Thời đại loạn lạc như hiện nay, còn nghĩ đến học Phật pháp, quả thật không đơn giản! Theo quan điểm của Phật giáo, các hành đều vô thường, chỉ mong sự nghiệp của chúng ta mang lợi ích đến cho mọi người và tự thân, làm được một ngày là quý một ngày, đừng nghĩ đến sự thay đổi, hay kéo dài được bao lâu, chỉ sợ mỗi ngày thời gian trôi qua mà không tích lũy được chút công đức nào.
Chúng ta cần phải noi theo đại nguyện vì chánh pháp, đây là tinh thần mà mỗi người học Phật không thể thiếu. Nghiên cứu giáo pháp của Đức Phật, bắt đầu từ kinh luận mà hạ thủ công phu. Nhưng nghiên cứu Phật pháp, không hẳn là đã tinh chuyên tu học Phật pháp một cách trọn vẹn, nghiên cứu chỉ là bước khởi đầu cơ bản cho công trình tu học Phật pháp, không thể xem nó khó hay dễ. Học Phật, bắt buộc phải có đủ hai điều kiện, đó là hiểu biết và thực hành.
1. Thảo luận về việc nghe pháp
Đối với người học Phật, trước hết cần phải nghe pháp. Nghe tức là lắng nghe người giảng giải. Thông thường chúng ta hay nghĩ rằng tụng kinh sẽ được công đức này, công đức nọ, nhưng thật lòng mà nói, công đức được thành tựu là nhờ vào nghe pháp. Ngài Xá lợi phất từng bạch với Đức Phật rằng: “Nếu con không được nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp, thì chẳng khác nào người bị mù mắt!”. Thầy Xá lợi phất là một trong những vị đại đệ tử của Đức Phật, lại là người có trí huệ bậc nhất trong tăng đoàn, mà còn chú trọng việc nghe thuyết pháp đến như thế, huống gì những người căn tánh ngu muội! Phật pháp là ánh sáng bậc nhất cứu người, độ đời, chúng ta muốn hấp thụ được lợi ích chân thật của Phật pháp, thì không thể bỏ qua việc nghe pháp. Trong kinh có dạy: “Phải học rộng nghe nhiều mới hiểu được pháp, nghe nhiều mới tránh được sai lầm, nghe nhiều mới không làm những việc vô nghĩa, nhờ nghe nhiều mới chứng được Niết bàn”.
Nghe nhiều mới hiểu được pháp, tức là nhờ tinh tấn nghe giảng kinh thuyết pháp, chúng ta mới hiểu được nghĩa lý chân thật của Phật pháp, phân biệt được đúng sai, thiện ác, tà chánh ở trong thế gian, nhờ nghe pháp mà sinh khởi tư duy.
Người học Phật quan trọng là sửa đổi được sai lầm, kẻ phàm phu ngu muội vì không lắng nghe, nên làm ác mà không biết. Nhờ lắng nghe Phật pháp, nên họ hiểu được chân lý sinh diệt biến đổi, sẽ chuyển hóa được hành vi và ý nghĩ của bản thân, trở thành con người mới, không còn lặp lại những lỗi lầm đã tạo. Nghe pháp chẳng khác nào soi gương, nhìn thấy được những ưu và khuyết điểm, nhờ thế mà có cơ hội thay đổi làm mới chính mình.
Trong xã hội có nhiều người muốn trở thành bậc hoàn thiện, nhưng vì không có cơ hội nghe Phật pháp, nên làm những việc không đúng mà cho rằng đó là chân lý nên bám víu đeo đuổi, rồi lấy đó làm đường lối tu tập. Như ở Ấn ộ, ngoại đạo tu khổ hạnh, hành trì giới trâu, giới chó..., ở Trung Quốc cũng có những loại tà giáo như đạo Tiên thiên, đạo Nhất quán... không chứng mà cho là chứng, không biết mà cho là biết. Người nghe được Phật pháp, chắc chắn sẽ không tiếp tục làm những việc vô nghĩa như thế. Sau khi thâm nhập Phật pháp, tâm sẽ bừng sáng, trí huệ khai mở, có được sự thấy cái biết đúng đắn, dùng chánh kiến quét sạch những vọng chấp trong thâm tâm, tức chứng đắc được Niết bàn. Học pháp Đại thừa, nhờ nghe chánh pháp nhiều nên phát khởi tâm thắng giải của Đại thừa, sẽ không còn bị thoái lui.
Lại có người cho rằng học Phật quan trọng là ở phần thực hành, nếu học mà không thực hành, thì chỉ làm kiến thức tăng trưởng chẳng lợi ích gì, nói cho cùng, người học Phật chân chính cần phải biết, nhận thức này cũng có một phần đúng, nhưng muốn thực hành, trước phải nghe để hiểu, xong mới áp dụng, nên việc nghe pháp không thể thiếu trong quá trình tu học Phật pháp.
Có những người tu học càng lúc càng tiến tới phương hướng cực đoan, cho rằng xem kinh, luận không bằng thực hành, nên không màng đến kinh luận, tự mình mày mò tìm cầu, nên bị lạc vào đường đen tối, đến nỗi, từ người thông hiểu Phật pháp, bây giờ đã trở thành tín ngưỡng mù quáng.
Ngoài ra, cũng có thành phần ngược lại, có những người chỉ chú trọng ở việc nghe nhiều, chuyên dùng văn tự để làm kỷ năng mà không biết dùng chánh pháp để làm mới thân tâm, như thế không những thiếu đi tinh thần thực tập, mà đến cả việc làm chân chính thực sự cũng hư mất rồi. Vì thế, những người chú trọng việc tu tập, không thích nghe những thuật ngữ Phật học, danh từ Phật học đã bị giới học thuật đồng hóa, vì họ chú trọng ở sự hiểu biết quá trừu tượng.
