Home > Khai Thị Phật Học
Vì Cứu Con Ngỗng Dù Thân Chịu Khổ Vẫn Không Phạm Giới
Thích Hậu Quán | Thích Vạn Lợi, Việt Dịch


Kính bạch quý Thầy cô, kính thưa các Phật tử!

Hôm nay, tôi xin chia sẻ với quý vị một câu chuyện Phật giáo, được trích trong kinh Đại trang nghiêm luận, thuộc Đại Chánh tạng quyển 4, trang 319 321.

Câu chuyện này có thể mọi người đã nghe, nhưng chúng ta hãy nghe lại một lần nữa để cùng tư duy về ý pháp trong kinh, giữ gìn giới luật, thà bỏ tính mạng cũng không phạm.

Ngày xưa, có một thầy tì kheo đi khất thực theo thứ lớp, khi đi tới nhà một người thợ làm nghề xâu chuỗi ngọc, thầy đứng đợi trước sân. Lúc đó, người thợ này đang xâu cho nhà vua một chuỗi ngọc, trong đó có viên ngọc báu ma ni rất quý có màu đỏ thẫm, màu sắc trên ca sa của thầy tì kheo phản chiếu lên viên ngọc báu ma ni, khiến nó hiện lên màu đỏ thắm rất đẹp. Người thợ xâu ngọc nhìn thấy thầy tì kheo đi khất thực, ông liền vội để viên ngọc sang một bên, rồi vào nhà để lấy chút ít đồ ăn cúng dường cho thầy. Lúc đó, có một con ngỗng nhìn thấy viên ngọc ánh lên màu đỏ thẫm, hình dáng giống như cục thịt, nó liền nhanh như chớp, mổ viên ngọc nuốt vào bụng. Chủ nhà đem đồ ăn ra dâng cúng cho thầy tì kheo, sau đó tìm viên ngọc, nhưng tìm mãi mà không thấy, trong khi chỉ có một mình thầy tì kheo đang đứng đó mà thôi. Do viên ngọc này là tài sản của nhà vua, vô cùng quý giá, ông thợ xâu ngọc lại rất nghèo khó, làm mất của báu của nhà vua, ắt phải mất mạng. Ông vô cùng lo lắng, nói với thầy tì kheo:

- Xin thầy hãy trả viên ngọc lại cho tôi!

Lúc bấy giờ, thầy tì kheo nghĩ: “Viên ngọc đã bị con ngỗng nuốt vào bụng, nếu ta nói thật với ông thợ xâu ngọc, ông ấy nhất định sẽ giết nó để lấy lại viên ngọc. Thật là khó xử, ta phải dùng cách nào để tránh khỏi tai họa này đây?”. Do đó, thầy tì kheo nói bài kệ, đại ý như sau:

“Ta muốn bảo vệ mạng sống cho con ngỗng này, thân thể ta sẽ phải chịu nhiều đau đớn, nhưng trước mắt chẳng có cách nào tốt hơn, nên bất đắc dĩ chỉ biết dùng tính mạng này để chịu thay nó. Nếu ta nói với ông thợ xâu ngọc, là con ngỗng đã nuốt ngọc quý vào trong bụng, ông ta chưa chắc đã tin, lại có thể giết hại con ngỗng. Rốt cuộc phải dùng phương pháp nào để ta có thể an toàn ra đi mà không làm hại tới con ngỗng? Nếu nói là do người khác lấy viên ngọc đi, thì đó là nói dối, lời như vậy cũng không thể nói ra, dù cho mình chưa từng có lỗi cũng không nên nói lời dối trá.

