Thích Đạo An
Minh Thành Tổ Chu Lệ | Đức Nghiêm Đức Thuận Nguyên Nhứt, Việt Dịch


Sư họ Vệ, quê ở Phù Liễu, Thường Sơn. Gia đình sư theo đạo Nho, cha mẹ mất sớm, sư được người anh bên ngoại họ Khương nuôi dưỡng. Năm bảy tuổi, sư đọc sách, vừa xem qua liền thuộc, những người láng giềng rất kinh ngạc.
Năm mười hai tuổi, sư xuất gia, thông minh tột đỉnh, nhưng dung mạo lại xấu xí, nên không được thầy coi trọng.

Vài năm sau, sư mới xin thầy học kinh, thầy trao cho một quyển kinh Biện Ý[1] đến năm ngàn lời. Sáng ra ruộng, sư mang kinh theo, nhân lúc nghỉ ngơi mở ra xem. Chiều trở về, sư đem kinh trả lại cho thầy, rồi mượn quyển khác. Thầy hỏi:

– Quyển kinh hôm qua chưa đọc xong, nay lại xin nữa sao?

Sư đáp:

– Con đã thuộc lòng rồi!

Vị thầy lấy làm lạ, nhưng chưa tin, liền trao cho sư một quyển kinh Thành cụ quang minh[2] hơn một vạn lời. Khi đi làm, sư lại mang kinh theo như lúc đầu, chiều về lại trả cho thầy. Vị thầy cầm kinh dò lại, sư đọc không sai một chữ. Thầy giật mình kinh ngạc, trong lòng cảm thấy kính phục người đệ tử kì lạ này.

Sau đó, thầy cho sư thụ giới cụ túc và đi tham học. Khi đến đất Nghiệp, sư gặp ngài Phật đồ trừng, liền đỉnh lễ xin làm đệ tử. Gặp lúc họ Thạch sắp làm loạn, sư cùng với các đệ tử như Huệ Viễn và hơn bốn trăm người khác, vượt sông đi về phía nam. Đêm đó, đang đi bỗng gặp mưa gió, sấm sét, sư nương vào ánh chớp để đi. Đến một ngôi nhà, thấy giữa sân có hai cây cọc cột ngựa, giữa hai cây cọc treo một cái máng cho ngựa ăn, máng đó có thể chứa được một đấu. Sư bảo đệ tử gọi: “Lâm Bách Thăng!” Chủ nhà kinh ngạc đi ra, quả đúng ông ta họ Lâm tên Bách Thăng. Ông cho rằng sư là thần nhân, nên ân cần tiếp đón rất trọng hậu.

Sau đó đệ tử hỏi sư:

– Sao thầy biết được họ tên của người chủ nhà?

Sư đáp:

– Hai mộc (林) thành lâm, một máng chứa được một trăm thăng (Bách Thăng).

Khi đến Tương Dương, sư liền hoằng hóa Phật pháp. Lúc đó, ở Tương Dương có ông Tập Tạc Xỉ biện tài thông suốt, nổi tiếng lúc bấy giờ. Trước đó, ông đã nghe danh sư, nên khi biết sư đến Tương Dương, ông liền đến thăm hỏi và đối luận. Vừa ngồi yên, ông tự xưng:

– Tứ Hải Tập Tạc Xỉ!

Sư liền đáp:

– Di Thiên Thích Đạo An!

Người bấy giờ cho đây là câu đối đáp tuyệt diệu.

Sư chú sớ các bộ kinh, sợ rằng không khế hợp với chân lí, liền phát nguyện: “Nếu chỗ chú sớ này không xa đạo lí, nguyện cho tôi thấy điềm lành!”

Sư liền mộng thấy có một vị đạo nhân tóc bạc, mày dài đến nói với sư:

– Ông chú thích kinh rất hợp với đạo lí, ta không vào Nê hoàn[3], sẽ ở Tây Vức để giúp ông truyền bá rộng rãi bộ kinh này. Ông phải thường thiết trai để cúng dường ta!

Sau đó, bộ luật Thập Tụng xuất hiện, Viễn công mới biết vị mà Hòa thượng thấy trong mộng chính là ngài Tân đầu lô phả la đọa.

Đến ngày 27 tháng giêng niên hiệu Kiến Nguyên thứ 21 đời Tần (365), bỗng có một vị tăng kì lạ, dung mạo xấu xí vào chùa xin nghỉ qua đêm. Nhưng trong chùa các phòng ốc đã chật, chỉ còn lại giảng đường. Đêm đó, vị duy na trực chánh điện, thấy vị tăng này ra vào từ cửa sổ phía sau, ông vội vàng đến thưa với sư. Sư kinh ngạc đến đỉnh lễ và hỏi:

– Ngài đến đây có việc gì?

Vị ấy đáp:

– Tôi vì ông mà đến đây!

Sư thưa:

– Tự nghĩ mình tội nặng, há có thể độ thoát chăng?

Vị ấy đáp:

– Có thể độ thoát!

Sư hỏi đời sau mình sẽ sinh vào nơi nào. Vị ấy liền đưa tay vạch một đường giữa hư không về phía tây bắc, vầng mây mở ra, tất cả phúc báo vi diệu thù thắng ở cõi trời Đâu suất liền hiện. Vị ấy lại bảo:

– Phải tắm thánh tăng mới được như sở nguyện!

Đồng thời vị ấy chỉ bày đầy đủ phương pháp tắm thánh tăng. Sau đó, sư sắp đặt mọi việc như lời chỉ dạy, bỗng thấy có vài chục trẻ nhỏ vào chùa. Trong chốc lát lại nghe tiếng nước chảy trong phòng tắm, lát sau liền ngưng. Sư mở cửa phòng tắm ra, thấy khăn ướt, nước cũng vơi đi.

Đến ngày mồng 8 tháng 2 năm đó, sư bảo đại chúng:

– Ta phải đi đây!

Hôm đó, sư không bệnh mà thị tịch. Tháp sư được xây ở chùa Ngũ Cấp trong kinh thành. Đó là năm Thái Nguyên thứ 10 (386) đời Tấn.