Home > Khai Thị Niệm Phật > Chuong-4-Tu-Tam
Chương 4: Tu Tâm
Cư Sĩ Tịnh Thọ | Cư Sĩ Tịnh Nghiệp, Việt Dịch


1. Tâm thanh tịnh rất quan trọng, động một ý niệm (thiện niệm, ác niệm) đều là không thanh tịnh. Thế nhưng, thiện niệm, ác niệm muốn không động, nó llai càng muốn động! Phật dạy phương pháp cho chúng ta – tưởng niệm A Di Đà Phật. Cái ý niệm này tam thiện đạo không có, tam ác đạo cũng không và tương ưng với Tây Phương Cực Lạc thế giới. Dùng một niệm để ngăn tất cả vọng niệm, pháp môn niệm Phật phương tiện là nơi đây, lợi ích công đức bất khả tư nghì cũng ở nơi đây. Đích đích thật thật có thể phá vọng tưởng, phá chấp trước. Phá vọng tưởng là phá “Sở tri chướng”, phá chấp trước là phá “Phiền não chướng”. Công đức của câu danh hiệu này quả thật là rất lớn.

Chúng ta muốn đạt được cảnh giới giống như chư Phật, Bồ Tát thì nội tâm phải thanh tịnh. Thanh tịnh đến cực điểm thì phải nắm chắc câu Phật hiệu này mới được. Câu Phật hiệu này là “Câu thanh tịnh”, “Câu thanh tịnh” này được Thiên Thân Bồ Tát nói trong “Vãng sanh luận”. Niệm niệm đều là câu “A Di Đà Phật”, tâm thanh tịnh. Tất cả vọng tưởng, tà tri tà kiến đều không thể lọt vào.

Tịnh độ là do tâm thanh tịnh biến hiện ra. Người nào tâm thanh tịnh? Là tâm thanh tịnh của chính mình, là chân tánh của chính mình biến hiện ra. Chúng ta từ kinh này mà tỉ mỉ quan sát, lãnh hội… A Di Đà Phật tại nhân địa tu tâm thanh tịnh, trên quả địa thành tựu thanh tịnh quốc thổ, lại tiếp dẫn tâm thanh tịnh của mười phương chúng sanh. Nguyên tắc này, Ngài quyết định không biến đổi. Cho nên chúng ta hiểu rõ, chúng sanh của Cực Lạc thế giới, bất luận y báo hay chánh báo đều phải thanh tịnh, không có ô nhiễm. Điều kiện gì để người tu Tịnh độ có thể đượcvãng sanh? Trong kinh này nói rất rõ, bất luận là người hiền ngu, bất luận là gia trẻ, bất luận là phàm thánh, chỉ cần tâm của quý vị thanh tịnh thì đều được vãng sanh.

Toàn bộ Phật pháp, vô lượng kinh luận, vô lượng pháp môn đều tu tâm thanh tịnh. Tâm địa tơ hào không bị nhiễm ô thì thành Phật.

2. Người thật sự phát Bồ đề tâm, khởi tâm động niệm đều là A Di Đà Phật, đều là Tây Phương Cực Lạc thế giới, tuyệt đối không đem những sự việc của người thế gian để trong lòng… Trong thâm tâm, đối với tất cả pháp và ngũ dục lục trần của thế gian, thật sự không có tơ hào nhớ tưởng, niệm niệm đều là bổn nguyện công đức Di Đà, Tây Phương thế giới y[báo] chánh[báo] trang nghiêm. Người này niệm Phật là chuyên niệm.

Ngũ dục là tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống (thực), ngủ nghỉ (thùy). Lục trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Lục căn đối với cảnh giới không bị nhiễm, tâm của quý vị thanh tịnh, ngũ dục lục trần đã tuyệt duyên (không còn duyên) với quý vị. Tuy rằng ngày ngày tiếp xúc nó, mà tâm không bị nhiễm, đây mới là cao minh.

Ta đem sắc, danh, lợi xả một chút, nhẫn một chút, cắn chặt răng chịu đựng cũng chỉ là mấy mươi năm. Khi thành Phật rồi, được đại tự tại, được khoái lạc vĩnh hằng, là xứng đáng lắm.

Trong kinh nói xuất gia, là chỉ “tâm xuất gia”. Thân không xuất gia không cần thiết, không cần hình thức, tâm phải xuất gia. “Xuất gia” là gì? Đối với thế gian danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần không tiêm nhiễm, đây là xuất rồi.

3. Một đời trên thế gian này không có hai ý niệm, chỉ có một ý niệm – đi gặp A Di Đà Phật, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Tôi bây giờ còn chưa đi, không cách nào rời khỏi nơi đây, tạm trú trên thế gian này… Qua hai ngày nữa tôi phải đi rồi, hà tất tranh cái này, cái kia với người. Cái gì cũng không tranh nữa. Cho nên, hoàn cảnh hiện thực là hoàn cảnh để tu tâm tha.nh tịnh.

Quý vị đối với tôi tốt, tôi cũng không thích, tâm tôi thanh tịnh. Quý vị đối với tôi không tốt, tôi cũng không phiền não, tâm tôi vẫn thanh tịnh. Tâm tịnh tất thổ tịnh. Muốn vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, thì bây giờ nơi đây phải tu tâm thanh tịnh. Tôi một ngày từ sáng tới tối không có việc gì khác, chỉ một câu “A Di Đà Phật”. Vậy là đúng rồi.

Tâm thanh tịnh là ở nơi nhiều hoàn cảnh không thanh tịnh để mà tu. Nếu quý vị biết tu hành, nơi nào mà không phải là đạo tràng? Nơi nơi đều là đạo tràng, quý vị muốn tìm đạo tràng tốt, rất dễ tìm. Nói thật lòng, quý vị muốn tìm đạo tràng thanh tịnh, tự mình tâm không thanh tịnh, đi nơi đâu mà tìm? Sẽ tìm không được. Người khác không thanh tịnh; tôi với hắn ở chung một nơi, hắn tính toán, tôi không tính toán; hắn tranh chấp, tôi không tranh chấp, hắn ngày ngày chửi tôi, tôi ngày ngày niệm A Di Đà Phật, đôi bên an ổn vô sự. Vấn đề không phải đã giải quyết rồi sao?