Ta có nghe trong pháp của bà la môn, vì bảo vệ tính mạng có thể nói dối. Nhưng ta cũng từng nghe thánh nhân xưa có dạy: ‘Thà bỏ thân mạng chứ tuyệt đối không nói dối’. Đức Phật từng dạy, nếu bị kẻ cướp, hoặc bị người ác cắt xẻ thân thể, dù gặp phải cảnh khổ như thế, cũng tuyệt đối không được hủy hoại giới pháp. Tuy nói dối có thể may mắn sống sót, nhưng ta không nên làm như vậy, thà nhất tâm giữ giới mà bỏ sinh mạng. Nếu ta nói dối, các bạn đồng hạnh thanh tịnh sẽ chê cười ta phá giới, sự cười chê này tuy không nghiêm trọng nhưng có thể làm đau nhói và thiêu đốt tâm ta. Vì vậy, ta không nên hủy hoại giới pháp khiến phải rơi vào trong biển khổ. Giờ đây, ta nên học tập giống như thiên nga uống sữa, có thể uống hết sữa tươi mà để lại nước lã; bây giờ ta cũng nên làm như vậy, bỏ hết ác hạnh mà lấy thiện hạnh. Trong kinh có nói: ‘Kẻ trí tuy cùng làm việc với phàm phu ngu muội, nhưng tuyệt đối không thuận theo ác hạnh ngu si của phàm phu. Người thiện khéo bỏ ác hạnh, giống như con ngỗng chỉ uống sữa tươi không khác’. Ta hôm nay nguyện bỏ thân mạng để bảo vệ tính mạng của con ngỗng, vì nhân duyên lành trì giới, mong sau này có thể thành tựu đạo giải thoát”.

Lúc bấy giờ, người chủ nhà nghe vị tì kheo nói bài kệ như vậy, nhưng vẫn nằng nặc:

- Mau trả lại ngọc báu cho tôi, nếu không trả thì thầy phải chịu khổ thôi, tôi không tha cho thầy đâu.

Thầy tì kheo đáp:

- Ai lấy châu báu của ông?

Rồi thầy trầm tư im lặng không nói gì.

Chủ nhà chất vấn:

- Ở đây đâu có ai khác ngoài thầy, còn ai có thể lấy trộm viên ngọc nữa chứ?

Rồi ông thợ xâu ngọc liền khóa cửa lại, dọa thầy tì kheo:

- Bây giờ, thầy cứ ở đây mà ngoan cố đi!

Thầy tì kheo nhìn bốn phía, không có gì che chở, giống như một con lừa bị rơi xuống cạm bẫy đầy gai góc, không biết đi đâu về đâu, thầy cũng vậy, không có bất cứ ai có thể cứu giúp. Khi đó, thầy bèn thu nhiếp thân tâm, chỉnh sửa y áo chỉnh tề. Ông chủ nhà thấy vậy liền hỏi:

- Lẽ nào bây giờ thầy muốn quyết đấu với tôi sao?

Thầy tì kheo đáp:

- Tôi không quyết đấu gì với ông cả, tôi chỉ quyết đấu với giặc phiền não thôi, vì sao? Vì tôi sợ khi bị ông đánh, thân thể lộ ra, y phục không được trang nghiêm tề chỉnh. Sa môn chúng tôi dù gặp phải cảnh khó khăn, lúc mệnh chung vẫn lấy ca sa để che thân, không để lộ thân thể.

Thầy lại nói một bài kệ đại ý như sau:

“Đức Thế Tôn đầy đủ tâm tàm quý, con giờ phút này cũng xin học theo Ngài, dù cho mạng chung cũng tuyệt đối không để lộ thân thể”.

Ông chủ nhà nói với thầy tì kheo:

- Làm gì có ai mà không yêu quý thân mạng?

Thầy tì kheo đáp:

- Trong pháp xuất gia của chúng tôi, cho đến khi chứng ngộ giải thoát, luôn bảo vệ thân mạng, dù trong hoàn cảnh gian nan nguy hiểm, cũng cố gắng bảo toàn tính mạng. Nhưng hôm nay, tôi quyết định xả bỏ thân này, để được tăng đoàn đều tán thán tiếng thơm của tôi.

