Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Noi-Ve-‘Hoa-Nghiem-Gian-Su’-Va-Dien-Tich-Tinh-Tong

Nói Về ‘Hoa Nghiêm Giản Sử’ Và Điển Tịch Tịnh Tông
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả :Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

a. Sơ lược lịch sử kinh Hoa Nghiêm.

Kinh Hoa Nghiêm nguyên bản chỉ có một loại nhưng phân lượng rất lớn.  Cách người Ấn Ðộ tính toán kích thước một tác phẩm bằng cách dùng kệ tụng làm đơn vị. Nói một bài kệ hoặc một bài tụng đều có cùng một nghĩa, cứ tính bốn câu là một đơn vị.  Bất luận là kệ tụng, trường hàng hoặc mật chú đều dùng bốn câu thành một đơn vị; trong một đơn vị, số chữ chẳng giống nhau.  Kinh Hoa Nghiêm tổng cộng có mười vạn bài tụng, tức là bốn mươi vạn câu, phân lượng này rất lớn.

Ðặc biệt là vào thời cổ xưa, giấy chưa được phát minh, kinh điển được viết trên lá Bối (cây Bối đa la).  Lá cây được kết thành từng phiến từng phiến, thông thường trên một mặt có thể viết được bốn hàng đến sáu hàng, viết cả hai mặt.  Sau đó xoi lỗ ở hai đầu, dùng dây xỏ lại thành từng xấp, đây là phương thức kinh điển được làm thành thời xưa.  Bốn mươi bốn vạn câu phải cần rất nhiều lá Bối để chép, hơn nữa lá cây này có chiều dầy nhất định nên có thể thấy những cuốn kinh như vậy số lượng tương đối rất lớn.  Số lượng lớn như vậy rất dễ bị thất lạc, cho nên lúc được truyền vào Trung Quốc, kinh Hoa Nghiêm là một bản kinh bị khiếm khuyết chẳng đầy đủ.  Lần đầu tiên được truyền vào là vào triều nhà Tấn [khoảng năm 265-420], chỉ có ba vạn sáu ngàn bài tụng, chỉ bằng một phần ba của mười vạn bài kệ tụng, hai phần ba còn lại đã bị mất đi.  Ba vạn sáu ngàn bài kệ tụng này dịch sang chữ Hán tổng cộng thành sáu mươi quyển, bộ này được gọi là ‘Tấn Kinh’, hay gọi là ‘Lục Thập Hoa Nghiêm’.  Hiện nay vẫn còn lưu thông nhưng người đọc tương đối ít. 

Lần thứ nhì là vào triều nhà Ðường, khoảng năm Chứng Thánh, tức là lúc Võ Tắc Thiên chấp chánh, do Thật Xoa Nan Ðà đại sư (Siksananda 652-710) từ Tây Vực đem đến, so với lần trước thêm được chín ngàn bài tụng, tổng cộng có bốn vạn năm ngàn bài tụng, dịch ra thành tám mươi quyển, được xưng là ‘Bát Thập Hoa Nghiêm’.  Kinh văn tuy chỉ có bốn vạn năm ngàn bài tụng nhưng ý tứ chính của kinh Hoa Nghiêm đều đã có thể đọc thấy được.  Thế nên ngày nay chúng ta đọc kinh Hoa Nghiêm, có khi đọc đến một đoạn nào đó, ý tứ chưa hết thì kinh văn đã chấm dứt là vì bị thiếu mất [như kể ở trên].  Nguyên bản Phạn văn của kinh Hoa Nghiêm đã bị thất truyền, hiện nay bản được bảo tồn đầy đủ nhất vẫn là bản dịch sang Hoa văn.

