tất cả 4 thời gồm có 4.320.000 năm. Theo thuyết này thì thời gian chúng ta đang sống đây thuộc về thời Tranh đấu. Ngoài ra, căn cứ vào thuyết 1 kiếp có 4 thời nói trên, Bà la môn giáo cho rằng so sánh 4 thời với nhau, thì về mặt thời gian càng ngày càng ngắn đi, thân hình con người thấp bé dần và đạo đức mỗi ngày mỗi sa sút, nếu thời Tranh đấu kết thúc thì là mạt kiếp, thế giới sắp bị hủy diệt.
Quan niệm về thời gian của Phật giáo lấy Kiếp làm cơ sở để thuyết minh quá trình hình thành và hủy diệt của thế giới. Về vấn đề phân loại các Kiếp, trong kinh luận có nhiều thuyết khác nhau:
- Luận Đại trí độ quyển 38, cho rằng Kiếp có 2 loại: Đại kiếp và Tiểu kiếp. - Diệu pháp liên hoa kinh ưu ba đề xá chia Kiếp làm 5 loại: Dạ, Trú, Nguyệt, Thời, Niên(đêm, ngày, tháng, giờ, năm). - Luận Đại tì bà sa quyển 135 cho rằng Kiếp có 3 loại: Trung gian kiếp, Thành hoại kiếp và Đại kiếp. - Luận Câu xá quyển 12 nêu 4 loại: Hoại kiếp, Thành kiếp, Trung kiếp và Đại kiếp. - Luận Chương sở tri quyển thượng chia Kiếp thành 6 loại: Trung kiếp, Thành kiếp, Trụ kiếp, Hoại kiếp, Không kiếp và Đại kiếp.
- Du già sư địa luận lược toản quyển 1 phần cuối nói có 9 loại Kiếp: 1. Nhật nguyệt tuế số(số ngày tháng năm). 2. Tăng giảm kiếp(tức Tiểu tam tai kiếp (đói, kém, tật bệnh, đao binh), gọi là Trung kiếp. 3. Hai mươi kiếp là 1 kiếp, tức Phạm chúng thiên kiếp. 4. Bốn mươi kiếp là 1 kiếp, tức Phạm tiền ích thiên kiếp. 5. Sáu mươi kiếp là 1 kiếp, tức Đại phạm thiên kiếp. 6. Tám mươi kiếp là 1 kiếp, tức Hỏa tai kiếp. 7. Bảy hỏa tai kiếp là 1 kiếp, tức Thủy tai kiếp. 8. Bảy thủy tai kiếp là 1 kiếp, tức Phong tai kiếp. 9. Ba đại a tăng kì kiếp.
Trong các kinh luận còn có những tên gọi Tiểu kiếp, Trung kiếp, Đại kiếp. Tiểu kiếp, Trung kiếp đều được dịch từ tiếng PhạmAntara-kalpa, còn Đại kiếp thì được dịch từ tiếng Phạm Mahà-kalpa. Trong kinh Pháp hoa do ngài Cưu ma la thập dịch, đều gọi là Tiểu kiếp, nhưng trong phẩm Đề bà đạt đa do ngài Pháp ý dịch thì gọi là Trung kiếp. Kinh Đại lâu thán quyển 5 cho 3 tai ách: Binh đao, bệnh tật, đói kém là 3 tiểu kiếp, kinh Khởi thế quyển 9 thì gọi là 3 Trung kiếp. Luận Lập thế a tì đàm cho 80 tiểu kiếp là 1 Đại kiếp; luận Đại tì bà sa thì cho 80 trung kiếp là 1 Đại kiếp. Những sai biệt này đều có thể được xem là do sự phiên dịch khác nhau từ tiếng Phạm Antarakalpamà ra.
Chữ Kiếp vốn biểu thị thời hạn, trong đó, tuy có nhiều loại khác nhau, nhưng Kiếp biểu thị thời gian dài thì thường được dùng để thuyết minh sự sinh thành và hoại diệt của thế giới. Như đã trình bày ở trên, luận Đại tì bà sa chia Kiếp làm 3 loại: Trung gian kiếp, Thành hoại kiếp và Đại kiếp; luận Câu xá chia làm 4 loại kiếp: Hoại kiếp, Thành kiếp, Trung kiếp và Đại kiếp, v.v... đều nói về sự thành hoại của thế giới.