Tâm thanh tịnh niệm Phật, câu câu đều tương ưng, đây thật là: “Một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật”. Ngày nay Phật hiệu của chúng ta không tương ưng là vì tâm không thanh tịnh. Cho nên chúng ta phải hết sức nỗ lực đi làm. Phiền não, nhiễm ô, ô uế là tấp khí của vô thỉ kiếp đến nay, chỉ cần chế ngự được nó, đây là giấy bảo chứng để vãng sanh.

Chúng ta cầu sanh Tây Phương Tịnh thổ cần phải tu tâm thanh tịnh, phải tu tâm chí thiện, sẽ quyết định vãng sanh. Tại sao phải niệm câu Phật hiệu này? Đó là đem những vọng tưởng, tạp niệm đem bỏ, đem tâm thanh tịnh của chúng ta niệm ra, mục đích là đây. “Tâm tịnh ắt thổ tịnh”, đây mới có thể cảm ứng đạo giao, vãng sanh mới được nắm chắc.

Tịnh nghiệp phải tu thế nào? “Tâm tịnh thì thổ tịnh”. Tâm không thanh tịnh không được vãng sanh. Thân không thanh tịnh không quan trong, không trơ ngại. Vãng sanh không phải là thân đi mà tâm đi. Nhưng tôi phải nói với quý vị là: thân thanh tịnh chưa hẳn là tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh rồi thì nhất thân định sẽ thanh tịnh. Tại vì sao? Y báo là tùy nơi chánh báo mà chuyển, đâu có lý nào không thanh tịnh! Tâm phải thế nào mới thanh tịnh? Có vọng tưởng thì không thanh tịnh… Không nghĩ A Di Đà Phật thì toàn là vọng tưởng, làm sao được thanh tịnh?

Tâm thanh tịnh, thân sẽ thanh tịnh. Thân tâm thanh tịnh, cảnh giới sẽ thanh tịnh. “Tâm tịnh ắt thổ tịnh”, đây thật sự là điều kiện để vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới.

Niệm Phật có niệm được nhiều hơn thì cũng chưa chắc được vãng sanh nếu trong lòng còn có nhân, ngã, thị phi, còn có tham, sân, si, mạn, người này không thể vãng sanh. Thật sự được vãng sanh là “tâm địa thanh tịnh”. Người tâm địa thanh tịnh, sớm tối mười niệm cũng quyết được vãng sanh.

Ngẫu Ích Đại sư nói: “Phẩm vị cao hay thấp, toàn do trì danh sâu hay cạn”, Ngài không nói “trì danh được bao nhiêu”. Có thể thấy được phẩm vị và trì danh được bao nhiêu không liên quan, nhưng với sâu hay cạn thì có quan hệ. Sâu hay cạn là xem tâm địa của quý vị thanh tịnh được bao nhiêu. Tâm càng thanh tịnh, phẩm vị càng cao.

4. Quốc độ của Di Đà xây dựng, hiệu là “Cực Lạc thế giới”, vì thế giới đó, quả của sự khổ không có, mà nhân duyên của sự khổ cũng không; không những chúng sanh không có sự khổ mà đến cái từ ác não cũng không. Cho nên đó là một cảnh giới thanh tịnh đến cực điểm. Chúng ta muốn vãng sanh hay không? Thật sự muốn vãng sanh thì phải tu tâm thanh tịnh, đem mọi thứ vọng tưởng, chấp trước, tạp niệm đều buông xuống, như vậy mới đúng.

Quý vị ở trong thế xuất thế gian pháp đều không nghĩ tưởng, tâm sẽ tự tại. Cần phải xa lìa mọi thứ vọng tưởng, mọi thứ chấp trước, mọi thứ phân biệt, mọi thứ âu lo, mọi thứ mong nhớ thì sẽ chứng được thanh tịnh, bình đẳng giác. Tất cả những thứ này nếu không chịu xả ly, đó là tự làm khổ mình. Bởi vì “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”, tất cả đều là giả. Cái gì mới là thật? Tâm thanh tịnh mới là thật. tâm thanh tịnh không những có thể sanh trí tuệ, mà tâm thanh tịnh có thể sanh phước đức. Phật pháp thường nói “Phước huệ song tu”, tu phước, tu huệ đều trong tâm thanh tịnh. Trong tâm thanh tịnh có vô lượng trí tuệ, vô lượng phước đức.

Phàm những gì bất thiện thì không đi nghe, không đi xem, không nghĩ tưởng, tâm của chúng ta mới được thanh tịnh. Chúng ta phải nghĩ đến bổn nguyên công đức của A Di Đà Phật, chúng ta phải niệm danh hiệu A Di Đà Phật. Niệm bốn chữ cũng tốt, niệm sáu chữ cũng tốt, những thứ khác không niệm nữa. Niệm câu Phật hiệu là “Chánh niệm”. Nghĩ đến Tây Phương Cực Lạc thế giới Y Chánh trang nghiêm, nghĩ đến bổn nguyện công đức của bốn mươi tám nguyện, đây là “Chánh tư duy”. Người khác có oan trái gì với mình, mình không đi biện luận, không nghĩ đến. Nếu nghĩ đến lại một phen tạo ác nghiệp, không cần như vậy. “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, chỉ cần không chấp trước sẽ không có việc gì. Cố gắng niệm Phật thì hơn.

Người xưa dùng thời gian năm năm để tu “Căn bản trí”, tôi sợ đợi không kịp năm năm nên bất đắc dĩ nói ba năm. Có thể ít hơn được không? Ít nữa sợ rằng không thành tựu. Quý vị cần phải nhẫn nại ba năm. Trong ba năm chuyên tu tâm thanh tịnh, thứ gì cũng không xem, không nghe. Báo chí, tạp chí, truyền hình, radio cũng không tiếp xúc. Niệm quyển “Vô Lượng Thọ Kinh” này cũng không cầu giải nghĩa, chuyên tu tâm thanh tịnh. Tâm địa thanh tịnh, phiền não sẽ không thành.

