Tổ tiên của Ngài vốn là người nước Khương Cư, sau này qua định cư sống tại Thiên Trúc. Người cha vì việc buôn bán, nên di cư sang Việt Nam (Giao Châu). Vì vậy, Ngài được sanh ra tại Việt Nam (Giao Châu). Lúc lên mười tuổi, cha mẹ đều qua đời. Mãn hạn tang chế, Ngài quyết chí xuất gia làm tăng. Trong tăng chúng, Ngài gắng sức tu hành, không giải đãi chút nào. Ngài dùng tâm nhu hòa nhã nhặn mà đối xử với người khác. Dẫu có kiến thức rộng, Ngài vẫn luôn dốc chí tu học. Đối với ba tạng kinh, luật, luận Ngài đều liễu ngộ thấu triệt. Đối với thư, thi, dịch, lễ, xuân thu của Nho giáo cùng các điển tích khác, Ngài đều am tường hiểu rõ. Ngoài ra, về thiên văn, địa lý, và các loại thư tịch, Ngài đều thông suốt. Biện tài mẫn tiệp, văn chương lưu loát.
Đương thời, vùng Giang Nam do Ngô Tôn Quyền khống chế. Phật giáo chỉ vừa truyền đến nơi đó, nên sự giáo hóa chưa được mở rộng. Vì quyết chí làm Phật pháp hưng thịnh, nên Ngài từ Việt Nam (Giao Châu) sang đến Giang Nam xây chùa tạo tượng Phật. Vào niên hiệu Xích Điểu thứ mười (247), Ngài đến Kiến Nghiệp (Nam Kinh, kinh đô của nhà Ngô), xây am tranh, lập tăng phòng, tạo tượng Phật.
Vì Phật giáo mới được truyền vào, nên dân chúng chỉ hiểu Phật pháp qua những lời truyền tụng của các sa môn thường du hành khất thực. Do đó, ít có ai lãnh hội được nghĩa lý Phật pháp, và rất ít người biết đến công hạnh xuất gia làm sa môn. Một ông quan nọ đã từng tâu với Ngô Tôn Quyền:
- Những người Thiên Trúc từ phương tây đến, rồi tự xưng là sa môn. Dung mạo y phục đều khác với người Tàu. Xin Điện Hạ hãy thẩm tra những hành động cử chỉ của họ.
Ngô Tôn Quyền bảo:
- Trẫm đã từng nghe xưa kia Hán Minh Đế mộng thấy thần nhân, danh xưng là Phật. Những hành vi cử động của các sa môn đó, chẳng giống với đạo phong của Phật sao?
Ngô Tôn Quyền sau này triệu Ngài vào kinh để chất vấn:
- Sa môn các ngài tu hành theo Phật giáo, có được những điềm linh ứng gì?
Ngài nói:
- Đức Như Lai nhập diệt đã hơn một ngàn năm, mà xá lợi lưu lại đến ngày nay, vẫn hiển hiện bao điềm linh diệu. Xưa kia, vua A Dục đã từng kiến tạo tám mươi bốn ngàn ngôi tháp để thờ xá lợi. Tháp tự chính là biểu thị cho sự giáo hóa của Phật pháp.
Nghe qua những lời đối đáp này, Ngô Tôn Quyền cho rằng đó chỉ là những lời nói khoác, nên ra lịnh, bảo:
- Nếu Ngài cầu được xá lợi, thì Trẫm cho phép kiến lập tháp tự. Nếu có điều chi dối trá, Trẫm sẽ y theo quốc pháp mà trị tội!
Nghe như thế, Ngài định ước với Ngô Tôn Quyền là trong kỳ hạn bảy ngày, sẽ cầu được xá lợi. Trở về chùa, nhận thấy việc này rất quan trọng, liên hệ tới sự tồn vong của Phật pháp, nên Ngài vân tập đồ chúng, bảo:
- Sự tồn vong và hưng thịnh của Phật pháp đều do việc khẩn cầu xá lợi. Nếu chúng ta không chí thành khẩn cầu xá lợi, thì e rằng Phật pháp khó mà lưu truyền tại vùng này!
