Home > Khai Thị Niệm Phật > 7-Khai-Thi-Thien-Va-Phat-Chang-Hai-Phap
7 Khai Thị Thiền Và Phật Chẳng Hai Pháp
Đại Sư Diệu Khẩu | Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn, Việt Dịch


Đức Thích Ca Như Lai dạy pháp môn niệm Phật bao trùm các căn cơ trong pháp giới, không sót một, thật cảnh giới đại nhơn này là Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền đã chứng, Tứ Minh tôn giả ở tông Thiên Thai đã phán pháp môn này với Hoa Nghiêm, Pháp Hoa đồng bộ vị thuộc đề hồ, trong Thiền tông đây là đạo đơn truyền trực chỉ. Vì thế, Vĩnh Minh Diên Thọ Thiền sư đã làm tứ liệu giải, trong đó có đoạn nói: “Không Thiền có Tịnh, muôn tu muôn người được; đã gặp Phật Di Đà lo gì chẳng khai ngộ”. Thật đây là một con đường hướng thượng vậy. Vì sao ngày nay có người vì tính toan danh lợi không toại nguyện nên nghĩ ta giờ đây tất cả đều buông bỏ, tham thiền không phải là chỗ ta ước mong, chi bằng niệm Phật A Di Đà mong đời sau được độ, cứ như thế niệm Phật lơ là, chưa từng tỉnh ngộ, vã như chợt gặp điều đắc chí, liền làm vô lượng điều ác, y theo thói cũ mà làm, không ai cản được. Người niệm Phật như thế nào ích lợi gì! Cần phải giải rõ.

Có người cho rằng tham thiền tuy rất mầu nhiệm nhưng rất khó, như xây một lâu đài trăm tầng, niệm Phật thì thô sơ mà rất dễ như người làm một mái nhà tranh, chỗ thấy này thật sai lầm, ví như gặp lúc hạn hán đói khát, may gặp được trăm món đồ ngon của nhà vua chiêu đải mà nhận là bửa cơm rau, được châu như ý mà cho là mắt cá, thật đáng thương thay! Họ đâu biết rằng hai môn niệm Phật và tham thiền, chỗ khởi hành tuy khác, mà cùng nhau về nhà thì đồng. Vì sao nói chỗ khởi hành có khác. Vì người tham thiền, tự mình thực hành, không cần cầu Phật gia hộ, nếu tự mình không có đủ chánh tri kiến lại không gặp được người có chánh tri kiến giúp đở, dù không thối chuyển, phần nhiều lạc vào ma đạo, vì không có sức Phật cứu hộ. Nếu người niệm Phật, tất cả không niệm, duy niệm Phật A Di Đà, tuy không có chánh giải và Thầy bạn khai phát, chỉ cần tin chắc có thân Phật và cõi Phật, phát chí nguyện muốn về liền được vãng sanh, dù lòng còn nhỏ hẹp rồi cũng trở về với chánh pháp, vì có nguyện lực của Phật A Di Đà cứu hộ. Nên biết chỗ khởi hành có khác, chẳng phải pháp môn và vị chứng có sâu cạn khác nhau. Vì thế, tham thiền là niệm Phật, niệm Phật là tham thiền. Tham thiền không niệm Phật không được vãng sanh, niệm Phật không tham thiền không được quán huệ, nên niệm Phật và tham thiền đâu phải hai việc. Nếu hiểu được nghĩa này thì có thể đem những việc đắc chí như công danh giàu sang một đao có thể cắt đứt, dũng mãnh phát tâm lớn, thực hành theo đạo xuất thế. Đối với việc ở đời như tài sản, trân bửu, vợ con, đầu mắt, tủy não cho đến toàn thân mạng bố thí cũng không lẫn tiếc, quyết chí cầu sanh Cực Lạc. Đây là pháp môn tối thượng, đâu phải chỗ để cho kẻ thất chí thất thời nương vào, chỉ xây dựng nhà tranh, nhận ngọc như ý làm mắt cá, dùng tâm cẩu thả mà muốn tu pháp này thật đáng thương đáng tiếc.

Nếu người biết pháp môn Tịnh độ này là pháp thù thắng vô thượng cần phải từ đây về sau, buông bỏ trần duyên sanh ý tưởng vào thẳng Đại thừa bảo sở, quyết định niệm Phật lòng không lui sụt, như thuyền thuận dòng gặp gió xuôi, lại thêm chèo lái mạnh tốt chắc chắn sẽ mau đến đích, có gì may mắn bằng.

Hỏi: Nếu nói như thế tại sao trong sách Thiền có người đến hỏi: Thế nào là Phật? đáp: Que cứt khô, đáp: Ba cân gai, nếu lúc ấy ta thấy được sẽ đập cho chết đem cho chó ăn mới mong thiên hạ thái bình, cho đến gặp ma giết ma, gặp Phật giết Phật. Trái lại, người tu niệm Phật tam muội, tôn kỉnh luyến mến Phật tâm, luôn yêu mến khát ngưỡng như vậy việc hai tôn cùng ý chỉ đến nhà chung thì việc ấy có đồng không?

