I. Giải và hành của người học Phật không thể tách rời cuộc sống hằng ngày
Kể từ ngày sáng lập Tạp chí Bồ đề Thọ đến nay đã tròn ba mươi năm. Trong giới báo chí Phật giáo, có cư sĩ Chu Phi chuyên tâm vào tạp chí này; ông có thể phục vụ cho Bồ đề Thọ lâu như vậy quả thực là một người hiếm thấy. Nhân dịp kỷ niệm ba mươi năm ngày thành lập, Bồ đề Thọ khởi thảo chuyên đề kỷ niệm đặc biệt với chủ đề: “Làm thế nào để đưa Phật pháp vào ứng dụng rộng khắp trong cuộc sống hằng ngày”.
Chủ đề này đối với Phật pháp hiện nay rất là cần thiết, thích hợp với thời đại, đáng được trịnh trọng đề xuất cùng quý vị học Phật.
Chúng ta biết rằng, giáo pháp mà đức Thế Tôn hướng dẫn cho mọi người không giống với thần giáo mê tín. Đạo Phật là đạo đề cao lý trí, đức hạnh và nhân bản. Vì vậy, nội dung giáo pháp mà đức Phật dạy không nằm ngoài việc điều phục, tịnh hóa và đạt đến sự giải thoát tự tại cho thân tâm. Tin Phật, học Phật không phải là hướng ngoại tìm cầu, mà phát khởi từ sự tu trì nơi nội tâm của mỗi người để thực hiện lý tưởng tự lợi và lợi tha. Nếu như có thể y cứ vào lời Phật dạy rồi tin nhận làm theo thì đương nhiên sẽ đưa Phật pháp vào ứng dụng rộng khắp trong cuộc sống hằng ngày.
Để tin nhận và tu tập theo lời Phật dạy, nhất định phải có chánh tri và chánh kiến xác thực, tâm nguyện thuần chánh, không ngừng tăng trưởng từ bi và trí huệ.
Có điều, đạo Phật trong một thời gian dài nhập thế, từ Ấn Độ truyền sang Trung Quốc, để thích ứng với thế tục, dùng phương tiện dẫn dắt chúng sinh độn căn, có khuynh hướng thần bí, hình thức, tri thức; vì vậy mà sự hành giải của người học Phật dần dần có chiều hướng tách rời cuộc sống hằng ngày, đây thật là vấn đề đáng để chúng ta lưu tâm.
II. Thân tâm tịnh hóa, giải thoát thì mới gọi là đạo trong cuộc sống hằng ngày
Cần hiểu rằng “đưa Phật pháp vào ứng dụng rộng khắp trong cuộc sống hằng ngày” không hẳn là ngày ngày phải tụng kinh, lễ sám, cúng thí thực; ngày ngày nghiên cứu kinh điển, giảng kinh, trước tác, niệm Phật, trì chú, ăn chay, phóng sinh; đi khắp nơi tham dự pháp hội, bố thí cúng dường, hoặc xây dựng sửa chữa tự viện, xây dựng học viện, làm công tác văn hóa từ thiện; hoặc ở am tranh tu tập v.v.. Những việc ấy có thể tương ưng với đạo Phật, nhưng làm không khéo thì rất dễ mang tính hình thức.
Nói về Phật giáo thời hiện đại, thì các Phật sự mang tính hướng ngoại gần hai mươi năm trở lại đây rất thịnh hành. Sự tin nhận, làm theo lời Phật dạy cần ứng dụng bằng việc điều phục, tịnh hóa và đạt đến sự giải thoát tự tại cho thân tâm. Còn như hoằng pháp lợi sinh, làm văn hóa, từ thiện, giáo dục, tổ chức các hoạt động Phật giáo quốc tế mà bản thân quên mất ý nghĩa chân thật của việc tu tập thì cũng không thể nói là “đưa Phật pháp vào ứng dụng rộng khắp trong cuộc sống hằng ngày”.
Ở đây, lúc này mà đưa ra chủ đề “làm thế nào để đưa Phật pháp vào ứng dụng rộng khắp trong cuộc sống hằng ngày”, tôi cho rằng đáng để các pháp hữu lưu tâm.