Thế nên, Ngài cùng với các đệ tử quét dọn phòng ốc, tắm gội sạch sẽ, trai giới tinh nghiêm, rồi đặt một bình đồng để trên tòa cao, và thành tâm dâng hương, cầu nguyện xá lợi Phật hiển hiện oai linh.
Qua bảy ngày, chưa có điềm cảm ứng gì, nên Ngài đành xin khất thêm bảy ngày nữa. Đến ngày thứ mười bốn cũng chưa có điềm lành gì cả. Vì vậy, Ngô Tôn Quyền cho là Ngài đặt điều dối trá, nên định ra lịnh gia tội, nhưng Ngài lại quyết tâm cầu thỉnh hoãn thêm bảy ngày nữa, và được Ngô Tôn Quyền chấp thuận. Tới chiều ngày thứ hai mươi mốt mà cũng chưa thấy hột xá lợi nào. Đêm hôm đó, vào canh năm, đại chúng chợt nghe có tiếng leng keng trong bình đồng. Mở ra, thấy xá lợi đã xuất hiện trong đó. Sáng hôm sau, Ngài đem xá lợi chiếu năm màu rực rỡ trong bình, trình lên Ngô Tôn Quyền. Tất cả triều thần đều tụ hội để xem xá lợi. Họ chỉ thấy ánh sáng năm màu vi diệu tỏa ra từ trong bình đồng. Ngô Tôn Quyền tự tay cầm lấy bình chứa xá lợi, rồi đổ xá lợi lên mâm đồng. Hạt xá lợi vừa rơi xuống thì mâm đồng liền bị bể tan. Chứng kiến tận mắt việc này, Ngô Tôn Quyền kinh hãi, khởi tâm cung kính, nói:
- Thật là điềm hy hữu!
Ngài bèn bảo:
- Oai thần xá lợi chẳng phải chỉ có tỏa sáng năm màu thôi. Dẫu bỏ vào lửa, lửa không thể đốt cháy. Dẫu có dùng chày kim cang đập mãi, nhưng không thể nào làm tan nát!
Nghe lời này, Ngô Tôn Quyền để xá lợi trên cái đe bằng sắt, rồi sai đại lực sĩ dùng chùy sắt mà đập. Bấy giờ, Ngài khấn niệm:
- Phật pháp vừa hiển lộ. Thiên hạ vừa mới sanh tâm ngưỡng mộ ân trạch của chánh giáo. Ngưỡng vọng đức Thế Tôn từ bi thị hiện thêm thần tích oai linh cảm ứng!
Đại lực sĩ đập mãi, mà chỉ thấy cái đe bị lún xuống, còn xá lợi thì không sứt mẻ chút nào, và vẫn tỏa ánh hào quang sáng ngời. Thấy điềm linh dị rõ ràng, Ngô Tôn Quyền tán thán vô ngần, rồi bèn ra lịnh cho xây tháp tự ngay lập tức. Đó là ngôi chùa đầu tiên được kiến lập tại Giang Nam, được gọi là Kiến Sơ, cũng gọi là Kiến Phật. Ngô Tôn Quyền cũng đổi tên vùng đất xung quanh chùa là Phật Đà Lý. Phật pháp nhờ đó mà phát khởi hưng thạnh.