Người chân chính học Phật, thì huệ giải và tín hành cần phải được dung hòa hợp nhất, vì thế, chúng ta trước phải nghe pháp, hiểu được những lời giảng giải ấy rồi mang ra thực tập, mới tránh được tình trạng chế giễu lẫn nhau!
Nghe là dùng nhĩ căn để lắng nghe, khi Đức Phật còn tại thế, chúng đệ tử nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp, lúc ấy chưa kết tập kinh điển, nghe xong ghi nhớ trong tâm. Kinh Lăng nghiêm dạy: “Phương pháp này là bản thể suốt một đời giáo hóa của Đức Phật, thanh tịnh nơi âm thanh truyền đạt”. Phật pháp thời cổ đại ở Ấn Độ, đều tương truyền như thế, sau khi Đức Phật diệt độ, mới kết tập thành tạng. Về sau này, kinh điển được truyền đi, càng về sau việc in ấn càng được phổ biến. Kinh điển được in thành sách, nên từ trong kinh cũng có thể nghe pháp.
Từ trong tam tạng kinh điển, có thể nghe như chính kim khẩu của Đức Thế Tôn, hoặc nghe chúng đệ tử của Ngài đang thuyết pháp. Những lời này là do Bồ tát Long Thọ ghi lại trong luận Đại Trí độ, chỉ cho chúng ta biết được những phương thức nghe pháp. Đức Phật đã diệt độ, chúng đệ tử lại không dễ gì hiểu được pháp hay hiểu rốt ráo ý nghĩa của chúng, như thế, chỉ còn cách biết nương tựa vào kinh điển để nghe pháp. Chúng ta nên khởi tâm thành kính khi đọc tụng kinh luận, tư duy những lời trong kinh, và làm sao thể hội được lời dạy, như nghe từ kim khẩu của Đức Phật đang thuyết, hay nghe các đệ tử của Ngài đang giảng dạy không khác, tuy dùng mắt nhìn, nhưng cũng có thể nghe tiếng.
Cho nên, nghiên cứu Phật pháp cần phải có đủ hai điều kiện. Thứ nhất, là nghe từ thầy hay bạn; thứ hai, là tự mình tìm tòi nghiên cứu. Tôi nhận thấy, trong thời đại ngày nay việc học Phật, hầu như là tự mình nghiền ngẫm nghiên cứu, nếu chỉ nghe người giảng giải, nội dung còn quá nông cạn, người nào cũng như thế, cần phải tự mình bỏ công sức tham cứu, thì mới có thể thâm nhập được kinh tạng, mới thấm nhuần được cốt lõi của Phật pháp. Đừng dừng lại ở tác phẩm của người xưa, mà cần phát huy để trở thành tác phẩm của mình. Nhưng đối với người bước đầu học Phật, việc nghe thuyết pháp rất quan trọng.
2. Mục tiêu và trình tự học Phật pháp
Học Phật pháp cần phải có mục tiêu, nghĩa là vì sao chúng ta phải học Phật pháp? Và cần phải có trình tự, tức là đi từ dễ đến khó. Trước tiên nói về mục tiêu.
Phát tâm có hai loại: Thứ nhất phát tâm vì sinh tử, phát tâm như vậy gọi là phát tâm Tiểu thừa, phát tâm xuất ly tu tập đến tối thượng, chỉ có thể chứng đắc quả vị A la hán. Thứ hai là phát tâm bồ đề, tức là phát tâm Đại thừa, lấy tư tưởng lợi mình lợi người làm mục đích, cho nên nói: “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”. Tôn chỉ của Phật pháp không ngoài việc xuất ly sinh tử, quảng độ chúng sinh.
Bây giờ, chúng ta chia thành ba phần để giải thích:
Thứ nhất là tịnh hóa thân tâm, thứ hai hoằng dương chánh pháp, thứ ba là lợi tế hữu tình, vì quan niệm sai lầm, nên thân tâm và hành vi của kẻ phàm phu không được thanh tịnh, sự hiểu biết cũng bị ô nhiễm, từ vọng tưởng sinh khởi nghiệp ác, không những tự mình chịu khổ mà còn ảnh hưởng đến người khác. Bản thân bị luân hồi sinh tử, trong thế giới hữu tình phải chịu vô lượng thống khổ! Học Phật là làm sao để tịnh hóa và trị liệu được thân tâm, rửa sạch đi những chướng duyên, tội nặng như sát sinh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, là tuyệt đối không được vi phạm; còn những tội nhẹ thì như động thân, mở lời, đều không được phóng dật. Không khởi tâm tham, sân, si... thì phiền não dần dần được tan biến, hành động biểu hiện cũng được nhẹ nhàng thanh nhã, là người học Phật cần phải làm được.
Nếu người có hành động không được thanh nhã, thì còn chưa đạt được phong cách của người bình thường, huống gì là việc liễu thoát sinh tử? Nguyên nhân khiến cho Phật pháp trong khoảng một trăm năm trở lại đây bị suy đồi, là do người xuất gia hiểu sai ý nghĩa hộ trì Phật pháp, không dùng phương tiện để nhiếp hóa tín đồ, giúp họ tịnh hoá trị liệu thân tâm, hiểu được lợi ích rộng lớn của Phật pháp. Nếu Phật pháp không giúp con người chuyển hóa được thân tâm, thì việc hoằng pháp chỉ là phô trương ở hình thức, không có chút lợi ích thiết thực nào cả.
Phật pháp Tiểu thừa hay Đại thừa, đều dạy chúng ta phải luôn tu tập tịnh hóa thân tâm, nghìn quyển kinh, vạn bộ luận đều dạy như thế. Cho nên, tịnh hóa thân tâm là vấn đề quan trọng và căn bản nhất đối với người học Phật. Nếu bỏ qua điểm này, thì việc học Phật hay sự nghiệp xuất gia đều không có liên quan gì đến Đức Phật! Chúng ta nên lấy điểm cốt yếu này làm mục tiêu, rời nó tức là chúng ta sẽ không có nền tảng Phật pháp.