Đáp: Người niệm Phật vốn trì niệm cõi Cực Lạc ở phương Tây và báo thân Phật A Di Đà. Báo thân của Đức Phật này có vô lượng ánh sáng tướng tốt, hóa Phật, Bồ tát, Thanh văn, nguyện lực và công đức không thể nói hết, đây là thân Phật. Y báo cảnh giới của Phật có các thứ ao báu, đất báu, cây báu, tràng phang báu, lưới báu, đài báu, linh báu, hoa báu, nước báu, tất cả đều trang nghiêm thành cõi trân bão diệu hương.

Đức Phật kia lấy thân làm cõi, lấy cõi làm thân, thân cõi không ngại, tâm cảnh viên thông, hoặc kia hoặc đây đồng một thọ dụng, cho đến các pháp ngũ uẩn, thập nhị nhập, thập bát giới, thập nhị xứ thẳng đến Vô thượng Bồ đề, và nghĩa năng sát, sở sát tất cả thời, tất cả chỗ, không chướng không ngại, không trói buộc không giải thoát, ngang dọc nghịch thuận đều là sắc thân thanh tịnh của Phật A Di Đà. Vì sao? Vì tâm là cảnh, cảnh là tâm, thân là cõi, cõi là thân, chúng sanh là Phật, Phật là chúng sanh, đây là kia, kia là đây, các sắc xanh vàng trắng đỏ, các căn mắt tai mũi lưỡi, các pháp như thế, hoặc thân hoặc tâm, mọi thứ đều tự tại, đều giải thoát. Còn không phân biệt đối với dâm nộ si là phạm hạnh, trần lao là pháp lữ thì làm sao que cứt khô và ba cân gai không phải là Phật. Đây đã là Phật thì cần gì trên tịnh địa đặt nơi thị hiện giáng sanh, móc thịt vở ra để thành ghẻ, khởi tưởng độ sanh. Như đây rất tốt đập một gậy chết cho chó ăn, làm tỉnh được rất nhiều những người làm kiểu làm dáng, sáu năm khổ hạnh, hàng ma thuyết pháp, đối với các bình đẳng không sanh diệt mà xướng sanh diệt, múa men ngàn loại, khuấy động thế giới, não loạn tất cả, làm cho đất bằng nổi sóng chết người vô số, đâu không làm cho thiên hạ được thái bình ư! Đến trong ấy rất kỵ nhận lầm, không được khuấy động, khuấy động thì chắc bị ăn đòn. Nếu nói thuyết này là do đệ tử Tào Khê do giả gạo mà được thấy chỗ thâm diệu là người chưa từng được thấy, cần phải đánh gảy lưng lừa, họa may họ mới liễu ngộ. Ở đây, mục đích các ngài phá cả phàm tình và thánh giải, nếu biết que cứt khô là thấp thì Phật không phải là cao vì tất cả đều bình đẳng, vì chấp nên chẳng động vọng nói thiền và tịnh việc làm có khác nhau.

Hỏi: Nếu pháp môn Niệm Phật có những kỳ đặc, cùng với Thiền tông chỉ tâm thành Phật, Thiên Thai tông nói quán tâm quán Phật không có gì khác nhau, có thể nói đây là không ngoài một niệm mà hiển bày ba ngàn diệu pháp, làm ba quán rõ ràng không rời vạn pháp. Cứu kính của môn Chơn Như dùng nhất tâm hiểu rõ, thì làm sao những người độn căn đời sau tu hành cho được tương ưng?

Đáp: Chỉ cần bội trần hợp giác thực hành, đâu có lo gì chẳng thành tựu. Thí như một cái hang trống có tiếng đều đáp, tiếng lớn thì vang lớn, tiếng nhỏ thì vang nhỏ, tùy theo việc phát thanh kia đều theo đó mà có vang đáp lại. Chánh như ở cõi Cực Lạc ba hạng, chín bậc nhiếp thọ chúng sanh, cũng tùy theo căn ấy có lợi độn, cạn sâu, tà chánh, chậm mau mà hướng dẫn, đáng sanh phẩm nào thì phù hợp với căn cơ ấy. Như tiếng vang trong hang cao thấp đều có, nếu người siêng năng tinh tấn, chắc chắn có kết quả. Huống chi thời gian không có sau trước, lo gì người độn căn không kết quả. Theo nghĩa trên thì biết tất cả pháp môn là một pháp môn, một pháp môn là tất cả pháp môn, đâu đặc biệt chỉ có Thiền và Tịnh không hai mà nói chung một đời thuyết giáo của đức Thích Ca Mâu Ni không ngoài môn niệm Phật. Pháp môn này lượng nó rất rộng lớn, nhiếp hết tất cả căn cơ, không bỏ sót cơ nào, dù kẻ ngu người trí đều được lợi ích. Dám mong các bậc Hiền đời sau đối với pháp môn này đừng sanh dị kiến.