Sau khi Ngô Tôn Quyền mất, Ngô Lâm lên chấp chính vào năm 256. Ngô Lâm chuyên quyền vô độ, giết hại tăng sĩ, đập phá chùa chiền, bức hại tín ngưỡng của quần chúng. Vì hành vi tàn ác, cuối cùng Tôn Lâm bị giết chết, và Tôn Hạo lên ngôi (264 280). Giống như Tôn Lâm, tánh tình của Tôn Hạo cũng thô bạo, kiêu căng, cùng lạm dụng quyền thế. Tôn Hạo ra lịnh phá rất nhiều đền miếu, và đốt phá chùa chiền. Ngô Tôn Hạo bảo với quần thần:
- Chùa chiền Phật giáo sao lại được lập nhiều quá lắm? Nếu giáo nghĩa Phật giáo tương hợp với thánh điển thì có thể phụng hành và bảo tồn. Nếu chỉ là hư ngụy thì phải nên đốt sạch.
Quần thần bèn phân trần ngăn cản:
- Oai thần Phật lực vô biên. Đức Phật không đồng với những dị thần khác. Ngài Khương Tăng Hội dùng tâm chí thành mà cảm chiêu điềm lành linh ứng, nên Ngô Đại Đế mới cho xây chùa chiền. Nếu tùy tiện mà hủy hoại, thì e rằng sau này hối hận không kịp!
Nghe quần thần can gián, Ngô Tôn Hạo không biết thật hư, nên phái đại thần Trương Dục đến chùa Kiến Sơ, chất vấn ngài Khương Tăng Hội. Vốn là kẻ cơ trí biện tài, trước khi đến chùa, đại thần Trương Dục chuẩn bị những câu hỏi hiểm hóc, hầu mong làm xấu mặt ngài Khương Tăng Hội trước đại chúng. Tuy nhiên, Ngài tùy cơ ứng biến, đối đáp lưu loát, chẳng có chút gì thua kém. Bàn luận mãi từ sáng đến tối, Trương Dục vẫn không thể khuất phục nổi Ngài, nên đành phải cáo từ. Vừa bước ra cổng chùa, Trương Dục thấy một ngôi miếu ngay bên cạnh của chùa, nên bèn hỏi:
- Chánh giáo Phật pháp đã đắc được nhân tâm. Sao ngôi miếu đó lại còn nằm kế bên chùa chiền, khiến làm ô uế sự giáo hóa của Phật pháp?
Ngài bảo:
- Ví như sét đánh sấm nổ, khiến núi non tan vỡ. Tuy nhiên, đối với kẻ điếc, họ không nghe được âm thanh gì cả. Vì vậy, vấn đề là chẳng phải ở nơi tiếng sấm sét vang to hay nhỏ. Vạn vật nếu hòa cùng trời đất, thì dẫu có cách xa muôn dặm, cũng vẫn có điềm cảm ứng. Vì những ngôi đền miếu đó không đi đúng với chánh đạo, nên dẫu gần kề trong gang tấc mà không có cảm ứng được gì.
Trở về, Trương Dục thuật lại những lời đối đáp cho Ngô Tôn Hạo nghe, và tán thán Ngài là một vị tài trí cao nhân đệ nhất. Dẫu nghe như thế, Tôn Hạo vẫn không tin phục, nên hội tập quần thần và hiền sĩ tại triều đình, rồi cho người đem xe đi rước Ngài vào cung để chất vấn, hầu mong làm nhục Ngài trước bá quan văn võ. Ngài vừa đến, Tôn Hạo bèn hỏi:
- Nghĩa lý về thuyết nhân quả báo ứng của Phật giáo như thế nào?
Ngài đáp:
- Hiền minh quân chúa dùng nhân từ bác ái mà huấn dụ răn nhắc người đời, và dùng đạo đức nhân hòa để giáo hóa cùng trưởng dưỡng vạn vật. Gió hòa mưa thuận, vạn vật tốt tươi sinh sôi nẩy nở đều nhờ làm lành mới có báo ứng điềm lành, còn làm ác thì không bao giờ có được như thế. Dẫu người đời không ai biết mình làm việc quấy, nhưng không thể trốn khỏi tai mắt của lưới trời, và cuối đời sẽ bị quỷ thần tru diệt. Làm việc ác mà người người đều biết, thì nhất quyết sẽ bị người giết hại. Kinh Dịch nói: "Tích thiện dư khánh", và Kinh Thi cũng nói: "Cầu thiện bất hồi". Đây là thư điển của Nho giáo, nhưng cũng tương đồng với những lời giáo huấn của Phật pháp.