Rồi thầy tì kheo nói một bài kệ, đại ý như sau:

“Khi tôi xả bỏ thân mạng, giống như cành cây khô rơi xuống đất, không hề có chút nuối tiếc. Tôi sẽ khiến mọi người khen ngợi, do tôi đã vì con ngỗng mà có thể bỏ thân; cũng khiến sau này nếu ai có buồn phiền đau khổ, cũng có thể bỏ thân này; khiến những người nghe thấy có thể khởi tâm tinh tấn, tu hành đạo giải thoát, kiên trì giữ gìn giới pháp; khiến những người đã từng hủy phạm giới luật, cũng phát nguyện vui vẻ trì giới”.

Lúc đó, ông thợ xâu ngọc nói:

- Những lời ông vừa nói quá giả dối, ông còn mong muốn được mọi người ngợi khen hay sao?

Thầy tì kheo đáp:

- Ông nghĩ rằng tôi đang đắp ca sa trên thân mà giả dối, không thật được sao? Vì sao có thể được tiếng tốt? Chẳng phải vì nịnh nọt hùa theo người khác, mà là do bản thân hoan hỷ với việc thiện; cũng không phải vì muốn người khác khen ngợi tôi, mà chỉ mong đức Thế Tôn hiểu được tấm lòng chân thành của tôi.

Sau đó, thầy nói một bài kệ, đại ý như sau:

“Đệ tử của đức Phật vì giữ gìn giới luật, có thể xả bỏ tính mệnh khó bỏ, có thể khiến cho những người ở thế gian đối với những bậc tu hành sinh khởi ý nghĩ hy hữu khó được. Cho dù bây giờ chưa sinh khởi ý niệm hy hữu khó được, thì sau này nhất định cũng sẽ sinh khởi”.

Lúc đó, ông thợ xâu ngọc trói thầy lại, dùng gậy đánh thầy một trận tơi tả, rồi lại tra hỏi:

- Ngọc quý ở đâu? Mau trả lại cho tôi!

Thầy đáp:

- Tôi không lấy ngọc của ông!

Ông thợ xâu ngọc khóc than thảm thiết, trong lòng vô cùng bứt rứt, phần vì phải đánh vị tì kheo, phần vì đã làm mất ngọc báu của nhà vua, nên cảm thấy rất buồn rầu đau khổ, bèn nói bài kệ:

“Ôi! Đều là do sự nghèo khổ hại người, tôi biết rõ nghiệp thiện ác, nên sinh khởi lòng hối hận, phiền não. Bởi quá khứ tôi làm ít nghiệp thiện, lại tạo lắm nghiệp ác, nên mới dẫn tới sự nghèo khổ hôm nay. Do nghèo khổ nên không thể bồi thường được ngọc quý cho nhà vua, trong tình thế nóng vội đã đánh thầy tì kheo. Tôi cũng biết đánh một vị tì kheo là tạo ác nghiệp, sau này sẽ phải chịu nhiều đau khổ hơn, nghĩ lại càng cảm thấy đau khổ, hối hận. Đều là do cái nghèo hại người, do nghèo cùng, lại tạo ác nghiệp đánh thầy tì kheo”.

Bởi thế, ông thợ xâu ngọc khóc lóc quỳ dưới chân thầy tì kheo, đảnh lễ và nói:

- Xin thầy hãy ban tặng niềm vui cho tôi, xin hãy trả ngọc quý lại cho tôi. Thầy đừng tự tìm đau khổ, cũng đừng khiến tôi khổ sở.

Thầy tì kheo đáp:

- Thật sự là tôi không lấy.

Người thợ xâu ngọc lại nổi giận:

- Thầy này thật là ngoan cố, đã bị đánh đau đớn như vậy mà còn không chịu nhận tội lấy cắp!

Do ông thợ xâu ngọc bị cái nghèo dồn ép, tìm không thấy viên ngọc, càng nghĩ càng nổi giận, nên lại tiếp tục đánh đập thầy tì kheo. Lúc bấy giờ, hai tay và cổ của thầy tì kheo đều bị trói chặt, nhìn bốn phía không thể cầu cứu ai, đành vô vọng đợi chết. Vị tì kheo suy nghĩ: “Sống hay chết cũng đều khổ như nhau, phải tiếp tục kiên trì, không nên trái với giới luật. Nếu ta hủy phạm tịnh giới, sau này sẽ chịu tội báo nơi địa ngục, còn khổ hơn bây giờ rất nhiều lần”.