Như thế vẫn còn chưa đủ. Chúng ta cần phải thay đổi hành động của mình, để có được an lạc, chúng ta tịnh hóa thân tâm, cầu chứng Niết bàn, như thế chỉ được lợi ích cho bản thân. Người học Phật chúng ta cần phải phát tâm đại từ bi, phát đại thệ nguyện; đại nguyện là phát tâm hoằng dương chánh pháp, đại bi là vì lợi ích muôn loài. Phật pháp là ánh sáng của muôn loài trong thế gian! Tất cả sự việc ở thế gian và hành vi của mỗi người không phù hợp với Phật pháp, thì sẽ đưa đến kết quả tồi tệ. Chính vì thế, người xuất gia cần phải phát tâm rộng lớn, làm cho chánh pháp được lan truyền khắp mọi nơi, giúp cho con người có cơ hội học hỏi và hiểu được Phật pháp, thực tập lời của Đức Phật dạy, gặt hái lợi ích tối thượng để được cứu cánh an lạc.
Hoằng dương chánh pháp, không phải đơn thuần chỉ để truyền bá chánh pháp, mà vì lợi lạc quần sinh. Nói đến làm lợi ích cho chúng sinh, những tôn giáo khác, hay chính trị, học thuật..., tuy cũng có đặc điểm riêng, nhưng tất cả đều không đủ khả năng giúp cho chúng hữu tình đạt được lợi ích rốt ráo, mà thậm chí có lúc còn ảnh hưởng không tốt đến chúng sinh. Người xuất gia vì muốn cứu độ chúng sinh nên cần phải nuôi chí nguyện học Phật, như trong kinh Hoa nghiêm có dạy: “Vì độ chúng sinh nên cần phải học”. Trong tâm niệm của Bồ tát, ngoài việc học Phật để cứu độ chúng sinh ra, thì không còn một ý niệm nào khác hơn. Nếu giữ mãi tâm niệm ấy, không vì lợi ích cá nhân mà vì tất cả, như thế chính là phát tâm bồ đề rồi.
Cũng như người ở thế gian học nghề, nếu chỉ vì nuôi thân cơm ngày ba bữa áo đủ che thân, thì chí hướng của người này thật là tầm thường. Nhưng nếu học được nhiều nghề, vì phục vụ cho xã hội được hạnh phúc, như thế mới xứng đáng cho mọi người tán dương ca tụng. Việc học Phật cũng như thế, nếu học chỉ vì chuyển hóa tự thân, cầu được giải thoát, chứng Niết bàn, là chỉ cầu được lợi ích cho bản thân mà không quan tâm đến người khác. Nếu phát tâm bồ đề, tu Bồ tát hạnh, vì giúp đời, độ chúng sinh, như thế mới là người cao thượng. Cho nên, Bồ tát phát tâm đại bi là vì nhìn thấy chúng sinh quá khổ đau, Phật pháp suy yếu, bằng tất cả sức lực của mình, ngài phát tâm bồ đề; phát tâm tu tập như thế có sức dõng mãnh, nên được tán dương không cùng tận!
Người xuất gia và người tại gia học Phật có điểm không giống nhau. Đoạn trừ tam độc, tu tam vô lậu học thì người xuất gia và tại gia đều học như nhau. Nhưng không giống nhau ở chỗ, người xuất gia cần phải có trách nhiệm gánh vác, có nhiệm vụ tiếp nối mạng mạch Phật pháp; còn người tại gia học Phật pháp, chỉ cần chấm dứt được phiền não là tốt rồi. Người xuất gia phải vì lợi ích chúng sinh, nên cần phải học vô lượng pháp môn, gánh vác công việc hoằng dương Phật pháp, không thể không học theo hạnh nguyện độ đời của Bồ tát. Trong kinh Bát nhã có dạy: “Bồ tát biến học nhất thiết (tức học giáo pháp của Như lai, pháp Thanh văn, pháp của Duyên giác)”. Trí của Bồ tát còn gọi là đạo tương trí, có nghĩa là cần phải thông thạo các pháp môn, các loại trí huệ, thì mới có đủ khả năng quảng độ chúng sinh. Ví như một ông thầy thuốc bình thường, thì chỉ dùng một loại thuốc để trị bệnh, nhưng nếu là một vị lương y tài giỏi, sẽ có đủ các loại thuốc để điều trị cho bệnh nhân. Một loại thuốc thì chỉ trị lành một loại bệnh, việc cứu người còn hạn chế, nếu vị thầy thuốc có đủ loại thuốc, thì có thể dành lại sự sống cho biết bao người bệnh.
Vì vậy, người xuất gia nếu chỉ biết để tâm lo cho bản thân, thì chỉ cần hiểu một pháp môn là đủ, chỉ có khả năng cứu độ cho một hạng chúng sinh mà thôi, không thể gánh vác trách nhiệm truyền bá, khiến cho Phật pháp trường tồn. Tấm lòng rộng lớn của Bồ tát (bao gồm hai chúng xuất gia và tại gia), cần phải thấu hiểu tất cả pháp môn, thì mới có thể thích hợp với đủ loại căn tánh của chúng sinh. Học pháp Tiểu thừa, học mà không chứng, còn học pháp của Đại thừa, có học có chứng. Học không chỉ dừng ở phạm vi chánh pháp, mà đến pháp của ngoại đạo cũng cần phải biết. Hiểu được kinh điển của ngoại đạo, thì mới nhận ra được khuyết điểm của họ, có lúc chỉ một vài câu, cũng có thể đưa họ trở về nương tựa Tam bảo. Nếu người ngoại đạo đến học Phật pháp, cần phải nghiêm khắc với họ hơn, khi họ chưa có niềm tin vững vàng nơi Tam bảo, không thể cho họ xem sách của ngoại đạo, sợ họ trở lại tư tưởng của ngày trước, rồi trở lại bước vào con đường của ngoại đạo. Học Tiểu thừa cũng vậy, trong kinh Pháp hoa có dạy: “Không được thân cận người học pháp Tiểu thừa”. Bởi vì kinh Pháp hoa là từ Tiểu thừa hướng đến Đại thừa, sợ rằng người học Tiểu thừa tuy đã hồi tâm hướng đến Đại thừa, nhưng tâm Tiểu thừa vẫn còn, e rằng họ sẽ trở lại Tiểu thừa.