- Đạo lý này thật đúng, nhưng Chu Công, Khổng Tử đã từng chỉ dạy rõ rồi, thì giáo huấn của Phật đà còn tồn tại để làm gì?
- Các thuyết của Chu Công, Khổng Tử chỉ bàn về những việc thiển cận mà thôi. Lý thuyết của Phật giáo u huyền, thâm sâu vi tế. Phật thường dạy rằng nếu người đời làm việc ác thì sẽ đọa vào địa ngục chịu bao thống khổ, và nếu họ thường hành việc thiện thì sẽ sanh lên cõi trời hưởng bao sự an lạc sung sướng dài lâu. Việc khuyến tấn làm lành tránh ác chẳng phải là vấn đề trọng yếu sao?
Tôn Hạo bị Ngài hỏi ngược lại, mà chẳng có lời chi để đối đáp, nên đành tạm bãi trào. Tuy ông ta đã nghe chánh pháp, nhưng chẳng hiểu chi hết, và cũng không biết sám hối sửa đổi. Ngài than với tăng chúng:
- Tôn Hạo tánh tình thô bạo. Thật không có cách nào để giảng giải về nghĩa lý thâm sâu áo diệu của Phật pháp, hay khuyên nhủ báo ứng nhân quả cho ông ta nghe được. Tâm của ông ta trước sau vẫn u mê mờ mịt!
Lần nọ, các vệ sĩ trong vườn thượng uyển đào lên được một tượng Phật bằng vàng cao vài mươi thước. Tôn Hạo hay tin, bèn sai bọn họ để tôn tượng Phật nơi chỗ bất tịnh. Vào ngày lễ Phật đản, tức mồng tám tháng tư, thường có hội lễ tắm Phật. Vào ngày đó Tôn Hạo đến chùa cố ý làm nhơ tượng Phật, tự bảo: "Trẫm tắm Phật!" rồi cười riễu cợt với quần thần. Sau này, Tôn Hạo đột nhiên bị bịnh phù thủng đau nhức nhối, và âm bộ cũng bị sưng phù, khiến rên xiết kêu trời, nên cho vời thái sử vào chiêm bốc. Thái sử tâu:
- Đây là bịnh do phạm đến chư đại oai thần!
Tôn Hạo lập tức sai người đi cầu đảo tại các đền miếu, nhưng bịnh trạng vẫn không thuyên giảm chút nào. Đương thời, trong cung có một cung nữ rất chân thành tín phụng Phật pháp, nên bẩm tấu với Tôn Hạo:
- Xin Điện Hạ hãy đến chùa sám hối.
Bịnh tình đau khổ vô cùng cực, Tôn Hạo vẫn gắng gượng hỏi cung nữ:
- Pháp lực của Phật oai linh đến độ như vầy sao?
Cung nữ nói:
- Phật vốn là một bậc đại oai thần!