Cứ theo luận Đại tì bà sa quyển 135, Trung gian kiếp cũng có 3 loại là: Giảm kiếp, Tăng kiếp và Tăng giảm kiếp. - Giảm kiếp: Thời gian từ lúc con người sống lâu vô lượng tuổi giảm xuống dần đến lúc chỉ còn 10 tuổi. - Tăng kiếp: Thời gian từ lúc con người chỉ sống có 10 tuổi tăng dần lên đến 80.000 tuổi. - Tăng giảm kiếp: Thời gian con người chỉ sống có 10 tuổi tăng lên đến 80.000 tuổi, rồi lại từ 80.000 giảm xuống đến 10 tuổi. Ba loại kiếp trên nói về sự sai khác của 20 Trung kiếp trong kiếp Trụ, tức là trong 20 Trung kiếp của kiếp Trụ, thì kiếp thứ 1 là kiếp giảm, kiếp thứ 20 là kiếp tăng, còn 18 kiếp ở khoảng giữa là kiếp tăng giảm, thời gian của mỗi Trung kiếp đều bằng nhau.
Sở dĩ như vậy là vì trong kiếp giảm đầu tiên, chúng sinh còn nhiều phúc đức nên sự giảm xuống còn tương đối chậm, trong kiếp tăng cuối cùng chúng sinh còn ít phúc đức nên sự tăng lên cũng chậm, còn trong 18 kiếp trung gian, thì thời gian luân lưu có chậm có nhanh, vì thế mà thời gian của 3 kiếp này bằng nhau. Trên đây là luận điểm của Tiểu thừa. Nhưng, theo luận Du già sư địa quyển 2, luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập quyển 6 và Du già sư địa luận lược toản quyển 1, thì Đại thừa lập mỗi kiếp của 20 Trung kiếp đều có tăng giảm, cho nên không cần chia ra 3 thứ kiếp như luận Đại tì bà sa, tức cho mỗi Trung kiếp là tăng giảm kiếp duy nhất.
Còn kinh Ưu bà tắc giới quyển 7 thì cho rằng từ 10 tuổi tăng lên đến 80.000 tuổi, lại từ 80.000 tuổi giảm còn 10 tuổi, cứ tăng giảm như thế đủ 18 lần, gọi là Trung kiếp. Trong Trung kiếp nhất định có 3 tai ách xảy ra, gọi là Tiểu tam tai(đao binh, tật bệnh, đói kém). Thời gian xuất hiện của 3 tai ách này có nhiều thuyết khác nhau. Theo luận Đại tì bà sa quyển 134, thì vào kiếp giảm của mỗi Trung kiếp, mỗi khi tuổi thọ con người giảm xuống còn 10 tuổi, thì 3 tai ách liền xuất hiện.
Theo luận Đại tì bà sa, trong 1 kiếp, tam tai cùng khởi lên thì trong 20 Trung kiếp của kiếp Trụ đều có tiểu tam tai. Theo luận Lập thế a tì đàm, trong mỗi kiếp lần lượt xảy ra 1 tai ách, thì kiếp thứ nhất là kiếp Tật dịch (Phạm: Rogàntara-kalpa), kiếp thứ 2 là kiếp Đao binh (Phạm: Zastràntara-kalpa), kiếp thứ 3 là kiếp Cơ cận (Phạm: Durbhikwàntara-kalpa), cho đến thứ 19 là kiếp Tật dịch. Trong kiếp Trụ có 20 Trung kiếp như trên, trong các kiếp Hoại, kiếp Không, kiếp Thành... cũng đều có 20 Trung kiếp, cộng chung lại là 80 Trung kiếp. Trong 3 kiếp Hoại, Không, Thành tuy không có sự tăng giảm khác nhau, nhưng do thời gian của chúng bằng với kiếp Trụ, cho nên đều có 20 Trung kiếp.
Tám mươi Trung kiếp là 1 Đại kiếp, 1 Đại kiếp bao gồm 4 kiếp Thành, Trụ, Hoại, Không, là 1 chu kì sinh thành và hoại diệt của thế giới. Thời kì kiếp Hoại, khí thế gian hư hoại, có 3 tai ách xảy ra là: Lửa, nước, gió, gọi là Đại tam tai, để phân biệt với Tiểu tam tai đã nói ở trên. Trong đó, nạn lửa khởi lên thì 7 mặt trời xuất hiện, gió thổi, lửa cháy dữ dội, từ cõi Sơ thiền trở xuống đều bị thiêu rụi. Nạn nước xảy ra do mưa dầm dề, từ cõi Nhị thiền trở xuống đều bị ngập lụt. Nạn gió khởi lên do cuồng phong, từ cõi Tam thiền trở xuống đều bị thổi tan. Theo thứ tự, đầu tiên thế giới bị nạn lửa hủy diệt 7 lần, kế đến bị nạn nước hủy diệt 1 lần, sau nạn nước lại có 7 lần nạn lửa. Đủ 7 lần nạn nước như thế rồi, lại xảy ra thêm 7 lần nạn lửa nữa, sau đó khởi lên 1 lần nạn gió, khí thế giới từ cõi trời Tam thiền trở xuống đều bị thổi tan. Tính chung có 8 x 7 = 56 lần nạn lửa, 7 lần nạn nước, 1 lần nạn gió, tức là 64 chuyển đại kiếp.