“Đưa Phật pháp vào ứng dụng rộng khắp trong cuộc sống hằng ngày” cũng chính là tu học Phật pháp, như vậy mới có thể phát khởi đức dụng điều phục, tịnh hóa và giải thoát thân tâm. Phật pháp không phải là lý luận huyền bí khó nắm bắt, không phải là những sự thực hành thần kỳ, quái lạ. Lời Phật dạy, người bình thường cũng có thể tiếp nhận và thực hành được.
Đức Phật dạy rằng: “Giáo pháp mà ta nói như đất dính trên đầu móng tay, những điều chưa nói như đất trong đại địa”. Nghĩa là đức Phật chỉ nói những hạnh thuần chánh của nhân sinh dung thông với chánh pháp giải thoát rốt ráo. Thế gian có nhiều lý luận và thực tiễn tuy có ích đối với thế gian, nhưng không liên quan đến việc tu tập, chuyển hóa thân tâm, hướng đến lý tưởng giải thoát. Phật là tồn tại mà không luận bàn (việc của thế gian, tự có người phát huy. Điều này trong kinh có nhắc đến, các việc ấy thích ứng với thiện pháp của thế gian).
Đức Phật hướng về thân tâm của nhân loại (chúng sinh), chỉ ra sự mê vọng trôi lăn và khả năng giải thoát chân thật, để từ đó khuyến khích, dẫn dắt mọi người nắm bắt và thực hành con đường giải thoát. ức Phật nói pháp môn ngũ uẩn, lục giới, lục xứ, đều không ngoài thân và tâm (thông với thế giới), từ những góc độ không giống nhau nên sự tiếp nhận cũng khác nhau.
III. Tri là bước đầu tiên của hành và cũng là bước hoàn thành của hành
Phật pháp chia làm tri và hành, trong đó tri là bước đầu tiên của hành và cũng là bước hoàn thành của hành (tri và hành không thể tách rời nhau).
1. Chánh tri duyên khởi, vô thường, khổ, vô ngã để được giải thoát
Chữ “tri” này trong kinh thường nhắc đến chính là “chánh tri”, “chánh tư duy”, “chánh quán”, “như thực tri” v.v.. Thân tâm dùng tâm thức làm hoạt động chủ đạo, bất luận là đối với bản thân hoặc tha nhân (chúng sinh), đối với vật chất thế gian, hoặc là hiện tại, hoặc từ hiện tại đến quá khứ, hoặc từ hiện tại đến tương lai, đức Phật dạy rằng: Tất cả “từ duyên sinh”, “ta luận nhân, nói nhân”.
Đức Phật từ chân lý nhân duyên sinh khởi nhau, nương tựa nhau mà tồn tại để lý giải thế gian, xử lý thế gian. Dựa vào pháp duyên khởi, đức Phật dạy rằng: “Cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sinh, cái này diệt nên cái kia diệt”, cho nên không kẹt vào hai bên (cực đoan), từ đó khai thị pháp trung đạo: bất hữu bất vô, bất thường bất đoạn, bất nhất bất dị, bất lai bất khứ, cho đến bất sinh bất diệt.
Những gì từ nhân duyên sinh khởi thì cũng trở về nơi diệt, cho nên gọi là “vô thường”. Vì vô thường nên không thể đạt đến cứu cánh an ổn, đây chính là “khổ”. Vì “vô thường”, “khổ” nên “vô ngã” (“ngã” là chân thực, thường, lạc). Chúng sinh không thể hiểu được thế gian là duyên khởi, cho nên không thể hiểu đúng vô thường, khổ, vô ngã, vô ngã sở, không đạt được niết bàn giải thoát, đó gọi là “vô minh” (“vô minh” đại khái được phân làm “bất tri khổ tập” và “bất tri khổ diệt”). Tất cả phiền não đều từ vô minh sinh khởi.
