Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Lam-The-Nao-De-Doi-Xu-Hoa-Muc-Voi-Tat-Ca-Chung-Sanh

Làm Thế Nào Để Đối Xử Hòa Mục Với Tất Cả Chúng Sanh
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả :Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Từ xưa đến nay giáo dục của nhà Phật, nhà Nho đều chẳng ra ngoài hai việc: thứ nhất là dạy chúng ta nhận thức quan hệ giữa chúng ta và đại vũ trụ, đây tức là ‘chư pháp thật tướng’.  Hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh một cách chính xác là tông chỉ chủ yếu của giáo dục, đây là Thể.  Thứ nhì là dạy chúng ta làm thế nào đối người, đối sự, đối vật và cũng nghĩa là trong sanh hoạt làm sao xử sự, đãi người, tiếp vật, đây là Dụng.  Hai cái Thể và Dụng này bao gồm toàn bộ giáo học, đây chẳng phải chỉ là lời dạy của Phật Thích Ca Mâu Ni mà thôi, mười phương ba đời hết thảy chư Phật giáo hóa tất cả chúng sanh đều chẳng ngoại lệ.

Trên mặt tác dụng tại sao chúng ta không thể đối xử hòa mục với hết thảy chúng sanh?  Là vì chẳng hiểu chân tướng sự thật.  Chư Phật, Bồ Tát đại thánh đại hiền hiểu rõ chân tướng cho nên có thể đối xử hòa mục với hết thảy chúng sanh.  Ðức Phật dạy chúng ta phải coi tất cả chúng sanh như cha mẹ quá khứ, chư Phật vị lai;  Bồ Tát Giới Bổn trong kinh Phạm Võng cũng nói: ‘Hết thảy người nam là cha ta, hết thảy người nữ là mẹ ta’, những chuyện này đều là sự thật, chẳng phải là thí dụ.  Kiến giải, tâm tư, thường thức của phàm phu hơn phân nửa giới hạn trong một đời, chẳng biết đời quá khứ và đời vị lai, cho nên sanh ra rất nhiều hiểu biết sai lầm.  Phật, Bồ Tát dùng định công thâm sâu đột phá giới hạn của thời gian và không gian, đối với quá khứ vô thỉ, vị lai vô chung hết thảy đều hiểu rõ, cho nên biết hết thảy chúng sanh đời đời kiếp kiếp đều là quyến thuộc lẫn nhau.

Chư Phật, Bồ Tát dùng tâm gì để đối đãi hết thảy người, sự, vật?  Là dùng tâm Hiếu Kính.  Câu đầu tiên của Tam Phước trong Quán Kinh: ‘Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng’.  Dùng hiếu thuận, tôn kính đối đãi hết thảy người, sự, vật, đó tức là Phật, Bồ Tát, đại thánh nhân.  Tâm tư, quan niệm, hành động của phàm phu hoàn toàn ngược lại.  Tương ứng thì là tùy thuận tự tánh, tánh đức, tùy thuận thật tướng của chư pháp.  Có thể tùy thuận một cách viên mãn thì là Nhất Chân pháp giới.  Nếu chẳng thể tùy thuận, trái ngược với những điều trên thì là lục đạo phàm phu; hoàn toàn trái ngược thì là tam ác đạo.  Cho nên làm thánh làm phàm, thiên đường địa ngục đều ở ngay tại một niệm của mình mà thôi.  Nếu một niệm này tương ứng với pháp tánh thì là Phật, Bồ Tát; niệm này trái ngược với tánh đức thì là chúng sanh, ác đạo.

Do đây có thể biết cảnh giới bên ngoài thực sự như chư Phật đã nói: ‘mộng, huyễn, bọt, bóng’, cảnh giới biến hóa tùy theo tâm niệm của chúng ta, cũng như kinh Hoa Nghiêm nói: ‘Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến’.  Phật còn nói cho chúng ta biết:  ‘hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh’, tâm là năng biến (cái có thể biến), pháp là sở sanh (cái được sanh ra).  Những pháp được sanh này chẳng như ý là vì cái tâm năng sanh chẳng tương ứng với pháp tánh.  Thế nên hết thảy cảnh giới chẳng phải người khác biến hiện ra cho bạn hưởng thụ mà do tự mình biến ra cho mình hưởng dùng, đây là chân tướng sự thật.  Sau khi hiểu rõ chân tướng, nếu chúng ta muốn sinh hoạt trong một hoàn cảnh thích hợp với mình thì phải tuân theo lời dạy của Phật.  Nói thật ra, tuân theo lời Phật dạy tức là tuân theo tánh đức của tự tánh, pháp tắc của tự tánh.  Những gì chư Phật, Bồ Tát nói đều là pháp tắc của tự tánh chúng ta, chẳng phải của riêng Ngài.  Thế nên Phật nói Ngài chưa từng nói qua một lời, những gì Ngài nói đều là tánh đức của tự tánh chúng ta khai phát.  Chỉ có chân chánh hiểu rõ đạo lý này mới thực sự hoàn toàn tiếp nhận và khâm phục Phật pháp đến năm vóc sát đất.