Ngài Huyền Trang khi đến chùa Na lan đà ở Ấn Độ tham học, ở đấy ngoài việc giảng Đại thừa ra, còn giảng giải kinh điển Tiểu thừa và ngay cả học thuyết của ngoại đạo cũng được học đến, chính là tư tưởng của Đại thừa “vô lượng pháp môn thệ nguyện học”. Chúng ta trước phải có kiến thức Phật pháp thật vững vàng, nhờ tịnh hóa thân tâm, nên hoằng dương chánh pháp, sẽ lợi ích chúng sinh.
Đặc biệt là trong lúc thế giới đại loạn lạc, giai đoạn mà chúng sinh phải chịu nhiều khổ đau, cần phải tiếp tục duy trì giới thân huệ mạng, đại nguyện thương yêu muôn loài. Trong kinh có dạy: “ Khi mình chưa chứng đắc, trước nên độ người, chính Bồ tát phát tâm”, chúng ta cần phải phát tâm như thế. Trên thực tế, nếu tự mình chưa được lợi ích, thì làm sao mang lợi ích đến cho người? Vấn đề này, nếu tự mình chưa trải nghiệm qua, chắc chắn khó mà thuyết phục được người, thì làm sao mà hoằng dương chánh pháp, với mục đích là mang lợi ích đến cho muôn loài.
Tiếp theo bàn đến trình tự học Phật: Học Phật cần phải có trình tự rõ ràng, không được băng ngang. Trong vấn đề học Phật việc quan trọng nhất là đạt được trí huệ, cũng có thể nói: “Tu học Phật pháp chính là tu học trí huệ, nhưng không thể nói không cần đến những pháp môn khác, như bố thí, trì giới, nhẫn nhục..., tất cả các pháp môn đều đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhưng trong đó, trí huệ là quan trọng nhất, lại là biểu tượng đặc trưng của Đức Phật, trí huệ trong Phật pháp được tôn xưng là cứu cánh bậc nhất.
Chúng sinh trong thế gian đều mong lìa khổ được vui, nhưng đều lần mò trong bóng tối. Phật pháp được ví như mặt trời, soi sáng dẫn dắt chúng sinh, những việc nên làm, hay không nên làm, thiện ác, đúng sai, đều dạy cho người ta nương vào con đường của chánh tri chánh kiến mà tiến tới, thì sẽ có ngày đạt đến mục đích. Đức Phật là người đã giác ngộ, còn Bồ tát là chúng sinh có trí huệ. Đặc trưng của Phật và Bồ tát chính là trí huệ.
Tất cả pháp môn đều dùng trí huệ để tu tập thì mới thành tựu được. Bỏ trí huệ mà tu học Phật pháp thì không thể nào chấm dứt sinh tử. Vì thế, trong kinh có dạy: “Trong năm loại ba la mật, thì tối thượng nhất, vi diệu nhất chính là bát nhã ba la mật. Bát nhã ba la mật đứng đầu tất cả thiện pháp, đưa đến chứng đắc tát bà nhã (tức Nhất thiết trí)”. Từ ngữ “trí huệ” được dùng trong Phật pháp, trí thức của thế gian không thể nào
so sánh được, vì không ngang nhau. Vì thế, trình tự tu học theo Phật pháp, chính là thứ tự của việc tu học trí huệ.
Trí huệ có sâu có cạn, ví như “sinh đắc trí” tức là lúc sinh ra đã có đầy đủ rồi, những người sinh ra ở cõi đời này đều đầy đủ, có thể nhờ vào những nhân duyên ở thế gian mà phát triển được trọn vẹn sự hiểu biết (có giới hạn). Đó chính là giai đoạn của trí huệ, các nhà triết học, khoa học thành công đều nhờ sinh ra là đã có trí huệ.
Tu học Phật pháp bắt đầu từ nghe mà sinh huệ, nhờ nghe nhiều như nghe thuyết pháp, xem kinh điển Phật, nên có sự hiểu biết đúng đắn về Phật pháp, hiểu được thật tướng của thế gian và con người, từ đó sinh ra niềm tin tuyệt đối nơi công đức của Phật pháp, Tam bảo, tứ đế… Đây chính là nhờ vào siêng năng nghe chánh pháp mà phát sinh trí huệ, có chánh kiến rồi thì mới hiểu đúng đắn. Nhờ biết lắng nghe mà trí huệ sinh khởi, lúc này bắt đầu bước vào trí huệ của chánh Pháp.
Bước đầu tiên là “từ tư mà sinh huệ”. Tư chính là tư duy, quan sát, từ tư duy quan sát để đi sâu vào bên trong, mới có thể ngộ giải được sự thâm sâu của Phật pháp, chính nhờ tư duy mà sinh khởi trí huệ.
Văn huệ và tư huệ đều còn khởi tâm phân biệt, nên cần phải tiến thêm một bước là thực hành, tư duy sở thành huệ. Tu huệ là từ trong tu tập thiền định, trí huệ và thiền định ngang nhau, nhờ tu tập thiền định, từ định mà phát sinh huệ càng sâu sắc, đây mới gọi là nhờ tu mà sinh huệ.