5. Thật sự đạt được mọi thứ “Không chấp trước”, sẽ giải thoát tự tại. Trong cuộc sống hàng ngày, nhất định đạt được thật sự khoái lạc, trong nội tâm đích thật không có phân biệt, chấp trước. Thế nhưng, khi ở chung với đại chúng, tùy theo sự phân biệt của đại chúng mà phân biệt, tùy theo sự chấp trước của đại chúng mà chấp trước. Như vậy là tùy duyên mà bất biến, hằng thuận chúng sanh, tùy hỉ công đức.

Khi Vĩnh Gia Đại sư và Lục Tổ đối đáp nhau, Lục Tổ hỏi Ngài: “ Ngài còn phân biệt không?” Ngài Vĩnh Gia nói: “Phân biệt không là ý”. Ngài thật cao minh khi đáp rằng phân biệt không là ý. Ngày nay chúng ta phân biệt là ý thức; Vĩnh Gia Đại sư phân biệt không là ý thức, mà là chân như bản tánh. Trong chân như bản tánh không có phân biệt, là tùy thuận chúng sanh phân biệt mà phân biệt, không phải Ngài có phân biệt; tùy thuận chúng sanh chấp trước mà chấp trước, tự mình không có chấp trước, cho nên nói “phân biệt không là ý”. Tâm của các Ngài thật sự thanh tịnh, trong tất cả mọi cảnh giới không mất đi tâm thanh tịnh. Tuy rằng với chúng sanh “hòa quang đồng trần” (ở chung một nơi) có phân biệt cũng có chấp trước, thế nhưng thực tế là tâm địa của các Ngài thanh tịnh, một trần không nhiễm. Đây là một người thật sự kiến tánh.

6. Cổ nhân nói “Người sống trên đời, như khách qua đưởng”, như đi du lịch vậy đi ngang qua rồi đi luôn. Cách nhìn này là thật! Đã là đi du lịch thì ở lâu dài, có cái gì đáng cho mình tính toán so đo, có cái gì phải để trong lòng. Tính toán so đo, để ở trong lòng những buồn phiền, đó là chấp trước, chấp trước là sai lầm… Tự biết mình là khách qua đường thì phải vui vui vẻ vẻ, tự tự tại tại mà tham quan du lịch, vậy mới thoải mái. Không cần thiết phải vọng tưởng, không cần thiết phải chấp trước, tự làm khổ mình, tạo nhiều tội nghiệp, thật không đáng chút nào.

Nên biết, người sống trên đời chỉ là khách qua đường, nơi đây không phải là quê nhà của mình. Chúng ta ở nơi đây cũng chỉ là làm khách, đâu cần phải tính toán, so bì hơn thua? Không bao lâu là đi rồi. Phải dùng thái độ như vậy để xử thế. Mình không được thứ gì ở thế gian này, một thứ cũng không phải của mình. Cho nên, thứ gì trước mắt mình thì cũng có thể thọ dụng, cũng có thể cảm thấy rất thoải mái; thế nhưng ngàn vạn lần không được chiếm lấy để làm của riêng mình. Nếu không, thì là sai rồi.

“Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, “Chư pháp vô thường, đương thể tức không, liễu bất khả đắc”. Tất cả pháp đều vô thường, có đó mất đó, không thể đạt được. Đây là thật sự giác ngộ, đây là chân tướng sự thật.

7. Trong kinh, Phật thường nói: “Tài sản là của năm nhà”, quý vị tưởng là quý vị thì đó là sai lầm. Người tham tài, yêu ma quỷ quái sẽ hiển thị thần thông, đùa với quý vị, đem tiền tài cho quý vị xem xem, xem vài ngày chúng lại lấy đi mất, quý vị lại trắng tay. Chuyện này có ở Đài Loan, cổ phiếu lên nhiều cũng xuống nhiều, mấy năm trước lời rất nhiều, bây giờ thì không còn gì. Quý vị động cái vọng niệm này, ma sẽ đùa với quý vị, chọc phá quý vị, đó là xem thường quý vị, không tôn trọng quý vị. Nếu tâm địa quý vị thanh tịnh, không những chư Phật, Bồ Tát hộ niệm, yêu ma quỷ quái cũng tôn trọng quý vị, không dám đùa cợt với quý vị.

8. Thanh tịnh tâm là chân tâm, thanh tịnh tâm là chân như bổn tánh, Thiền tông gọi là “Minh tâm kiến tánh”, Tịnh độ tông gọi là “Nhất tâm bất loạn”, đều cùng ý này. Tông môn từ vô trụ, vô tướng, vô niệm mà hạ thủ công phu. Giáo hạ từ vô tri, vô đắc mà hạ thủ công phu. Tông phái rất nhiều nhưng đều là tu tâm thanh tịnh. “Hữu tướng, hữu đắc” (có tướng, có được) thì tâm không thanh tịnh. “Hữu niệm” (có niệm) tâm cũng không thanh tịnh. Cần phải bỏ hết những thứ này, như Lục Tổ nói “Bổn lai vô nhất vật” (vốn chẳng có một vật) thì tâm sẽ được thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là chân tánh, tâm thanh tịnh là Phật tánh. Đó là tự tánh, tự tánh khởi dụng mới được thành tựu, mới được khai ngộ, mới được chứng quả. Quý vị bảo nó quan trọng biết bao!

Người thật sự tu hành là tự mình tu, không nhìn người khác; nhìn người khác thì trong lòng sẽ sanh phiền não, sẽ có ý kiến; có ý kiến thì tâm sẽ không bình lặng, không thanh tịnh. Khi nào thấy sáu căn của chúng ta tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, thấy như không thấy, nghe như không nghe, thì tâm thanh tịnh rồi. Đối với tất cả các pháp rõ rõ ràng ràng, minh minh bạch bạch, tuy hiểu rõ nhưng trong lòng không chấp trước. Nói một cách dễ hiểu, tuyệt đối không đem những sự việc này để trong lòng, trong lòng không có một thứ gì. Lục Tổ nói “Bổn lai vô nhất vật”, tâm là không; khi ấy thì được tâm thanh tịnh, mới nắm chắc được vãng sanh.