Thầy bèn nói bài kệ, đại ý như sau:

“Nên nhớ nghĩ đến đức Phật, đức Phật lấy Nhất thiết trí và tâm đại bi làm thể, là bậc Ân sư mà ta tôn trọng, nên thường xuyên ghi nhớ những lời chỉ dạy của Ngài. Ngoài ra, cũng nên nhớ nghĩ tới các vị tiên nhân nhẫn nhục ngày trước tu khổ hạnh trong rừng, dù bị cắt tay chân, gọt tai mũi... cũng không khởi tâm sân giận. Tì kheo phải luôn nhớ nghĩ, như trong kinh đức Phật thường dạy các tì kheo: ‘Dù có bị kẻ ác dùng cưa cắt xẻ thân thể, tay chân v.v., cũng không nên sinh khởi ác tâm, nên một lòng nhớ Phật, nên nhớ việc xuất gia và các giới pháp mà đức Phật đã chế định’. Ta đời quá khứ vì dâm dục, trộm cắp mà mất đi sinh mạng, biết bao nhiêu đời kiếp đọa làm thân dê, nai, hoặc đọa vào lục súc mà mất mạng cũng không thể tính đếm, chỉ toàn chịu khổ, không được lợi ích gì. Hôm nay, ta vì giữ gìn tịnh giới mà xả bỏ thân mạng, còn hơn những người vì muốn an phận mà hủy phạm giới hạnh. Cho dù ta muốn bảo vệ tính mạng, nhưng cuối cùng thân này cũng tan hoại, chẳng bằng cứ trì giới thanh tịnh, bảo vệ tính mạng cho chúng sinh, xả bỏ thân xác giả tạm mỏng manh này để tìm cầu huệ mạng giải thoát. Tuy đều là xả bỏ thân mạng, nhưng một bên là đầy đủ công đức, một bên thì chẳng được gì. Người trí bảo vệ tính mạng chúng sinh, bản thân được tiếng thơm, đầy đủ các công đức. Người ngu chỉ yêu mến bản thân, nhưng cuối cùng cũng mất mạng, lại không được gì”.

Lúc bấy giờ, thầy tì kheo nói với ông thợ xâu ngọc rằng:

- Dù thế nào cũng đừng xả bỏ tâm từ bi, nếu không có tâm từ bi thì sẽ chiêu cảm lấy đau khổ vô cùng.

Người thợ xâu ngọc khóc lóc thảm thiết, vô cùng sầu não, nói bài kệ rằng:

“Tôi tuy đánh thầy, nhưng thực sự tôi vô cùng khổ tâm, chỉ cần nghĩ tới việc quốc vương sẽ dùng cực hình tra hỏi tôi viên ngọc quý, là tôi lại muốn trừng phạt thầy nặng nề thêm. Mong thầy hãy đưa viên ngọc báu ra, như vậy thầy sẽ tránh khỏi được bao nhiêu đau khổ, cũng khiến tôi tránh được nghiệp ác. Thầy là người xuất gia, nên đoạn trừ tham dục, xả bỏ tâm tham, mau đưa ngọc quý cho tôi”.

Thầy tì kheo mỉm cười, nói bài kệ:

“Tôi tuy vẫn còn tâm tham, nhưng cũng không hề tham luyến viên ngọc quý đó. Ông bình tĩnh nghe tôi nói, tôi bây giờ chỉ yêu thích danh tiếng mà người trí huệ khen ngợi tán thán, cũng yêu thích trì cấm giới, và cả pháp giải thoát, tôi yêu thích nhất không gì ngoài phương pháp giải thoát. Đối với viên ngọc quý của ông, tôi thực sự không có chút tâm ưa thích nào. Tôi đắp y phấn tảo, lấy việc khất thực để sống, nghỉ dưới gốc cây, như vậy tôi đã rất hài lòng rồi. Rốt cuộc là do đâu mà bị ông cho là kẻ trộm, ông hãy bình tĩnh suy xét, quan sát”.

