Hành hương
Mục đích của hành hương là chiêm bái thánh tích để tăng trưởng nhân duyên với Phật pháp, tạo và củng cố tín tâm nơi giáo pháp của chư Phật, và với chư bồ tát cũng như chư tổ sư. Có thể chia mục tiêu hành hương của Phật giáo đồ thành hai xu hướng là cầu nguyện và tu học.
Đại đa số tín đồ hành hương để cầu nguyện cho bản thân được an lành và như ý, nên đối tượng hành hương thường hạn hẹp trong phạm vi các thánh tích của bồ tát, đặc biệt là Quan thế âm bồ tát, vì tổ sư không phải là đối tượng để cầu an, mà là đối tượng để cầu học và hành đạo, nên thánh tích của tổ sư không được lưu ý đối với xu hướng này.
Thiểu số hành hương để tu học nên đối tượng hành hương quảng đại hơn, bao gồm hết mọi thánh tích trên từ đức Phật, và chư bồ tát dưới đến chư tổ sư và hàng Thánh tăng. Nhu cầu học Phật cần đến tất cả chư Phật, bồ tát và tổ sư, nên hành của Phổ hiền bồ tát dậy cho người tu phải lễ kính nhất thiết chư Phật. Đồng thời ban đầu ta chỉ có thể nhận biết về oai lực của chư Phật cũng như chư bồ tát qua sự chỉ bầy của thiện tri thức mà không trực tiếp nơi Phật và bồ tát. Nên gỉa như không có thiện tri thức tức các vị cao tăng tổ sư chỉ dậy tất nhiên ta không hề biết Phật và bồ tát có hiện diện hà huống là quy y. Đó là bằng chứng nền tảng của tu học la thiện tri thức, bao gồm thánh tăng và tổ sư. và khi thính pháp nơi các đạo tràng của chư Phật thường thấy sự hiện diện của Văn thù bồ tát nhiều hơn là Quan âm bồ tát.Nói cách khác, chúng ta có thể tạm coi bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền là đối tượng về thượng cầu, bồ tát Quan Âm và Địa Tạng là đối tượng về hạ hóa.
Hành hương sự và lí
Hành hương có thể chia làm ba loại, hàng sơ cơ hành hương để cầu nguyện cho các vấn đề gia duyên được tăng trưởng thuận lợi, sự hành hương này thuần túy thế tục, thế tục hóa Phật và pháp, không đưa đến nhân duyên đắc độ nơi tương lai, mà tương lai chỉ có nhân duyên với thánh tích như những người đang sống rất thế tục, ở các thánh tích bằng nghề buôn bán, mà chúng ta đã từng giao dịch với họ qua những chuyến hành hương, nên gọi là thế tục hành hương.
Hàng trung căn hành hương để quảng kết nhân duyên với chư Phật và bồ tát, ngỏ hầu phát triển phúc huệ, đủ trình độ để cảm nhận được phúc huệ nhị nghiêm của pháp thân công đức, gỉa như nếu phúc huệ kém cỏi như con sâu cái kiến dù đang bò trên bàn chân đại Phật vẫn không thấy và biết gì về đại Phật, hoặc gỉa được sinh làm người nhưng tùy theo phúc huệ kém cỏi mà thành tà kiến, mê tín, không thấy được phúc huệ của Phật. Sự thấy biết nhiều ít về phúc huệ của chư Phật cũng do nơi trình độ phúc huệ của mỗi người cao hay thấp Hành hương để tăng trưởng nhân duyên phúc huệ này gọi là kết duyên hành hương. Điều chủ yếu là giữ đừng cho duyên này diệt, sinh duyên này đã khó giữ càng khó hơn, vì diệt bao giờ cũng là chuyện dễ, dễ đến mức có thể tự động diệt, vì vậy nên cần phải bảo vệ những nhân duyên quảng kết với Phật pháp, bằng cách dùng định nuôi dưỡng, thường xuyên tư duy nghĩa lí của các nhân duyên này, không để cho các gia duyên xóa mờ khi trở về trụ xứ gia duyên bận buộc của bản thân. Nhờ sức định là thường xuyên và huệ là tư duy, khiến định huệ thêm sâu rộng, nhờ đó các thiện duyên này được củng cố và thành tựu trong tương lai. Chư Phật do huệ thành định, định thành huệ, định huệ bất nhị, nên trí huệ vô lượng, trải qua ức kiếp cũng không nói hết được, phàm phu trái lại vì định huệ èo ọt, chỉ trong giây lát là lời cùng ý cạn.