Phật pháp là thường thường quan sát, tự mình phản tỉnh. Như vậy mới được tâm thanh tịnh, mới thật sự được thiền định. Chỉ hỏi mình có kính người khác không? Còn người khác có kính mình hay không thì không để trong lòng. Như vậy tâm được định, tâm cũng được thanh tịnh.

Trong lòng không chấp trước thì không có phiền não, không có ưu tư, không có nghĩ ngợi. Trong lòng không có gì cả, nó sẽ như thế nào? Trong lòng tràn đầy ánh sáng trí tuệ, cùng với chư Phật, Bồ Tát không xa. Như vậy mới tương ưng.

9. Tâm thanh tịnh là giác tâm, tâm thanh tịnh là chánh tri chánh kiến. Công phu tu hành của chúng ta ra sao, tự mình phải thường xuyên phản tỉnh, kiểm điểm. Kiểm xem công phu có đắc lực không, tu hành có tiến bộ hay không. Tâm của chúng ta có phải càng ngày càng thanh tịnh, những phiền não, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước có phải là càng ngày càng giảm bớt không? Nếu ngày càng giảm bớt, tâm địa thanh tịnh thì đây là công phu đắc lực, đây là cảnh giới tốt. Tuyệt đối không phải là mỗi ngày tụng bao nhiêu bộ kinh, niệm bao nhiêu tiếng Phật hiệu, lạy Phật được bao nhiêu lạy. Nhũng thứ đó không có nhiều công dụng, nếu trong tâm vẫn còn nhiều vọng niệm, vẫn còn tham, sân, si, mạn thì không có công dụng, lợi ích gì cả.

Người niệm Phật công phu sâu hay cạn, phải kiểm xem tâm của mình có thanh tịnh hay không. Nếu tâm của quý vị năm nay thanh tịnh hơn năm trước, vậy thì công phu niệm Phật đắc lực hơn rồi. Tháng này thanh tịnh hơn tháng rồi một tí, vậy công phu của quý vị càng đắc lực hơn. Nếu phát hiện ngày hôm nay thanh tịnh nhiều hơn ngày hôm qua, vậy thì quý vị thành Phật không còn xa rồi.

10.  Dạy quý vị tụng kinh, không ngoài mục đích là xả bỏ vọng niệm, phiền não, đem tất cả phân biệt, chấp trước quên hết, khôi phục lại thanh tịnh của tự tánh. Trong tâm thanh tịnh thì tự nhiên sanh trí tuệ. Trí tuệ hiện tiền thì không phải nói kinh của người khác rồi; mà là kinh do trí tuệ tâm tánh của mình tuôn trào ra, là thứ kinh tương ưng, khế hợp với Phật Thích Ca Mâu Ni.

Tu học Phật pháp là khôi phục tâm thanh tịnh của tự tánh, chẳng qua là đem những thứ chướng ngại, ô nhiễm của tự tánh tâm thanh tịnh bỏ đi mà thôi. Sự khác nhau của Phật và chúng sanh, là tâm của chúng sanh hiện tại có ô nhiễm, tâm của Phật, Bồ Tát thanh tịnh.

Phật từng nói kinh điển nhiều vô lượng vô biên, toàn là từ trong tâm thanh tịnh tự nhiên lưu lộ ra. Tâm chúng ta thanh tịnh rồi cũng sẽ như tâm của Phật vậy. Tất cả Kinh đều như từ trong tự tánh của mình mà lưu lộ ra. Làm sao mà không hiểu, không minh bạch được chứ? Cho nên cổ nhân có nói “Một kinh thông, tất cả kinh thông.”

Trong tâm không thể nào còn chứa những thứ tạp nhạp. Đề kinh nói rất rõ ràng: “Thanh tịnh, bình đẳng, giác”. Trong tâm nếu còn một vật thì không thanh tịnh, còn có cao thấp là không bình đẳng, không thanh tịnh. Không bình đẳng thì là mê hoặc, điên đảo, là không giác. Bí quyết tu hành đều được thể hiện trên đề kinh.

11. Cảm ứng mà chúng ta nói là vọng tưởng ít rồi, phiền não ít rồi, phân biệt ít rồi. Thân thể khỏe mạnh, tinh thần vui vẻ, trí tuệ tăng trưởng, khoái khoái lạc lạc, đây là thù thắng nhất của sự cảm ứng. Từ đó về sau, tâm thanh tịnh, thân thanh tịnh rồi, trăm thứ bệnh không sanh, lại không chết. Đây là cảm ứng hiện thời được, bất khả tư nghì, không thể nào tưởng tượng được.

Không thành thật niệm, không chuyên tâm niệm, vừa niệm Phật lại vừa vọng tưởng, niệm Phật như vậy không có ích gì. Phải dùng tâm thanh tịnh, tâm chân thành, tâm đại từ đại bi mà niệm thì cảm ứng sẽ bất khả tư nghì.

Người thật sự niệm Phật dùng tâm chí thành, tâm thanh tịnh niệm Phật, trong kinh nói rất rõ rằng: Trong phạm vi bốn mươi dặm, ác ma ác thần không dám đến gần. Đây là do tâm quý vị thanh tịnh nên được oai thần của A Di Đà Phật và chư Phật, Bồ Tát gia trì, quỷ thần không thể tiếp cận.

12. Mình không thấy lỗi của người khác, chỉ thấy lỗi của mình, như vậy tịnh tâm sẽ được định, tâm có định mới sanh trí tuệ. Nếu nói lỗi lẩm của người khác, tâm mình không bao giờ được định, như vậy tổn thất của quý vị quá lớn rồi. Quý vị niệm Phật lại xem thấy những lỗi lầm của người khác, quý vị quyết định không được Nhất tâm bất loạn. Không những không được Nhất tâm bất loạn, tiêu chuẩn giáng xuống một tí là công phu thành phiến cũng không thể được. Không được công phu thành phiến thì vãng sanh không có hy vọng, tổn thất này thật quá lớn. Lục Tổ nói: “ Người thật sự tu đạo, không thấy lỗi thế gian”. Đây thật sự là những lời giáo huấn quý giá, quyết không được quên.