Ông thợ xâu ngọc nói với thầy tì kheo:

- Thầy nói nhiều lời vô ích như vậy làm gì?

Ông ta lại trói thầy chặt hơn và đánh đập tàn nhẫn hơn, còn dùng dây thừng ra sức lôi kéo, khiến cho tai, mắt, miệng, mũi của thầy đều chảy máu. Lúc đó, con ngỗng thấy vậy chạy lại ăn máu tươi, ông thợ xâu ngọc sẵn đang tức giận, phang một gậy đập chết con ngỗng.

Thầy tì kheo vội hỏi:

- Con ngỗng còn sống hay đã chết?

Người thợ xâu ngọc ngạc nhiên:

- Con ngỗng này sống hay chết, có đáng để thầy hỏi không?

Thầy tì kheo đến bên con ngỗng, nhìn thấy nó đã chết, thầy vô cùng thương xót, bất giác rơi lệ, rồi thầy nói bài kệ, đại ý như sau:

“Tôi chịu biết bao đau đớn, chỉ mong có thể giúp cho con ngỗng này được sống, nhưng giờ này tôi còn chưa mất mạng thì nó đã chết trước mặt tôi. Ta muốn bảo vệ mạng sống cho nhà ngươi, chịu biết bao nhiêu đau đớn, vì sao ngươi lại chết trước ta? Khiến cho thiện nghiệp của ta không được thành tựu?”.

Người thợ xâu ngọc hỏi:

- Con ngỗng này và thầy có quan hệ gì đặc biệt? Vì sao thầy lại đau khổ buồn rầu như vậy?

Thầy tì kheo trả lời:

- Bởi vì nó không làm thỏa mãn tâm nguyện của tôi, nên tôi buồn rầu không vui. Trước đó, tôi phát nguyện sẽ lấy tính mạng mình đổi cho con ngỗng, bây giờ nó chết rồi, tâm nguyện của tôi không thể thực hiện được nữa.

Thợ xâu ngọc hỏi:

- Thầy muốn phát nguyện như thế nào?

Thầy tì kheo đáp:

- Khi đức Phật tu bồ tát đạo, Ngài vì chúng sanh, nên dù có bị cắt chân tay cũng không tiếc thân mạng, tôi muốn học theo hạnh của đức Phật. Rồi thầy nói bài kệ, đại ý như sau:

“Bồ tát xưa kia bỏ thân mạng để đổi lấy mạng sống cho con bồ câu. Tôi cũng muốn noi theo Ngài, nguyện bỏ tính mạng mình để cứu con ngỗng cho nó được bảo toàn tính mạng. Tôi dùng tâm thù thắng nhất để mong giữ vẹn tính mạng cho con ngỗng, nhưng nay ông đã giết chết nó rồi, nên tâm nguyện của tôi cũng không thể toàn vẹn được”.

Người thợ xâu ngọc hỏi:

- Thầy nói những lời này, tôi nghe vẫn không hiểu, thầy mau nói rõ cho tôi nghe.

Thầy tì kheo bèn nói bài kệ, đại ý như sau:

“Tôi đắp áo cà sa đỏ, sắc áo chiếu lên viên ngọc báu ma ni, nhìn viên ngọc giống như miếng thịt, con ngỗng tưởng viên ngọc báu là thịt, bèn chạy tới nuốt vào bụng. Tôi chịu đánh đập khổ não, chỉ vì muốn bảo vệ cho nó, tất cả những bức bách đó tuy rất đau đớn, nhưng chỉ mong con ngỗng sẽ được sống. Đối với tất cả chúng sanh ở đời, đức Phật đều coi như con đẻ, dù cho chúng sanh đó không có chút công đức nào, đức Phật cũng thương yêu. Đức Phật là Ân sư của tôi, nào có làm tổn thương chúng sanh bao giờ? Tôi là đệ tử của Ngài, sao có thể làm tổn thương tới chúng sanh?”.