Phiền não dựa vào ngã, ngã sở làm căn bản, chấp vào“ngã”, “ngã sở” là “kiến”; nhiễm trước “ngã”, “ngã sở” là “ái”. Còn “ngã” và ỷ thị vào “ngã” là “mạn”. Dựa vào “phiền não” (phiền não phát sinh từ tư tưởng và hành vi, hai yếu tố này là trung tâm của tự ngã), nếu đi ngược lại chân lý nhân duyên cùng sinh khởi, cùng nương tựa và tồn tại, tổn hại đến người (người khác, dân tộc khác, đất nước khác), làm lợi cho mình là trái với giáo pháp, đây gọi là ác hạnh (nghiệp). Nếu thuận theo chân lý nhân duyên cùng sinh khởi, cùng nương tựa và tồn tại mà làm lợi người là đúng pháp, đây là thiện hạnh. Ứng với thiện hạnh là được an lạc, ứng với ác hạnh là chịu quả báo khổ.
Vì không hiểu đúng duyên khởi, nên đều không triệt để, đây là pháp hữu lậu. Vì thế nên pháp sinh tử không ngừng diễn ra. Còn như hiểu đúng duyên khởi, dựa vào pháp mà hành, nhận biết vô thường, khổ thì sẽ sinh tâm “yểm ly”, nhận biết “vô ngã”, “vô ngã sở” mà có thể “ly dục” (ly phiền não) thì
được giải thoát và chứng diệt (dừng lại ưu khổ của thân tâm).
2. Dựa vào chánh tri, chánh kiến để dẫn phát “chánh tín”
Phật pháp chỉ ra thân tâm duyên khởi dựa vào tâm thức làm chủ đạo mà khai thị giáo pháp trung đạo khổ tập và khổ diệt. Người học Phật cần phải có chánh kiến thiết yếu này. Chánh kiến không phải là tri thức mà là chuyển hóa chính xác tri thức thành hiểu biết của bản thân, có chánh kiến thì sẽ có chánh tín.
“Tín”, “tâm tịnh là tín”, “như hạt thanh châu có công năng làm cho nước đục trở thành nước trong”. Một niệm tịnh tín hiện tiền thì nhất định không có phiền não, không có ưu khổ; nội tâm tràn đầy thanh tịnh, an định và hỉ lạc. Người thực hành được như vậy mới gọi là đệ tử chân chính quy y Tam bảo.
“Tịnh tín” mà Phật pháp nhắc đến không giống với “tín” của thế tục. Đối với những gì người khác nói (hay trong sách đề cập) ta thừa nhận là xác thực, như vậy gọi là tin tưởng nhau. Đây chỉ là xác nhận, chẳng hạn như tin tưởng rằng “một cộng một bằng hai”. Còn đối với những điều người khác nói cảm thấy có thiện cảm, có sự đồng cảm, khẳng định tiếp nhận lời của họ, thông thường như vậy gọi là tín ngưỡng, chẳng hạn như tín ngưỡng chủ nghĩa, tín ngưỡng lãnh tụ. Đây chỉ là sự tin theo của thế tục. Thế tục thường hay nói “tin linh cảm”, “tin vận mệnh”, “tin phong thủy” v.v., đều không nằm ngoài hai kiểu tín ngưỡng đề cập ở trên.
“Tịnh tín” mà Phật pháp nhắc đến là nương tựa vào Tam bảo mà sinh khởi, được sự dẫn phát từ nội tâm, có cảm giác thanh tịnh, hỉ lạc. Nhờ chánh tri, chánh kiến dẫn phát thông qua lý tính cho nên tín tâm phát khởi từ đó an lạc hiện hữu. Điều này tuy gần với tín tâm của nhất thần giáo, nhưng không rơi vào mê vọng cuồng nhiệt.
3. Chánh tín Tam bảo, thâm tín nhân quả ba thời là nền tảng của người học Phật
Người theo đạo Phật ở phương Đông tương đối đông. Phần nhiều, quý Phật tử tin Phật và tin chư tăng (A la hán và Bồ tát), nhưng tin pháp thì hầu như không nhiều. Vì Phật tử không hiểu pháp, không tin pháp cho nên không thể phân biệt được Phật, thần (gần đây lại có người chủ trương tin Phật nhưng cũng phải tin thần). Đối với Phật, A la hán, Bồ tát, phần nhiều mọi người tín ngưỡng theo kiểu thần bí, dùng tâm thái tin thần để sùng bái Phật.
