Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Kinh-Thu-Lang-Nghiem-Chuong-The-Chi-Vien-Thong
Kinh Thủ Lăng Nghiêm được nói sau kinh Pháp Hoa, thật là một bộ kinh rộng lớn sâu thẳm trong Phật pháp. Xưa kia, lúc ngài Trí Giả phán giáo, kinh này chưa truyền đến Chi Na; vì thế, Ngài phán định Pháp Hoa và Niết Bàn là pháp vị cuối cùng. Nếu Ngài một phen được thấy kinh này, ắt sẽ viết chú sớ giải thích, ắt phán định kinh này là vô thượng đề hồ.

Cớ sao khi Tứ Y đại sĩ diệt độ rồi, các vị sớ chủ xưa nay ai nấy hưng khởi dị kiến, lâu ngày dồn nhau tranh cãi khiến cho hàng hậu học không có con mắt trạch pháp (chọn lựa pháp) chẳng biết nên theo ai, đến nỗi toan bỏ sạch các sớ giải, chỉ xem kinh văn. Đấy cũng là ý kiến quá khích. Bởi lẽ dùng trí mình để tìm đọc kinh văn, đa phần chẳng thể lãnh hội được chỉ thú, nên rốt cuộc cứ mờ mờ mịt mịt mà thôi!

Thử bình tâm mà xét, há các sớ giải không có lấy một cuốn nào có điểm sở trường ư? Trong số những vị nếu không mắc lỗi sai lầm, mâu thuẫn thì lại bị mắc lỗi thô vụng, sơ sài ra, vẫn có những vị trí thức cao siêu hơn người, lại dựa vào kinh này để phát huy những lý luận mới mẻ trong tâm. Trong những bản chú giải thật sự bỏ đi ý riêng, thuận theo kinh phù hợp Phật ý thì ngoài bản sớ giải của ngài Tây Hồ Giám ra, tôi chưa thấy bản nào hay được bằng; ai bảo là người thời nay ắt hơn hẳn thời xưa ư?

Rất có thể có người trách Ngài chủ trương thái quá, hoặc chê Ngài bày vẽ quá chi li; cho dù bản sớ giải của Ngài chưa thể hoàn toàn không có điểm nào đáng chê trách, đó vẫn là bản sớ giải có công rất lớn đối với kinh này. Còn như thuyết “bỏ thức dùng căn, chú trọng viên thông” chính là lời chân thành của chư Phật, ai dám chẳng tin? Giáo thể phương này ai dám chẳng tuân? (14) Toan luận bàn so đo điều ấy chính là trái kinh, chống Phật vậy.

Hiện tại, các thiện hữu đã chú tâm vào Tịnh Độ, lại toan nghiên cứu kinh này thật chẳng dễ dàng. Chẳng luận đến phần trước hay phần sau, chỉ ngay trong chương Viên Thông này đã có những điểm dễ gây lầm lẫn, hiểu lầm lớn. Nếu chẳng khéo đọc, khéo hiểu thì đúng là đề hồ biến thành độc dược cũng chẳng xa chi lắm. Há các vị chẳng từng nghe nói “trong trường thi tuyển Phật trên hội Lăng Nghiêm, ngài Quán Âm đăng khoa, ngài Thế Chí thi trượt” đó ư? Đối với thuyết ấy, nếu người tu Tịnh Độ chẳng khéo phân biệt, nhận định, sao có thể phát huy được mật ý của kinh này, sao có thể giữ cho hạnh nguyện kiên cố sau khi học xong kinh này ư?

Chỉ vì pháp môn của ngài Thế Chí chẳng phải là yếu nghĩa của kinh này nên trong bản sớ giải của ngài Tây Hồ Giám cũng có nêu nhưng chưa phát huy. Nay tôi sẽ trước là biện định về pháp, sau là nêu rõ mật ý.

a. Biện định pháp môn:

Phải biết rằng pháp thánh viên thông này thuộc về Căn Đại trong Thất Đại để nhiếp trọn sáu căn. Vì thế, nương vào sáu căn ấy để tu Niệm Phật tam muội bèn có ba thứ khác nhau: Một là niệm tự Phật, hai là niệm tha Phật, ba là niệm tự tha Phật.