Người thợ xâu ngọc nghe thầy tì kheo nói như vậy, ông ta vội lấy dao mổ bụng con ngỗng, tìm thấy viên ngọc quý, ông liền lớn tiếng gào khóc, nói với thầy tì kheo:

- Thầy vì bảo vệ tính mạng cho con ngỗng mà không tiếc tính mạng của mình, nhưng sao lại khiến cho con làm việc phi pháp như vậy?

Sau đó, ông nói bài kệ:

“Thầy âm thầm làm việc công đức, giống như lấy vật che chắn ngọn lửa; con do bởi ngu si, bị ngọn lửa ngu si thiêu đốt, khổ đau mấy trăm kiếp. Thầy lấy đức Phật làm tấm gương, biểu hiện đặc trưng của Ngài, để làm việc thiện vô cùng tương ứng, còn con vì ngu si, không khéo quan sát mà bị ngọn lửa ngu si thiêu đốt. Mong thầy tạm dừng bước, chấp nhận sự sám hối của con, giống như người bị ngã nhào trên mặt đất, cần được người khác đỡ đứng dậy; xin ngài hãy đợi một chút, xin hãy tiếp nhận đồ cúng dường đạm bạc của con.

Rồi người thợ xâu ngọc lại chắp tay nói bài kệ, đại ý rằng:

“Con xin quy y thầy, người có giới hạnh thanh tịnh, người trì giới kiên cố, dù có gặp khổ nạn lớn thế nào cũng không hủy hoại hay tổn thất giới hạnh. Nếu người trì giới không gặp phải thử nghiệm như thế này, thì sao gọi là hiếm có khó gặp trên đời. Người gặp phải cảnh khổ nạn như vậy, mà vẫn có thể nghiêm trì giới luật, mới được khen ngợi là quý giá. Vì để cứu tính mạng cho con ngỗng, bản thân mình nguyện chịu khổ đau, không trái giới luật, đúng thật là hiếm có!”.

Ông thợ xâu ngọc sau khi sám hối xong, vội cởi trói cho thầy tì kheo để thầy về.

Câu chuyện này nhắc nhở chúng ta:

Người đời thì chỉ mến tiếc thân mạng, nhưng thầy tì kheo này thì yêu mến huệ mạng hơn. Hơn nữa, lòng từ bi của thầy vô cùng sâu nặng, luôn giữ gìn giới hạnh thanh tịnh. Để bảo vệ tính mạng cho con ngỗng, thầy đã nguyện hy sinh cả tính mạng của mình, nhẫn chịu biết bao đòn roi đau đớn, đúng là có thể nhẫn chịu những điều khó nhẫn.

Nếu bình thường, người trì giới mà không gặp phải bất cứ sự thử thách nào thì không thể nói là hiếm có khó gặp. Khi gặp phải đủ thứ khổ nạn, đối mặt với sự nguy hiểm, ảnh hưởng tới tính mạng mà vẫn có thể giữ gìn giới hạnh nghiêm ngặt, đó mới thật sự là hiếm có, là đáng quý vậy.

Bậc có trí huệ vì bảo vệ sự sống cho chúng sanh, sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình, sự hy sinh này sẽ đạt được rất nhiều công đức; còn người ngu chỉ yêu mến bản thân mình, nhưng dù yêu mến thế nào thì cuối cùng cũng vẫn phải chết, mà kết quả lại không được gì.

Câu chuyện này còn nhắc nhở chúng ta, bất luận thế nào cũng không nên mặc tình đổ tội cho người khác, bởi vì, nếu bị lửa thế gian thiêu đốt, sự đau đớn của vết bỏng đó chỉ có ở thân này, trong một đời này mà thôi; còn nếu bị lửa vô minh, ngu si thiêu đốt, thì sự đau đớn mà chúng ta phải chịu là vô lượng kiếp.

Xin được chia sẻ với đại chúng như vậy, để mọi người cùng cố gắng tu tập.

Lớp Giáo dục mở rộng Phước Nghiêm, ngày 05.02.2015