Văn, tư và tu còn gọi là tam huệ, đều là hữu lậu, trí huệ hữu lậu không thể dứt sạch phiền não, không thể liễu sinh tử. Cần phải đoạn tận phiền não thì mới giải thoát sinh tử, cần phải đạt được trí bát nhã, tức là trí huệ vô lậu hiện tại (trí huệ của văn, tư, tu là gia hành bát nhã), bây giờ chứng đắc được bát nhã, mới chính là trí huệ, chính là trí huệ vô lậu. Từ nghe mà sinh huệ, đến trí huệ vô lậu, như thế cần phải tu học trí huệ theo con đường thẳng tắp, đi từ Tiểu thừa đến Đại thừa.
Chúng ta thường nói, bát nhã có ba loại: Văn tự bát nhã, quán chiếu bát nhã và thật tướng bát nhã. Như trước đã trình bày tu huệ, cần phải phối hợp theo thứ tự mà thành:
Văn là nhờ nghe mà sinh huệ, chính là văn tự bát nhã, thêm một bước nữa, tu tập quán chiếu bát nhã, tức nhờ tư duy và tu tập mà sinh huệ. Thật tướng bát nhã chính là trí huệ vô lậu. Từ nghe, tư duy và tu tập mà được chứng đắc trí huệ, trong quá trình tu học, có thể phát triển, đạt đến sinh khởi trí huệ, nên nói là cần phải có thứ tự trước sau.
Phật pháp hướng dẫn mọi người tu học theo cấp bậc là: Thân cận bậc thiện tri thức, lắng nghe chánh pháp, như lý mà tư duy, nương vào pháp mà thực hành. Bốn pháp này còn gọi là dự lưu. Dự lưu là Sơ quả của Tiểu thừa, Đại thừa gọi là Sơ địa. Phàm phu muốn tham dự vào bậc thánh hoặc ngộ nhập vào trong pháp tánh, cần phải trải qua bốn quá trình tu học, không kể là Đại thừa hay Tiểu thừa. “Thân cận thiện sĩ‟, bởi vì Phật pháp từ trước đến nay đều dùng thuyết giảng, cho nên cần phải tinh tấn nghe chánh pháp, vì thế, trước hết tốt nhất là thân cận với sư trưởng. Cũng cần học hỏi với những người bạn cùng tu, họ chính là bậc thiện tri thức, tại sao chúng ta phải gần gũi với bậc thiện sĩ? Để được nghe chánh pháp. Sau khi được nghe xong, cần phải hiểu đúng đắn, chính là như lý tư duy. Nhờ tư duy quan sát nên hiểu Phật pháp một cách rốt ráo, rồi nương vào lời dạy của Đức Phật mà tu tập, y vào pháp mà thực hành.
Gần gũi người trí và được học hỏi chánh pháp, như ở trước đã trình bày là nhờ nghe pháp mà thành tựu được trí huệ. Như lý tư duy chính là nhờ tư duy mà sinh huệ, y pháp mà thực tập chính là nhờ tu mà trí huệ sinh khởi. Nhân vì được kiến đạo, mà chứng quả Dự lưu, chính là hiện chứng trí huệ vô lậu. Cho nên, tu học Phật pháp, chính là quá trình tu học trí huệ. Nhưng ở đây không có ý chỉ tu trí huệ là đủ, trong quá trình tu trí huệ, cũng cần phải tu tập các pháp môn khác. Bởi vì nếu chỉ tu phước hoặc chỉ tu huệ, thì không thể nào được viên mãn. Trí huệ và phước đức, không thể thiếu một, như con chim và đôi cánh; như chiếc xe và bánh, nương vào nhau mà thành tựu, thì mới bay lên thật cao và đi được xa vạn dặm.
Dựa vào trí huệ sâu hay cạn mà theo thứ tự tu học.
Văn sở thành trí---thành tín
Tư sở thành huệ--- giữ giới
Tu sở thành huệ--- tu định
Vô lậu huệ--- phát huệ
Nhờ gần gũi bậc thiện hữu, được nghe chánh pháp, nên sinh trí huệ, có nghĩa là nương tựa giáo pháp như Tam bảo, tứ đế, duyên khởi, thánh đạo..., một lòng tin tưởng không chút hoài nghi, nên đưa đến chiều hướng mong cầu. Như vậy, từ tín giải mà dẫn đến tín căn, như thế mới kiên định không mất lòng tin; nhờ có niềm tin nên mới có động lực để thực hành, cho nên còn gọi là tín căn. Lòng tin bình thường rất dễ giao động, giống như chỉ cần một luồng gió nhẹ thoảng qua, vật đã rung chuyển theo hướng của gió; từ lòng tin mà đưa đến tình cảm, chưa từng nghĩ đến hận thù hay biện minh, nhưng lòng tin này không thể quyết chắc là không dao động. Lòng tin chân thật, cần phải dựa vào nghe mà sinh khởi trí huệ, nếu có lòng tin chân chính như thế, thì mới được tính là có cội gốc, cho nên nói “đạo nguyên công đức mẫu” có nghĩa là đạo là nơi sinh ra công đức.
Cũng như cây cỏ, rễ bám chặt vào lòng đất mới đứng vững không lay động, tất cả các loại cây trái đều như nhau. Trong khi nghe pháp, từ văn huệ mà thành tựu tín căn, chính là sinh khởi tâm xuất ly chân thật. Tâm xuất ly sinh khởi, là đã gieo xuống hạt giống thiện căn giải thoát, thì đương nhiên sẽ lìa được sinh tử, và còn không bị thoái chuyển. Ở trong pháp của Đại thừa, nhờ nghe mà sinh huệ, từ huệ mà có niềm tin chân chính, đây chính là phát khởi bồ đề tâm, thành tựu Phật quả. Như trong luận Đại thừa khởi tín có nói, người phát tâm học Phật pháp, không ngoài hai việc, chính là khởi tâm xuất ly và phát bồ đề tâm. Việc này đều bắt nguồn từ nghe mà sinh huệ, từ huệ mà sinh khởi tín tâm, thì tín mới thật sự thành tựu.
