Kính thưa quí vị Tăng ni và Phật tử!
Hôm nay chia sẽ cùng quí vị một câu chuyện trong kinh điển Phật giáo, câu chuyện này trích từ “Phẩm An Ninh” trong kinh “Pháp Cú Thí Dụ” từ đoạn đầu đến đoạn giữa của trang 595 quyển thứ 4 trong “Đại Tạng Kinh”.
Ngày xưa, đức Phật ở tại tịnh xá nước Xá Vệ, lúc đó có bốn vị Tỳ kheo đang ngồi dưới gốc cây, trao đổi với nhau những câu hỏi:
“Trong thế gian cái gì là khổ nhất”?
Một người nói: “Việc khổ nhất trong thiên hạ, không gì qua diệt dục”.
Người khác nói: “việc khổ nhất trong thế gian, không gì qua sân hận.”
Người khác nói: “việc khổ nhất trong thế gian, không gì qua ăn uống.
Người khác thì nói: “chuyện khổ nhất trong thế gian, không gì qua sự sợ hãi.” Họ biện luận ý nghĩa của sự khổ như vậy hoài mà không dừng.
Đức Phật biết được sự biện luận đó nên đến trước mặt các vị Tỳ kheo rồi hỏi: “Vừa rồi các thầy biện luận vấn đề gì?”. Các vị tỳ kheo lập tức đứng dậy đãnh lễ đức Phật và mỗi người trình bày tường tận chuyện họ đang biện luận.
Đức Phật nói: “Các thầy Tỳ kheo! Sự thảo luận của các vị đều đạt đến ý nghĩa chân thực cuối cùng của sự khổ. Việc khổ nhất ở thế gian, không gì qua cái thân thể này! Ăn uống, nóng lạnh, sân giận, sợ hãi, hám sắc, oán hận... các tội lỗi, đều do cái thân thể này tạo ra. Do đó, chỉ có cái thân thể này mới là nguồn gốc của sự đau khổ, là căn nguyên của tội lỗi. Vì cái thân thể này đã khiến cho chúng sanh hao tận tâm tư, lao tâm, lao lực, lo lắng, sợ hãi. Chúng sanh trong ba cõi ngã chấp trói buộc, cùng nhau xâm hại, thảm sát, cướp bóc, sanh tử luân hồi không dừng. Nếu muốn xa lìa sự khổ của thế gian, nên tìm cầu Niết bàn tịch tịnh, thâu nhiếp thân tâm, giữ gìn chánh niệm, yên lặng tịch tĩnh, không khởi phân biệt, như vậy mới có thể chứng được Niết bàn, mới là niềm vui lớn nhất.”
Do vậy Đức Phật đã nói một đoạn kệ, đại ý như sau:
“Khổ não lớn nhất không gì qua diệt dục, sự độc hại mãnh liệt nhất không gì qua sân hận, sự thống khổ lớn nhất không gì qua sự hiện hữu của thân này, niềm vui tột đỉnh không gì qua Niết bàn tịch lạc.
Không nên tham cầu cái vui nhỏ, chút ít khả năng biện luận, một chút trí hụê; Mà nên quan sát, tìm cầu trí hụê rộng lớn, mới có thể nhận được niềm an lạc lớn nhất.
Ta là Thế Tôn, đã giải thoát vĩnh viễn, không còn bất cứ ưu sầu khổ não, đã vượt qua sự luân hồi của ba cõi, tự mình đã hàng phục các ác ma.”
Đức Phật nói xong đoạn kệ này, Người nói tiếp với các vị Tỳ kheo: “Trong quá khứ vô số kiếp, có một vị tỳ kheo tên là Tinh Tấn Lực đã chứng đắc năm thứ thần thông. Ông ấy ngồi dưới gốc cây trong rừng tinh tấn tịnh tu cầu đạo. Lúc đó, xung quanh ông ấy có bốn thứ chim thú: chim bồ câu, quạ, rắn độc, nai, chúng thường gần gũi với ông. Họ sống với nhau ngày này qua ngày khác rất yên ổn. Bốn loại chim thú này ban ngày đi kiếm ăn, chiều lại quay về. Có một đêm, bốn thứ chim thú này cùng nhau thảo luận: “Trong thế gian, cái gì là khổ nhất?”