Nếu niệm tự Phật thì giống với các môn thánh viên thông khác: lấy căn tánh làm pháp môn được niệm, lấy sự quay trở về tánh lặng trong làm phương tiện năng niệm. Như kinh Ương Quật dạy: “Nhãn căn ấy ở nơi chư Như Lai thường đầy đủ chẳng giảm, hãy nên tu cho thấy được phân minh rành rẽ... Ý căn ấy ở nơi chư Như Lai thường đầy đủ chẳng giảm, hãy nên tu tập cho biết được phân minh rành rẽ” thì cũng giống như trong kinh này, mười phương chư Phật cùng bảo A Nan: “Ông muốn mau chứng an lạc giải thoát tịnh tĩnh diệu thường thì chỉ do nơi sáu căn của ông, chứ chẳng phải từ vật nào khác nữa”.

Lại như Tổ Sư nói: “Ở trong thai gọi là thân, ở trong đời gọi là nhân, ở mắt gọi là thấy, ở tai gọi là nghe, nơi mũi phân biệt hương, nơi miệng đàm luận, nơi tay cầm nắm, nơi chân di chuyển. Người hiểu biết bảo đó là Phật tánh, kẻ chẳng hiểu biết gọi đó là linh hồn”, chư Tổ chỉ dạy những điều như trên rất nhiều. Môn niệm tự Phật tam muội này bao gồm hết thảy giáo nghĩa, hết thảy pháp môn trực chỉ của Thiền tông, chẳng sót chút gì.

Nếu niệm tha Phật bèn có khác với các thánh viên thông: dùng sáu căn làm năng niệm, lấy quả Phật làm sở niệm. Dẫu Pháp Thân được niệm ấy vốn cùng một thể với ta, nhưng ta không có hai thứ trang nghiêm. Chư Phật phước trí viên mãn, thành Lưỡng Túc Tôn. Niệm quả đức của Phật chẳng sanh mỏi chán, mắt thường chiêm ngưỡng Phật, tai thường nghe lời dạy của Phật, mũi thường ngửi hương Phật, lưỡi thường xưng Phật hiệu, thân thường lễ tượng Phật, ý thường duyên theo Phật pháp. Những điều sáu căn chuyên chú không ngoài Phật cảnh, liên tục không gián đoạn, không xen tạp như thế. Môn niệm tha Phật tam muội này bao gồm hết các kinh Di Đà, Dược Sư, Di Lặc Thượng Sanh v.v... và hết thảy nghiệp hạnh, sự tướng, pháp môn trong liên xã chẳng sót chút gì.

Nếu niệm tự tha Phật thì vừa giống như các môn thánh viên thông khác lại vừa sai khác. Trước hết phải khai viên đốn giải, biết rõ chúng sanh và Phật giống hệt như nhau, tâm và cõi nước chẳng hai, nương nhờ y báo, chánh báo của đức Phật kia để hiển lộ tâm tánh mình. Đã chẳng mê lầm ngoài tánh có Phật, mà cũng chẳng chấp cõi kia chẳng phải là tâm. Đấy là chỗ “khai viên đốn giải” giống với các môn thánh viên thông khác, còn điểm khác biệt là phải nương nhờ vào cảnh xứ khác. Quán kinh nói đến phương tiện thù thắng lạ lùng, còn ở đây kinh dạy: “Chẳng nhọc phương tiện, tự được tâm khai” nghĩa là dùng phương tiện tối thắng, cực lạ nên chẳng cần dùng đến phương tiện nào khác nữa.

