Các tôn giáo lớn đều đồng nhất trên quan điểm Thượng đế là sáng tạo chủ vạn vật bao quát hữu tình và vô tình, trong đó loài người là sáng tạo vật chính yếu, ngài cũng tạo ra các phụ tá được gọi là thiên thần giúp ngài trông coi các việc thưởng thiện phạt ác qua các hành vi của loài người, người nào tin và tuân thủ theo quy luật của Thượng đế sẽ được về cõi thiên đường của ngài.
Riêng đạo Phật phủ nhận sự sáng tạo của Thần, vì cho rằng thế gian này chỉ là giả hữu không thật như bóng trăng dưới nước, như cảnh trong mộng, thế gian đã không thật hữu tất nhiên không thể do ai sáng tạo được, ngoài sự ảo tưởng. Vì vậy cứu cánh của đạo Phật là giác ngộ, có nghĩa nhận ra cái thấy thế gian và ngã là thực chỉ là ảo tưởng, nhờ đó thấy biết mọi sự thật về bản thân và thế giới, đây là điểm khác biệt triệt để giữa đạo Phật và mọi tôn giáo.
Giác ngộ và giải thoát.
Đức Phật tuyên thuyết "như nước trong biển cả chỉ có một vị mặn, đạo ta cũng chỉ duy có vị giải thoát".
Giác ngộ và giải thoát là hai điều không thể tách rời với đạo Phật, cứu cánh của đạo Phật không hề là về cõi Phật vĩnh cửu, mà là giác ngộ sự thật về vạn vật, giác ngộ đưa đến nhận chân ra hai vấn đề, thứ nhất sự thật về ngã và thế giới chỉ là mộng ảo, nhờ vậy chấm dứt khổ luân hồi, thứ hai sự thật về ngã và cảnh giới, ngã giác ngộ ấy tức Phật, cảnh chân thật ấy tức niết bàn, do vậy dẫn đến giải thoát. Dứt luân hồi chứng niết bàn gọi là giải thoát, giải thoát là cứu cánh tự tại vô ngại, không còn dựa vào bất kì ai dù đó là Phật hay Thượng đế hoặc lệ thuộc vào cõi nào để được an lạc dù đó là tịnh độ hay thiên đường, vì sự thật được giác ngộ đó chính là thật pháp có sẵn đủ sự an lạc, thanh tịnh, vĩnh hằng của chân ngã và không có gì ngoài thật pháp này, đó là sự cứu cánh giải thoát. Để con người có thể hình dung được sự giác ngộ và giải thoát vô thượng này, đạo Phật phương tiện gọi người giác ngộ giải thoát là Phật, và cõi Phật là niết bàn, tuy nhiên do vọng thức phân biệt chúng sinh lại hiểu lầm ngoài Phật ra là chúng sinh, ngoài niết bàn là thế gian. Trên lập trường đệ nhất nghĩa đế thì Phật với niết bàn là một, là nhị báo trang nghiêm của bản tâm và là thật pháp duy nhất, do niết bàn vô trụ nên đâu cũng là, Phật là thật pháp biến khắp mọi nơi nên không đâu không là, hơn nữa Phật và niết bàn không hai nên chẳng có gì ngoài Phật và niết bàn, có chăng chẳng qua chỉ vì mộng nên vô trung sinh hữu, từ không thành có. Thế nên Tuệ Trung thượng sỹ nói "khi mơ lắm nỗi, lúc tỉnh toàn không", do vô minh như kẻ nhập mộng thấy toàn thứ huyễn hóa, tỉnh giấc mộng tan chẳng thấy còn lại một thứ gì ngoài không. Thiền tông lục tổ Huệ Năng cũng xác nhận "xưa nay không một vật".
Giác ngộ là chứng được cứu cánh giải thoát và giải thoát là giác ngộ được thật pháp còn gọi là bản tâm sẵn đủ bốn đức "thường lạc ngã tịnh". Mọi cảnh giới đều do tâm sinh, chúng sinh mê muội bỏ tâm cầu cảnh, chung cục vẫn sinh vào cảnh của tâm mà không thể sinh vào cảnh được cầu. Người chứng được bản tâm tất sinh về cảnh giới bao gồm bốn đức của bản tâm gọi là niết bàn, dĩ nhiên niết bàn không nằm ngoài bản tâm vì thế niết bàn tự thành mà chẳng cần cầu, đến niết bàn còn chẳng cầu nói gì đến cầu sinh tịnh độ hay thiên đường, lại bản tâm là chính báo của Phật, chứng bản tâm thì Phật tự thành, Phật đã thành thì còn cần dựa vào Phật hay Thần sáng tạo nào nữa đây. Cả nhị báo đều thù thắng đầy đủ bốn đức, đó là chỗ cùng tột vô thượng của giác ngộ và giải thoát. Do vậy ngoài bậc giác ngộ và đạo Phật ra không một quỷ thần hay tôn giáo nào biết đến sự giải thoát và giác ngộ, đó là lý do quy y Phật không quy y thiên thần quỷ vật.
Khi hiểu rõ về giá trị giải thoát của giác ngộ cũng như Phật có nghĩa giác ngộ, tất nhiên mọi thứ giáo pháp không nhắm đến giác ngộ đều không đúng thật là đạo Phật.
Bồ tát duyên khởi.
Tuy đạo Phật là đạo giác ngộ nhưng ngay trong hàng ngũ Phật giáo đồ chỉ thiểu số rất ít người biết và hâm mộ pháp giải thoát, đó là những người hy hữu làm được việc khó làm, những người phát tâm bồ đề gọi là Bồ đề tát đỏa, nói tắt là Bồ tát. Ngoài đức Phật chỉ có Bồ tát mới biết đến giác ngộ và giải thoát, Bồ tát là các tín đồ đặc biệt tu tập mọi công đức giác ngộ của đạo Phật, muốn tu công đức điều tiên quyết phải phát tâm bồ đề, trên cầu trí huệ thành Phật, dưới phát khởi từ bi độ hóa chúng sinh, vì vậy phàm bất kỳ ai phát tâm bồ đề đều được gọi là Bồ tát, và như vậy tâm bồ đề là mẹ sinh ra Bồ tát, và cha là chư Phật, chẳng bao giờ có Bồ tát nào không cha không mẹ.
Tín đồ đạo Phật có thể chia làm hai hạng. Hạng chuyên cầu phúc báo thế gian và hạng phát tâm vô thượng cầu giải thoát xuất thế gian.
Chiếm tuyệt đại đa số trong hàng ngũ tín đồ là xu hướng chuyên tu phúc báo thế gian, do nơi không đủ trí huệ công đức tiếp thu chính pháp từ đức Phật, tâm địa lại yếu hèn nên không thể phát tâm độ sinh cầu giải thoát, chỉ lấy sự thờ phụng đức Phật cùng hành thiện tránh ác qua loa làm phương tiện tích tập phúc báo thế gian cho bản thân, nên thuộc về thế gian Phật pháp, không phải cứu cánh của đạo Phật, do chỉ cầu phúc báo thế gian mà không cầu giải thoát, nên toàn bộ tăng tục theo xu hướng này đều bị coi là hàng thế tục phàm phu. Muốn biết thế nào là phàm phu hễ thấy có cha là Vô minh, mẹ là vọng tâm, sinh và trú quán là tam giới, lục đạo, cõi nước tên Ta bà thì đó đích thực là phàm phu.