Con quạ nói: “Ăn uống là khổ nhất! Khi đói khát thân thể yếu ớt, chóng mặt hoa mắt, thần thức không yên ổn, thường tự chui đầu vào lưới, không thể kiểm soát được sự nguy hiểm của dao bén. Do nguyên nhân của sự đói khát, mà chúng ta mất đi sinh mạng. Cho nên nói đói khát là sự đau khổ nhất.”
Chim bồ câu thì nói: “Triệt dục rất thống khổ! Khi lửa ham muốn bốc lên, thì hoàn toàn không thể kiểm soát bất cứ chuyện gì; nên nó rất nguy hại đến thân xác tính mạng, đều do triệt dục mà ra.”
Còn rắn độc thì nói: “sân hận rất đau khổ, khi đã sanh khởi một niệm ác độc, thì không còn kể gì đến thân sơ, xa gần, không chỉ hại người mà còn hại đến mình.”
Còn nai thì ý kiến: “Giật mình sợ hãi rất đau khổ! Khi chúng ta đi trong rừng hoang dã, mà trong tâm lúc nào cũng lo lắng, sợ hãi thợ săn và lang sói lúc nào cũng có thể xông đến. Thế nên, chỉ cần một tiếng động nhỏ là đã khiến cho chúng ta giật mình chạy khắp nơi, vì thế nên thường bị rớt xuống hố sâu. Không chỉ mẹ con chia lìa, mà sợ hãi đến gan tan mật nát, cho nên nói giật mình sợ hãi rất thống khổ.”
Vị tỳ kheo chứng đắc ngũ thông nghe xong liền nói với chúng rằng: “Các bạn chỉ nói đến nhành lá thôi, chứ chưa nói đến nguồn gốc thâm sâu của sự đau khổ. Cái khổ trong đời không có cái gì qua thân xác hiện tại. Thân thể là công cụ thọ khổ, đem lại cho chúng ta sự âu sầu và sợ hãi vô hạn. Vì vậy, ta mới xa lìa thế tục, xuất gia học đạo, diệt tắt vọng tưởng phân biệt, không tham đắm thân thể do Đất Nước Lửa Gió: bốn đại giả hợp này. Muốn đoạn trừ cội nguồn đau khổ, chỉ có lập chí hướng về đạo giải thoát Niết bàn. Niết bàn tịch tịnh, vô hình vô tướng, vĩnh viễn tiêu trừ ưu sầu tội lỗi, đó mới là sự an lạc bật nhất.” Bốn loại chim thú sau khi nghe xong tâm ý được sáng tỏ.
Đức Phật bảo các vị tỳ kheo: “Vị tỳ kheo đắc ngũ thông lúc đó chính là tiền thân của ta; còn bốn loại chim thú đó chính là tiền thân của các vị. Các ông trong quá khứ đã từng nghe ý nghĩa căn bản của khổ rồi, tại sao bây giờ lại nói như vậy chứ?”
Các vị tỳ kheo sau khi nghe xong cảm thấy xấu hổ liền tự trách mình. Ngay đó trước đức Phật họ chứng đắc quả A La Hán.
Ngoài ra, trong dân gian còn lưu truyền một câu chuyện khác. Vào một mùa hạ nóng bức, có năm loại động vật nhỏ tập trung bên bờ hồ, có chú ve thích hát trong mùa hè, còn có cá, chim, ong và rùa. Trong chúng có một con đề nghị: “Mỗi người đều có một nỗi niềm khó nói, vậy mọi người tự nói một câu đối trình bày nỗi khổ trong tâm của mình để cùng chia xẻ.”
Chú ve nói trước: “Kim phong vị động thiền tiên giác, ám tống vô thường tử bất tri.” Kim phong nghĩa là gió mùa thu. Chỉ vào mùa hè loài ve mới có thể dùng hết sức mình cất giọng cao để hát. Mùa thu chưa tới, nhưng loài ve sớm đã có cảm giác, thời gian không biết đến lúc nào, và cái chết không còn xa nữa.