Tự mình cho rằng mình trì giới đã hay lắm, người khác không bằng mình, họ đều phá giới, tương lai sẽ bị đọa lạc. Nếu mình khởi lên phân biệt, vọng tưởng, chấp trước này, dù mình có trì giới, cũng không thanh tịnh. Lục Tổ nói rất hay: “Người thật sự tu hành, không thấy lỗi thế gian”, điều này luôn nhớ kỹ. Còn thấy lỗi của người khác, biểu hiện ra tâm đó không thanh tịnh, giới cũng không thanh tịnh.

Chúng ta ngày nay thấy người này không vừa lòng, người kia đáng ghét, đây là tự mình khởi lên phiền não, với cảnh giới ngoài kia không liên can, người thật sự tu hành, phải làm từ chỗ này. Khi có hiện tượng này, lập tức hồi đàu phản tỉnh, xem xét lại chình mình, lỗi tại mình, không tại ngoại cảnh… Lục Tổ Huệ Năng nói rất hay: “Người thật sự tu hành, không thấy lỗi thế gian”, nhìn thấy lỗi người khác, lập tức phản tỉnh nhìn lại, lỗi là tại mình, tuyệt đối không tại người khác. Đoạn ác tu thiện, đây mới là người thật sự tu hành. Người niệm Phật là vậy, cần phải niệm đến không thấy lỗi cuả người, mới là chân thật.

Thấy được thiện, nghĩ xem mình có hay không? Nếu không có, phải lập tức học tập theo. Thấy được ác, nghĩ xem mình có hay không? Nếu có, phải lập tức sửa đổi. Cho nên, những người thiện, người ác trong đại xã hội này, đối với người tu hành mà nói, đều là thiện tri thức, đều là bạn hiền.

13.  Phàm phu khởi tâm động niệm chấp trước thân này là ta. Kiến giải này là “Thân kiến”. Phật nói thân này không là ta, thân cũng không là sở hữu của ta. Nếu thân này là ta, thân chết rồi ta cũng chết luôn. Ai đi đầu thai, ai đi vãng sanh? Dù rằng lục đạo luân hồi, cũng không phải thân này đi luân hồi, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới cũng không phải thân này đi vãng sanh. Cho nên đích thật thân không là ta, không là sở hữu của ta. Giống như quần áo vậy, quần áo là sở hữu của ta, quần áo không phải là ta… Cho nên, ta xả thân, thọ thân trong lục đạo luân hồi như mặc quần áo, cởi quần áo vậy. “Thân kiến” đem thân này cho “Ta”, đây là kiến giải sai lầm. Bồ Tát khởi tâm động niệm không nghĩ đến mình, chỉ nghĩ đến tất cả chúng sanh, không có “Ta”, không có “Ta sở” (sở hữu của ta), niệm niệm nghĩ đến chúng sanh, niệm niệm nghĩ đến Phật pháp. Không có ý niệm thì thôi, nếu có ý niệm là chỉ nghĩ làm sao lợi ích chúng sanh, giúp đỡ chúng sanh phá mê khai ngộ; làm sao hoằng dương Phật pháp, phổ độ chúng sanh. Từ đó “Ta” và “Ta sở” không cần đoạn, tự nhiên không còn, “Vô nhiễm tâm thanh tịnh” không cần tu, tự nhiên sẽ hiện tiền.

Đối với mình phải thanh tịnh, đối với người khác phải từ bi, bình đẳng. Chỉ cần quý vị làm như vậy, Bồ đề tâm sẽ hiện tiền. Sau một thời gian, đem “Ta” quên mất, sẽ từ từ vào cảnh giới tốt. Ngày nay Bồ đề tâm tại sao không thể phát ra? Vì khởi tâm động niệm đều nghĩ đến ta trước, lợi ích của ta, quyền lợi của ta, cho nên Bồ đề tâm vĩnh viễn phát không ra. Tại sao không đem ý niệm đó chuyển đổi lại, khi khởi tâm động niệm, nghĩ đến tất cả chúng sanh? Ngày nay chúng sanh khổ như vậy, sanh một ý niệm là hoằng dương Phật pháp giúp đỡ tất cả chúng sanh, đây là thật sự phát Bồ đề tâm.

Trong thế gian này, không những “Ta sở” là giả, không phải là thật. “Ta” cũng là giả, thân này cũng không thể được, còn đâu có “Ta sở hữu”? Quý vị thật buông xuống được, tín tâm của quý vị mới thật thanh tịnh, nguyện tâm của quý vị mới thật khẩn thiết. Đối với cầu sanh Tịnh độ, sẽ có tính quyết định, có lợi ích thật sự. Quên mất “Ta”, không có “Ta”; “Ta sở hữu” lại càng không có, càng không để trong lòng. Tài sản ta sở hữu, quyến thuộc ta sở hữu, vinh dự ta sở hữu, lợi ích ta sở hữu, phàm những gì ta sở hữu, thuộc về ta, đương nhiên càng phải nên buông xuống. Có thể đem “Ta”, “Ta sở” xả ly, buông bỏ, niệm của quý vị sẽ chánh, ý sẽ thành.

Có “Ta” thì sẽ có “Ta sở”, những thứ của ta, đây là căn bản của lục đạo luân hồi, chướng ngại tu hành chứng quả, đạo lý là nơi đây. Thật sự giác ngộ, hiểu rõ rồi, nên buông xuống thì chứng quả Tu Đà Hoàn. Như “Kinh Vô Lượng Thọ” nói, đó là cứu cánh nhất thừa viên giáo. Nếu tín thọ phụng hành, chứng được đó là sơ tín vị của quả vị Bồ Tát, thì chứng được vị bất thoái… “Ta”, “Ta sở” hại chúng ta đời đời kiếp kiếp sanh tử luân hồi, chướng ngại chúng ta thành tựu đạo nghiệp. Các vị cổ Đại đức, những người thật sự giác ngộ đều đem những thứ này xả được rốt ráo.