Hạng thứ hai rất hy hữu khó được, do lãnh hội được sự khai thị của đức Phật, phát tâm vô thượng, cầu được giác ngộ giải thoát, lấy độ sinh làm phương tiện tích tập công đức giác ngộ, tùy vào công đức nhiều ít mà có các vị Bồ tát từ sơ phát tâm đến Bồ tát, rồi Bồ tát ma ha tát, công đức độ sinh càng nhiều lực trí huệ và từ bi càng lớn nên gọi là đại. Khác với thiên thần do Thượng đế tạo ra, các vị Bồ tát do công đức phát tâm độ sinh tạo thành mà không do đức Phật tạo ra, vì vậy Bồ tát nói tắt của Bồ đề Tát đỏa có nghĩa là một người phát tâm đại đạo, tức vô thượng tâm hay bồ đề tâm, Bồ tát và phàm phu chỉ cách nhau ở một tâm, mê và ngộ, Tam tổ Tăng Xán giải thích hễ tâm mê ắt thấy có mọi sai khác, và mê sinh mọi vấn đề phải tính toán lựa chọn, ngài nói "nhất thiết nhị biên, vọng tự châm chước", mọi pháp đối đãi nhị biên như vui buồn, được mất đều do nơi tính toán so đo phát sinh, nếu tâm không mê tức ngộ sẽ thấy duy nhất chỉ có một, không hề có hai để chọn lựa, và như thế làm gì có vấn đề nào để giải quyết nên được tự tại giải thoát, ngài nói "tâm nhược bất dị, vạn pháp nhất như". Bồ tát tâm ngộ nên trí huệ và từ bi, được tự tại giải thoát, phàm phu tâm mê nên ngu muội và ích kỉ, bị trói buộc phiền não, đó là vì trí huệ và từ bi là tính đặc thù thanh tịnh sẵn có của bồ đề tâm mà phàm tâm không có được, khi mê mất bản tâm thì đồng nghĩa với mê mất toàn bộ mọi thứ công đức sẵn đủ trong bản tâm như trí huệ, từ bi, thanh tịnh niết bàn giải thoát, vân vân, đổi lại là si mê, ích kỷ, ô nhiễm trói buộc, như khi ánh sáng bị che khuất thì chỉ còn có bóng tối.
Các vị đại Bồ tát là các hộ pháp hỗ trợ đức Phật giáo hóa chúng sinh nhận ra thật pháp giác ngộ, đều là những vị có nhân duyên với chư Phật trong quá khứ, được khai mở Phật tri kiến, phát vô thượng tâm độ sinh ra khỏi bờ mê bến mộng. Hàng phát tâm cầu giác ngộ hiếm có như trầm so với hàng cầu phúc báo nhiều như than củi. Muốn biết đâu là một Bồ tát, hãy xem xét nếu có cha là Pháp vương, mẹ là tâm bồ đề, sinh và trú quán là vô trụ niết bàn, cõi nước tên là Thật pháp thì đó chính là thật Bồ tát.
Đức Phật không sáng tạo bất cứ thứ gì, vì dưới Phật nhãn của chư Phật mọi thứ thuộc thế giới này cùng với mọi sáng tạo vật đều là thứ sinh diệt huyễn hóa giả hữu, thực chất các pháp đều được sáng tạo cùng sinh ra từ sự hòa hợp của các yếu tố nhân duyên, và đều phải trải qua bốn tiến trình sinh trụ dị diệt của vô thường huyễn hóa, đó là lý do đức Phật không phải là đấng sáng tạo ra mọi thứ huyễn hóa không thật được gọi là thế gian.
Vì sao đức Phật không trực tiếp cứu khổ cứu nạn, độ sinh mà phú chúc cho các vị đại Bồ tát?
Đối với hầu hết đồ chúng sau khi đức Phật niết bàn, ngài không còn hiện hữu ở thế gian, theo tiểu thừa việc giáo hóa chúng sinh được giao cho các đại A La Hán, và theo đại thừa thì phú chúc cho các vị đại Bồ tát. Sở dĩ phân chia làm tiểu và đại thừa là căn cứ theo sự phát tâm và động lực cầu giải thoát. Tiểu thừa hành giả chán bỏ thế gian đã đầy dẫy khổ đau lại vô thường huyễn ảo nên phát tâm yếm ly cầu giải thoát. Đại thừa hành giả nhận ra tính giác của sự giải thoát ở ngay tâm mình và nhất thiết chúng sinh là bản chất thật, nên phát tâm cầu giác ngộ cho mình và người, tâm này gọi là tâm bồ đề, cầu cho tự thân giác ngộ gọi là trên cầu thành Phật, lại cầu cho chúng sinh đều thành Phật quả gọi là dưới cứu tận chúng sinh, cả ta và muôn loài đều nhờ tâm này mà đồng thành Phật đạo nên gọi là tâm giác ngộ thành Phật cho mọi hữu tình, không gì không thành Phật, do vậy tâm bồ đề được tôn xưng là tâm vô thượng.
Tiểu thừa hành gỉa phát tâm chán bỏ bờ tham si vô thường cầu sang bờ giác ngộ chỉ cho riêng mình nên gọi là tiểu thừa, và do chán bỏ nên một đi không trở lại chốn tham si cứu độ chúng sinh, do tâm hạn hẹp không cầu lợi sinh không phải là tâm Phật nên các vị hành giả tiểu thừa không thể thành Phật mà chỉ chứng quả A la hán.
Đại thừa hành giả phát tâm bồ đề thệ độ nhất thiết chúng sinh, tâm này là tâm toàn giác, đó là tâm Phật, nên những ai phát tâm này đều được gọi là Bồ tát, họ là tay và mắt của chư Phật trong khắp mười phương ba đời, để có nhân duyên với Bồ tát cần phải phát tâm, vì chỉ giữa những ai phát tâm mới có nhân duyên với nhau. Bồ tát là trưởng tử của chư Phật, nên còn được gọi là Pháp vương tử, quả vị sẽ nối ngôi Pháp vương của chư Phật, và khác với đại A La hán tất cả Bồ tát đều lấy độ sinh là sự nghiệp nên đồng thành phật trong tương lai.
Đạo Phật cho sự thấy biết có đủ mọi tông phái, đại tiểu khác nhau dưới vọng thức phân biệt của thế nhân thuộc thế tục đế. Đối với chân đế thì tất cả các sắc thân giáo hóa chúng sinh bất kể là La hán hay Bồ tát đều là hóa thân của chư Phật. Nếu lãnh thọ được thật pháp sẽ nhận ra chỉ duy nhất một pháp gọi là thật pháp và một người duy nhất khai mở đó là Phật, kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa nhấn mạnh "từ khi thành đạo cho đến niết bàn Như Lai chỉ nói một pháp duy nhất", những ai không nhận ra thật pháp đều có các hiểu biết phiến diện khác nhau, nên sinh ra các pháp đại tiểu, phẩm Dược Thảo Dụ kinh Pháp Hoa giải thích "đức Phật thuyết pháp như cơn mưa trút xuống khu rừng bình đẳng nhưng các giống cây lớn nhỏ, tùy hạng thượng trung hạ mà hấp thụ khác nhau. Một cụm mây tuôn mưa xuống xứng theo mỗi giống loại mà cây cỏ được sinh trưởng, đơm bông kết trái. Dầu rằng một cõi đất sinh, một trận mưa thấm nhuần mà các cỏ cây đều có sai khác.". Cây cỏ dụ cho căn tính chúng sinh, mưa dụ lời dạy của Như Lai. Cùng một vị Phật thuyết, cùng một pháp được giảng, nhưng do căn tính phiến diện của đồ chúng nên cái thấy về Phật và sự hiểu về pháp có thiên sai vạn biệt, vô cùng khác nhau, tạo thành 8 vạn 4 ngàn pháp môn, như người mù sờ voi, nhưng đối với chân đế thì chỉ có mỗi một pháp chân thật gọi là nhất thật pháp, đó là pháp thành Phật, ngoài ra đều là quyền pháp hoặc hóa pháp.
Do căn tính đại tiểu khác nhau nên Như lai ủy thác cho La hán tăng khai hóa cho đồ chúng có căn tính tiểu thừa, Bồ tát tăng dẫn dắt tín chúng phát tâm đại thừa, đó là cái nhìn theo tục đế. Tuy nhiên theo chân đế mọi Bồ tát và A la hán đều là hóa thân của chư Phật theo tinh thần tùy duyên ứng hiện, khéo léo dẫn dắt mọi pháp đại tiểu đến cùng một cứu cánh duy nhất là Phật quả, bởi "phương tiện hữu đa môn, cứu cánh quy nhất lộ". Nhất lộ ấy chính là thật đạo nhất thừa, phương tiện ấy là vạn pháp, pháp nào thì pháp cũng có chung một gốc thật đạo, gọi là bản tâm. Đức Phật thị hiện nơi đời không phải để chỉ dạy đa môn mà cốt đề mở bày cứu cánh nhất lộ cho đa môn. Phần đông pháp sư học giả thích nghiên cứu đa môn hơn cầu tìm nhất lộ, chẳng qua là để biểu lộ sự thông thái của bản thân, nhưng bị đức Phật quở đếm của cho người có ích gì, và ngài Vĩnh Gia trong Chứng Đạo ca cũng tự hối tiếc thuở trẻ chỉ mải lo nghiền ngẫm đa môn, và rồi tự trách sự học hỏi đa môn bỏ qua nhất lộ đó chỉ là hành động vào biển đếm cát tự làm khốn khó mình.