Nay đem ba thứ Niệm Phật tam muội trong Viên Đốn giáo so với bốn thứ Tịnh Độ để biện định sơ lược về công dụng nhiếp thọ chúng sanh lớn lao thì:

Chỉ niệm tự Phật nhiếp về hai cõi Thật Báo và Tịch Quang Tịnh Độ, nhưng chỉ có thể “thụ nhập” (chứng nhập theo chiều dọc) chứ chẳng thể “hoành siêu” (siêu thoát tam giới theo chiều ngang). Môn này lại chỉ có thể độ hàng lợi căn chứ chẳng thể tiếp độ khắp các căn. Hơn nữa, môn này giống với các môn thánh viên thông khác nên chẳng thể tỏ rõ tánh cách độc dị (lạ lùng độc đáo); tựa hồ chẳng phải là bản ý nhiếp độ chúng sanh quy hướng của ngài Thế Chí.

Nay luận về hai môn Niệm Tha Phật và Niệm Tự Tha Phật thì hành nhân thuộc hai môn này quy về Đồng Cư Tịnh Độ, lại kiêm hoành siêu các cõi Phương Tiện, Thật Báo, Tịch Quang. Vì thế, kinh văn giảng sâu xa về lợi ích cảm ứng đạo giao.

b. Hiển thị mật ý của kinh:

Chọn lựa pháp viên thông tương tự quốc gia dụng binh tuyển tướng: hoặc cử người làm tiên phong, hoặc cắt người đoạn hậu. Cử người tiên phong, cắt người đoạn hậu là chánh, các người khác chỉ là phân theo từng đội mà thôi. Việc suy cử và cắt đặt chẳng phải vô cớ mà làm.

Như trong mười tám giới, ắt trước hết là Căn, kế đến là Trần, sau cùng là Thức, đấy là lệ thường; nay kinh này đặt Trần ra trước, đặt Căn tiếp theo đó. Trong sáu trần ắt trước hết là Sắc, tiếp đó là Thanh cho đến Hương, Vị, Xúc Pháp; nay kinh này nêu Thanh đầu tiên, kế đến là Sắc. Trong sáu căn chỉ nêu năm căn, xếp Nhĩ Căn vào cuối hai mươi bốn [môn Viên Thông] là vì trong phương này chân giáo thể thanh tịnh thuộc nơi nghe tiếng. Vì thế, dùng âm trần (tức thanh trần) để mở đầu, xếp Căn Nghe vào cuối cùng hòng chỉ rõ. Tuy chẳng nói toạc ra, nhưng ai đã nhận hiểu sẽ quy trọng môn viên thông nơi nhĩ căn, đó là yếu chỉ của kinh. Cách trình bày, liệt kê các pháp môn viên thông, lẽ đương nhiên phải như vậy.

Tuy pháp môn Niệm Phật cũng thích hợp với cơ nghi, chúng sanh đời mạt phải nhờ Niệm Phật để đắc độ; nhưng kinh này chỉ khuyên dùng một môn để đột nhập, hiểu rõ thẳng vào tự tánh. Nếu chọn lấy cả hai môn sẽ khiến ý kinh bị mờ nhạt đi. Nếu xếp lẫn pháp môn Niệm Phật vào các đội quân thường thì lại đánh mất ý chỉ được rộng khen bởi các kinh khác. Bởi thế, Phật khéo bày phương tiện suy cử, áp hậu như mật lệnh trong quân chẳng được tiết lộ.

Vì thế, trong mười tám giới, kinh rút lấy Nhĩ Căn làm viên tướng quan trọng, nhưng trong Thất Đại lại ngầm chọn Căn Đại làm trọng tướng. Thế nhưng Căn Đại vốn thuộc vào pháp môn Niệm Phật nên chẳng những không mâu thuẫn với những tông chỉ các kinh khác đã rộng khen mà cũng chẳng trái nghịch ý nghĩa của Căn được dùng trong kinh này; có thể nói vừa tột khéo lại vừa cực mật vậy!