Cho nên học Phật tức là tùy thuận tự tánh, Phật đại biểu cho tự tánh của chúng ta, Bồ Tát và đại thánh đại hiền là thị hiện của tánh đức, là tánh đức lưu lộ, là tự mình chẳng phải người khác, đây tức là ‘ta người không hai’ [23].  Chúng ta phải lãnh hội cái ý tưởng này, từ đó xây dựng lòng tin.  Nếu có thể khế nhập thì mới hoảng nhiên đại ngộ, chư Phật, Bồ Tát vốn là tánh đức của mình lưu xuất, thập pháp giới y báo, chánh báo trang nghiêm cũng là tự tánh lưu lộ.  Sau đó mới chân chánh thể hội đến tận hư không trọn khắp pháp giới chỉ là chính mình mà thôi, ngoài chính mình ra, đích thực chẳng có pháp nào cả.  Lòng đại từ Vô Duyên, lòng đại bi Ðồng Thể tự nhiên sẽ hiện ra, từ bi là tánh đức, tánh đức sẽ hiện ra, lưu lộ viên mãn.  Chúng ta hiếu kính đối với Phật, Bồ Tát, đại thánh đại hiền, hiếu kính cha mẹ, sư trưởng, sau đó từ từ sẽ hiếu kính đối với hết thảy chúng sanh, thậm chí đối với oan gia đối đầu của mình, rắn độc thú dữ, địa ngục ngạ quỷ đều hiếu kính như nhau, nhất định sẽ dùng tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng đối đãi với họ.

Nếu nhập vô cảnh giới này thì bạn đã thành Phật rồi.  Cho dù chẳng thành Phật thì cũng là Pháp Thân đại sĩ, trí huệ đã khai mở.  Ðối với hết thảy vạn pháp trong hư không pháp giới, bạn đã giác ngộ, hiểu rõ rồi, biết được phải làm như thế nào.  Ðối với những chúng sanh chưa giác ngộ thì cũng biết làm thế nào để giúp đỡ, đây tức là giữ tâm Bồ Tát, hành Bồ Tát đạo.  Cho nên bất cứ thân phận gì, ngành nghề gì, nam nữ, già trẻ đều có thể tu Bồ Tát đạo viên mãn.  Bồ Tát tuyệt đối chẳng giới hạn trong một pháp giới nào, hết thảy pháp giới đều là pháp giới Bồ Tát.  Kinh Hoa Nghiêm nói: ‘Một tức là nhiều, nhiều tức là một, một và nhiều không hai’ tức là  ý nghĩa này.

Chúng ta đời đời kiếp kiếp tiếp xúc với hết thảy chúng sanh đã kết thiện duyên và cũng có ác duyên.  Có nhiều người rất hợp với mình, có duyên và rất thích mình, đây là thiện duyên từ đời quá khứ.  Có nhiều người là oán gia đối đầu của mình, đem lại cho mình rất nhiều điều chẳng như ý, đây là oan nghiệp từ kiếp trước.  Quá khứ mê hoặc điên đảo nên gây ra oan nghiệp này, hiện nay giác ngộ hiểu rõ rồi, phải hóa giải oan kết này thì cũng dùng ‘hiếu kính’ như lời Phật dạy.  Hiếu thuận và tôn trọng bằng tâm chân thành, oan kết tự nhiên sẽ được hóa giải.

 Cho nên đối với hết thảy oán ghét, chúng ta phải tùy thuận, thực sự làm được hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức; trong sự tùy hỷ thành tựu trí huệ chân thật cho mình, giới - định - huệ chân thật, đây là công đức.  Tùy thuận làm sao có thể thành tựu công đức?  Tâm thanh tịnh quan trọng, tâm trí huệ quan trọng, bạn dùng tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi tức là tùy thuận, đây là có công.  Có thể thành tựu, tăng thêm lòng chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi của bạn là đức.

Cho nên nếu có một niệm oán trời trách người thì là sai lầm quá đỗi.  Khi gặp hết thảy cảnh giới, nghịch duyên không như ý, đều phải quay lại tự mình phản tỉnh, nhất định là do nghiệp chẳng thiện của mình tích lũy lại tạo thành, lỗi lầm chẳng ở tại người khác.  Quay đầu lại tự mình chân thật sám hối, sửa sai đổi mới, đây là chân tu hành.  Là do mình chẳng xem họ như cha mẹ, sư trưởng, chẳng có hiếu thuận, tôn trọng họ, là lỗi của mình, chẳng phải của họ.  Chư Phật Như Lai  dùng phương pháp này được thành tựu, chúng ta muốn làm Phật, làm Bồ Tát thì cũng chẳng ngoại lệ, vẫn phải dùng phương pháp này.  Chúng ta phải thực hiện ‘kính người, kính sự, kính vật’ trong đời sống, niệm niệm chẳng được tách lìa; một niệm tách lìa là một niệm mê, một niệm tương ứng là một niệm giác, cho nên phải dụng công trong từng tâm niệm.  Chẳng thể không đọc kinh điển Ðại thừa, chẳng thể không thâm giải ý thú [24], được vậy chúng ta mới có thể giữ gìn giác chứ không mê, mới có thể đạt được đời sống hạnh phúc mỹ mãn chân chánh.

_________________

[23] (tự tha bất nhị)

[24] nghĩa là hiểu sâu ý nghĩa và tông thú.  Tông là điều được đề cao bởi kinh điển, tức là pháp môn chủ yếu được dạy trong kinh, thú là đường lối để thực hiện tông.  Chẳng hạn, kinh A Di Đà có tông là “nhất tâm bất loạn”, còn thú là “nhất hướng chuyên niệm, trì danh niệm Phật, tích lũy công đức"
 
Trích từ: Học Vi Nhân Sư Hành Vi Thế Phạm
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Lục Hòa Kính
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Lục Hòa
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa