Nguyên nhân của bịnh tật gồm có ba loại:

Loại thứ nhất là nguyên nhân thuộc về sinh lý (thuộc về phương diện sinh vật học).  Kinh Hoa Nghiêm nói hết thảy các pháp trong hư không pháp giới đều ‘duy tâm hiện, duy thức biến’.  Ðây là cơ sở, căn bản của Phật pháp, tất cả chư Phật đều kiến lập Phật pháp trên cơ sở này, tuyên thuyết vô lượng vô biên pháp môn cho chúng sanh.  Thế nên chân tướng sự thật là ‘y báo chuyển theo chánh báo’, chánh báo là tâm thức, những gì có thể biến, có thể hiện là chánh báo, những gì được biến, được hiện là y báo.  Nếu hết thảy y báo đều có thể tùy thuận theo chánh báo, tức là ‘tùy thuận theo sanh thái tự nhiên’, như vậy là khỏe mạnh nhất, tốt nhất.

Thân thể là một cái vũ trụ nhỏ, nếu mỗi khí quan, mỗi sợi gân máu nhỏ li ti, mỗi tế bào đều có thể tùy thuận sanh thái tự nhiên thì [thân thể] chẳng bao giờ bị bịnh.  Ngược lại nếu chẳng thể tùy thuận theo tự nhiên thì sẽ sanh bịnh, đây là nguyên nhân bịnh tật thuộc về sinh lý.  ‘Tự nhiên’ nói ở đây tức là ‘tâm tánh’ của chính mình, Phật nói ‘chân tâm ly niệm’, chân tâm chẳng có một vọng niệm gì cả tức là tự nhiên.  Từ đây có thể biết khởi tâm động niệm là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, tức là đối nghịch với tự nhiên, đối nghịch với tâm tánh, cho nên những thứ này phá hoại khí quan, mạch máu, các tổ chức tế bào trong thân thể chúng ta, đây là nguyên nhân sanh ra bịnh tật.  Do đó tâm địa càng thanh tịnh thì đau bịnh càng ít, nghiệp chướng cũng giảm nhẹ.  Tất cả phiền phức đều do vọng tưởng sanh ra, đây chẳng những là nguồn gốc của bịnh tật mà cũng là cội rễ của lục đạo sanh tử luân hồi.  Chúng ta hiểu được đạo lý này thì phải tu tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chân thành, quay về với tự nhiên, quay về với pháp tánh.

Quay về pháp tánh tức là ‘Pháp Thân Bồ Tát’, vĩnh viễn chẳng còn sanh tử, chẳng còn phiền não, chẳng còn bịnh đau.  Cảnh giới này chính là Nhất Chân pháp giới, Hoa Tạng thế giới, Cực Lạc thế giới, và các báo độ của chư Phật, Bồ Tát đều như vậy.  Chúng sanh mê mất tự tánh, trái ngược với tự nhiên nên mới nhận chịu các thứ khổ nạn.  Người chân chánh có chí khí, có trí huệ sẽ tìm nguồn gốc của khổ nạn và tiêu trừ nó để khôi phục cái đạo trường thọ, hạnh phúc nhất, khỏe mạnh nhất này, đó chính là ‘Vô Lượng Thọ’ nói trong kinh Vô Lượng Thọ.  Mỗi người vốn có vô lượng thọ nhưng vì vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên mới biến thành sanh tử luân hồi, tạo thành những ác tướng [trong luân hồi] này.

Loại thứ nhì là bịnh oan nghiệp, tức là oan gia chủ nợ trói buộc.  Câu chuyện của Ngộ Ðạt quốc sư đời Ðường ghi trong Từ Bi Tam Muội Thủy Sám là thí dụ điển hình.  Ngộ Ðạt quốc sư là cao tăng suốt mười đời, công phu tu hành rất tốt, trì giới tinh nghiêm, thiện căn chẳng mê muội, liên tục mười đời đều xuất gia tu hành.  Ðến đời thứ mười thì trí huệ, phước đức thành tựu nên được vua tôn làm thầy.  Ðây chẳng phải do tu hành trong một đời mà là do tu hành, trí huệ, phước đức tích lũy từ nhiều đời mới có thể làm thầy của vua.  Giả sử ngài có thể gặp được pháp môn Tịnh Ðộ thì đã sớm về thế giới Cực Lạc thành Phật rồi!