Lần thứ ba là khoảng năm Trinh Nguyên, đời Ðường Ðức Tông (795), Ấn Ðộ có một nước nhỏ [60] triều cống [lễ vật] cho Trung Quốc.  Trong lễ phẩm có một bộ ‘Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm’, kinh văn hoàn chỉnh chẳng bị thiếu khuyết, vô cùng trân quý.  Do cao tăng Ấn Ðộ pháp sư Bát Nhã dịch sang Hoa văn, tổng cộng có bốn mươi quyển, được gọi là ‘Tứ Thập Hoa Nghiêm’.  Cho nên Tứ Thập Hoa Nghiêm tức là Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm.  Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm trong Bát Thập Hoa Nghiêm chiếm hết hai mươi mốt quyển, chỉ có khoảng phân nửa của bốn mươi quyển.  Do đó rõ ràng là vào đời Ðường, Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm đã bị thiếu hết phân nửa, đến năm Trinh Nguyên mới được thêm đầy đủ.  Cho nên hiện nay kinh Hoa Nghiêm mỗi phẩm đều bị thiếu chỉ có Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm là đầy đủ mà thôi.  Hoằng Nhất đại sư dạy chúng ta phương pháp học tập, đọc Bát Thập Hoa Nghiêm đến quyển năm mươi chín xong thì đọc tiếp Tứ Thập Hoa Nghiêm, cộng chung thành chín mươi chín quyển.

Sau khi Bát Thập Hoa Nghiêm được phiên dịch xong, triều đình thỉnh Trừng Quán pháp sư (tức là Thanh Lương quốc sư, 738-839) viết chú giải cho kinh này, chú giải này được gọi là Sớ.  Sau khi Sớ này viết xong lúc đó có nhiều người vẫn cho rằng Sớ này còn quá thâm áo, sợ hàng hậu học chẳng hiểu nổi cho nên Thanh Lương quốc sư vô cùng từ bi lại viết thêm cuốn ‘Tùy Sớ Diễn Nghĩa Sao’.  Sớ là chú giải cho kinh.  Sao là chú giải cho Sớ, tức là chú giải cho chú giải, cách này rất có ích cho người đời sau học tập kinh Hoa Nghiêm.  Thanh Lương quốc sư chỉ viết Sớ chứ chẳng viết Sao cho Tứ Thập Hoa Nghiêm.  Nhưng nếu bắt đầu học tập từ Bát Thập Hoa Nghiêm, có cơ sở của năm mươi chín quyển đầu, sau đó đọc Tứ Thập Hoa Nghiêm Sớ sẽ chẳng cảm thấy khó khăn.

Cư sĩ Lý Thông Huyền (635-730) đời Ðường, người đời sau xưng ngài là Lý Trưởng Giả, là người trong hoàng tộc, tuy chẳng xuất gia nhưng sinh sống một cuộc đời thanh tâm ít dục của những bậc tu hành, cảnh giới rất cao, thần thông cảm ứng cũng chẳng thể nghĩ bàn.  Ngài phát tâm viết chú giải cho kinh Hoa Nghiêm, quyển này được gọi là Hoa Nghiêm Kinh Hợp Luận.

Hiện nay chú giải của hai người nói trên là tài liệu tham khảo tất yếu cho những người nghiên cứu kinh Hoa Nghiêm.  Phương thức chú giải của hai người này khác nhau, Thanh Lương quốc sư thì chú giải cho từng câu kinh văn, đây là phương thức của Sớ Sao;  Lý Trưởng Giả thì viết chú giải cho từng đoạn, luận là thảo luận, phát huy điểm quan trọng trong cả khoa, cả đoạn, đây là phương thức của Luận.  Sớ Sao đối với những người học Giáo rất có ích lợi, nhưng người tu hành thích nêu ra những điểm trọng yếu, chẳng thích giảng từng câu, cho nên có phần thích cuốn Hợp Luận nhiều hơn.  Do đó những người tham thiền trong Tông Môn rất thích Hợp Luận; những người nghiên cứu và giảng kinh thì lại thích Sớ Sao nhiều hơn.  Tóm lại thì Luận có ưu điểm của Luận, Sớ Sao có chỗ hay của Sớ Sao.