Nghe theo ý kiến của cung nữ, Tôn Hạo bèn sai người đem ra tôn tượng Phật bị ông ta làm ô nhiễm trước kia, và đặt tại cung điện, rồi cung kính dùng nước hương trầm mà tẩy uế cả chục lần. Kế đến, Tôn Hạo dâng hương sám hối, cùng quỳ lạy, khẩn thành tự trần thiết những tội trạng. Nhờ vậy mà bịnh tình thuyên giảm rất nhiều. Tôn Hạo bèn đến chùa, thỉnh cầu Ngài thuyết pháp. Ngài cũng tùy thuận theo ý ông ta mà giải thích cặn kẽ những điểm tinh yếu của luật nhân quả cùng tội phước. Tự thân chứng nghiệm được nhân quả báo ứng, nên Tôn Hạo mới hiểu rõ những lời huấn dụ, nên rất vui mừng, rồi cầu Ngài cho phép xem giới luật của sa môn. Ngài bảo rằng giới luật đó chỉ dành cho những người xuất gia, chứ người thế tục không thể khinh xuất xem được. Tuy nhiên, Ngài lấy ra một trăm ba mươi lăm lời nguyện trong kinh Bổn Nghiệp, rồi phân thành hai trăm năm mươi việc, để lúc đi đứng nằm ngồi, đều nguyện làm lợi ích cho chúng sanh, và đưa cho Tôn Hạo. Vừa xem qua những lời nguyện từ bi thiện ích đó, Tôn Hạo bèn cầu thỉnh Ngài truyền năm giới cấm. Vài ngày sau thì bịnh của Tôn Hạo thuyên giảm hoàn toàn. Từ đó, Tôn Hạo cho người sửa sang chùa chiền và đổi tên chùa của ngài Khương Tăng Hội thành chùa Thiên Tử. Ông lại hạ lịnh cho quần thần và tông quyến đồng tín phụng Phật pháp. Nhờ tự thân cảm nghiệm rõ sự linh ứng của nhân quả báo ứng và nhờ những lời giảng dạy của ngài Khương Tăng Hội, mà Tôn Hạo mới chuyển tánh hung bạo thành hiền lương. Tâm thức của ông ta cũng được khai mở.
Theo quyển 'Xuất Tam Tạng Ký Tập' thì ngài Khương Tăng Hội dịch những bộ kinh như sau: Kinh A Nan Niệm Di, Kính Diện Vương, Sát Vi Vương, Phạm Hoàng Vương, Đạo Phẩm, Lục Độ Tập, v.v... Ngoài ra, Ngài còn chú giải, soạn viết lời tựa cho kinh An Ban Thủ Ý, Pháp Cảnh, Đạo Thọ, v.v...
Ngài Đạo An có ghi: "Tích xưa, Nghiêm Phật Điều soạn Sa Di Thập Huệ Chương Cú. Khương Tăng Hội hội tập Lục Độ yếu mục, cùng kinh Ngô Phẩm".
Lục Độ Yếu Mục của ngài Khương Tăng Hội hiện nay vẫn còn: 1/ Bố Thí Độ Vô Cực Chương; 2/ Giới Độ Vô Cực Chương; 3/ Nhẫn Nhục Độ Vô Cực Chương; 4/ Tinh Tấn Độ Vô Cực Chương; 5/ Thiền Độ Vô Cực Chương; 6/ Minh Độ Vô Cực Chương. Đó là lục độ ba la mật mà bao ức kiếp trong đời quá khứ, đức Phật đã từng thật tiễn hành trì.
Trong các quyển kinh do Ngài dịch và chú giải hay soạn viết lời tựa, như kinh An Ban Thủ Ý, kinh Pháp Kính, kinh Tạp Thí Dụ, Tiểu Phẩm, v.v... văn từ rất điêu luyện tinh mật, khiến ai ai đọc qua cũng lấy làm thán phục. Ngoài ra, Ngài còn giảng giải về kinh Phạm Hoàng, Sát Vi Vương, Kính Diện Vương, A Nan Niệm Di.
Ngài Khương Tăng Hội tịch vào đời Tấn Võ Đế, niên hiệu Thái Khang nguyên niên (280).
Vào thời Tam Quốc, do sự phiên dịch và chú giải của ngài Khương Tăng Hội, tư tưởng Phật học được lưu truyền rộng rãi, và ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc tu học của quần chúng, cùng việc xây cất chùa chiền của chư tăng người Tàu.