Hàng thượng căn hành hương để thành tựu nhân duyên phúc huệ nói trên được viên mãn với Phật và pháp, như thấy Phật tượng hay Phật tháp, hiểu được mọi nhân duyên mê ngộ, của ta và Như lai, rõ được công đức của Phật và phúc đức của ta khác biệt thế nào, đó là thấy hình tượng Phật hiểu được các pháp. Như lai do hiểu mọi pháp đúng thật (chân lí) nên nơi lí không bị mê lầm, do vậy nơi mọi sự đều thấy lí đúng thật, nhờ vậy không bị sự ngăn ngại, thành sự lí vô ngại, hay nhất thiết sự vô ngại, còn gọi là sự sự vô ngại, nên hành nhất thiết sự, sự sự đều hiển bầy chân lí khai thị chúng sinh, vì thế Phật còn gọi là pháp vương, nhờ tự tại nơi các pháp.
Cách thấy nhất thiết pháp của chư Phật, gọi là Phật tri kiến, để chúng sinh ngộ nhập nơi Phật tri kiến, thấy được mọi pháp như Phật thấy, tức thành tựu Phật quả, phải do kiến giải đồng với Phật mới được gọi là Phật. Chẳng phải được thân giống Phật là thành Phật, nên Như lai nói với Tu bồ đề, không do nơi 32 tướng tốt gọi là Phật, và cũng không phải là chỉ làm vài sự giống Phật là thành Phật, khi mà thân hay hành có chỗ giống mà tri kiến thì sai biệt. Bởi do Phật tri kiến này đạt được công đức nhị nhập, sự lí viên dung, tức nhập lí và nhập sự. Nhập lí nên quang minh phổ chiếu, nhập sự nên biến nhất thiết xứ, nhập lí nên bất biến, nhập sự nên tùy duyên.. Hành hương như vậy tức năng thành tựu viên mãn nhân duyên với Phật và pháp, gọi là lí sự hành hương hay thân tâm hành hương, không chỉ đến bằng thân để thấy sự, mà đồng thời đến bằng tâm để hiểu lý.
Cùng hành hương nhưng phát tâm sai khác nên quả đức cũng không đồng, như cùng đến bảo tàng, người nhặt đồ đồng, kẻ lượm bạc vàng, người thu chân báu, lợi ích bất đồng.
Hành hương và xuất gia
Hành hương là để tăng thượng duyên với đức Phật, chư bồ tát và chư hiền thánh tăng, hầu củng cố đức tin, đầy đủ nghị lực xả ly gia duyên để thành tựu công đức xuất tam giới gia. Tam giới là môi trường lưu chuyển sinh tử, tổ Đạt ma nói trong luận Ngộ tính, ra khỏi sinh tử gọi là xuất gia. Như vậy tam giới là gia của nhất thiết chúng sinh, hễ khởi gia duyên tất diệt công đức xuất gia.
Do nhân duyên đó Phật giáo đồ thường hành hương lễ bái các thánh địa. Song trở ngại chính cho việc hành hương là gia duyên bận buộc. Phần đông do bận buộc chuyện nhà cửa con cháu mà bỏ lỡ cơ hội hành hương. Nhưng thế nào là gia duyên và bận buộc?.
Gia duyên thuộc toàn bộ những nhân duyên trói buộc, khiến ta không thể thoát ra được, phải ở trong duyên đó như ở trong căn nhà, nên mất tự tại, Các nhân duyên đó chính là gia (nhà ở trụ xứ), vì không thoát khỏi những duyên này, nên mọi hành nghiệp đều khiến nhân duyên này tăng trưởng, gọi là gia duyên. Gia duyên càng tăng trưởng, càng thêm bận buộc không thoát ly nổi. Càng không thoát ly càng xây dựng nhân duyên này, gọi là xây dựng cảnh giới của ta. Cảnh giới nói rộng là thế giới, nói hẹp là gia đình, gia đình trú trong thế giới và ta trụ trong gia đình, vì vậy trước nhất cần bảo vệ gia đình, sau đó phải phát triển thế giới. Quan niệm này là khởi đầu cho nhập gia và tăng thượng gia duyên, đến mức bận buộc đến vô lượng đời. Như vậy căn nguyên của nhập gia chính là ngã, có ngã tất có gia, vô ngã tất vô gia. Gia là chỗ trụ không thể lìa được của ngã, đó là đặc tính y tha khởi và biến kế sở chấp của ngã. Do y tha khởi nên sinh tâm phan duyên, gia và thế giới gia đều do các nhân duyên còn gọi là báo ứng chiêu cảm thành. Do biến kế sở chấp nên tắng ái thủ xả không ngừng, các pháp ái thủ này tạo thành gia và duyên cho ngã. Từ ngã chấp y tha và sinh biến kế, y tha và biến kế tạo thành ái thủ, ái thủ trói buộc và giam cầm ngã, như sét do sắt sinh trở lại ăn thân sắt.
Bận buộc có nghĩa cả ba nghiệp đều miệt mài với ái thủ, đối tượng của ái thủ không gì khác hơn ngũ dục. Càng truy cầu ngũ dục càng bận buộc, càng bận buộc càng phát triển gia duyên, gia duyên phát triển khiến thêm bận buộc, cứ vậy không sao thoát khỏi vòng lẩn quẩn này.