14. Người học Phật, thiết yếu nhất là tu tâm thanh tịnh. Tâm địa thật sự thanh tịnh rồi, quang minh của quý vị là kim sắc, kim sắc quang minh. Tâm địa thanh tịnh, ma sẽ không thể phạm. Bản thân đầy đủ công đức, phước huệ, lại có chư Phật hộ niệm, oai thần gia trì, trên con đường Bồ Tát, quý vị nhất định là thuận buồm xuôi gió. Đây là cầu Phật phù hộ, cầu Phật gia trì bất nhị pháp môn.

Hiện nay xã hôi không được tốt, yêu ma quỷ quái rất nhiều, thường xảy ra những việc kỳ quái, làm thế nào để được bình an? Trong nhà có bộ kinh điển này, trong nhà cúng dường Thánh tượng A Di Đà Phật, hoặc là tượng Tây Phương Tam Thánh, quý vị đối với pháp môn Tịnh Độ, đối với kinh, đối với pháp tin sâu không nghi, yêu ma quỷ quái tự nhiên lánh xa. Quý vị tuy có cúng dường nhưng còn hoài nghi, yêu ma quỷ quái sẽ không sợ quý vị. Trong nhà có cúng dường hình Phật, phải chân thật tu trì mới được cảm ứng. Nếu một niệm tâm thanh tịnh, lập tức được cảm ứng đạo giao. Trong nhà cúng dường hình Phật linh hay không, phải xem tâm của quý vị có thành kính hay không. “Thành” không phải “Thành” thông thường, mà phải thật tin Phật, thật tin pháp, vây mới linh.

Trong tâm có một tí không thanh tịnh, ma quỷ sẽ nhập vào xác thân bởi vì tương ưng với họ. Tâm của yêu ma quỷ quái không thanh tịnh, tâm người không thanh tịnh, nó sẽ dễ dàng nhập vào thân xác. Nếu quý vị là người thật sự niệm Phật, những thứ yêu ma quỷ quái này không những không dám đến quấy nhiễu, trái lại đối với quý vị rất tôn kính. Cho dù nó không đến bảo hộ quý vị, cũng lánh ra xa xa, không dám trêu chọc vì quý vị là người niệm Phật. Người niệm Phật được mười phương ba đời tất cả chư Phật hộ niệm, tất cả hộ pháp thiện thần phù hộ, đây là đạo lý nhất định.

Càng là người thật sự tu hành, càng trở nên giản dị, bình thường, tìm không ra có chỗ nào đặc biệt. Phàm là người có ngôn ngữ, hành vi khác thường, kỳ kỳ quái quái, đều có vấn đề. Mỗi ngày thấy ma, thấy Phật, hay là cảm ứng thoại tướng (tướng tốt), tự nhận rất tài giỏi, đều có vấn đề.

15. Chúng ta phải làm việc tốt. Tuy có làm nhưng như vô sự (không làm), vậy mới đúng. Vô sự không phải là việc gì cũng không làm, đó là tự liễu hán (người chỉ độ chính mình). Bồ Tát đại thừa là làm mà như không làm, không làm mà làm. Tại sao nói “Không làm”? Trong lòng như không có việc đó, một niệm không sanh, đây là “Không làm”. Tại sao nói “Làm”? Vì phục vụ đại chúng, tận tâm tận lực, tinh tấn không giải đãi, tay chân làm nhanh nhẹn, đó là “làm”.

Người thế gian làm được một tí công việc thì rất uể oải, rất mệt mỏi, bởi vì tâm họ không thanh tịnh. Nếu tâm thanh tịnh, số lượng công việc có nhiều hơn cũng không thấy mệt mỏi, vì đó là làm mà không làm, không làm mà làm. Thân họ đang làm, tâm thì không làm, như một bộ máy đang làm việc. Cho nên, tâm quý vị nếu thật sự thanh tịnh thì sẽ không mệt, không mỏi, không chán.

16. Trong quyển “Yếu giải”, Ngẫu Ích Đại Sư nói rất hay: “Vãng sanh được hay không, toàn là do Tín Nguyện có hay không”. Điều kiện căn bản của vãng sanh là thật tín, thật nguyện, nhất định là không có hoài nghi, không có xen tạp. Tín nguyện thật sự có năng lực lớn đến thế sao? Có. Trong “Kinh Kim Cang” nói được rất hay: “Tín tâm thanh tịnh, ắt sanh thật tướng” (thật tướng là trí tuệ, đức nằn, bát nhã, trí tuệ vạn đức vạn năng). Cho nên, tiêu chuẩn của tín tâm là tiêu chuẩn trong “Kinh Kim Cang”, không phải là thông thường. Tự cho rằng đã rất tín tâm, lời này chưa chắc chắn.

Trong “Kinh Kim Cang” nói: “Lòng tin thanh tịnh, ắt sanh thật tướng”. Quý vị đừng cho rằng như vậy là tin Phật rồi, chưa chắc đâu. Tại vì sao? Nơi nào có sự dụ hoặc của cổ phiếu thì chạy đi ngay, quên mất Phật, nơi nào có cám dỗ của danh lợi thì biến đồi ngay. Tin Phật như vậy là như lục bình trên sóng nước, tùy theo gió mà trôi dạt, không có gốc, không phải là thật tin, không có sự lý giải đứng đắn, Phật pháp chỉ hiểu một tí ti, không thể gọi là thật hiểu. Khi thật sự hiểu rõ, người đó sẽ thật tin, người đó sẽ thật “hành”.