Phật giáo ở đời Đông Hán như Sở Vương Anh hay Hán Hoàn Đế, chỉ hạn cuộc trong việc xây cất chùa chiền, tạo tượng Phật, hoặc hành sự theo những nghi thức cổ truyền, còn việc phiên dịch kinh điển thì chưa được phát triển cho lắm. Khởi đầu sự nghiệp phiên dịch kinh điển Tiểu Thừa là ngài An Thế Cao, và phiên dịch kinh điển Đại Thừa là ngài Chi Lâu Ca Sấm, mà kế thừa sự nghiệp này là ngài Khương Tăng Hội và Chi Khiêm. Những bộ kinh về thiền học và số học của ngài An Thế Cao sau này được kế thừa bởi các ngài An Huyền, Nghiêm Phật Điều, Nam Dương Hàn Lâm, Đãnh Xuyên Bì Nghiệp, Hội Kê Trần Huệ, Khương Tăng Hội, v.v...
Ngài Khương Tăng Hội xuất thân từ Việt Nam, lại thông suốt văn hóa cùng văn chương nước Tàu, nên lẽ đương nhiên là trong lúc phiên dịch kinh điển, ngài mong muốn dung hợp tư tưởng Phật giáo với tư tưởng người Tàu. Ví dụ, trong bài tựa về kinh An Ban Thủ Ý, ngài Khương Tăng Hội dùng rất nhiều thuật ngữ của Lão Trang.
Nhờ hai nhà đại dịch giả An Thế Cao và Chi Khiêm mà giáo lý Tiểu Thừa được lưu truyền rộng rãi. Ngoài ra, giáo lý Bát Nhã của Đại Thừa được khởi xướng từ hai nhà đại dịch giả là Chi Lâu Ca Sấm và Khương Tăng Hội.
Tuy cha mẹ gốc là người Khương Cư, nhưng ngài Khương Tăng Hội được sanh ra và trưởng thành ở Việt Nam (Giao Châu). Vì vậy, không giống với các vị thần tăng người Thiên Trúc, Tây Vực, v.v... ngài Khương Tăng Hội vốn là người Việt Nam, xuất gia đắc đạo, thắp lên ngọn đuốc thiền tông cùng giáo lý Đại Thừa ở Việt Nam, rồi dẫn chư đệ tử sang truyền bá Phật pháp ngay trên đất Tàu. Nhờ công lao của Ngài mà Phật giáo vùng Giang Nam mới được phát khởi hưng thạnh. Do đó, công nghiệp truyền bá Phật pháp của ngài Khương Tăng Hội ảnh hưởng lớn lao đối với lịch sử Phật giáo Trung Quốc. Ngọn đuốc chánh pháp do Ngài truyền sang, mãi mãi chiếu soi trong tâm thức của người Tàu. Dĩ nhiên, oai danh tài đức của Ngài đã tô đậm nét son vàng cho lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ngài là vị đại diện cho biết bao vị cao tăng khác ở Việt Nam sang Trung Thổ truyền bá chánh pháp, và dạy đạo cho các vua chúa cùng dân chúng người Tàu, như pháp sư Phụng Đình (vào giảng kinh trong cung vua Đường), pháp sư Duy Giám (sang giảng kinh trong cung vua Đường), v.v... Thật vậy, nhờ địa thế mà Phật giáo được du nhập vào nước Việt Nam sớm hơn nước Tàu. Điều này được cuốn Phật Giáo Việt Nam Sử Luận chứng minh rõ ràng:
"Trung tâm Luy Lâu (ở Giao Châu) được thành lập sớm nhất và trung tâm này đã làm bàn đạp cho sự thành lập các trung tâm Bành Thành và Lạc Dương ở Trung Hoa".