Một mặt, tin tưởng vào thần lực của chư Phật và chư hiền thánh tăng, cầu mong được gia hộ; mặt khác, đa số Phật tử vì lợi ích thế tục của hiện đời và đời sau như sức khỏe, sống lâu, phú quý, gia đình an vui, sự nghiệp phát đạt, không rơi vào ác đạo v.v., mà biểu hiện các hành vi mong cầu tiêu tai giảm nạn, cầu tăng phước tăng thọ. Tuy nói rằng chư Tăng dùng phương tiện thích hợp để giáo hóa, nhưng nếu mãi thuận theo kiểu hướng ngoại cầu khẩn mà lại không hướng nội để kiểm điểm, như vậy tịnh tín không thể sinh khởi thì làm sao có thể đưa Phật pháp vào ứng dụng rộng khắp trong cuộc sống hằng ngày?
Hiểu thấu đáo duyên khởi để từ đó có thể sinh tâm nhàm chán, ly dục, diệt độ (niết bàn); làm được như vậy trong thời đại hướng ngoại tìm cầu này, đương nhiên là không dễ. Hiểu rõ pháp duyên khởi cùng nương tựa, cùng tồn tại, tin sâu đạo lý làm việc thiện hưởng quả lành, làm việc ác chịu quả khổ, là khế hợp với luật nhân quả ba thời tất yếu, cũng là tín tâm cần có của người học Phật.
Thuyết nghiệp quả thiện ác có đặc điểm là: “Tự lực tạo tác, chẳng phải tha lực”, “cơ hội như nhau, không có đặc thù”, “phía trước sáng sủa, không phải tuyệt vọng”, “thiện ác có hồi đáp, chẳng phải không có qui luật”. Người tin sâu nhân quả thiện ác luôn dựa trên nền tảng của chánh kiến. “ Hành vi tương ưng với Phật pháp trở thành sức cải thiện quá khứ, khai mở vị lai”. Không oán trời, không trách người, “tận tâm nỗ lực hướng về phía trước, không vì gặp phải việc hiện tại không như ý mà dao động, luôn quyết tâm bỏ ác làm thiện”. Tin sâu nhân quả và ứng dụng niềm tin ấy vào trong cuộc sống hằng ngày là đã biểu hiện được tinh thần của Phật pháp.
Thuyết nhân quả ba thời của đạo Phật, mọi người còn nửa tin nửa ngờ, còn có tâm lý cầu may, cầu lợi. Phần nhiều không thực hành theo giáo pháp, thực hiện con đường chánh hạnh bỏ ác làm lành của nhân sinh. Những tập tục như xin xăm, xem phong thủy (địa lý) v.v., chúng xâm nhiễm nghiêm trọng vào trong Phật giáo, lại được sự đồng ý của đa số chư vị trưởng lão, đại đức. Sự hướng ngoại cầu khẩn trong Phật giáo, cho đến những hành vi tương tự như vậy của người mong được phù phép đều là mê vọng và không thuần chánh. Chánh tín Tam bảo, thâm tín nhân quả là nền tảng của sự học Phật, cho nên chỉ có chánh tín và bài trừ mê tín không thuần khiết thì Phật pháp mới có thể được ứng dụng rộng khắp trong cuộc sống hằng ngày.
4. Nhờ hiểu biết chính xác nên huân tập chánh kiến vững chắc, từ đó tiến đến đạt được tín và trí nhất như
Tịnh tín dựa trên nền tảng chánh kiến; chánh kiến có được từ nhận thức chính xác và sâu sắc. Chánh tri của Phật pháp dựa vào việc nghe hiểu giáo pháp, ban đầu là ức Thế Tôn khai thị, các đệ tử tiếp nhận và truyền thụ; đến khi kinh điển được kết tập, được ghi chép lưu giữ mới hình thành việc tiếp nhận giáo pháp từ kinh (luận).