Người niệm Phật ngày ngày niệm A Di Đà Phật, tại sao công phu không đắc lực? Vì không thật tin, nguyện không khẩn thiết, niệm không chuyên nhất. Tại sao phải nghe kinh? Mục đích của nghe kinh là phải đem chân tướng sự thật này nghe rõ ràng. Sau khi nghe rõ ràng, tín tâm của chúng ta mới kiên định, tín tâm thanh tịnh, ý niệm cầu sanh mới kiên quyết; câu Phật hiệu quyết định là không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn, người này sẽ được vãng sanh, nhất định là một đời thành Phật.

17. Tâm thanh tịnh có thể sanh trí tuệ. Tâm thanh tịnh khởi tác dụng đối với cảnh giới bên ngoài đó là trí tuệ; tâm thanh tịnh đối với tự mình là phước đức, là hưởng phước. Phước báo thật sự là thân tâm được thanh tịnh, không có ưu tư, không có lo lắng, không có phiền não, không có vọng tưởng, không có chấp trước. Đây mới thật sự là hưởng thụ khoái lạc, chỉ cần có tín, nguyện, trì danh thì sẽ được.

Tâm đến khi thật sự thanh tịnh sẽ sanh trí tuệ. Trí tuệ không phải là từ bên ngoài đến, là vì quý vị vốn có sẵn. Trí tuệ vô lượng vô biên, đức năng vô lượng vô biên, tài nghệ vô lượng vô biên, như Lục Tổ Đại sư đã nói: “Hà kỳ tự tánh, bổn tự cụ túc”, bổn tánh của quý vị đã tự đầy đủ, một thứ cũng không thiếu.

Cho dù là gia thân quyến thuộc, bạn bè thân thiết cũng không nhớ nghĩ, cho đến chuyện của mình cũng không nhớ nghĩ, tất cả những thứ lo âu, tất cả những thứ nhớ tưởng thế xuất thế pháp đều buông xuống. Vì những thứ âu lo, nhớ tưởng này không thể giải quyết vấn đề. Cái gì có thể giải quyết vấn đề? “Tâm địa thanh tịnh, trí tuệ hiện tiền” mọi vấn đề đều được giải quyết.

Dùng tâm thanh tịnh đối với cảnh giới bên ngoài. Tâm thanh tịnh đến trình độ tương đối, tức là chiếu kiến (thấy được), trí tuệ sẽ hiện tiền. Không lo quý vị không có biện tài (tài thuyết pháp), quyết định có biện tài vì biện tài là tánh đức, trí tuệ cũng là tánh đức, tánh đức lộ ra.

Nhà Phật thường nói: “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng” (trong nhà Phật có cầu là có ứng). Trong tâm động một ý niệm, không có thứ gì không viên mãn. Mọi thứ đều buông xuống, mọi thứ đều viên mãn. Đó không là tu đức, là tánh đức hiển lộ. Tu đức có thể dùng tâm; tánh đức không cần tu, là tự nhiên, là bất tận.

Cho nên, người thật tu hành, phải từ trong tâm địa mà dụng công, phải để cho tánh đức từ từ thấu lộ ra ngoài, thọ dụng mới tự tại, cho nên thành “Bất thoái thành Phật”. Chúng ta trong thế gian này, tánh đức có thể thấu lộ ra một ít, công phu của quý vị sẽ không thoái chuyển, vãng sanh đương nhiên là không thành vấn đề.

18. Tâm thanh tịnh, trang nghiêm quốc độ. Trong kệ hồi hướng: “Trang nghiêm Phật Tịnh độ”, dùng cái gì để trang nghiêm? Hương hoa không thể trang nghiêm, đó toàn là giả. Thanh tịnh tâm trang nghiêm, điều kiện để vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là đây… Lúc vãng sanh, một niệm ấy rất quý, cũng như chúng ta mở tủ bảo hiểm đúng với số chìa khóa của tủ vậy. Một khi đúng số, tủ được mở ra, đó là tương ưng. Khi lâm chung, trong một sát. na, được tương ưng, thì được vãng sanh. Một niệm lúc lâm chung, chúng ta không nắm chắc được tương ưng hay không, có thanh tịnh hay không, cho nên ngày thường phải tập luyện, ngày thường niệm Phật là tập luyện, tập luyện đến khi ngày thường cũng thanh tịnh, người này nắm chắc được vãng sanh.

19.  Khi tâm thanh tịnh, sẽ thấy được chư Phật. Chư Phật ở nơi đâu? Chúng sanh trên đời này bổn lai thành Phật; vô tình chúng sanh cũng bổn lai thành Phật, bổn lai là Phật. Đến lúc này mới phát hiện, tất cả chúng sanh đều là Phật, “Tất đổ vô lượng chư Phật” (thấy được vô lượng chư Phật), kiến Phật thì kiến tánh, “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”… Chân như bản tánh thì là thanh tịnh pháp thân, là Phật quả viên mãn. Thấy tất cả hữu tình chúng sanh, thấy được đó là “Phật tánh”; thấy tất cả vô tình chúng sanh, thấy được đó là “Phật tánh”; thấy tất cả vô tình chúng sanh, thấy được đó là “Phật tánh”, kiến tánh không trước tướng (thấy tánh không chấp vào tướng).

20.  Tu học Phật pháp nhất định phải theo thứ lớp, không được vượt cấp. Vậy tu học từ đâu? Học từ đoạn phiền não, từ tìm hiểu thấu rõ được chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Rất nhiều ông lão, bà lão niệm Phật vãng sanh rồi, các vị ấy không có phát cái tâm này, họ cũng không biết làm sao được vãng sanh? Bề ngoài xem họ có vẻ tuy không hiểu biết, nhưng đích thực là họ đã thấu hiểu lý lẽ của sự vật, tri thức cũng đạt rồi, ý cũng rất chân thành, vì họ đã xả bỏ tất cả dục vọng của thế gian, một lòng một dạ chỉ nghĩ A Di Đà Phật, chỉ muốn vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, thân tâm thế giới của họ không có việc gì, dục vọng vật chất đã ngăn bỏ sạch sẽ. Một lòng một dạ chỉ muốn vãng sanh, chỉ nghĩ A Di Đà Phật, đây là đai trí tuệ.

