Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Ly-Do-Phai-Lam-Lanh-Lanh-Du-Va-Phai-Nguyen-Sanh-Tinh-Do

Lý Do Phải Làm Lành Lánh Dữ Và Phải Nguyện Sanh Tịnh Độ
Thích Tâm Tịnh

Có nhiều người nói rằng: “Phật dạy hết thảy pháp là như huyễn, chơn tánh của các pháp vốn là không. Vậy thì cần gì phải làm lành lánh dữ, việc gì phải nguyện sanh Tịnh độ.” Lời nói này mới nghe qua thì có vẻ như đúng nhưng thật ra vẫn còn nhiều điểm cần phải bàn lại.

Chúng ta đã biết rằng, phàm đức Phật có dạy điều gì thì cũng tùy theo căn cơ mà dạy. Lâu nay, chúng ta chấp mình và mọi thứ trên đời là thật có nên chúng ta mặc tình làm ác, hại người hại vật; vì vậy, đức Phật đã dạy cho chúng ta biết rõ các pháp đều giả có, không thật, để chúng ta không còn chạy theo trần cảnh mà khởi tham, sân, si, tạo biết bao ác nghiệp nữa. Có người sẽ hỏi tiếp rằng: “Nếu Phật dạy các pháp là không thật để mọi người bỏ ác làm lành, vậy sau khi họ đã làm lành rồi Phật lại dạy họ tiếp tục quán các pháp là như huyễn.” Điều này cũng rất đơn giản. Đó là vì chúng ta tuy làm lành nhưng vẫn còn chấp có mình là người tốt nên dễ sanh ngã mạn và nhiều phiền não vi tế khác đoanh vây. Vì vậy, Phật dạy chúng ta tiếp tục quán các pháp là như huyễn để dứt sạch những phiền não còn sót lại nhờ đó trí tuệ mới phát sanh. Tâm chúng ta giống như mặt trời lúc nào cũng chiếu sáng; tùy theo mây mù nhiều hay ít mà độ sáng của mặt trời mạnh hay yếu mà thôi. Tâm ta cũng vậy, tùy theo mức độ phiền não nhiều hay ít mà tâm ta phát sanh trí huệ cạn hay sâu. Chỉ khi nào sạch hết phiền não thì tâm chúng ta mới hoàn toàn giác ngộ. Vì vậy, muốn giác ngộ rốt ráo, chúng ta cần phải thường quán các pháp là như huyễn để diệt sạch vô minh phiền não.

Mặt khác, tuy các pháp là như huyễn nhưng vì chúng ta chưa hoàn toàn giác ngộ, bằng chứng là khi đói cần phải có cơm ăn, khi khát cần phải có nước uống nếu không chúng ta sẽ không chịu đựng nỗi, vì vậy chúng ta bắt buộc cần phải làm lành lánh dữ để gặt hái quả báo tốt đẹp và tránh quả báo xấu.

Hơn nữa, khi chúng ta làm ác thì tâm chúng ta sẽ phải chịu nhiều phiền não, khổ đau nên khó phát sanh trí tuệ giải thoát, còn khi chúng ta làm lành thì tâm chúng ta sẽ an vui, thơ thới nên rất dễ phát sanh trí tuệ.

Chính vì vậy, tuy các pháp là như huyễn, không thật nhưng chúng ta vẫn phải luôn luôn làm lành lánh dữ. Có điều cần chú ý là khi làm lành lánh dữ, chúng ta phải thường tập quán các pháp là như huyễn, không thật để mau đạt đến quả vị Giác ngộ giải thoát.

Có người lại nói: “Các pháp vốn như huyễn không thật thì việc gì chúng ta phải cầu vãng sanh Tịnh độ.”

Như trên đã nói: mặc dù các pháp là như huyễn nhưng chúng ta chưa giác ngộ rốt ráo nên khi đối duyên xúc cảnh chúng ta rất dễ phát sanh phiền não. Những phiền não này che lấp tâm ta làm cho trí huệ không thể phát sanh. Sao bằng chúng ta sanh về Tịnh độ là thắng cảnh do các vị Phật, Bồ tát tạo ra. Ở nơi ấy không có các điều kiện làm phát sanh phiền não nhờ thế tâm ta không bị phiền não, che lấp nên dễ dàng bừng sáng; vì thế, tuy biết rằng các pháp là như huyễn nhưng chúng ta vẫn cầu sanh Tịnh độ.

Khi liễu tri được điều này, chúng ta không nên thụ động đợi chết rồi mới sanh về Tịnh độ mà chúng ta phải tập an trú vào Tịnh độ ngay trong cuộc sống hằng ngày bằng cách thực tập chánh niệm. Hằng ngày, khi thân tâm ta có khổ thọ hay lạc thọ thì chúng ta đều vui vẻ đón nhận chúng. Chúng ta đừng nên níu giữ những cảm thọ vui và xua đuổi những cảm thọ khổ vì thật sự thì dù ta có níu giữ mấy đi nữa, những cảm thọ vui vẫn ra đi làm chúng ta đau khổ vì nuối tiếc, còn những cảm thọ khổ thì chúng ta càng xua đuổi, nó càng mãnh liệt và bám chặt hơn. Cách tốt nhất là chúng ta lặng lẽ ghi nhận chúng, thấy rõ chúng kể từ lúc chúng xuất hiện cho đến khi chúng ra đi để phát hiện ra bản chất vô thường của vạn vật. Khi đã thấy một cách như thật là vạn vật vô thường, thì chúng ta sẽ không còn khởi tâm tham, sân, si... đối với chúng nữa; nhờ thế tâm của chúng ta sẽ được an lạc, trí tuệ phát sanh.

Nếu chúng ta thực hành được như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ sống được an lành, đến khi mạng chung sẽ về cõi Phật như chúng ta thường mong cầu.

Trích từ: Tập san Pháp Luân 21
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Ba Món Tư Lương Tín Nguyện Hạnh
Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa

Bi Nguyện Độ Tha
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Tín Nguyện Hạnh
Đại Sư Linh Phong Ngẫu Ích Trí Húc

Chư Ðại Bồ Tát khuyên người Niệm Phật và Nguyện Sanh
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Hoằng Nguyện và Ðại Hạnh
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Ba Tư Lương Tín Nguyện Hạnh
Hòa Thượng Thích Trí Thủ

48 Đại Nguyện Của Phật A Di Đà
Pháp Sư Khương Tăng Khải