Home > Khai Thị Phật Học > Phai-Ren-Luyen-Kiem-Che-Tinh-Phong-Dang
Phải Rèn Luyện Kiềm Chế Tính Phóng Đãng
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm | Thich Quang Định, Việt Dịch


Giáo pháp của đức Phật dạy chúng ta chống lại sự mê hoặc hấp dẫn, diệt trừ chấp thủ mê đắm vào thất tình lục dục, sử dụng có hiệu quả về việc quán nhân duyên, quán từ bi và thay đổi phương pháp để quán sát, thế nhưng lắm khi ta chưa kịp sử dụng phương pháp phòng ngừa hay chưa kịp thay đổi quan niệm này thì đã bị rơi vào hố sâu bùn lầy của lòng ham muốn dục vọng. Cho nên phương pháp cơ bản nhất vẫn là cách phải “thâu nhiếp lục căn”, cũng chính đem tâm mình quay về một mối để nó tập trung vào “sáu căn” mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý chứ không nên hướng bên ngoài để tìm cầu.

Thông thường các bộ máy trong thân thể chúng ta như mắt, tai, mũi, v.v... sau khi tiếp xúc với sự vật bên ngoài sẽ có cảm giác thích thú, nên mong muốn chiếm đoạt, giành lấy bằng được nó mà chẳng có cách nào chống lại sự hấp dẫn của nó cả. Thậm chí có lúc mắt đã nhắm lại, nhưng hình ảnh kia vẫn cứ chập chờn tồn tại trong tâm, cho dù bịt tai lại không nghe cũng chẳng ích lợi gì, vì nó vẫn còn âm thanh khác, bấy giờ ta phải tiếp tục cảm nhận, những cảm giác quấy nhiễu này rốt cuộc có thoải mái dễ chịu không, có vui vẻ hạnh phúc không? Là cảm giác khổ đau hay là sự hưởng thụ? Trên thực tế, nếu ta đã nhắm mắt lại nhưng hình ảnh vẫn còn lắc lư chập chờn qua lại trước mặt, điều này quả là vô cùng đau khổ, không thể xem đó là niềm hạnh phúc được.

Cũng thế, khi nói đến chuyện yêu đương thì ta vô cùng say đắm, nét mặt, nụ cười, giọng nói của người đó cứ mãi chập chờn mãi trong đầu ta, không thể buông xả được, cho dù người đó ở cách xa ngàn dặm, nhưng cũng như đang ở trước mặt ta, đây chính là hiện tượng của bệnh tương tư. Nếu như hai người không yêu thương nhau mà chỉ một người yêu đơn phương, tương tư một mình, điều đó lại càng đau khổ biết chừng nào.

Thế nên, chúng ta cần phải phân tích tỉ mỉ rõ ràng, hình ảnh và âm thanh cứ mãi quấn quýt chập chờn trong đầu ta rốt cuộc là thật hay giả? Khi ta mở mắt nhìn kỹ hình ảnh trong đầu thì có lẽ sẽ không còn thấy nữa; nếu phân tích tỉ mỉ âm thanh tai nghe được thì nó cũng sẽ mất đi, tất cả mọi sự vật chỉ là sự tưởng tượng trong đầu ta mà thôi, cho nên chúng ta phải luôn nhắc nhở mình rằng tất cả những thứ đó đều là ảo giác trong tâm chứ không phải là hạnh phúc đích thực.

Nếu vẫn còn đau khổ thì chúng ta nên tập trung chú ý đếm hơi thở của mình không ngừng, dùng cảm giác tập trung vào hơi thở để cảm nhận hơi thở, như thế sẽ có tác dụng hơn, nếu ý niệm trong đầu mãi không mất, nhưng nhờ chú ý đếm hơi thở thì có thể sẽ thay đổi được ý nghĩ.

Ngoài ra, khi phân tích ý niệm của bản thân cũng là một cách thu nhiếp sáu căn. Từng ý niệm từng ý niệm một cứ mãi xuất hiện trong đầu chúng ta, cho nên khi xuất hiện ý nghĩ mạnh mẽ, thô tế mà ta lại không có cách gì để thoát ra được nó, bấy giờ chúng ta có thể thực hiện phương pháp đếm hơi thở, cảm nhận hơi thở vào ra như thế nào. Khi xuất hiện ý nghĩ khác nữa, ta có thể lãnh hội được dần dần mới có thể làm sáng tỏ sự việc, bấy giờ ta không còn suy nghĩ đến nó nữa, còn nguyên nhân không suy nghĩ hiện nay chỉ là bạn đang chú ý đếm hơi thở nên ý nghĩ lúc nãy đã bị cắt đứt và gián đoạn.

Song, trong đầu chúng ta sẽ không còn tự do tiếp tục nghĩ đến việc khác nữa, ý niệm “tập trung chú ý đếm hơi thở, cảm nhận được hơi thở” này cũng sẽ bị ý niệm khác làm cho gián đoạn. Mỗi khi chúng ta phát hiện có xuất hiện ý niệm khác thì không cần phải để ý đến những ý nghĩ này làm gì, chỉ tiếp tục quay trở lại với cảm giác đến hơi thở, bấy giờ những ý niệm này tự nhiên sẽ bị ngắt quãng, cứ lấy ý niệm bị cắt đứt ngắt quãng này đan xen vào nhau như vậy thì ý niệm đó sẽ biến thành từng đoạn một, một khi ý niệm đã biến thành từng đoạn thì đó chỉ là ảo giác, ảo tưởng mà thôi, bấy giờ ta có thể buông bỏ dần dần ý niệm này.

Ngoài ra, khi vọng niệm quấy nhiễu nhưng ta không có cách gì để khống chế được thì bấy giờ lạy Phật là cách tốt nhất. Khi lạy Phật chúng ta nên tập trung chú ý vào cảm nhận của bản thân, phải chuyên tâm chú ý vào mỗi một động tác khi lạy xuống, khi ngẳng lên của chúng ta, nếu người bình thường không biết lạy Phật thế nào cũng chẳng sao, chỉ cần chú tâm cúi đầu quỳ trước đức Phật cũng có lợi ích rồi. Ngoài ra cũng có thể ra ngoài tản bộ, khi tản bộ ta phải chú ý đến cảm nhận của mỗi bước chân, khi chúng ta làm như thế thì sức mạnh của sự tập trung sẽ được thu về trong bản thân, cũng chính là thu nhiếp được cả tâm mình.

Trong cuộc sống hằng ngày, đại đa số thời gian tâm chúng ta thường hướng ra bên ngoài để dong ruỗi tìm cầu, cho nên chúng ta cần phải rèn luyện để thu nhiếp nó quay về nội tâm, quay về với hơi thở, ý nghĩ của mình và sự cảm nhận của hành động. Nếu rèn luyện đầy đủ như thế thì dần bỏ được sự quấy nhiễu bên ngoài, đạt được mục đích thu nhiếp sáu căn.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Phải Rèn Luyện Kiềm Chế Tính Phóng Đãng