Như vậy, khí thế giới từ cõi Sơ thiền trở xuống, cứ trải qua 1 đại kiếp thì bị phá hoại 1 lần; cõi Tam thiền thì cứ mỗi 64 đại kiếp lại 1 lần bị phá hoại. Trong cõi Sắc, chỉ có cõi trời Tứ thiền không bị tam tai phá hoại. Tuổi thọ của trời Đại phạm ở cõi Sơ thiền là 60 Trung kiếp, tức 1 Đại kiếp (trừ 20 kiếp của kiếp Không), tuổi thọ của trời Nhị thiền là 8 đại kiếp, tuổi thọ của trời Tam thiền là 64 đại kiếp. Trong đây, 1 đại kiếp gọi là Hỏa tai kiếp. 7 hỏa tai kiếp gọi là Thủy tai kiếp, 7 Thủy tai kiếp gọi là Phong tai kiếp.
Số tích lũy của Đại kiếp là một triệu, nhân lên cho đến A tăng kì thì gọi là 1 A tăng kì kiếp (Phạm: Asaôkhyeya-kalpa), nhân đến 3, gọi là A tăng tì kiếp. Nhưng sự tính toán về lượng thời gian của nó có nhiều thuyết khác nhau. Luận Đại tì bà sa quyển 177 nêu ra 4 thuyết: Thuyết thứ 1 như trên, thuyết thứ 2 là nhân Trung kiếp đến A tăng xí da là 1 A tăng kì kiếp, thuyết thứ 2 là nhân với Thành kiếp, thứ 4 là nhân với Hoại kiếp. Kinh Bồ tát địa trì quyển 9 nói rằng kiếp có 2 thứ: 1. Ngày tháng, ban ngày ban đêm, thời tiết, số năm vô lượng nên gọi là A tăng kì. 2. Đại kiếp vô lượng nên gọi là A tăng kì. Thuyết thứ 1 nói theo kiếp số năm, tháng; thuyết thứ 2 giống với nghĩa chính thống của luận Đại tì bà sa. Tóm lại, thời lượng lâu dài của kiếp, toán số cũng khó lường tính được. Kinh Tạp a hàm quyển 34 có những thí dụ như Giới tử kiếp (Phạm: Sarwapopama-kalpa), Bàn thạch kiếp (Phạm: Parvatopama-kalpa).
Đại tạng pháp số có tên gọi của 5 Đại kiếp là: Thảo mộc(cây cỏ),Sa tế(cát mịn), Giới tử (hạt cải), Toái trần(bụi nhỏ)và Phất thạch (lau tảng đá)... để nói về thời lượng lâu dài vô hạn của kiếp. Theo từ điển tiếngPàli của ông Cát nhĩ đắc tư (R.C. Childers) thì Kiếp có 2 loại Không và Bất không. Bất không kiếp lại có 5 thứ khác nhau: 1. Kiên kiếp (Phạm:Sàra-kalpa). 2. Đề hồ kiếp (Phạm: Maịđa-kalpa). 3. Diệu kiếp (Phạm:Vara-kalpa). 4. Kiên đề hồ kiếp (Phạm:Sàra-maịđakalpa). 5. Hiền kiếp (Phạm:Bhadra-kalpa). Tam kiếp tam thiên Phật duyên khởi và kinh Đại thừa bản sinh tâm địa quán quyển 1, nói có 3 kiếp: Quá khứ trang nghiêm kiếp, Hiện tại hiền kiếp, Vị lai tinh tú kiếp, trong mỗi kiếp đều có 1.000 đức Phật ra đời. Ngoài ra, kinh Hoa nghiêm quyển 2 (bản 80 quyển), dùng lượng nước của biển cả để ví dụ cho số nhiều của số kiếp, gọi là Kiếp hải. [X. kinh Trung a hàm Q.2; kinh Trường a hàm Q.1; kinh Khởi thế nhân bản Q.9; luận Lập thế a tì đàm Q.7; luận Câu xá Q.9; luận Thuận chính lý Q.32; luận Đại trí độ Q.7; Pháp hoa huyền luận Q.5; Pháp hoa kinh huyền tán Q.2 phần cuối. Đại nhật kinh sớ Q.2; Câu xá luận quang kí Q.12; Hoa nghiêm kinh thám huyền kí Q.15; Du già luận kí Q.1 phần cuối; Tứ phần luật sớ sức tông nghĩa kí Q.10 phần cuối; Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết Q.1 phần 1; Phật tổ thống kỉ Q.30; Pháp uyển châu lâm Q.1].