Như vậy theo tục đế thì đức Phật phó chúc cho các vị Bồ tát và La hán thay ngài độ sinh sau khi ngài niết bàn, theo chân đế thì với đức Phật niết bàn và sinh tử không hai, nên không hề nhập niết bàn đồng với vắng bóng nơi cõi sinh tử, do vậy ngài vẫn gián tiếp độ sinh qua mọi hóa thân.
Bồ tát có thật hay không?
Mỗi vị đại Bồ tát có "chủ đề" giáo hóa riêng như đại trí, đại bi, đại hành vân vân, dễ cho tín đồ nương theo xu hướng cầu mong của họ, song tinh thần đại bi cứu khổ nạn là nhu cầu mà tất cả tín đồ đều cần nên vị Bồ tát đại biểu cho đại bi là Quan Thế Âm được mộ nhất, khi nói đến Bồ tát hầu như mọi người đều nghĩ đến ngài vì thế mà ngài có mặt ở khắp mọi nhà mọi tự viện theo đại thừa, truyền tích về ngài cũng nhiều hơn cả, thế nên các học giả Phật giáo cũng tìm hiểu về hành trạng thị hiện của ngài để trả lời vấn đề Bồ tát có thật không hay chỉ là huyền thoại.
Các vị pháp sư bên đại thừa thường dẫn các câu chuyện điển tích linh ứng của Bồ tát do người xưa thuật lại để chứng minh là ngài có thật. Các vị bên tiểu thừa dĩ nhiên không nhìn nhận bất cứ Bồ tát nào ngoài ngài Di Lặc, họ cũng như một số học giả đại thừa cho Bồ tát chỉ là một pháp trừu tượng được nhân cách hóa, lại có nhiều người bài xích khi cho các vị Bồ tát chỉ là sản phẩm hư cấu của người Trung hoa, nên chẳng có lịch sử hay dấu tích thật nào ở thế gian để chứng minh.
Muốn giải mã sự thật này trước nhất cần phải hiểu thế nào là hư vọng và chân thật.
Đạo Phật cho rằng chúng sinh và thế giới đều là hư vọng không thật, vì cả chúng sinh lẫn thế gian đều do vọng tâm tạo thành, như vọng tạo ra giấc mộng nên toàn bộ mọi thứ trong mộng đều thuộc vọng, và khi đã nhận vọng là thật thì hậu quả tất nhiên là mọi thứ gỉa đều nghiễm nhiên thành thật và dĩ nhiên cái thật lại bị gán mác giả. Để giúp chúng sinh ra khỏi thế gian ảo mộng đầy bất trắc khổ lụy, đức Phật thị hiện vào cõi này bằng thân ảo mộng để đánh thức chúng sinh tỉnh giấc mộng ảo trở về với với thực tại chấm dứt mọi bất ổn tai họa, và như vậy không riêng gì chúng sinh ngay đến đức Phật và các vị Bồ tát cũng chẳng có ai thực sự hiện hữu trong thế gian ảo mộng này.
Thế nào là hư vọng, không thật và giả hữu?
Đạo phật cho tâm chủ thể của chúng sinh là vọng thức, nên luôn phân biệt và nhận biết qua năm thức và năm trần gồm mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, và thân chạm. Song mọi thứ này đều chủ quan theo ngã nên mọi nhận thức đều thiên kiến sai sự thật, cái gì thuận ngã đều tốt, nghịch ngã tất xấu, ngoài ra do yếu tố nhân duyên bên ngoài tác động khiến cái thấy sai lệch như mắt thấy đường sắt giao nhau ở cuối tầm nhìn, hay thấy trăng trên mặt nước, đó là nhận biết của thức, nhưng trí cho biết sự thật là các thấy biết có vẻ rất thật ấy của thức đều hoàn toàn không thật, chỉ là vọng thấy mà thôi, cho dù mắt thấy rõ ràng. Như vậy trí cho thức biết sự thật nằm ngoài thức, vì thế không thể dựa hoàn toàn vào thức mà phải nhờ vào trí để phán đoán và nhận chân mọi sự thật, do đó để biết Bồ tát có thật hay không, tất nhiên phải dùng trí để nhận mà không thể dùng thức phân biệt được, bởi chỉ có trí mới nhận biết chân thật. Thế nên nếu muốn nhận biết Bồ tát qua thức tức thấy và tiếp xúc được với ngài thì khác gì kẻ vớt trăng dưới nước vì thấy có trăng, thấy là một chuyện nhưng không thể tiếp xúc là chuyện khác, vì đó chỉ là thấy thứ vọng ảo, cũng như tín đồ thờ tượng Bồ tát tuy thường thấy nhưng không thể tiếp xúc với ngài, vì pho tượng chỉ là trăng dưới nước. Nói như thế không có nghĩa là không có trăng mà là trăng thật nằm ngoài mọi cái thấy hư vọng, cũng vậy Bồ tát thật ở ngoài hình tướng của pho tượng, thức chỉ thấy được trăng dưới nước, trí không có mắt nhưng không chỉ thấy cái giả là trăng dưới nước mà còn thấy mọi sự thật như trăng không có dưới nước, trăng nằm ngoài dòng nước và ngoài cả cái thấy trăng ở dưới nước, nói chung trí nhận biết trọn vẹn từ giả đến thật, đó mới gọi là thực thấy thực biết, và trí nhận biết chân thật mọi thứ này được gọi là bát nhã tức trí huệ, do vậy mà đức Phật nhấn mạnh dựa vào trí đừng dựa vào thức. Song le phàm phu vô trí hoàn toàn dựa vào thức, nên không nhận ra đâu thị đâu phi, mà chỉ dựa hoàn toàn vào mắt thấy tai nghe mà phán đoán mọi sự, vì vậy điên điên đảo đảo nhận vọng làm chân, coi chân là vọng, bao đời vô trí mò trăng dưới nước, như dã tràng xe cát, để rồi mỗi kiếp ta phải làm lại từ đầu, trải qua bao đời lao lự chẳng nhận được gì hơn sinh ra để chết, chết để tái sinh, cứ luẩn quẩn mãi trong vòng luân hồi sinh tử tử sinh, và ngẫm lại thì sống chết chỉ để chịu đựng một đời lao lự, như vậy chưa đủ để khổ sao?. Hễ bác bỏ mọi thứ vọng thức thì phàm nhân sẽ hoang mang mất niềm tin, và khi chỉ ra sự thật ngoài vọng thức thì khác nào chỉ cảnh đẹp cho người mù, họ hoàn toàn không thấy biết để tin nhận.
Do lẽ này, việc chứng minh Bồ tát là thật cho tục nhân gần như là chuyện bất khả. Phàm phu mang nặng ý tưởng Bồ tát cũng là một cá thể trong muôn loài, có tướng người nhưng thần thông hơn loài người, sống ở các cảnh giới an lạc xa cách trần thế, khi cần cứu khổ thì ngài tìm đến nhân gian. Nhưng sự thật Bồ tát vốn vô tứ tướng và dùng pháp làm thân nên thân thật của ngài tất nhiên không phải là sắc thân, bất luận đó là thân người hay thân chúng sinh. Thân phàm thuộc sắc nên sẽ chịu tác động của vô thường biến hóa từ trẻ đến già, từ sinh đến diệt, Bồ tát không có thứ thân vô thường mang tính thọ giả tướng nên không có sắc thân, vì vậy mọi sắc thân của ngài đều là thân thị hiện để chúng sinh có thể thấy được, gọi là hóa thân. Thật thân của ngài nằm ngoài hóa thân và ngoài cái thấy từ vọng thức của chúng sinh, thật thân ấy là pháp thân. Mọi thân tướng Bồ tát chúng sinh thấy đều là bóng của chân thân, như trăng dưới nước mà không hề là chân thật, thành thử nếu dựa vào hóa thân để nói là Bồ tát có thật thì là dối gạt đồ chúng vì không khác với nói trăng dưới nước là thật, song nếu nói là không thật thì làm vỡ niềm tin của họ. Chỉ bao giờ họ được khai mở trí bát nhã nhận ra thế nào là chân thật, thì họ sẽ sáng tỏ và tự giải đáp được, một khi nhận ra Bồ tát là thật hữu cũng chính là lúc phát hiện ra ta và nhất thiết hữu tình đều là giả hữu, việc này đưa đến nhận định rằng chúng sinh đều giả hữu nên là huyễn và tính thật của mọi chúng sinh ấy chính là tính Bồ tát mà trong đại thừa gọi là Phật tính. Đồng với mọi ánh trăng trên sông hồ, kênh suối đều là gỉa hữu nhưng chúng có chung một ánh trăng thật, cũng vậy mọi chúng sinh đều có cùng một thật tính tức Phật tính. Từ ánh trăng thật hợp với các trợ duyên sông hồ hiển hiện ra mọi ánh trăng, và thật Phật tùy duyên mà ứng hóa thân mọi nơi cũng giống vậy.