Có thể có nhiều đồng tu sẽ hỏi: Chúng tôi thấy có rất nhiều ông lão, bà lão, không có đi học, không biết chữ, cũng chưa từng nghe qua giảng kinh, lão thật (thật thà) niệm Phật mà được vãng sanh. Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc (xem chú giải trang 135), họ đã tu thành chưa? Họ đều đã tu thành. Chỉ cần lão thật niệm Phật là đều tu thành… Tứ niệm xứ là nhìn thấu, họ tuy không hiểu Tứ Niệm Xứ, nhưng họ đã nhìn thấu. Họ cảm thấy thế gian này không có ý nghĩa, họ không còn lưu luyến, một câu Phật hiệu niệm tới cùng, một lòng một dạ cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, họ buông xuống tất cả, lão thật niệm Phật. “Tam khóa mười hai đạo phẩm” chỉ một câu Phật hiệu họ đã viên tu, viên tu viên chứng (tu thành viên mãn, chứng đắc viên mãn).

Chúng ta ngàn vạn lần không được xem thường các lão ông, lão bà này; công phu tu trì của họ đắc lực hơn, thù thắng hơn chúng ta. Họ đã khế nhập cảnh giới nhất tâm, chúng ta chưa vào được cảnh giới này, nguyên nhân do nơi đâu? Vì họ cái gì cũng không quản, đều buông xả, tâm của họ thanh tịnh, những người hoằng pháp lợi sanh còn không bằng họ.

Cư sĩ Lâm Khán Trị (Đài Loan) viết cuốn “Niệm Phật cảm ứng kiến văn ký”, quý vị xem có rất nhiều người quê mùa, mộc mạc, bị người xem thường. Họ từ sáng đến tối “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật”, trong tâm không có gì cả, vậy mà quỷ thần cung kính họ, chư Phật hộ niệm họ. Chúng ta tự cho rằng mình rất tài giỏi, nhưng chư Phật, Bồ Tát không hộ niệm chúng ta, quỷ thần xem thường chúng ta, chúng ta không thể so sánh với họ, họ là Thượng Đẳng Tận Hình Thọ (là từ ngày phát tâm niệm Phật trở đi, suốt đời niệm Phật thẳng đến một niệm tối hậu lúc lâm chung). Chúng ta mới hiểu ra, câu Phật hiệu này niệm một đời, niệm suốt đến khi A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, nếu quả thật niệm được như vậy, thì tập khí nghiệp chướng từ vô lượng kiếp đến nay đều được tiêu trừ, cho nên được tự tại vãng sanh, không có bệnh khổ, biết trước ngày giờ mất.

Người chân thật phát nguyện cầu sanh Tịnh độ, chúng ta phải nên tôn trọng họ, không được khinh thường. Giả như đời này họ có ngu si đến đâu, thậm chí tạo nghiệp cực trọng, cũng không được khinh khi, có thể họ vãng sanh trước hơn ta.

Pháp môn Tịnh độ sở dĩ được tất cả chư Phật tán thán, vi phạm vi nhiếp thọ chúng sanh vô cùng rộng lớn. Trên từ Đẳng giác Bồ Tát, dưới đến địa ngục chúng sanh, chỉ cần biết tin, biết phát nguyện, biết lão thật niệm câu Phật hiệu này, không ai là không thể vãng sanh…

Cho nên, chúng ta không được xem thường những người tạo tác nghiệp tội, đừng xem chúng ta từ sáng đến tối niệm “A Di Đà Phật” là giỏi, nói không chừng tương lai họ vãng sanh phẩm vị cao hơn ta, vì họ một niệm hồi tâm, công đức sẽ vô lượng vô biên.

21. Thời nhà Tống có pháp sư Doanh Kha không giữ thanh quy, phá giới tạo tác nghiệp tội. Tuy nhiên, Ngài có một điểm tốt là tin sâu nhân quả báo ứng, nghĩ lại những việc của mình đã làm nhất định sẽ bị đọa địa ngục, nên trong lòng vô cùng sợ hãi, bèn đi thỉnh giáo với các vị đồng tu, xem có cách gì cứu chữa. Bạn đồng tu cho Ngài “Vãng sanh truyện”. Ngài xem rồi, khóc lóc thảm thiết, liền phát tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Ngài đóng cửa liêu phòng, không ngủ, không ăn cơm, không uống nước, một câu Phật hiệu niệm tới cùng. Ngài liều mạng niệm được ba ngày ba đêm thì A Di Đà Phật hiện ra, A Di Đà Phật bảo với Ngài: “Thọ mạng của ông còn đến mười năm. Hãy tu cho tốt, khi lâm chung Phật sẽ đến tiếp dẫn ông”. Pháp sư Doanh Kha cầu xin với Phật: “Căn tánh của con không tốt, rất dễ bị cám dỗ, trong mười năm này không biết tạo bao nhiêu tội lỗi, nghiệp chướng. Thọ mạng mười năm này, con không lấy, bây giờ con theo Phật đi ngay”. Phật đồng ý và nói: “Vậy ba ngày sau, Phật đến rước ông”. Ngài Doanh Kha mở cửa liêu phòng, rất mừng vui tuyên bố với đại chúng trong chùa rằng: “Ba ngày sau Phật sẽ đến tiếp dẫn tôi vãng sanh”. Người trong chùa ai cũng cho là ông đã khùng điên, một người tạo nhiều tội nghiệp như vậy, làm sao có thể ba ngày sau được vãng sanh? Nhưng thời gian ba ngày không dài, đại chúng đều đợi xem ssao. Đến ngày thứ ba, Ngài tắm gội sạch sẽ, thay quần áo mới, yêu cầu đại chúng niệm A Di Đà Phật đưa tiễn Ngài vãng sanh. Niệm kinh xong, niệm thêm Phật hiệu mười mấy tiếng, Ngài nói với đại chúng: “Phật đến tiếp dẫn tôi, tôi bây giờ theo Phật đi đây”. Vừa nói xong, thì Ngài vãng sanh rồi.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Chương 4: Tu Tâm