Một niệm tâm hiện tiền của chúng sanh vốn toàn chân mà thành vọng, nhưng toàn vọng tức chân, suốt ngày chẳng biến đổi, mà suốt ngày tùy duyên. Nếu chẳng thuận cảnh Phật mà niệm cảnh Phật thì liền niệm chín cõi; chẳng niệm Tam Thừa thì liền niệm Lục Phàm; chẳng niệm cõi trời người thì liền niệm Tam Ðồ; chẳng niệm ngạ quỷ, súc sanh thì liền niệm địa ngục. Phàm đã có tâm thì không thể vô niệm. Vì tâm thể vô niệm chỉ chư Phật mới chứng đắc, còn từ Đẳng Giác trở về trước đều thuộc hữu niệm. Phàm khởi một niệm, nhất định sẽ rơi vào mười cõi, vô niệm thì vượt ngoài mười cõi. Vì không một niệm nào vượt ra khỏi mười pháp giới. Cho nên, vừa khởi một niệm tức đã có một duyên thọ sanh. Người biết rõ lý này mà không niệm Phật thì chưa từng có vậy. Nếu tâm này tương ưng với lòng đại từ đại bi bình đẳng, công đức y chánh cho đến hồng danh vạn đức tức đã niệm pháp giới Phật vậy. Nếu tâm này tương ưng với tâm Bồ-đề, Lục Ðộ vạn hạnh tức đã niệm pháp giới Bồ-tát vậy. Nếu tâm vô ngã tương ưng với mười hai nhân duyên tức đã niệm pháp giới Duyên Giác. Nếu tâm vô ngã quán xét Tứ Ðế tức đã niệm pháp giới Thanh Văn. Hoặc tâm này tương ưng với Tứ Thiền, Bát Ðịnh cho đến Thập Thiện thượng phẩm tức đã niệm pháp giới thiên. Nếu tâm tương ưng với ngũ giới tức đã niệm pháp giới người. Nếu tu tập các pháp Ngũ Giới, Thập Thiện mà trong tâm còn sân hận, kiêu mạn, thắng thua tức rơi vào pháp giới Tu La. Nếu dùng tâm yếu kém niệm Thập Ác hạ phẩm tức rơi vào pháp giới súc sanh; nếu dùng tâm nửa yếu kém nửa mạnh mẽ tương ưng với trung phẩm Thập Ác thì liền rơi vào pháp giới Ngạ Quỷ; nếu với tâm mạnh mẽ tương ưng với thượng phẩm Thập Ác thì liền rơi vào pháp giới Địa Ngục. Thập Ác tức là sát sanh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, ỷ ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt, tham, sân, tà kiến. Trái lại là Thập Thiện. Các ông nên thầm xét kỹ, những tâm niệm khởi lên hằng ngày tương ưng với pháp giới nào mạnh nhất thì nơi an thân lập mạng ngày sau tự có thể biết được, chẳng cần phải nhọc hỏi người.
Trích từ: Triệt Ngộ Đại Sư Thị Chúng