Thế nào là chân thật, thật pháp và thật hữu?
Cần hiểu pháp được gọi là thân của Bồ tát là thật pháp, có nghĩa là chân thật pháp. Thật pháp bao gồm các đặc điểm như:
Vô sinh vô diệt, như sóng là hiện tượng của nước, cũng là tướng của nước, nước là tính thật của sóng, sóng có sinh diệt, to nhỏ, nhưng nước thì không.
Bất động và thường hằng, do mang tính không sinh diệt nên thường hằng bất động, không bị lưu chuyển.
Do các tính bất động, vô sinh vô diệt nên khổ lạc cũng không hề sinh nói gì đến diệt, vì vậy nên tịch diệt đó là chân chính an lạc. Nhiễm tịnh cũng bất động vô sinh nên là chân thật thanh tịnh.
Duy nhất, muôn pháp bao quát hữu tình và vô tình đều có chung duy nhất một bản nguyên.
Bản nguyên, như nước là bản nguyên tức cội nguồn của sóng, vì sóng từ nước sinh, và rồi lại trở về nước khi diệt. Bản nguyên bất động nhưng là chỗ đến đi của vạn pháp, cũng là nhất lộ của đa môn, đó là thật tính duy nhất của vạn pháp, nên là thật ngã, ngã này trùm khắp, không gì không là ngã, ngoài thật ngã ra không có ngã nào khác.
Đạo Phật cho tâm là bản nguyên của vạn pháp nên nói "nhất thiết duy tâm tạo" hay "vạn pháp duy tâm". Lại cũng do đặc tính này kinh Pháp hoa lập nên nhất thừa pháp hay nhất thật pháp.
Thật pháp là thân nên Bồ tát không có sắc thân cố định như các sắc tướng vô thường của chúng sinh và vạn vật, kinh Hoa Nghiêm thuyết "sắc thân phi thị Phật, âm thanh diệc phục nhiên", sắc thân chẳng phải là Phật, âm thanh cũng lại như thế, vì không thân ấy mới là thật thân. Lại do thật pháp hay thật thân có các đặc tính thường hằng, bất động, duy nhất, thanh tịnh nên Bồ tát bao gồm các đức trên, và thật pháp này là bản nguyên duy nhất mà mọi hữu tình chung có, do vậy mà đức Phật tuyên thuyết "nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính" hết thảy chúng sinh đều có tính Phật. Như vậy ngã và sắc thân của chúng sinh tượng như sóng hay trăng dưới nước, trong sóng nào cũng có sự hiện hữu của nước, trong bóng trăng nào cũng có sự hiện diện của trăng thật, và ở bên trong chúng sinh nào cũng vẫn có sự tồn tại của thật pháp hay bản tâm tức Phật và Bồ tát.
Thật pháp hay bản tâm luôn bất động vô nhiễm, trăng chiếu trên các sông rạch, tùy theo dòng nước nhiễm tịnh mà ánh trăng đục trong, nhưng trăng thật thì không hề có đục trong vẫn thanh tịnh quang minh và chỉ duy nhất có một, thậm chí ngay cả trong bóng trăng vẩn đục nhất vẫn thực sự thanh tịnh, cũng vậy bản tâm nơi mọi chúng sinh trong ngũ thú từ cõi thiên tới địa ngục đều thanh tịnh bình đẳng với chư Phật, vì thế hễ chứng bản tâm thì đều cùng Phật không sai khác, như lời đức Phật trong kinh Đại phương đẳng Như Lai tạng “Ta dùng Phật nhãn quán sát tất cả chúng sinh, thấy trong các phiền não tham dục khuể si, có Như lai trí, Như lai nhãn, Như lai thân kiết gìa phu tọa, nghiễm nhiên bất động. Thiện nam tử! Tất cả chúng sinh tuy ở trong các thú, trong cái thân phiền não kia có Như lai tạng thường chẳng nhiễm ô, đầy đủ đức tướng như ta không khác”.
Sau khi hiểu rõ về hư vọng là giả hữu và chân thật là thật hữu, ta sẽ truy tìm dấu tích của thật Bồ tát.
Tra cứu lai lịch Bồ tát qua các dấu ấn lịch sử.
Khi đặt câu hỏi có thật không? Người hỏi đã tự cho ta và chúng sinh cùng thế gian là thật, đồng nghĩa với nhận vọng là thật và họ muốn biết Bồ tát có thật không tức Bồ tát cũng là một thật thể có lịch sử và hộ khẩu ở thế gian giống như họ và mọi người, ngài cũng có chủng tộc gia phả, nhân tướng để nhận ra, cũng nghe hiểu mọi ngôn ngữ cầu nguyện và mọi người có thể tiếp xúc với ngài.
Từ những tư duy này các học giả đại tiểu thừa tiến hành rà soát lý lịch của Bồ tát tìm kiếm sinh quán và trú quán cũng như gia phả dòng họ của Bồ tát. Dĩ nhiên khi dùng mọi thứ trong cõi tạm giả hữu này để tra cứu gốc gác của một thật hữu như Bồ tát sẽ chẳng thể tìm ra manh mối nào, ví dụ như dùng tài liệu xứ Congo để tìm lai lịch của một người Việt sẽ là việc không thể, tất nhiên phải dùng đến mọi dữ liệu của Việt nam mới xác minh chính xác, bất kể cuộc tra cứu ở Congo cho kết quả thế nào đi nữa cũng không khả tín bằng kết quả có được từ xứ Việt.
Cũng vậy Bồ tát có xuất xứ từ giáo pháp đại thừa, vì chỉ những ai đến với đại thừa mới nghe và biết đến sự hiện hữu của Bồ tát, thậm chí đồ chúng tiểu thừa cũng còn xa lạ với danh từ Bồ tát, nói gì đến những nơi vắng bóng đại thừa. Vì vậy dùng mọi thứ lịch sử thế gian để truy tìm dấu vết của Bồ tát rồi kết luận là thật với không thật đều dở hơi, cho dẫu có những dấu ấn độ sinh của Bồ tát có thể minh chứng cho sự hiện hữu của ngài ở thế gian, nhưng những chứng cớ này cũng bị đạo Phật phủ nhận coi đó chỉ là hiện hữu của một hóa thân, một thứ thân thị hiện gỉa hữu, và khẳng định mọi thân hiện hữu của Bồ tát ở thế gian đều không hề là thật thân, tất cả đều chỉ là giả hữu nhất thời, như vậy dù Congo xác quyết là thật mà Việt nam nói không, thì kết quả vẫn là không.
