Home > Khai Thị Niệm Phật
Thiền Định
Cư Sĩ Tịnh Thọ | Cư Sĩ Tịnh Nghiệp, Việt Dịch


1. Thiền định là sự chuyên tâm cực điểm. “Thiền” và “Định”, trong phiên dịch là chữ Hoa và chữ Phạn hợp lại. “Thiền” là “Thiền Na”, dịch từ âm của Phạn ngữ. “Định” là chữ Hán. Do đó, chữ trước là Phạn ngữ, chữ sau là Hoa ngữ. “Thiền Na” là tịnh lự, ý nghĩa của Tịnh là Định, nhưng trong Tịnh có tư lự (suy nghĩ). Đó không phải là cái định chết cứng, mà là cái định sống động, vì thế cũng được dịch là “Chỉ quán”. Ý nghĩa của “Chỉ” là định. Trong chỉ có quán ( tưởng). Do đó, chúng ta niệm câu “A Di Đà Phật” là thiền định, là chỉ quán. Khi niệm Phật, một vọng niệm trong tâm cũng không có, tức là “Định”, tức là “Chỉ”. Câu A Di Đà Phật này rõ rõ ràng ràng, minh minh bạch bạch, thì là “Quán”, thì là “Lự”.

2. Huệ Năng Đại sư dạy người ta ngồi thiền, không phải ngồi bồ đoàn, diện bích ngồi thiền (quay mặt vào tường). Trong “[Pháp Bảo] Đàn Kinh”, Lục Tổ Đại sư nói rất hay: “Ngoại bất trước tướng viết thiền, nội bất động tâm viết định” (Ngoài không chấp tướng, trong không động tâm), tức là thiền định, không phải ngồi xếp bằng hướng vào vách… Bên trong phải tiêu trừ phiền não của tham, sân, si, mạn; bên ngoài không bị sự quyến rũ của danh văn, lợi dưỡng, ngũ dục lục trần thì là thiền định. Định nói ở đây là tánh định, là ý định, cũng là “Thủ Lăng Nghiêm đại định” đã nói trong “Kinh Lăng Nghiêm”. Hay nói cách khác, đó là tâm thanh tịnh.

Phần cuối của “Kinh Kim Cang”, Thích Ca Mâu Ni Phật căn dặn Tôn giả Tu Bồ Đề, Bồ Tát trụ thế nhất định phải tự hành hóa tha. Phải dùng thái độ gì để tự hành hóa tha? Đức Thế Tôn dạy Ngài “Bất thủ ư tướng, như như bất động”, tám chữ này tức là thiền định. “Bất thủ ư tướng”, tức là ngoài không chấp vào tướng. “Như như bất động” tức là bên trong không động lòng. Nói cho đơn giản, dễ hiểu một chút thì người tu hành tuyệt đối không thể bị ngoại cảnh cám dỗ, mê hoặc, đó là “Không chấp tướng”. Không phải là rời bỏ cảnh giới bên ngoài, rời khỏi rồi, còn gì mà độ chúng sanh? Tuy tiếp xúc nhưng quyết không chấp tướng, quyết không bị ảnh hưởng, đó là “Thiền”. Bên trong không động tâm, không động tâm nào? Không động bởi tham, sân, si, mạn; không động thị phi nhân ngã, quyết không có phân biệt, chấp trước, đó là “Định”.

Thích Ca Mâu Ni Phật dạy Tôn giả Tu Bồ Đề: “Bất thủ ư tướng, như như bất động”. Thiền tông do Lục Tổ truyền lại, “Thiền định” là từ hai câu này mà ra. “Không chấp trước tướng là thiền, không động tâm là định”. Thiền định thật sự là khi lục căn tiếp xúc với cảnh giới lục trần mà không khởi tâm, không chấp tướng, chứ không phải là ngồi xếp bằng hàng ngày. Nếu thân tuy ngồi xếp bằng, tâm thì vọng tưởng, đó là thiền định gì? Chấp trước tướng thì không có thiền, ý niệm động thì không có định.

Phật và Đại Bồ Tát luôn ở trong định, đại định thì không có xuất [định] nhập [định]. “Thủ Lăng Nghiêm đại định”, “Na Dà thường tại định, vô hữu bất định thời” (Na Dà chỉ Phật, Bồ Tát) nói trong “Kinh Lăng Nghiêm”. Đi, đứng, nằm, ngồi đều ở trong định, chư Phật và Bồ Tát đều thường là như vậy.

3. Trong tất cả thiền định, đều không có gì thù thắng bằng “Niệm Phật Tam muội”. Chỗ thù thắng nhất của Niệm Phật tam muội là mọi người đều có thể tu, mọi người đều có thể đạt được. Không cần nhiều năm, nhiều tháng, một đời là có thể thành tựu. Chúng ta nói một đời là còn quá dài, theo như trong kinh Phật nói “Nhược nhất nhật đáo nhược nhất nhật” (một ngày đến bảy ngày) thì có thể đạt được Nhất tâm bất loạn. Thật có lý khi gọi đó là vua trong Tam muội.