Để giáo nghĩa được minh xác, chư vị đệ tử không ngừng biện luận trong một quá trình lâu dài, hình thành các bộ luận Phật giáo có thể lệ tinh nghiêm. Vì ứng phó với sự chỉ trích của ngoại đạo nên cần phải có pháp nghĩa rõ ràng, sâu sắc để hộ trì Phật pháp. Nhưng quá trình luận nghĩa chưa đủ tinh tường nên có ít nhiều rối rắm. Trải qua sự phân hóa bộ phái, hình thành các học thuyết giải thích về pháp nghĩa trong mỗi bộ phái nên có vô số kiến giải khác nhau. Phật pháp trong một thời gian dài được ứng dụng, để thích hợp với thời đại và căn cơ nên đã hình thành vô số phương tiện giáo hóa.
Bất luận là Phật pháp đượctruyền từ Ấn Độ hay Phật pháp được các bậc cổ đức ở Trung Quốc xiển dương đều có nội dung phong phú và có khuynh hướng nghĩa học, thuyết lý.
Phật pháp tại nhân gian phát triển và cải tiến, có thể nói là tất yếu, nhưng quá trình ấy dẫn đến bộ loại rối rắm, nội dung phức tạp. Điều này khiến cho người mới học không biết phải từ kinh sách nào để trực tiếp nắm bắt yếu chỉ của Phật pháp, do đó, muốn có chánh tri để khởi chánh tín, quả thật là một việc khó khăn. Vậy nên cũng không lạ gì việc cũng có người nghiên cứu sâu Phật pháp nhưng lại chạy theo hư ảo huyền diệu, nghĩa học, khiến Phật pháp trở thành của một số ít người. Cũng có những người tin Phật nhưng không biết tin pháp (có người tin pháp nhưng chỉ tin vào sự vĩ đại của một bộ kinh nào đó rồi trì tụng để cầu công đức), không tránh khỏi lầm lạc vào phương tiện, chuyên cầu lợi ích của thế tục hiện đời.
Tôi có suy nghĩ như vầy: Ngài Châu lợi bàn đà sống vào thời đức Phật, tuy ngu đần nhưng chứng quả A la hán. Đời nhà Đường có ngài Huệ Năng, tuy không biết chữ nhưng có khả năng chứng ngộ cao thâm. Dựa vào chánh kiến của Phật pháp có thể đạt được “chứng tịnh” của tín trí nhất như, không nhất định phải trải qua sự nghiên cứu học tập vô biên pháp nghĩa, nhưng thiện tri thức đời mạt pháp này rất khó làm được như vậy, cho nên không thể không y cứ vào kinh luận.
Để chánh pháp ứng dụng rộng khắp, cần khai mở tư duy để sinh khởi chánh tín, hiển bày tinh yếu trong chánh nghĩa của Phật pháp (pháp nghĩa cơ bản được công nhận) là điều vô cùng quan trọng. Đồng thời, sự diễn giải kinh luận, cho đến các nghiên cứu mang tính chất học thuật thịnh hành gần đây, tất nhiên có giá trị nhất định, nhưng không hẳn có thể giúp mọi người có được kiến giải chính xác, từ đó phát khởi chánh tín, làm cho Phật pháp đi vào lòng người, có thể ứng dụng rộng khắp trong cuộc sống hằng ngày.
Đối với người thuyết giảng và người nghiên cứu là vì thuyết giảng mà thuyết giảng, vì nghiên cứu mà nghiên cứu, chứ bản thân không thể dựa vào thuyết giảng, nghiên cứu mà phát khởi chánh tín. Từ lập trường học Phật, thì những việc ấy không có nhiều giá trị lắm! Đối với nghĩa lý của Phật pháp, cần phải ứng dụng vào hiện thực, đây mới là điều cần được chú ý.
IV. Hạnh gồm có hạnh tự lợi và hạnh lợi tha
Nói đến hạnh, thì hạnh của Thanh văn là bát chánh đạo, hạnh của Bồ tát là lục ba la mật và tứ nhiếp. Nói một cách tổng thể, hạnh tự lợi lấy “giới, định, huệ” làm căn bản; hạnh lợi tha lấy “thí, giới, nhẫn” làm căn bản.