Song đồ chúng đừng vội hoang mang mất niềm tin, cần hiểu vạn vật thuộc thế gian bao quát ta và muôn loài dưới con mắt bát nhã của đại thừa đều hư huyễn không thật, tất nhiên Phật hay Bồ tát xuất hiện nơi thế gian không thật ấy hẳn cũng không thật, nếu bảo hiện hữu ấy là thật thì đó là lời người say, khác gì bảo trăng dưới nước hay người trong mộng là thật. Lời lẽ này chẳng qua bậc trí huệ muốn nhắn nhủ thế nhân mê ngủ đừng nhận lầm Phật và Bồ tát trong thế giới mộng ảo là thật thể để rồi quên bẵng mất chân Phật và thật Bồ tát, đồ chúng khi nhận hóa thân là thật, họ sẽ yên chí phụng thờ hóa thân và chẳng còn mảy may quan tâm đến việc cầu giác ngộ để nhận ra chân thật Phật và Bồ tát, điều này đẩy đồ chúng vào cơn coma, khó có cơ hội tỉnh thức. Lại nữa Phật và Bồ tát chân thật vốn vô sinh diệt, mà mọi hóa thân đều chịu sinh diệt nên nếu bảo hóa thân là thật thân thì chư Phật và Bồ tát đều chịu sinh diệt chi phối ư?. Thế nhưng lâu nay bao vị pháp sư học giả nỗ lực dùng mọi thứ chứng cứ lịch sử sinh diệt của thế gian để tìm hiểu gốc gác của Bồ tát, người không có hộ khẩu thường trú ở thế gian mộng huyễn. Tìm không ra thì bác bỏ cho là không thật, tìm ra thì cho là thật, nhưng mọi thông tin và cả người tin lẫn kẻ không tin đều bị đức Phật bác bỏ vì cho rằng họ không hề biết thế nào là thật và hư cả, mọi tranh luận của họ chẳng khác gì đám người mù tranh cãi về đẹp xấu.
Lai lịch Bồ tát qua giáo pháp đại thừa.
Như vậy chung cục là ngài có hay không có thật? Trên lập trường thế tục đế, vọng tâm của chúng sinh cho rằng mọi thứ ở thế gian là thật hữu, chúng sinh là thật và như thế hóa thân của Phật và Bồ tát cũng thật. Nhưng đối với chân đế thì mọi thứ trong mộng đều là ảo, mọi thứ thuộc thế gian đều huyễn, nên các hóa thân cũng huyễn, sự thật nằm ngoài thế gian, chư Phật và Bồ tát là chân thật nên không thuộc thế gian, phải cần đến trí huệ để thức tỉnh chúng sinh khỏi giấc mộng thiên thu, khi bừng tỉnh chúng sinh sẽ nhận ra sự thật lâu nay bị cơn mê khuất lấp, để rồi giác ngộ "nào ngờ ta và chúng sinh vốn cùng Phật và Bồ tát không hề sai khác, ngài chính là ta và ta chính là ngài, ta và chúng sinh trước kia cùng Bồ tát là các cá thể riêng biệt đều không thực, đó là điều chân thật mà chỉ có giác ngộ mới chứng được".
Bồ đề tâm là nền tảng của Phật giáo đại thừa, vừa là quê hương vừa là mẹ sinh ra các Bồ tát ma ha tát, Do đó muốn tìm lai lịch của Bồ tát phải lần về quê hương của ngài, đó là đại thừa Phật giáo để tìm hiểu đích thực về sự hiện hữu của Bồ tát có thật hay không. Không có đại thừa sẽ không có Bồ tát, và không có Bồ tát cũng sẽ không có đại thừa, Bồ tát và đại thừa bất khả phân ly. Lại nữa không có đại thừa thì không có thành Phật, và không có Bồ tát cũng sẽ không có thành Phật. Suy cho cùng, xét cho kĩ thì không có Bồ đề tâm sẽ không có Bồ tát và đại thừa cho đến không có Phật quả. Do đó đã có đức Phật và đạo Phật, tất nhiên phải có Phật tâm tức bồ đề tâm, và như thế ắt phải có Bồ tát và đại thừa pháp. Tâm bồ đề nhiếp trọn tam bảo, Phật là Phật bảo, đại thừa là Pháp bảo và Bồ tát là Tăng bảo đều từ tâm bồ đề lưu xuất, vì vậy phát tâm bồ đề là chân thật quy y và thành tựu giới thể của Bồ tát giới. Và bằng các pháp lý chân thực này Bồ tát được xác nhận là chân thật.
Muốn thể nghiệm sự hiện hữu của Bồ tát bàng bạc khắp muôn nơi cần phải phát tâm bồ đề để thấy ta xưa nay hằng trụ trong đại thừa liễu nghĩa thông qua Phật trí và thắng nghĩa, nhưng do bị vọng tâm che lấp nên chỉ biết học tập qua sách vở hạn chế bởi thức và danh cú nên không liễu nghĩa. Bấy giờ sẽ nhận chân Bồ tát không chỉ ở ngay ta mà còn ở khắp nơi, và Bồ tát đạo không phải là việc nan hành, chỉ hối tiếc là không sớm phát tâm để giã từ kiếp chúng sinh giả hữu trở lại với Bồ tát thật hữu. Tam tổ Tăng xán nhắc nhở "Mê sinh tịch loạn, ngộ vô hảo ố, nhất thiết nhị biên, vọng tự châm chước", khi mê sinh đủ chuyện, ngộ rồi chẳng có gì để tốt xấu, mọi thứ nhị biên tốt xấu ấy, đều phát khởi từ sự tính toán chọn lựa của vọng tâm.
Bằng cách nào để Bồ tát hiện hữu và tiếp xúc được với ngài?.
Khi phát tâm vô thượng tức chân tâm thật pháp thì các đặc tính thường lạc ngã tịnh của thật pháp xuất hiện, tính thanh tịnh sẽ hướng dẫn tư duy và hành động trong việc cứu độ, khi ấy vị này là một người mang thân phàm nhưng tâm Phật, tâm này thúc đẩy thân phàm hành các pháp lợi sinh, thân phàm tâm Phật ấy được gọi là hóa thân hay nhục thân Bồ tát mà Mật giáo hay tôn là Phật sống, cũng có khi quý ngài thị hiện thác sinh có cha mẹ như một phàm phu, kinh Viên Giác giải thích đó chỉ là "giả chư tham dục nhi nhập sinh tử, độ hóa chúng sinh", mượn sự tham dục để vào cõi sinh tử hầu độ chúng sinh, và như thế cho dù có lai lịch chứng minh đi nữa, chư Phật cũng phủ nhận lịch sử ấy là thật mà cho đó chỉ là thân thị hiện tùy duyên. Như vậy Bồ tát sẽ hiện hữu thông qua sự thị hiện qua hai cách hóa thân, một từ việc phát tâm, như các vị cao tăng thạc đức được coi là Bồ tát, hai từ việc ứng tích thế gian qua sự đản sinh của đức Bổn sư. Tóm lại muốn vị Bồ tát chân thật hiện hữu cũng như tiếp xúc với ngài chỉ cần phát tâm lập nguyện độ sinh sẽ nhận ra ngài hiện hữu ngay nơi mình mà không cần phải ngồi trước tôn tượng cầu nguyện, cần ghi nhớ rằng nếu không do phát tâm thì mọi Bồ tát ta thấy đều là hóa thân mà không phải thật Bồ tát.
Nếu tin từ bi là thật có thì tất nhiên Bồ tát cũng thật có, tuy nhiên không phải vì thế mà kết luận Bồ tát chỉ là biểu tượng của tâm từ bi nên thật sự không có, mà cần hiểu ngược lại từ bi là biểu tượng của Bồ tát, thực vậy bất kì ai có tâm từ bi độ lượng, bao dung cứu khổ đều được coi là Bồ tát, đại để như hảo nhân là biểu tượng cho tính lương thiện, như vậy thì hảo nhân không thật có, vì họ chỉ là biểu tượng cho lương thiện thôi sao?, để cứu xét đâu là Bồ tát, người ta dùng từ bi làm thước đo, nhưng ngẫm cho cùng thì Từ bi và Bồ tát là một, không thể lìa nhau riêng có, nếu tin từ bi và Bồ tát là một, vậy thì phát khởi từ bi, Bồ tát sẽ xuất hiện, thường sinh hoạt với từ bi là cùng Bồ tát làm bạn lữ.