Chú cá tiếp tục: “Ngũ hồ tứ hải nhậm du du, tự tầm đoạn kiến thượng điếu câu.” Loài cá có thể bơi lội khắp trong năm hồ bốn biển, nhưng khi con người thả xuống chút mồi ngon, là cá đã không dừng được sự cám dỗ, nên bị móc trong lưỡi câu. Đó là ngu ngốc tự mắc câu.
Quạ thì ngậm ngùi: “Loài người vì tiền tài mà chết, còn loài chim thì vì miếng ăn mà mất mạng.”
Chú ong chua chát nói: “Hút hoa thành mật xong, vì ai mà cực khổ cả đời?”
Cuối cùng, mọi người đều hướng mắt nhìn bác rùa, đợi bác ấy phát biểu. Bác rùa phản ứng chậm chạp, thò đầu ra rất khổ tâm vì không biết nói gì cho phải?. Chính ngay lúc đó, có một đứa con trai nghịch ngợm đi ngang qua, nhìn thấy chim thú tập trung lại với nhau, nó nghĩ: “Ah! Có năm con thú nhỏ đang tập trung ở đây, mình ném một cục đá, ít nhất cũng trúng một con.” Do đó, đứa con trai thuận tay lượm cục đá ném tới trúng ngay đầu của con rùa. Bác rùa hoảng nhiên thức tỉnh nói: “thị phi là do nói nhiều chuyện, phiền não đều do cố ý xuất đầu lộ diện.”
Mọi người đều tán thán: “Bác rùa nói rất hay, nói rất hay!”
Lúc này, đứa con trai vì dùng sức quá mạnh, không để ý nên bị té rơi vào trong hồ nước; mọi người đều đồng cảm thán: “Đường lên trời rộng không đi, biển khổ vô biên hẹp thì lại xuống.”
Đức Phật nói có tám thứ khổ: sanh, già, bịnh, chết, cầu mà không được, oán ghét lại gặp nhau, thương yêu thì xa lìa, năm ấm bất hòa khổ.
“Cầu bất đắc khổ”: là mọi người luôn hi vọng được giàu có, danh vọng hay quyền lực. Nhưng thường cầu lại không được nên cảm thấy đau khổ.
“Oán tắng hội khổ”: Là đôi bên không phù hợp ý kiến với nhau, chỉ nhìn thôi là đã không ưa rồi, nên càng nhìn càng buồn, nhưng lại thường phải ở với nhau, không thể xa lìa, thật là đau khổ.
“Ái biệt ly khổ”: Là người thương mà không thể ở với nhau, nên thường ở trong tình trạng nhớ nhung, thậm chí là sanh li tử biệt. Đúng là đau khổ tột cùng.
“Ngũ thủ uẩn khổ”: Đó là do sắc, thọ, tưởng, hành, thức hợp lại mà thành thân tâm. “Ngũ thủ uẩn khổ” này là căn nguyên của mọi sự đau khổ, cũng là câu ở trong “Kinh Pháp Cú Thí Dụ” “Cái khổ trong thế gian, không gì qua cái thân hiện tại”. Chúng sanh vì chấp trước cái sắc thân này, chấp thân tâm này mà dẫn khởi “sanh, già, bệnh, chết” khổ..., vì tham đồ vật dục mà có “cầu bất đắc khổ”. Trong quan hệ xã hội thì có “oán tắng hội khổ” và “ái biệt ly khổ”, cho nên nói “ngũ thủ uẩn khổ” là căn nguyên của mọi sự thống khổ.
Cho nên, muốn diệt trừ đau khổ, phải đoạn trừ phiền não, không nên chấp trước cái khổ báo thân ngũ uẩn mới được!
Trên đây là điều cần chia xẻ khích lệ cùng đại chúng!
Phúc Nghiêm, lớp giáo dục mở rộng, ngày 26 tháng 4 năm 2013