Ngộ Ðạt quốc sư thọ nhận hoàng đế cúng dường trầm hương bảo tọa (ghế Thái Sư làm bằng gỗ trầm hương), nên sanh tâm hoan hỷ (hoan hỷ là phiền não, thuộc về thất tình ngũ dục: hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục (vui, giận, buồn, mừng, thương, ghét, ham muốn).  Một tâm niệm hoan hỷ khởi lên thì thần hộ pháp liền rời khỏi, oan gia chủ nợ tìm đến và tạo nên một mụt ghẻ mặt người [trên đầu gối của quốc sư], khổ chẳng nói nổi.  Hoàng đế tìm những vị thầy thuốc giỏi nhất chẩn bịnh cho ngài nhưng cũng không chữa hết.  Ngài nhiều đời đều dụng công chân thật, chỉ vì lúc đó tiếp thọ cúng dường, sanh tâm ưa thích nên phiền não hiện tiền.  Cho nên đức Phật dạy các đệ tử xuất gia phải ‘dùng khổ làm thầy’ là có đạo lý phi thường.  Rất nhiều người tu hành một khi nhận sự cúng dường ngũ dục lục trần của tín đồ bèn đi đến A Tỳ địa ngục.  Tấm gương của đức Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện là ba y một bát, đêm ngủ dưới gốc cây, ngày ăn một bữa, tuyệt đối sẽ chẳng thoái đọa.

Ghẻ mặt người là do oan gia chủ nợ đời trước của Ngộ Ðạt quốc sư, người này là người làm chung với quốc sư, đời trước bị ngài hại chết [65].  Oán hận kết quá sâu.  Ngài là người tu hành có thần hộ pháp bảo hộ, tuy oan gia đời đời kiếp kiếp đều đi theo nhưng chẳng thể đến gần.  Ðến đời thứ mười mới tìm được cơ hội nên oan gia liền nhập vào người.  Ngài gặp nạn này, Phật, Bồ Tát biết được; trong kinh Kim Cang, đức Phật Thích Ca Mâu Ni phó chúc các đại Bồ Tát phải thường săn sóc, lo lắng cho tiểu Bồ Tát.  Lúc Ngộ Ðạt quốc sư còn làm một chú tiểu, một hôm gặp người hành khất bị ghẻ độc, mùi hôi hám khó chịu nổi, chẳng ai chịu đến gần người hành khất này.  Khi ngài gặp được, sanh khởi tâm từ bi và săn sóc cho người hành khất, lại còn dùng miệng hút mủ độc ra.  Sau đó người hành khất bớt bịnh và nói với ngài:  ‘Nếu sau này ông gặp khó khăn gì thì hãy đến tìm tôi, tôi trú tại một ngọn núi ở Tứ Xuyên, trên núi có hai cây tòng, [ông tìm chỗ có hai cây tòng thì sẽ gặp tôi]’.

Khi Ngộ Ðạt quốc sư bị ‘ghẻ mặt người’, nhớ đến lời người hành khất này đã nói lúc trước nên đến Tứ Xuyên để tìm người ấy.  Ði theo lời dặn quả nhiên tìm được chỗ có hai cây tòng, ngài đến chỗ đó và nhìn thấy một đạo tràng lớn hiện ra.  Người hành khất sanh bịnh lúc trước chính là tôn giả Ca Nặc Ca thị hiện, ngài là một vị đại A La Hán đến để thử xem Ngộ Ðạt quốc sư có tâm đạo, tâm từ bi hay chăng, và cũng biết tương lai ngài sẽ bị nạn ghẻ mặt người.  Sau đó tôn giả Ca Nặc Ca dùng nước Từ Bi Tam Muội để rửa ghẻ mặt người; mụn ghẻ mặt người đột nhiên thốt ra tiếng và kể lại nghiệp duyên đời trước.  Lúc bấy giờ Ngộ Ðạt quốc sư mới hiểu.  Tôn giả Ca Nặc Ca điều [đình hóa] giải oan trái này xong, oan gia đồng ý và chịu ra khỏi thân thể thì bịnh của Ngộ Ðạt quốc sư liền khỏi.

Thế nên người đời đừng kết oán thù, chuyện này quan trọng phi thường.  Nếu người ta hủy báng mình, sỉ nhục mình, hãm hại mình thì cũng phải cam tâm nhẫn chịu, tuyệt đối đừng khởi lên tâm niệm báo phục gì hết.  Nếu có một tơ hào tâm niệm muốn báo thù thì sẽ oan oan tương báo chẳng bao giờ dứt.  Hôm nay họ sỉ nhục, hãm hại, thậm chí sát hại mình, nhất định là đời trước mình đã từng hại họ, sỉ nhục họ, hôm nay họ đối với mình như vậy thì món nợ này sẽ được trả dứt.  Hết thảy nên nghĩ là mình phải trả nợ, đời sau có gặp lại thì sẽ là bạn bè, sẽ chẳng làm oan gia đối đầu nữa.  Do đó quyết không nên có một tơ hào muốn làm hại người khác, đừng có một chút hành vi gì làm tổn hại kẻ khác, đó chính là tu hành, được vậy thì bạn mới thật sự có phước.