Tâm từ bi vừa là yếu tố làm thành một Bồ tát, vừa là pháp chính yếu để độ muôn loài, gọi là bồ tát đạo mà trong tâm chúng sinh đều sẵn có tâm này, chỉ cần phát khởi tâm ấy ra thì chúng sinh nào cũng thành Bồ tát, đó là ý nghĩa của Bồ đề tát đỏa, và khi phát tâm thì thân tâm ấy sẽ thành hóa thân Bồ tát độ sinh như đức Phật nói với Bồ tát Di Lặc trong kinh Viên Giác "Bồ tát duy dĩ đại bi phương tiện, nhập chư thế gian khai phát vị ngộ, nãi chí thị hiện, chủng chủng hình tướng, thuận nghịch cảnh giới dữ kỳ đồng sự, hóa linh thành Phật". Bồ tát dùng phương tiện đại bi, vào thế gian mở bày cho người chưa ngộ, thậm chí thị hiện mọi thân hòa vào họ trong các cảnh thuận nghịch, để giáo hóa họ thành Phật.
Chúng sinh do nghiệp chiêu cảm thành nên mỗi kẻ mỗi khác, Bồ tát do tâm từ bi thành nên hết thảy Bồ tát đều đồng nhất, điều này cho thấy tâm từ bi và Bồ tát là nhất thật, thanh tịnh và thường hằng vốn sẵn có trong mọi hữu tình, như nước trong sóng, do đó Bồ tát là chân thật và là bản nguyên, còn chúng sinh đều hư huyễn không thật. Vậy thì câu hỏi Bồ tát có thật hay không? Chung quy chỉ là hai kẻ giả hữu thấy mọi giả là thật, mọi thật là giả, hỏi nhau về thật hữu có thật hay không?. Câu trả lời là có thật hoặc không có thật đều đúng cả, chỉ ăn thua họ có đủ trí để nhận ra sự thật, nếu nhận ra tất sẽ thấy sự thật ấy là Bồ tát, và mọi thứ họ có thể phân biệt trong thế giới giả hữu của họ đều không thật hữu và Bồ tát cũng không hề thật hữu trong mọi thứ gỉa hữu ấy.
Không, sắc và trung đạo.
Tâm kinh chỉ bày bát nhã nhận chân được cả hai phương diện thật lẫn giả của vạn pháp, thật pháp là không và giả pháp là sắc, gỉa thì chịu sinh diệt biến hoại, thật thì thường trụ bất biến, không là tính thật của mọi sắc, khi các sắc sinh diệt thật tính không không hề sinh diệt, và cũng chưa từng thay đổi khi sắc đổi thay. Trên lập trường của thế đế "không và sắc" là hai pháp thật và giả đối lập nhau, trên lập trường của đệ nhất nghĩa đế thì thật pháp vốn chỉ duy có nhất pháp mà không có đối lập, vì vậy chân thật pháp đó là sắc không bất nhị, như Tâm kinh nhấn mạnh, "sắc bất dị không" và "không tức thị sắc", "sắc không bất dị nhi tức thị", sắc không không khác mà còn chính là, đó là chân thật pháp, còn gọi là trung đạo nghĩa.
Từ nghĩa trung đạo của chân thật pháp, đại Bồ tát nương vào giả lập nhất thiết pháp, cụ thể như thị hiện mọi hóa thân, nương vào không phá mọi pháp ấy, đại để như không chấp các hóa thân ấy là thật ngã, vừa lập vừa phá, tự tại vô ngại, gọi đó là các pháp thị hiện. Vì vậy mọi sắc thân thị hiện đều là hóa thân giả hữu và không được nhận là chân thân thật hữu. Tuy nhiên do pháp thân biến nhất thiết xứ, không đâu không là, thế nên mọi hóa thân cho đến thân huyễn của chúng sinh cũng đều là pháp thân như lời ngài Huyền Giác nói "huyễn hóa không thân tức pháp thân". Đó là đệ nhất nghĩa của pháp thân.
Nếu chấp không bỏ giả là mê lý, chấp giả bỏ không là mê cả sự lẫn lý. Chúng sinh chấp giả bỏ không nên đắm chìm trong sinh tử luân hồi, A la hán chấp không bỏ giả, nên thường trụ niết bàn viễn ly cõi sinh tử, Bồ tát trung đạo lìa cả hai chấp không giả, tuy trụ niết bàn mà chưa từng lìa sinh tử, thường ở trong sinh tử độ sinh mà chưa hề rời niết bàn, cảnh giới này là vô trụ xứ niết bàn. Chân bát nhã là trung đạo nghĩa, chẳng chấp không lẫn giả, cũng chẳng bỏ giả lẫn không, tuy giả nhưng vẫn không, tuy không nhưng vẫn giả, đó là trung đạo nghĩa.
Nói rõ hơn do không bỏ giả nên vẫn giả lập mọi pháp, do chẳng bỏ không nên không nhận các giả pháp ấy là thật, mà gọi đó là quyền biến, thị hiện không thật hữu, qua đó thể hiện tinh thần tự tại vừa lập mọi giả pháp bằng nghĩa giả, vừa phá mọi giả pháp bằng nghĩa không, tuy lập mà vẫn phá, tuy phá mà vẫn lập, đó là thật nghĩa của phổ môn. Không và giả chẳng hề ngăn ngại nhau vẫn tự tại hòa nhập vô quái ngại, ấy mới là đại tự tại cứu cánh giải thoát.
Phàm phu ngốc nghếch ngỡ rằng tu hành bị giới trói buộc mất đi nhiều tự tại và niềm vui, đến khi thành Phật chỉ còn nửa cuộc đời gò bó, mất đi nữa kia tự tại hưởng thụ của đời sống, ngược lại tục nhân quăng hết mọi gò bó cản trở để tự tại hưởng lạc, ngẫm lại thì thành Phật vô lợi, chỉ lãnh kiếp ăn cơm nhà đi vác ngà voi, làm công cho chúng sinh để được cúng bái, lại chẳng được hưởng dục lạc, như vậy xem ra làm tục nhân thoải mái và vui hơn. Đó là nguyên nhân chính mà tuyệt đại đa số Phật giáo đồ thờ ơ với giáo lý giác ngộ, mà chỉ mải mê tập trung vào việc cầu cúng xin xỏ dục lạc hưởng thụ. Nhưng mỗi khi họ đối diện với mọi nỗi khổ thì lại tha thiết ân cần ôm chân Phật cầu xin, ôi! Nếu đức Phật chỉ có nửa đời gò bó không niềm vui thì phải chăng sự gò bó đó gỡ khổ cho họ, và nếu nó có công năng gỡ được thì sự gò bó đó là thứ diệt đau khổ, và có thứ nào giá trị hơn thứ bảo bối có công năng diệt khổ. Những kẻ ngốc nọ cần biết, đức Phật không hề có nửa đời gò bó mà ngài có muôn đời tự tại vô quái ngại, không có khổ nào làm ngài phải cầu được cứu giúp, chẳng có dục lạc nào khiến ngài phải khát khao để bận tâm cầu mong, ngẫm lại thì chẳng phải kẻ dung tục được tự tại hưởng dục, mà chính họ chỉ còn nửa phần đời thương đau đấu đá tranh giành, đánh mất nửa phần cao thượng kia, để cùng nhau sống vật vã với nửa hồn u mê vì mãi không nhận ra Như lai tàng. Cổ đức than "Lịch kiếp tương tùy tâm tác thân, cơ hồi xuất một cơ hồi tuần, thử thân bất hướng kim sinh độ, cánh hướng hà thời độ thử thân.", bao kiếp theo tâm mà thọ thân, lúc hiện lúc mất bao lâu nay. Thân này bây giờ chưa chịu độ, còn chần chờ mãi đến khi nào.
Hẳn là những kẻ dung tục ấy phải chờ đến bao giờ nhận ra dục lạc nào cũng là miếng mồi khó nuốt, cái bẫy của sinh tử, càng bớt khát khao dục lạc, khổ càng giảm thiểu, khi ấy mới cảm nhận được hạnh phúc của sự không thèm khát có giá trị an lạc vượt trội nhu cầu được hưởng sự thèm khát, đó là giác ngộ sơ khởi bước đầu để tiến sâu vào cảnh giới giác ngộ.
Khác biệt giữa các Bồ tát.