1. Tịnh tín là cửa đi vào Phật pháp
Trong Phật pháp, hạnh (có được từ chánh kiến) lấy tịnh tín làm chỗ xuất phát. “Tín là chỗ dựa của sự mong muốn, mong muốn là chỗ dựa của việc siêng năng thực hành”, có tín tâm thanh tịnh sẽ phát khởi thệ nguyện; thệ nguyện nương vào pháp để tinh tấn thực hành.
“Quy y” trong Tam thừa đạo13, “bồ đề tâm” trong Bồ tát đạo, đều lấy tín nguyện làm thể tánh. Có nguyện (mong muốn) rồi, sẽ xác lập chí hướng (gọi là “phát tâm”), từ đó thúc đẩy mọi người tinh tấn, nỗ lực thực hành để mong muốn thực hiện được lý tưởng. Vì vậy, từ chánh tri dẫn khởi tịnh tín là “cửa đi vào Phật pháp” của tất cả đệ tử Phật.
2. Giữ giới là nền tảng của việc học Phật
Trong sự tu tập, giới là nền tảng của thánh đạo. Thông thường mọi người cho rằng giới (giống như pháp luật) nghĩa là điều này không được phạm, điều kia không được phạm, mà không biết rằng đây chỉ là các điều mục thực hành của giới, không phải là thực chất của giới. Thế nào gọi là giới? Giới, theo tiếng Phạn là 'sīla, được phiên âm là thi la, dịch sang tiếng Hán có nghĩa là giới. “Thi la (ở đây gọi là tính thiện), nghĩa là làm điều thiện, bản thân không phóng dật (làm điều ác). Hoặc thọ giới hành thiện, hoặc không thọ giới hành thiện đều gọi là thi la”. Giới là tính thiện được dẫn phát từ sự huân tập thường xuyên.
Giới không phải là hạnh thông thường như trải qua sự gợi ý, nhắc nhở của cha mẹ, thầy cô, bạn bè, hoặc được dẫn phát từ trong ứng xử của bản thân. Nội tâm mỗi lần cảm động, bị tác động, thì lực của tính thiện (vốn tiềm ẩn) sẽ sinh khởi mạnh mẽ theo hướng tích cực chống lại tội ác. Nếu như gặp phải nhân duyên phạm tội, nội tâm sẽ (bất giác) phát ra sức kháng cự.
“Tính thiện” thì tiềm ẩn, nhưng ngày đêm luôn tăng trưởng. Nếu phạm lỗi nhỏ, giới đức của tính thiện vẫn có mặt, nhưng nếu phạm lỗi nhiều lần, giới lực sẽ suy yếu, gọi là “giới luy”. Còn nếu phạm tội ác to lớn, khi ấy lực của tính thiện sẽ mất đi, như vậy gọi là đã “phá giới”.
Giới đức của tính thiện gọi là “luật nghi” (cũng được dịch là “hộ”16), chính là “giới thể” mà trong Phật pháp thường nhắc đến. Giới thiện này vào thời không có Phật pháp, hoặc có pháp mà người ta không biết, đều có thể sinh khởi tính thiện. Nhưng Phật pháp thì có sự nhiếp phục, dẫn dắt của chánh kiến, biểu hiện ở việc bỏ ác làm lành, càng giúp cho tính thiện có sức chính xác mà không đến nỗi bị lầm lạc!
Căn cứ vào giới đức của tính thiện thì trong cuộc sống hằng ngày, hạnh của thân, ngữ, ý sẽ hợp với pháp. Vì phương thức sinh hoạt, quan hệ xã hội, qui tắc đoàn thể không giống nhau, nên Phật pháp tùy theo căn cơ mà có pháp của chúng xuất gia, pháp của chúng tại gia. Nếu theo phương diện dựa vào lực của tính thiện, thành tựu công đức tự lợi và lợi tha thì trên thực chất không có sự khác biệt kể trên.