Người phát tâm xuất ly và phát tâm bồ đề chân thật, chẳng khác nào con cá đã cắn câu, chúng có nỗ lực bơi như thế nào cũng không ra khỏi. Cũng giống như thầy Xá lợi phất, trong quá khứ từng phát tâm bồ đề, nửa chừng bèn quên mất, nhưng may mắn được gặp Đức Phật nhắc lại, nên ngài đã nhớ và trở lại phát tâm Đại thừa. “Một lần vừa nghe qua tai, vĩnh kiếp cũng chẳng dứt mất”, chính là ý này vậy. Đại thừa phát tâm bồ đề, Tiểu thừa phát tâm xuất ly, rồi mới thâm nhập vào pháp của Đức Phật. Theo lục tức của tông Thiên Thai, nhờ nghe mà sinh huệ, mới thành tựu chánh tín, cũng chỉ là danh tự tức Phật. Từ văn huệ mà sau đó phát khởi niềm tin kiên cố, tiến thêm một bước thì tinh tấn tu tập tư duy mới đắc được trí huệ, lúc này phải lấy giới làm chính yếu, những pháp môn như bố thí, nhẫn nhục... Học giả Đại thừa từ đây tu tập lục độ vạn hạnh làm lợi ích cho chúng sinh. Đối với người học Tiểu thừa, nhờ tư duy quán chiếu mà sinh trí huệ, cần phải nghiêm trì giới luật thì ba nghiệp mới hoàn toàn thanh tịnh, đến cả giới nhỏ cũng không dám phạm. Đây là dùng phương pháp tư duy để hiểu được Phật pháp và đắc trí huệ, thường phải siêng năng thực hành, hành trì cho đến lúc ba nghiệp thanh tịnh. Tu học như thế, mới phát trí huệ, sinh phước đức. Tu đến lúc trí huệ viên mãn thì tương ưng với tu tập thiền định, cho nên đạt đến giai đoạn định huệ song tu. Tu huệ cùng với tu định không hai, đối với vị thứ của Tiểu thừa, thì đây chính là tứ gia hạnh vị: Noãn, đảnh, nhẫn, thế đệ nhất; Đại thừa gọi là thập hồi hướng. Thiết lập niềm tin kiên cố, từ đây trì giới, tu định, nhờ đó mà phát sinh trí huệ bát nhã chân thật, đoạn hoặc, chứng chân. Theo Tiểu thừa thì gọi là Sơ quả, nhưng nếu đứng về góc độ Đại thừa, thì đây là Sơ địa, tông Thiên Thai gọi là phần chứng tức. Nếu muốn được viên mãn quả chứng, cần phải tiếp tục tinh tấn tu tập, thì mới có thể chứng đắc Phật quả.
Tu học Phật pháp chính là tu học trí huệ, câu nói này hoàn toàn chính xác! Trí huệ đạt đến cảnh giới cứu cánh viên mãn, chính là thành Phật. Trình tự học Phật, không kể là vị trí Tiểu thừa, Đại thừa; “lục tức” của tông Thiên Thai, hay “ngũ vị” của tông Duy Thức, cũng đều có trình tự nhất định. Hôm nay, chúng ta đến đây nghe giảng kinh, tu học Phật pháp, cũng được phát huệ nhưng chỉ là trí huệ thông thường, sự thật nghe để sinh trí huệ vẫn chưa đạt được, tại sao lại còn những thứ khác! Chân chính nghe để sinh trí huệ đích thực, chính là Đại thừa phát tâm bồ đề, hay còn gọi là “đại khai viên giải”, nghĩa là nghe để được đại ngộ. Đây chính là bước khởi đầu tu học Phật pháp, đối với bất kì hành giả nào cũng phải trải qua những hành trình này.
Tôi nói như vậy, có ba ý nghĩa: Một là tu học Phật pháp chính là tu học trí huệ. Hai là tu học trí huệ, không thể chỉ xem trọng trí huệ, mà tất cả các pháp môn thiền định, trì giới, nhẫn nhục... cũng cần phải tu tập. Ba là nói rõ mục đích của chúng ta về việc nghiên cứu Phật pháp, ở đây không có gì là cao sâu, từ “nghe” đến “đắc”, cách nhau một quãng rất xa, nghe mà hiểu được, cũng chỉ là khởi điểm mà thôi. Giả sử nghe pháp mà hiểu được một chút về Phật pháp, thì vẫn còn quá nông cạn! Đại trí huệ trong Phật pháp vẫn còn ở phía sau, đòi hỏi chúng ta tiến thêm một bước, đó chính là thực hành.
Bây giờ, chỉ nói trong phạm vi nhỏ, học Phật pháp cũng cần có trình tự. Có người hỏi tôi: “Nên nghiên cứu Phật pháp như thế nào?”. Câu hỏi này thực tế không dễ trả lời, nhưng tôi nghĩ, học Phật pháp, không kể là học tất cả pháp môn hay chỉ chuyên một tông phái nào, nên có đầy đủ ba bước, y theo từng giai đoạn mà tu tập, ít nhiều gì cũng được lợi ích.
Ba bước chính là: Một là nắm bắt được căn bản, hai là đi sâu, ba là hiểu thông thạo.