Bất luận là nam hay nữ, tăng hay tục phát tâm tu từ bi đều là Bồ tát, như vậy có nhiều Bồ tát khác nhau? Trên lập trường thế tục thì có nhiều Bồ tát, nhưng xét về chân đế thì mọi sóng đều là nước, sóng thì vô kể mà nước thì duy nhất, vậy nếu lấy bản pháp tức nước mà nói thì chỉ có một bất kể sóng vô số, cũng vậy bất luận bao nhiêu sắc thân Bồ tát đi nữa chung quy cũng chỉ là một pháp thân Bồ tát. Khi nói thành Bồ tát có nghĩa thành tựu tâm đại bi và lấy tâm pháp này làm thân, cũng như dùng sắc thân làm công cụ độ sinh và không coi đó là thân tướng của ngã nữa, do đó mỗi Bồ tát không hề có mỗi ngã thân mà đều chỉ có chung một pháp thân, nói cách khác thì hóa thân có thiên bá ức hóa nhưng pháp thân chỉ duy có một. Kinh Hoa Nghiêm nói chư Phật lấy pháp làm thân, và dĩ nhiên Bồ tát không ngoại lệ, vì vậy pháp thân Bồ tát trùm khắp ba đời mười phương, không chỉ hiện diện ở một nơi cứu khổ hay nơi một người từ bi mà ở khắp mười phương và trong muôn loài. Thật pháp thành Phật vốn chỉ là nhất pháp gọi là pháp thân, vì vậy kinh Hoa Nghiêm nhấn mạnh "thập phương tam thế Phật đồng cộng nhất pháp thân", mười phương ba đời chư Phật đều chung một pháp thân.
Do vậy những người tu từ bi tâm thành tựu Bồ tát hành, đều được coi là hóa thân hay nhục thân của Bồ tát, đó là trên phương diện sắc thân hữu lậu, còn thật thân vô lậu tức pháp thân thì là thật Bồ tát, thế nên hóa thân vô số mà pháp thân vẫn chỉ duy nhất, trên lập trường chân đế thật pháp thì pháp thân Bồ tát chỉ có một, còn theo tục đế giả pháp thì quả có vô số hóa thân Bồ tát khác nhau. Chân là không, tục là sắc, sắc không đã bất nhị, chân tục hẳn không hai, sắc tuy đa môn, không duy nhất lộ, tục đế nói phổ môn, chân đế nói nhất thật hay nhất thừa.
Giữa các đại Bồ tát như đại trí, đại hành, đại nguyện và đại bi, phải chăng có sự khác biệt?.
Đức Phật đại biểu cho Vô thượng tâm, tâm này có nhất thiết trí thông hiểu nhất thiết pháp, liễu tri nhân quả, hiểu rõ mọi căn tính dục của từng chúng sinh và biết cách đối trị các căn tính ấy nên được tôn xưng là Đại y vương hay Dược sư, dụ như ngành y dược bao quát phương pháp trị liệu mọi bệnh, nhưng do trí huệ con người có giới hạn, nên phải phân thành nhiều khoa theo các bộ phận của cơ thể để các y sĩ học hỏi chuyên khoa và là chuyên gia của mỗi khoa, nên có các bác sĩ khác nhau, như khoa tim, khoa phổi vân vân, nhưng nhìn trên nền tảng y dược thì các bác sĩ chuyên khoa đều không khác, đồng là bác sĩ y khoa. Các Bồ tát đại trí, đại hành, đại nguyện cũng đại để khác nhau về chuyên khoa, còn về căn bản đều thuộc Vô thượng tâm, tâm này bao quát mọi pháp là vô thượng trí hay đại trí, vô thượng hành hay đại hành, cho đến vô thượng bi, vô thượng nguyện. Phật là bậc vô thượng y vương bao quát đại trí, đại hành, đại nguyện và đại bi, mỗi Bồ tát đều là ứng thân của tâm vô thượng tức hóa thân của vô thượng tâm hay Vô thượng y vương, theo đệ nhất nghĩa đế thì các đại pháp và các đại Bồ tát không hề khác vì đồng là đại đạo tâm tức vô thượng tâm, theo tục đế thì các đại pháp và các Bồ tát có sai khác. Sự sai khác giữa các đại Bồ tát và các đại pháp ấy được tóm gọn bằng năm chữ "bất nhất nhi bất dị" có nghĩa chẳng phải một nhưng chẳng hề khác.
Hóa thân, thị hiện, giả hữu.
Mọi sắc thân kể cả hóa thân của Bồ tát đều có lịch sử của sinh diệt, có nghĩa hễ có sinh ắt có tử, dĩ nhiên ngoại trừ pháp thân của Bồ tát tuyệt nhiên không có thứ lịch sử mang tính sinh diệt này, thế nên đồ chúng đừng thất vọng Bồ tát không thật do không có lịch sử, mà nên an tâm vì biết Bồ tát vốn là bậc giải thoát vô sinh diệt khác với chúng sinh luân hồi sinh diệt bất tận nên làm gì có lịch sử sinh tử. Nếu dựa vào lịch sử dòng giống để kết luận là thật thì sẽ hủy báng Bồ tát cũng chịu sinh diệt, cùng sự chi phối của nghiệp luân hồi, và những thứ đó căn bản đã bị đạo Phật phủ nhận là huyễn pháp gỉa hữu không thật, vậy tất nhiên không nên tìm dấu vết của Bồ tát qua các chứng cứ ở thế gian huyễn hóa, dù đó là các bằng chứng lịch sử rất thật đối với chúng sinh như sự đản sinh của đức Phật ở Lâm tỳ ny, cũng như những ngày vía không thật của các vị Bồ tát, do nếu dùng bất kì bằng chứng huyễn hóa nào của thế gian cũng vô giá trị vì đều là giả hữu, do vậy mà đạo Phật gọi mọi sắc thân của Bồ tát là hóa thân, và hóa thân hàm nghĩa thị hiện.
Thị hiện hàm nghĩa một chúng sinh với sắc thân phàm nhưng mang tâm Phật hành pháp độ sinh.
Nói chung vì Bồ tát là thật nên phải dùng thật trí mới nhận ra thật thân không thân của ngài mà không thể dùng vọng thức để thấy biết.
Chân thân, giải thoát, thật pháp.
Tín đồ đều mong được sự gia trì của Bồ tát, muốn vậy căn bản phải hiểu rõ chân thật về Bồ tát, nhưng do Bồ tát vốn là thật pháp nên để hiểu chân thật thế nào là Bồ tát đúng nghĩa, cần phải hiểu rõ thật pháp. Khi nhận chân được thật pháp của vạn vật tất bao quát cả Bồ tát, hẳn sẽ nhận biết được thật Bồ tát, và thật ngã, gọi đó là trí huệ giác ngộ và giá trị của giác ngộ chính là giải thoát. Giải thoát có nghĩa không bị bất cứ sự trói buộc hay chướng ngại nào, cũng như không lệ thuộc vào bất cứ ai hay thế giới nào để được an lạc thanh tịnh, dù đó là Phật và tịnh độ hay Thượng đế cùng cõi trời đi nữa, bởi thật pháp có sẵn đủ các đức thường lạc ngã tịnh. Do vậy muốn cầu giải thoát thành Phật tất phải cầu chứng thật pháp, muốn chứng thật pháp không thể không khai mở huệ nhãn, muốn khai mở huệ nhãn không thể không phát tâm vô thượng.
Tục nhân do nhận biết sai lạc nên đã u mê ngay từ sự cầu được những thứ hư vọng vô thường, ngay đến đối tượng cầu cũng chỉ là gỉa Bồ tát, nên chẳng đưa lại kết quả lợi mình lợi người nào, lãng phí thời gian ngày nào cũng đối trước tôn tượng nhưng chưa bao giờ gặp ngài trong phút giây.