Người có tính thiện tuy không thọ giới hoặc chỉ thọ năm giới, đều có thể hướng đến con đường giải thoát. Còn như không có tính thiện, tuy thanh tịnh thọ giới tỳ kheo, giới Bồ tát cũng không nhất định có thể gieo trồng thiện căn giải thoát. Vậy nên giới “tính thiện” xuất hiện trong sâu thẳm nội tâm là điểm quan trọng trong việc thọ giới, giữ giới của các đệ tử Phật.
Ba mươi năm trở lại đây, pháp hội truyền giới của chúng ta mỗi năm đều mở, tuy theo đúng pháp mà truyền giới và thọ giới, nhưng người thọ giới có thể trên sự tướng nỗ lực thực hiện thì không có nhiều. Chính vì vậy, không lấy làm lạ khi không thể ứng dụng Phật pháp rộng khắp trong cuộc sống hằng ngày.
3. Lấy tín giới làm nền tảng để tiến tu định huệ
Tịnh tín là đối với Phật không hư hoại tín tâm, đối với pháp không hư hoại tín tâm, đối với tăng không hư hoại tín tâm. Giới tính thiện là thành tựu giới được bậc thánh tin mộ. Thành tựu tín giới này là nội dung của “tứ bất hoại tín”, quyết định không lui sụt, quyết định hướng đến “tam bồ đề” (chánh
giác). Nếu tiến tu định huệ thì hiện đời cũng có thể giải thoát.
Trong Phật pháp, tịnh tín là cửa đi vào Phật pháp, giữ giới là nền tảng của việc học Phật. Muốn tiến thêm một bước để tu chứng định huệ mà rời bỏ tín giới thì không thể nào được thành tựu. Trong kinh nói: “Trì giới giúp cho không hối hận, từ chỗ không hối hận nên được hân hoan, từ chỗ hân hoan nên được hỉ, từ chỗ hỉ nên được chỉ, từ chỗ chỉ nên được lạc, từ chỗ lạc nên được định”.
Y giới tu định là sự tiến tu hướng thiện hợp lý, giống như chèo thuyền thuận dòng nước thì sẽ đến nơi. Cho nên tu định, trước hết cần phải lìa (ngũ) dục19, và pháp ác bất thiện. Có người tu tập thiền định với mục đích làm cho thân thể mạnh khỏe, hoặc cảm ứng được điều thần bí v.v., mà không lìa dục nhiễm, không đoạn pháp ác, chỉ chú trọng quán tưởng hơi thở,quán thân, mong được nhất tâm tương tục mà không rơi vào tà định, lạc vào quyến thuộc ma vương thì thật là hiếm thấy. Đây chẳng phải định thanh tịnh (hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu) cần tu tập trong Phật pháp.
Nói đến huệ ngộ, Bồ tát Long Thọ giải thích rằng: “Tín giới không vững thì ức tưởng chấp không, đây là tà không”. Sự thể ngộ không tính bình đẳng, đối với người không có tín tâm, không giữ giới sao có thể thành tựu được! Tín và giới, mọi người hiện đang bàn luận, nhưng thật sự không như sự tưởng tượng của mọi người! Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho Phật pháp không thể ứng dụng rộng khắp trong cuộc sống hằng ngày!
Sau khi xuất gia, tôi suốt ngày tìm học trong văn tự Đại Tạng kinh. Tuy nói vì chúng sinh mà học, muốn đạt được chỗ tinh yếu để cúng dường mọi người, nhưng cũng thật hổ thẹn vì biển pháp mênh mông, còn pháp mà tôi học được như đầu móng tay, thật hạn hẹp! Tôi thấy rằng Phật pháp vốn bình dị thiết thực, có thể thực tập, nhưng bậc hiền giả thì đi quá mức, còn người thiếu phước duyên lại không tiếp nhận được. Vậy nên Phật pháp trong quá trình vươn lên mỗi ngày một sa sút.
Hôm nay, nhân dịp chuyên đề kỷ niệm đặc biệt này, tôi chia sẻ vài thể nghiệm của bản thân để động viên những vị thật sự muốn học Phật.
(Trích từ Hoa vũ tập, quyển 4, trang 269 279)
Trích từ: Phước Huệ Tuỳ Thân Thư