Home > Khai Thị Niệm Phật > Ngan-Lay-Trong-Khoa-Tung-Hang-Ngay
Ngàn Lạy Trong Khóa Tụng Hằng Ngày
Cư Sĩ Mao Lăng Vân cung kính kết tập | Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa, Việt Dịch


Cư sĩ Vương Nhật Hưu hiệu Hư Trung đời Tống, người huyện Long Thư. Ðược cử vào chức Quốc Học Tấn Sĩ, ông bỏ quan chức chẳng nhận. Ông bác thông kinh sử, nhưng một bữa kia, buông bỏ hết, bảo:

- Ðều là những thứ tạo thêm nghiệp, chẳng phải là pháp rốt ráo, ta lấy Tây Phương làm chỗ quay về!

Từ đấy, ông tinh tấn niệm Phật. Năm sáu mươi tuổi, ông mặc áo vải, ăn rau, nhật khóa lễ một ngàn lạy đến nửa đêm mới nghỉ. Trong tác phẩm Long Thư Tịnh Ðộ Văn, từ hạng vua, quan, cho đến những kẻ đồ tể, nấu rượu, hạng người tội lỗi, ông đều khuyên trì danh niệm Phật, phổ khuyến tu trì.

Ba ngày trước khi mất, ông từ biệt tất cả thân hữu, khuyên họ nên tinh tấn Tịnh nghiệp, bảo: “Ta sắp có việc phải đi, không gặp lại nhau nữa”. Ðến kỳ, ông giảng sách cho học trò xong, lễ niệm như thường, chợt cao giọng niệm Phật mấy tiếng, bảo: “Phật đến đón ta!”, đứng trơ trơ mà hóa. (theo Tịnh Ðộ Văn)

Nhận định:

Kinh Nghiệp Báo Sai Biệt dạy:

“Lễ Phật một lạy được mười thứ công đức:

1. Một là được sắc thân đẹp đẽ.

2. Hai là nói ra được người khác tin tưởng.

3. Ba là ở giữa đại chúng không sợ hãi.

4. Bốn là được chư Phật hộ niệm.

5. Năm là đầy đủ oai nghi.

6. Sáu là mọi người thân cận.

7. Bảy là chư thiên kính yêu.

8. Tám là đủ đại phước báo.

9. Chín là chết đi sẽ vãng sanh.

10. Mười là mau chứng Niết Bàn”.

Huống hồ là nhật khóa ngàn lạy ư?

Tác phẩm Tịnh Ðộ Văn của ông tuy lời lẽ đơn giản, nhưng thí dụ sâu xa đều là do ông bác thông kinh luận và thân hạnh cùng tột mà thành. Phổ khuyến tu trì thật là thiết tha, khẩn khoản; ai đọc đến mà chẳng phát khởi tín tâm? Xin hãy ấn hành lưu thông rộng rãi tác phẩm ấy để khuyên khắp mọi người lễ niệm, đồng sanh Tịnh Ðộ.