“Định” là then chốt của việc tu hành. Mục đích học Phật của chúng ta là phải khai mở trí tuệ. Trí tuệ từ đâu mà khai mở? Từ “định” mà khai mở. Do đó, trí tuệ không có cách gì để cầu, chỉ cần có định. “Định” khởi lên tác dụng thì là trí tuệ. Định, tuệ cùng một thứ, định là “thể”, tuệ là “dụng”. Có “Thể” thì đương nhiên có “Dụng”. Định trong Tịnh tông tức là “Nhất tâm bất loạn”, cũng gọi là “Niệm Phật Tam muội”. Tam muội là thiền định. Vì thế chư vị cổ đức cực lực đề xướng “Trì giới niệm Phật”, giới luật rất quan trọng. Từ phẩm thứ 32 đến 37 của kinh “Vô Lượng Thọ” đều nói về giới luật, chúng ta y theo cuốn kinh này mà tu hành, không cần tốn công đi tìm. Người niệm Phật là cầu tâm thanh tịnh, có thể tu tốt “ngũ giới thập thiện” (năm giới, mười thiện), đối với chúng ta cầu “Nhất tâm bất loạn”, cầu “Niệm Phật tam muội”, quyết định được hỗ trợ.

Phật pháp nhất định phải tu từ trong “Định”. Cái định này, đơn giản nhất, dễ dàng nhất, tức là “Nhất hướng chuyên niệm” của Tịnh Tông đã nói. Chúng ta ai ai cũng làm được “Nhất hướng chuyên niệm”. “Nhất” là nhất tâm, cũng là chuyên tâm. Chuyên tâm là nhất tâm. “Hướng” là một phương hướng, vậy là được rồi. Chuyên tâm theo một phương hướng, hướng theo phía A Di Đà Phật, tâm của chúng ta ắt được thanh tịnh. Thanh tịnh đến một trình độ nhất định thì sẽ bất loạn, tức là thiền định. Được thiền định tức được “Sự nhất tâm bất loạn” như Phật môn đã nói.

4. Chúng ta muốn cầu trí tuệ chân thật, phải cầu từ “Định”. “Định” tức là tâm thanh tịnh. Với tất cả pháp, “Không phân biệt, không chấp trước, không khởi tâm, không động niệm” là định. Định tức là tự tánh; tác dụng của tâm định là trí tuệ thật sự… “Tứ thiền bát định” của thế gian là giả, vì có thể mất đi… Định thứ chín (định thứ 9) mới là thật. Tứ thiền bát định là tám giai đoạn, lên cao nữa là cửu định (định thứ chín), là sự chứng đắc của bậc A La Hán. A La Hán được định thứ chín, tuyệt đối không bị thoái chuyển. Do đó, định này mới là thiền định thật sự.

Thiền định cao nhất trên thế gian là tứ thiền bát định. Sanh đến cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, định lực của họ có thể duy trì đến thời gian dài tám vạn đại kiếp… So với thời gian và không gian vô lượng thì thời gian của tám vạn đại kiếp rất ngắn ngủi. Khi tám vạn đại kiếp đến rồi, định lực của họ không duy trì được, lại bị đọa xuống… Định thứ chín thì siêu vượt tam giới, chứng quả A La Hán. A La Hán thì không phải thoái chuyển đến tam giới.

5. Quý vị tu thiền tốt cách mấy thì quý vị cũng không đến được cõi trời Sơ Thiền, vì trời Sơ Thiền không có dục niệm, phải thực sự hàng phục được [dục niệm]. Nếu vẫn chưa hàng phục được thì quý vị vẫn ở trong Dục giới, Sắc giới cũng không đạt được. Vậy mới biết khó thật, chứ không dễ dàng. Do đó, không chịu niệm Phật cầu sanh Tịnh độ thì thật là ngu muội, ngông cuồng! Biết rõ chân tướng sự thật, mới biết ngoài pháp môn này ra, không còn con đường thứ hai có thể ra khỏi lục đạo luân hồi, bởi vì đó là con đường đới nghiệp vãng sanh, vọng tưởng chưa dứt cũng đi được. Đây là một việc không dễ!

6. Trong “Khởi Tín Luận”, Bồ Tát Mã Minh nói với chúng ta rất rõ ràng, cặn kẽ, dạy cho chúng ta thái độ học tập: Thứ nhất “Ly ngôn thuyết tướng”, không nên chấp trước ngôn từ thuyết pháp của Phật. Thứ hai “Ly danh tự tướng”, đừng nên chấp trước rất nhiều danh từ riêng, thuật ngữ trong kinh Phật. Thứ ba “Ly tâm duyên tướng”, đừng nghĩ ý nghĩa của chúng. Nghe kinh như vậy là tu định. Định có thể khai trí tuệ, do đó vừa nghe là được khai ngộ rồi.