Ðầu đời nhà Thanh, phương trượng chùa Dũng Tuyền ở Cổ Sơn, Phước Châu là Ðạo Bái Thiền Sư đem Sớ và Luận kết hợp lại làm thành Sớ Luận Toản Yếu.  Chỉ thú của Sớ và Luận chẳng giống nhau, có thể dung hợp lẫn nhau đích thật chẳng dễ.  Sớ Luận Toản Yếu đối với người mới học Hoa Nghiêm rất có ích, cuốn này có thể nói đã đem những bộ phận tinh yếu của Sớ Sao và Hợp Luận hội tập lại với nhau, rất tiện lợi cho người sơ học.  Nhưng nếu chân chánh muốn thâm nhập thì vẫn phải đọc toàn bộ Sớ Sao lẫn Hợp Luận.

b. Ðiển Tịch Tịnh Tông

Tu học pháp môn Tịnh Ðộ nhất định phải quen thuộc với điển tịch Tịnh Tông, tức là Ngũ Kinh Nhất Luận.  Ngũ kinh gồm có kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, kinh A Di Ðà, Chương Ðại Thế Chí Bồ Tát Viên Thông [trong kinh Lăng Nghiêm], và Phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện [trong kinh Hoa Nghiêm];  Nhất luận là Vãng Sanh Luận, tổng cộng gồm có sáu thứ.  Phải hiểu rõ tánh chất của mỗi thứ này thì tu học mới biết hạ thủ ở nơi nào.

Kinh luận Tịnh Tông lấy kinh Vô Lượng Thọ làm chủ yếu, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật bổ sung cho kinh Vô Lượng Thọ; kinh A Di Ðà chủ yếu là khuyên tín, khuyên nguyện.  Trong kinh A Di Ðà, đức Phật ba lần khuyên nguyện, khuyên chúng ta phải phát nguyện cầu sanh Tây phương Cực Lạc thế giới.  Sáu phương Phật khuyên chúng ta phải nên tin kinh này, ba lần khuyên phát nguyện, đức Phật đúng là đau lòng rát miệng.  Thế nên rất nhiều người tụng kinh Di Ðà vào khóa tụng sáng tối là có đạo lý của nó.

Có thể nói chương Ðại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông là Tâm Kinh của Tịnh Ðộ Tông.  Phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện cũng bổ sung cho kinh Vô Lượng Thọ.  Vì kinh Vô Lượng Thọ vừa mở đầu có đoạn ‘đều cùng tuân tu theo đức hạnh của Phổ Hiền Ðại Sĩ’ [61], đức hạnh của Phổ Hiền Ðại Sĩ là Mười nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát nói trong phần cuối của Phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện, đây là bổ sung cho Phổ Hiền Ðại Sĩ chi đức, như vậy thì Tịnh Tông điển tịch đã viên mãn.  Vãng Sanh Luận là báo cáo tâm đắc tu học của Thiên Thân Bồ Tát, có thể làm thị phạm cho chúng ta.  Hiểu rõ tính chất của sáu điển tịch này thì tu học mới biết hạ thủ nơi nào, có thể làm cho người tu học có lòng tin kiên định, chân chánh làm được ‘chẳng hoài nghi, chẳng xen tạp, chẳng gián đoạn’, được vậy thì nhất định sẽ thành tựu.

_________________
[60] nước Ô Trà (Odra), nước cổ ở Đông Ấn Độ, nay là Orissa

[61] (hàm cộng tuân tu Phổ Hiền Ðại sĩ chi đức)
 
Trích từ: Học Vi Nhân Sư Hành Vi Thế Phạm
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Học Phật Tức Là Học Làm Người
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Làm Đệ Tử Di Đà
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Mở Rộng Tâm Lượng Bao Dung Kẻ Khác
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Phương Pháp Tu Hành
Hòa Thượng Thích Tịnh Không