(1) Nắm được điểm chính: Phật pháp rộng lớn vô bờ bến, biết bắt đầu từ đâu? Học đủ thứ, cái này một ít, thứ khác một ít, mà không thể nhận thức được tông yếu của Phật pháp. Muốn học tập ở thế gian, trước hết cần phải biết đại cương chung của những môn khác nhau, tìm những sách dễ hiểu và ngắn gọn để đọc. Học Phật pháp cũng cần phải như thế, nên có một sự nhận thức khái quát về Phật pháp, phải hiểu được trọng tâm của Phật pháp là gì, kể cả điểm cốt yếu của các tông phái..., đối với lịch sử truyền bá Phật giáo Ấn Độ, cũng nên tìm hiểu một ít, như thế mới gọi là đi sâu vào nghiên cứu. Như lúc đầu chỉ tìm hiểu tổng quát, hoặc mở đầu đã đi vào nghiên cứu kinh luận, như thế không những không hiểu tông chỉ cốt yếu, mà còn không hiểu được bèn thoái chí bỏ ngang. Vì vậy, đối với toàn bộ Phật pháp, trước hết cần phải tìm hiểu khái quát, cần phải tìm hiểu đại cương của Phật pháp.
(2) Tìm hiểu khái lược các tông phái của Phật pháp, sau đó chọn ra một tông phái để nghiên cứu. Phương pháp này, đối với việc nghiên cứu một tông phái, cũng nên sử dụng. Như học Duy Thức, không nên vừa mới biết thì lập tức nghiên cứu Thành duy thức luận, như thế thì không thể nào mà hiểu nổi, cần bắt đầu từ Bách pháp đến Trung biên... trước hết cần có một sự nhận thức chung, sau đó mới đi vào nghiên cứu. Như bước đầu học tông Thiên Thai, trước hết cần phải tìm hiểu Cương tông giáo quán, Tứ giáo nghĩa..., sau đó mới học ba đại bộ... Nhưng có những nơi tu học Phật pháp lại không như thế, học giáo lý, chỉ là tùy duyên đi nghe thầy giảng. Tuy đã trở thành học giả chuyên môn, thậm chí đã là người xuất gia, nhưng kiến thức căn bản của Phật pháp vẫn không có, những pháp môn khác đã không biết, lại tự cho những gì mình học được là tốt nhất, còn những tông phái khác nghiên cứu như thế nào, một chút họ cũng không biết. Chính là do chưa hiểu, mà họ lại chuyên nghiên cứu một tông phái. Thói quen này rất nhiều, chỉ tìm hiểu một thứ! Nếu hiểu được khái quát các tông phái, đại ý căn bản của Tam bảo, tứ đế, duyên khởi, tánh không..., đều có thể hiểu một cách tương đối, sau đó tìm một pháp môn thâm nhập, sẽ không còn hiểu lệch một bên.
(3) Nhất môn thâm nhập: Đòi hỏi phải thông hiểu sâu sắc. Ví như học Duy Thức, trước hết cần phải học giáo nghĩa của các tông phái, tìm hiểu mỗi thứ một ít, bây giờ bản thân chuyên tìm hiểu về Duy Thức học, tìm hiểu, so sánh sự khác biệt giữa Duy Thức và các tông phái, thì mới thông hiểu được tất cả. Như thế đối với sự nhận thức của Phật pháp, sự hiểu biết càng sâu sắc. Không chỉ đối với các tông phái của Đại thừa thực hành như thế, mà đến cả Đại thừa và Tiểu thừa cũng cần phải dùng phương pháp này. Vì muốn truyền đạt lại cho thế gian, đối với kiến thức ở thế gian, đợi đến lúc có được cái nhìn đúng đắn trong Phật pháp, cũng nên tìm hiểu. Những cái hay trong thế gian, đạo lý tốt cũng có rất nhiều, chẳng qua là không được thanh tịnh cho lắm, vì bị xen tạp những thành phần sai lầm ở bên trong. Bộ phận tốt cũng phải dùng Phật pháp để quán nhiếp chúng; bộ phận không tốt cũng cần phải dùng chân lý của Phật pháp để trừ chúng. Bước đầu tu học Phật pháp, cần phải tìm hiểu những giáo nghĩa phổ biến, nắm vững được điểm chính của tông phái. Đặc biệt là không được vừa mới tìm hiểu được chút ít, đã vội vàng đi thẳng vào nghiên cứu kinh luận, cho rằng thâm nhập kỳ diệu, nhưng kỳ thực đây là việc làm vô nghĩa, cao siêu mà không hiểu được gì!
Bước đầu học Phật pháp, trước hết, chúng ta phải tìm hiểu những giáo nghĩa phổ thông, sau đó sẽ nắm được tông yếu chung của Phật pháp. Cứ từng bước như vậy mà tìm hiểu, cũng nên chia sẻ với mọi người về phương pháp này, tránh việc bàn luận tư tưởng cao xa, nói cho thật hay, nhưng chẳng thích hợp với căn tánh của chúng sinh, chuyên dùng những ngôn từ sâu xa khó hiểu để cám dỗ người.
3. Ba cánh cửa đi dành cho người bước đầu học Phật
Người học Phật có thể chia làm ba hạng. Bởi vì căn tánh của chúng sinh không giống nhau, động lực học Phật cũng khác nhau, cho nên lập ra pháp môn để làm phương tiện, đại khái có ba loại. Thanh văn thừa nói có hai hạng, Đại thừa cũng nói có hai hạng, như luận Đại trí độ gộp lại nói có ba hạng người, từ ba cánh cửa đi vào không giống nhau.
Có hạng người rất xem trọng tín tâm, tự mình không nghiên cứu sâu sắc và quyết định được, chỉ cần có người giảng giải cho họ nghe, thì họ có thể hiểu và thực hành, không hề sinh tâm hoài nghi. Hạng người này nếu gặp được bậc minh sư thì rất tốt, nhưng ngược lại thì sẽ đen tối!
Có hạng người, đối với vấn đề gì họ cũng muốn đích thân tìm hiểu quan sát, không thích theo học một người nào đó. Không kể là nghe giảng hay tự mình đọc, đều phải đặt câu hỏi vấn đề này là tại sao, không dễ lướt qua mà không suy nghĩ kỹ càng, mà cho rằng có thể tin, không tùy tiện nghe theo người khác và người xưa. Hạng người trước là xem nặng về lòng tin, còn hạng người này coi trọng về trí.