Xuất gia tức xuất tam giới gia, vì tam giới lục đạo đều là cảnh giới của ái thủ, tức gia duyên bận buộc. Nói khác hơn xuất gia là xa lìa khỏi ngã, nhị tính và ái thủ, Căn bản của pháp xuất gia là quy y tam bảo. Do quy y Phật giác ngộ ngã bổn vô, lìa được ngã, do quy y pháp thấy viên thành thật tính, lìa được nhị tính, do quy y tăng nên sống xả ly, lìa được ái thủ. Xa lìa được ba thứ này nên được tự tại, vĩnh viễn thoát ly khỏi gia duyên bận buộc.
Phật giáo đồ sở dĩ bị mất nhân duyên hành hương đều do gia duyên bận buộc, không dám xả ly. Cho dù phát tâm hành hương cũng vì gia duyên bận buộc, hành hương để cầu nguyện cho gia duyên bận buộc được thành tựu như ý. Vì vậy đối tượng hành hương cầu nguyện của đa số đều tập trung vào bồ tát Quan âm để cầu được cứu khổ. Sự cầu này có thể phân làm hai loại, thứ nhất là đang vương khổ nạn muốn được thoát khổ, thứ hai cầu được như ý vì nếu không sẽ hứng chịu quả khổ bất như ý. Đa số cho rằng các vị bồ tát khác cũng như các vị tổ sư không phải đối tượng để cầu nên ít được chú ý và chiêm bái.
Về điểm này nên lưu ý Quan thế âm bồ tát tầm thanh cứu khổ, nên ngài quán sát lời cầu xin của nhất thiết chúng sinh, nếu cho như ý mà đưa đến khổ cho họ thì ngài vì cứu khổ sẽ không đáp ứng lời cầu, đó là để chặn khổ tương lai cho họ. Nếu xét thấy cho như ý là giúp họ diệt khổ hiện tại và tương lai thì ngài sẽ vì cứu khổ mà đáp ứng lới cầu. Ví dụ như cầu ngài cho ta cơ hội hành hạ kẻ ta không thích, hoặc gỉa bắt người thương kẻ khác mà không thương ta phải thương ta, tất nhiên ngài sẽ đều không đáp ứng. Nhưng nếu cầu cho ta chế ngự được sân hận để tha thứ tha nhân, hay cầu được bố thí trợ giúp chúng sinh dĩ nhiên ngài sẽ đáp ứng lời thỉnh cầu này.
Khi đeo mang và truy cầu ngũ dục, tín đồ Phật giáo bất luận tại gia hay xuất gia đều bận buộc đến độ không thể tiến được dù là một bước trên con đương hành hương đến các thánh tích của Phật, bồ tát và các vị tổ sư, như thế mới biết ngũ dục nặng nề đến dường nào. Đây chỉ mói là hành hương đến các thánh tích biểu trưng của Phật giáo, thuộc về phương tiện pháp mà đã bị gia duyên gây chướng ngại như vậy, hà huống hành hương đến với thật pháp tức sự giác ngộ.
Phật giáo đồ tại gia hay xuất gia đều nhập đạo bằng quy y tam bảo, kể từ ngày đó là ngày lên đường hành hương đến với chân thân Phật. Hành hương các thánh tích thường dùng đến phi cơ, xe thuyền và chi phí bằng tiền bạc, hành hương chân thân Phật không trả bằng tiền mà trả bằng xả ly ngũ dục, càng vứt bỏ ngũ dục càng tiến bước nhanh và nhẹ nhàng đến mục đích, phương tiện di chuyển chỉ dùng giới định huệ, thường xuyên quán sát đúng thật sẽ càng lúc càng thấy chính xác và mục đích càng gần kề hơn.
Người xuất gia, từ bỏ gia đình chưa phải thực xuất gia, vẫn phải tu tập xả li để hành hương đến chân Phật, nếu trên đường tu tập bị ngũ dục lôi cuốn trói buộc, cam nhận ngũ dục là gia ắt sẽ thành gia duyên bận buộc, và đã có gia và duyên rồi thì không sao hành hương đến chân Phật được nữa, như người ngu trồng vừng.rang, không thể có kết quả.
Chỉ đến được với chân Phật khi không còn mảy may ngã cùng ái thủ và ngũ dục, hoàn toàn vô ngã, vô pháp. Vô ngã nên chẳng có đến đi, chẳng có ngã là một chúng sinh nên cũng chẳng có Phật bên ngoài làm đối tượng của ngã, ngã đã vô thì gia cũng không, bấy giờ mới thấy chỉ có chân Phật. Chân Phật không ngoài ngã cũng chẳng trong ngã, mà là vô ngã, Phật và ngã vô ngã này không hai, đó mới thực là chân ngã. Chân ngã này biến khắp mười phương ba đời. Đây là chỗ đến của hành hương
11/2007