Thứ cao quý nhất mà chư Phật và Bồ tát thị hiện nơi đời là để giúp chúng sinh chứng được thật pháp giác ngộ, trí huệ là bảo của mọi thứ bảo, con người sở dĩ là tối linh trong muôn loài nhờ vào khả năng hiểu biết vượt trội các loài khác, trong mọi trí huệ thì trí huệ chứng thật pháp là trí huệ tối thượng, thế nên người có trí này được gọi là bậc vô thượng tôn. Từ trí huệ này đức Phật nhận ra nhất thiết chúng sinh đều có sẵn trong bản tâm, chỉ cần phát tâm ấy ra thì huệ giác sẽ hiển hiện và phát sinh tác dụng. Trí huệ đưa đến mọi sự an lành không chỉ cho mình mà còn cho muôn loài, không chỉ một đời mà còn đến muôn đời, có của cải mà không trí huệ vẫn chìm sâu trong vòng luẩn quẩn của thiên trả địa và bị cuốn trôi theo dòng sinh tử tới vô cùng. Trí huệ là công đức giải thoát và cũng là phúc báo tối thắng hơn mọi phúc báo của trời người, nhờ vào trí huệ mới độ được mình và người nương theo lời dạy của đức Phật và các thiện tri thức, điều may mắn lớn nhất của một chúng sinh là có duyên đắc độ, nhưng để được may mắn này cần trí huệ hơn cần phúc, ngẫm xem cún cưng của đại gia có phúc ăn ngon ngủ ấm được nuông chiều, không bạc phúc như kẻ khốn khó bữa đói bữa no, phải phục dịch tha nhân để sống, thế nhưng kẻ khốn cùng kia vẫn có khả năng được độ song cún nọ thì không, đó là do con người có cơ hội lãnh hội trí huệ hơn loài vật. Ấy thế mà đời nay may mắn được thân người và có duyên với đạo giác ngộ mà lại bỏ lỡ cơ duyên cầu pháp giải thoát chỉ khát cầu dục lạc y như kẻ đến được kho báu mà chỉ nhặt toàn đồ đồng hí hửng vác về, còn châu bảo thì chẳng buồn để mắt. Người học đạo chân chính không bỏ qua mọi cơ hội tu tập phúc huệ.
Bồ tát thị hiện nơi đời để cho ta trí huệ giải thoát mọi trói buộc tham dục của thế gian, kinh Pháp cú nói " trong mọi trói buộc, lòng tham của cải vợ con là sự trói buộc chặt hơn cả" thế nên người cầu trí huệ nơi Bồ tát là người hữu duyên với ngài". Kết duyên với ngài không giống ngu nhân suy nghĩ, cả ngày đối diện tôn tượng cầu xin ngài mọi thứ bằng tâm nguyện "con giao con cho ngài để ngài lo mọi việc cho con", Bồ tát hứa khả "được ta sẽ hoan hỷ nhận lãnh con và lo cho con mọi thứ, khi nào con đáp ứng những chúng sinh bạc phúc muốn giao họ cho con và con nguyện sẽ chu toàn mọi thứ cho họ", ai muốn giao mình cho Bồ tát lo phải đáp ứng thỏa thuận này, nếu không thì đi chỗ khác chơi nhé. Gỉa như không đáp ứng được thỏa thuận, cũng nên dẹp bỏ ý tưởng "giao cho Bồ tát" tai hại đó đi, đem giao cho Bồ tát cái thân nghiệp bất tịnh từ tâm đến thân mà kẻ vô minh quý trọng cho là ngã ấy chỉ để Bồ tát hoàn thành các ước nguyện thế gian phi giải thoát dùm mình, đó là một hành động ngớ ngẩn bất kính Bồ tát. Ôi! Chẳng qua những người này mê muội không biết thân tâm này bất tịnh, lại vô trí không biết rõ mục đích Bồ tát thị hiện là để dạy bảo chúng sinh phát tâm thay đổi cái ngã nghiệp ô nhiễm, thì làm gì có việc nhận lãnh nuôi dưỡng cái ngã ăn mày ấy. Nhưng may mắn có một vị Bồ tát chịu tiếp nhận cái ngã ngu muội kia, đó là Bồ tát của chính mình, hãy phát tâm và giao ngã cho Bồ tát phát tâm ấy, đó cũng là cách duy nhất đáp ứng thỏa thuận với Bồ tát.
Thế mới biết nhân duyên với Bồ tát và thiện tri thức là thiện duyên hy hữu khó được, nhận biết được thật Bồ tát và chân thiện tri thức lại càng nan đắc hơn, bằng không tuy đi chùa lâu năm nhưng chưa một lần vào thẳng bảo điện qua cửa chính cầu giải thoát mà chỉ vào các cổng của tà ma ngoại đạo, tăng trưởng nhân duyên với tà pháp cầu được thêm nhiều dây dục lạc trói buộc, đã không công đức lại thành tai họa cho nhiều đời.
Kết luận.
Qua các phân tích trên chúng ta có thể kết luận: Bồ tát thật mà không thật, không thật mà vẫn thật. Sự thật của Bồ tát nằm ngoài mọi nhận biết của thức phân biệt vọng huyễn, nên chúng sinh không hiểu và diễn nói được, gọi là bất khả tư nghị, hơn nữa đạo Phật cho mọi sắc tướng đều là hư vọng không thật, nhưng trái lại phàm nhân lại cho sắc tướng mới là thật, vì vậy đối với thân vô tướng chân thật của Bồ tát, phàm phu cho là không thật, đối với sắc thân hóa hiện giả hữu của Bồ tát thì phàm phu cho là thật. Do đó bậc trí nhận ra khi dùng vọng thức để nhận biết thì ta và Bồ tát luôn là hai cá thể riêng biệt, và đều là huyễn hóa không thật, nhưng phàm phu vô trí cho đó mới là thật. Nếu dùng trí quán sát thật pháp thì nhận ra ta và Bồ tát đồng nhất là một, và đó mới là sự thật, bởi năng sở đều tính không tịch, nhưng hàng vô trí lại cho đó là điều không thật.
Thứ trí cho là thật thì thức bảo không thật, thứ trí cho là không thật thì thức bảo là không thật, thật và không thật cách biệt ở trí và thức. Thức thuộc vọng tâm, trí là chân tâm, vì vậy phàm phu hay Bồ tát chỉ cách một tâm, hễ phát tâm tham dục sẽ thấy ta với chúng sinh là có thật và Bồ tát chỉ là huyền thoại, nếu phát tâm bồ đề thì sẽ thấy ta cùng Bồ tát là một và chúng sinh chỉ là giả hữu. Tam tổ Tăng Xán nói "mê sinh tịnh loạn, ngộ vô hảo ố", mê sinh đủ thứ, ngộ chẳng xấu tốt, Lục tổ Huệ Năng nói "bồ đề bổn tự tính, khởi tâm tức thị vọng", tự tính vốn giác, khởi tâm liền thành vọng.
Khi dùng vọng thức để nhận biết Bồ tát sẽ dẫn đến hai kết quả, một là tin Bồ tát không thật vì thiếu lịch sử chứng minh, hai là nhận giả làm chân, như nhận các giả tướng của hình tượng là Bồ tát và trong niềm tin ấy Bồ tát và ta luôn là hai cá thể riêng biệt, ngài là vị được lễ kính, ta là người kính lễ và như thế ngài và ta đều huyễn hóa y nhau, tệ hại hơn cả là do tin lầm mà bỏ qua thật pháp tức thật Bồ tát vốn không có bốn tướng, thậm chí chính ta cũng vô tứ tướng như lời nhắn nhủ của bậc cổ đức "năng lễ sở lễ tính không tịch", lại do đinh ninh rằng đã nhận biết Bồ tát rồi nên không cần và nghĩ đến việc tìm hiểu thật Bồ tát. Vì vậy chung cục hầu hết phàm nhân một là không tin, hai là tin sai, đằng nào cũng từ nơi tối tăm về miền tăm tối.
Nếu dùng trí quán sát thật pháp thì nhận ra ta và Bồ tát cùng Phật đồng nhất là một, cần biết ta ấy là bản tâm, đó là vị Phật chân thật đồng thời là huệ giác được gọi là chính đẳng chính giác và khi ấy ta, Phật và Bồ tát đều không còn. Trí là huệ nhãn thấy biết mọi thật, và muốn có trí tất phải khai mở tâm bồ đề tức phát tâm mới nhận ra chân giả thực hư nơi vạn pháp.
Người học Phật đa phần dùng vọng thức phân biệt học pháp nên chỉ rước về hai thứ, không thật tin vào pháp và ngộ nhận giả pháp là thật pháp, do đó học pháp tu hành bao năm vẫn không giác ngộ thật pháp nên không có trí huệ thành Phật và từ bi độ sinh, cuối cùng đành phải khai tử giấc mơ xuất gia giải thoát hào hùng ban sơ để cam phận thờ Phật ăn oản đến cuối cuộc đời, đó là kết quả của tư tưởng chối từ phát tâm vô thượng.
ĐT 2.2.23