Bàn về địa thế, trong những năm dài tối tăm bị đô hộ, Việt Nam (Giao Châu) là thương cảng quan trọng nhất của đế quốc phương bắc từ đời Tiền Hán đến đời Đường (111 t.TL 907 s.TL). Theo thầy Thích Đông Sơ trong quyển Trung Ấn Phật Giáo Giao Thông Sử thì sự giao thương giữa nước Tàu và Ấn Độ vào những thế kỷ trước và sau tây lịch qua ba con đường chính: Thứ nhất là theo con đường lụa (silk route), tức là từ Ấn Độ, vượt ngọn Thông Lĩnh, đi về hướng đông, qua các nước ở Tây Vức như Kế Tân, Vu Điền, băng ngang các bãi sa mạc, rồi vào Cô Tạng hay Lương Châu, để đến Trường An hoặc Lạc Dương. Trên đất liền, đây là tuyến đường mà chư tăng người Ấn Độ thường dùng nhất. Thứ hai là từ Ấn Độ, đi ngang qua Miến Điện, rồi vào Vân Nam. Tuy nhiên, tuyến đường này rất ít người dùng đến. Thứ ba là đường biển. Xuất phát từ Ấn Độ Dương, các chư tăng người Ấn Độ hay Tây Vực thường theo thương thuyền mà đến Việt Nam (Giao Châu), trước khi vào đất Tàu. Ngoài ra, các nước ở Nam Hải như Phù Nam (Cam Bốt), Sư Tử (Tích Lan), v.v... và ngay cả đế quốc La Mã, muốn giao dịch với người Tàu đều phải đến Việt Nam (Giao Châu) bằng đường biển trước nhất, rồi mới đi vào lục địa. Theo sách truyện về nước Thiên Trúc cùng Tây Vực vào đời Hậu Hán (Hậu Hán Thư, Tây Vực Truyện, Thiên Trúc Truyện), viết: "Trong đời vua Hòa Đế (79 104), các nước Thiên Trúc cùng Tây Vực thường phái các đoàn sứ giả đem phẩm vật triều cống đến Nhật Nam".
Quyển truyện Đại Tần thứ tư viết: "Nước Đại Tần (nước Tàu) đã từng cùng với nước An Tức, Thiên Trúc giao thương với nhau bằng đường biển, mười phần đều có lợi ích. Các thương nhân cùng đoàn sứ giả thường đem ngà voi, sừng tê giác, v.v... đến Nhật Nam".
Nhật Nam tức là hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị của Việt Nam hiện nay. Đường Thư Địa Lý, tức là sách địa lý của nhà Đường (618 907) viết: "Những đoàn sứ giả và thương nhân thuộc các nước ở vùng Hải Nam, nằm về hướng nam và hướng tây nam của Giao Chỉ, hoặc cách năm dặm, năm ngàn dặm, trăm ngàn dặm. Họ thường dùng thương thuyền mang hàng hóa trao đổi, hay lễ vật triều cống, và đều tới thương cảng ở Giao Chỉ, từ đời Hán Võ Đế (206 t. TL) cho đến nay".
Lại nữa, theo hai ông Sylvain và Pelliot khảo cứu thì người Tàu và Ấn Độ khi giao thương với nhau đều lấy Việt Nam (Giao Châu) làm môi giới trung gian từ năm 245 trước tây lịch đến thế kỷ thứ bảy.
Ngoài ra, bấy giờ dân tộc Chàm (Champa) còn mạnh, và họ chịu ảnh hưởng rất sâu nặng về nền văn hóa của người Ấn Độ. Họ thường dùng sách vở bằng tiếng Phạn, và thông thạo tiếng Qua Oa (Java). Dân Việt Nam sống gần với họ nên lẽ dĩ nhiên là có rất nhiều người thông thạo tiếng Phạn, và tiếng Tàu. Do đó, các đoàn truyền giáo từ Ấn Độ sang thường tìm đến người Việt Nam để nhờ thông dịch hay phiên dịch kinh điển chữ Phạn ra tiếng Tàu. Các ngài cũng thường đến đó để học chữ Tàu rồi bắt đầu khởi xướng công việc phiên dịch. Vì vậy, chẳng lấy làm ngạc nhiên cho lắm có rất nhiều bản kinh cựu dịch thường được dịch tại Việt Nam.