Không thể kết oán thù với hết thảy chúng sanh, ngay cả súc sanh cũng chẳng thể kết oán.  Kinh Lăng Nghiêm nói: ‘Người chết làm dê, dê chết làm người’, người ăn thịt dê, người chết đi biến thành dê, dê chết đi lại sanh làm người, người lại ăn thịt dê, đời đời kiếp kiếp ăn qua ăn lại, oan oan tương báo, dây dưa chẳng dứt.  Ðến lúc báo đền thì tuyệt chẳng báo đền vừa đúng, sẽ luôn luôn thêm một ít, mỗi đời đều thêm một chút, đến sau cùng sẽ tạo thành kiếp nạn to lớn.  Trong bài ‘Văn Xương Ðế Quân Âm Chất Văn’ có một đoạn kể chuyện Văn Xương Ðế Quân đời trước tạo sát nghiệp, từ một sát nghiệp nho nhỏ tích lũy mười mấy đời trở thành sát nghiệp nặng nề, quả báo tại địa ngục A Tỳ.  Ðây là nhân duyên thứ nhì gây ra bịnh tật.  Nếu gặp những loại bịnh này, phải tụng kinh, niệm Phật, tích lũy công đức hồi hướng để điều giải (điều đình hóa giải).  Nếu họ tiếp nhận thì vấn đề sẽ được giải quyết, [bịnh tật sẽ khỏi]; nếu họ chẳng chịu thì vẫn còn phiền phức.

Loại thứ ba là bịnh do nghiệp chướng tạo nên, chẳng thuộc về sinh lý (thuộc về phương diện sinh vật học), cũng chẳng thuộc oan nghiệp, là do tự mình tạo ác nghiệp quá nhiều.  Loại bịnh này thuốc men chẳng có hiệu quả gì hết; tụng kinh, bái sám, hồi hướng cũng chẳng có hiệu quả, chỉ có cách dùng tâm chân thành sám hối mới có thể cứu.  Nói cách khác phải dùng tâm chân thành và tu pháp sám hối, sửa sai đổi mới, ‘đừng làm việc ác, chuyên làm việc thiện’ thì mới có thể tiêu trừ loại bịnh khổ này.  Tóm lại phàm là bịnh đau gì thì nhất định phải có nguyên nhân, tiêu trừ hết nguyên nhân ấy mới có thể khôi phục sức khỏe thực sự.

Trong xã hội hiện nay thường có ba loại bịnh này, nếu người bịnh biết được nguyên nhân gây bịnh, y theo lời dạy mà tu hành thì chẳng ai không được cứu.  Những chuyện này chỉ có Phật pháp mới nói được thấu suốt, viên mãn, chúng ta học Phật thì cũng phải biết.  Có thân thể khỏe mạnh, tâm địa thanh tịnh, bình đẳng, từ bi, thì chướng ngại trên đường Bồ Ðề sẽ giảm bớt, tu hành chứng quả sẽ được thuận buồm xuôi gió.
____________
[65] Mười đời trước đời của Ngộ Ðạt quốc sư có chuyện Viên Áng chém Triều Thố (200 – 154 trước Công Nguyên, một chính trị gia nổi tiếng đời Tây Hán) ở ngoài chợ.   Triều Thố bị chém vô cùng oan ức nên ôm mối hận trong lòng và tìm cách báo thù.  Viên Áng cả mười đời đều xuất gia làm tăng, giới luật nghiêm minh nên Triều Thố chẳng trả thù được, đến đời thứ mười Triều Thố mới trả thù bằng cách gây ra mụt ghẻ mặt người trên chân của Ngộ Ðạt (tức Viên Áng) quốc sư.   (Trích từ tựa cuốn Từ Bi Thủy Sám) 
 
Trích từ: Học Vi Nhân Sư Hành Vi Thế Phạm
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Khai Thị Về Bịnh Viêm Phổi Do Coronavirus
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Căn Nguyên Của Bịnh Tật
Hòa Thượng Thích Tịnh Không