Hạng người đối với tín hành và pháp hành (trí tăng), không nên đặc biệt nghiêng về tín tâm hay trí lực, không thể có tín mà thiếu trí, hoặc có trí mà thiếu tín. Một người học Phật kiện toàn, tín và trí đều phải đầy đủ. Trí tăng thượng của Bồ tát đại thừa, thì xem trọng trí, phát tâm thì nặng về nghiên cứu thật tướng của các pháp, cũng tức là việc trước chú trọng đến sự chứng đắc của bản thân.
Lại có một loại nữa là bi tăng thượng, tức là những người có tâm phục vụ, hi sinh cá nhân, mang niềm vui đến cho người. Người này tinh thần đặc biệt phóng thoáng, có tâm từ bi, làm nhiều việc từ thiện và chuyên làm tổ chức thiện nguyện. Trí tăng và bi tăng, cũng chỉ là nói hành giả trước nghiêng về lĩnh vực nào mà thôi, không thể có trí thiếu bi, hoặc có bi mà không trí.
Dựa vào sự thật mà nói, một người học Phật kiện toàn và hoàn thiện, thì tín tâm, trí huệ và từ bi, ba chất liệu này cần phải có đủ. Nếu thiếu một trong ba yếu tố, thì không thể kiện toàn và dễ dẫn đến thoái thất. Cho nên, trong luận Đại tỳ bà sa hoặc kinh Đại bát niết bàn, đều có dạy: “Hữu tín vô trí trường ngu si, hữu trí vô tín trường tà kiến”. Có nghĩa là có niềm tin mà thiếu trí huệ thì trường kỳ ngu muội, có trí huệ mà thiếu niềm tin là tà kiến dài dài.
Nếu người chỉ xem trọng niềm tin mà khiếm khuyết sức mạnh của trí huệ, thì đến với Phật pháp, càng tăng trưởng tâm ngu muội, vì không phân biệt được chánh tà, không biết như thế là đúng hay sai, nghe được gì là tin ngay rồi mang ra thực tập. Dùng ngôn ngữ hiện đại mà nói: “Hữu tín vô trí trường mê tín”. Quý vị xem, bao nhiêu người không thông hiểu Phật pháp, nhưng đều xen tạp vào Phật pháp, đây không phải là chuyện xem nặng tín tâm, thiếu trí huệ, hậu quả là không phân biệt tà hay chánh, đúng hay sai sao? Chỉ biết nói tin Phật, tin Bồ tát, tin cảm ứng, tin có thần thông, cứ kéo dài như thế, thì học Phật chỉ tăng trưởng ngu si, so ra có khác với ngoại đạo là bao nhiêu!
Nếu chỉ xem trọng trí huệ mà thiếu niềm tin, thì thường bị tà kiến, vì không có tín tâm, tuy quanh năm suốt tháng đều vùi đầu vào nghiên cứu Phật pháp, nhưng kết quả chỉ làm tăng trưởng tà tri tà kiến, từ ban đầu đã không tin Phật, chẳng tin pháp, nói đơn giản là không có nơi nương tựa. Trong thời đại hiện nay, giới trẻ đến học Phật pháp, rơi vào tình trạng này, tính ra hơi bị nhiều!
Đại thừa nói tăng trí và tăng bi cũng như thế. Trí tăng thượng, nếu không có bi tâm đi cùng thì chỉ biết quan tâm đến việc sinh tử của cá nhân, mỗi lời mỗi chữ đều thốt lên: “Tôi tu tập theo đại thừa!”, nhưng hành động thực tế lại không liên quan gì đến Đại thừa. Nếu tín và trí đều tròn đầy, sẽ nhanh chóng tự chứng, thế nhưng kết quả lại phải rơi vào Tiểu thừa. Giả sử chất liệu của bi tăng lên, ví dụ trong quá khứ đã không có hạt giống trí huệ của Phật pháp, nhưng chuyên nghĩ giúp đỡ người, thì có lúc tự mình đứng không vững, hay là do môi trường không tốt, sẽ khiến họ dễ bị thoái tâm, trong Phật pháp có đề cập đến “thoái thất tâm Bồ tát”. Thoái thất tâm Bồ tát, có nghĩa là có người ban đầu muốn học theo hạnh nguyện độ sinh của chư Bồ tát, nhưng sau đó lại bỏ ngang giữa đường. Căn cơ học Phật của chúng sinh không giống nhau, không thể chỉ dùng một biện pháp, nên đối với người sơ cơ học Phật không thể coi thường hay xem trọng. Nếu chú trọng một phía, nhất định sẽ bị thất bại, không thể thành tựu được. Dựa vào tình hình Phật giáo nói chung, người ta phần nhiều trọng về niềm tin, không tích cực giúp đỡ người. Sự từ bi của Phật giáo gần đây bị biến chất, trở thành Phật giáo siêu thần, thậm chí còn bị đồng bóng giáo nữa là khác! Chúng ta đã quy hướng Tam bảo, thì chư Phật và chư Bồ tát mới là bậc thiện tri thức của chúng ta. Liễu sinh tử, chứng giải thoát, tích phước đức, chứng bồ đề, những việc làm này tự mình không thể không nỗ lực.
Bây giờ, chúng ta nghiên cứu Phật pháp, là từ cánh cửa của trí huệ mà tiến vào con đường tắt. Nhưng cũng nên vun bồi tín tâm và bi tâm. Cần khắc ghi trong lòng, công đức của Tam bảo là bất khả tư nghị, chúng sinh muôn vàn khổ đau, cần phải phát tâm gánh vác chánh pháp, cứu độ chúng sinh, không nên học tập để cầu hiểu biết.