Thế nên, nhờ có chư tăng người Ấn Độ liên tục qua vùng viễn đông truyền bá đạo pháp trong thời bắc thuộc, mà nền Phật giáo tại Việt Nam vào thời sơ kỳ được ảnh hưởng trực tiếp từ Phật giáo Ấn Độ. Điển hình, là đầu thế kỷ thứ nhất, chư tăng người Ấn Độ từ các trung tâm Phật giáo Đại Thừa ở vùng duyên hải đông Ấn Độ như Nagarunakonda và Amaravati thường theo các thương thuyền để đến vùng Đông Nam Á. Nếu muốn truyền bá Phật giáo vào nước Tàu, thì tất nhiên là các ngài phải đến Việt Nam (Giao Châu) trước nhất, rồi mới đi vào lục địa. Đến nơi, các ngài phiên dịch kinh điển, thành lập tăng đoàn, rồi từ từ truyền bá Phật pháp vào nước Tàu, Cao Ly.
Vì vậy, với địa thế thuận lợi, Việt Nam đã sớm tiếp thọ Phật giáo chánh truyền trực tiếp từ chư tăng người Ấn Độ trong thời bắc thuộc từ đời Tiền Hán cho đến đời Đường, rồi dùng nguồn sinh lực và lẽ nhiệm mầu của Phật pháp làm nơi nương tựa cho tâm linh, chứ không bị giáo điều Khổng Mạnh của người phương bắc nhồi nhét đồng hóa để làm nô lệ như những dân tộc khác. Chẳng những không bị đồng hóa mà các vị cao tăng người Việt Nam lại đem ngọn đuốc chánh pháp truyền vào tận triều đình của người Tàu.
Ngoài ra, trong ba thời kỳ bắc thuộc (111 tr.TL 39 s.TL, 43 544, 603 939), ở Việt Nam có rất nhiều vị cao tăng sang Thiên Trúc để tầm cầu Phật pháp, như thiền sư Vận Kỳ, ngài Mộc Xoa Đề Bà, pháp sư Khuy Xung, pháp sư Huệ Diệm, pháp sư Giải Thoát Thiên. Lại nữa, các chư tăng người Tàu cũng thường đến Việt Nam (Giao Châu) để lên thuyền sang Thiên Trúc và Tây Vực cầu pháp điển hình là thầy Huệ Mạnh, Đàm Nhuận, Trí Hoằng, v.v...
Tựu chung, nhờ hấp thụ tinh hoa của Phật pháp, nhất là thiền pháp, từ lúc ngài Khương Tăng Hội chú giải thiền kinh An Ban Thủ Ý, đến khi thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi (? 602) truyền bá cùng sáng lập thiền tông mà tư tưởng của dân tộc Việt Nam luôn được rèn luyện huân tập với ý chí tự lập kiên cường. Đây là điểm then chốt trưởng dưỡng hun đúc ý thức tự chủ, độc lập của dân tộc Việt Nam trong bao năm bị đế quốc phương bắc đô hộ, để rồi gặp thời điểm thuận tiện, giành lại chủ quyền vào năm 939.
Điển hình, nhờ tiếp thu tinh ba của Phật pháp, tại Việt Nam đã sớm xuất sanh những vị cao tăng tài đức, như Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh, Pháp Thuận, v.v... Các ngài đã hỗ trợ và làm quân sư cho những vị minh quân như Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ để lèo lái con thuyền quốc gia ra chốn bùn nhơ nô lệ, giành lại chủ quyền độc lập cho dân tộc, rồi xây dựng những triều đại nhân từ và hưng thịnh nhất trong lịch sử nước nhà, qua suốt bốn đời Đinh, Lê, Lý, Trần (939 1400).