Thất Đại theo thứ tự là Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Không, Kiến, Thức. Kiến chính là Căn Đại; Căn trước, Thức sau. Nay đặt Thức vào vị trí thứ sáu, đặt Căn Đại chót hết, cũng như xếp Nhĩ Căn ở cuối Thập Bát Giới. Thêm nữa, trong năm Đại trước, lấy Hỏa Đại làm tiên phong, xếp Địa, Thủy, Phong tiếp sau. Thế là có hai ý:

Một là vì chúng đương cơ mắc lỗi đa dâm mà thuyết khởi giáo pháp nên dùng [hình ảnh] đa dâm chuốc lấy lửa hừng để cảnh tỉnh người đa văn trước hết phải trừ dục lậu. Vì thế kinh mới có những câu như: “Người đa dâm [dâm ý] biến thành đống lửa cháy hừng hực” cho đến “biến tâm đa dâm thành lửa trí huệ”. “Chư Phật đặt tên cho tôi là Hỏa Đầu; tôi do sức Hỏa Quang tam muội mà thành A La Hán; nguyện làm lực sĩ đích thân hàng phục ma oán” v.v... để răn nhắc. Trong hết thảy kinh luật đều lấy giới Bất Sát làm đầu, kinh này lấy giới Bất Dâm làm điều quyết định đệ nhất để răn dạy rõ. Trong ba duyên cũng lấy Tham Dục đặt trước Trộm và Giết đều là ý này.

Hai là đối trị trọng chướng cho đời Mạt, bởi lẽ phiền não tuy nhiều, nhưng chỉ có dâm dục là căn bản sanh tử, là pháp gây chướng ngại vãng sanh nhất. Vì thế, Phật dạy phàm phu quán lửa dâm trong thân chính là chân hỏa Như Lai Tạng tánh nó là không, do nghiệp phát hiện. Quán sâu đắc ngộ, lửa dâm ấy thành trí huệ quang, chẳng những không chướng ngại vãng sanh mà còn hỗ trợ hành nhân vượt lên thượng thượng phẩm. Bởi thế, kinh Tịnh Danh khen ngợi dâm nộ si bởi thể tánh của chúng chính là Tạng tánh, nhưng công dụng nhiễm tịnh của chúng giống như ngửa úp bàn tay. Vì thế, ngài Hỏa Đầu được nêu đầu tiên [trong số thánh chúng trần thuật pháp viên thông về thất đại]; cũng như ngài Trần Na [đứng đầu] trong thập bát giới.

Xin hãy xem kỹ [phần kinh văn tường thuật pháp viên thông của] các thánh giả, trừ hai vị trọng tướng tiên phong kể trên ra, các vị khác đều y theo thứ tự thường lệ chẳng xáo trộn; đủ thấy khi hai mươi lăm thánh giả từ chỗ ngồi đứng lên, lúc các đại đệ tử kết tập, mỗi một oai nghi, một hành động đứng ngồi đều có thâm ý, đều phù hợp giáo nghĩa. Dùng cái tâm thô phù há có lãnh hội nổi được chăng?

Vậy thì há phải Quán Âm riêng chiếm bảng vàng, Thế Chí hoàn toàn thi trượt sao? Chỉ là Quán Âm là được tuyển rõ ràng, còn Thế Chí thì được ngầm tuyển. Rõ ràng là vì chú trọng riêng vào một căn viên đốn nên tuyển rõ [Nhĩ căn]; vì tổng nhiếp các căn khác nên ngầm tuyển [pháp Niệm Phật]. Vì giáo thể phương này nên tuyển rõ, vì cõi này có duyên [với Phật A Di Đà] nên ngầm tuyển. Có ích chung cho các đương cơ và chúng sanh khi đức Phật và chánh pháp còn hiện hữu nên tuyển rõ, có ích riêng cho chúng sanh đời ác lúc pháp mạt, chẳng được thấy Phật nên ngầm tuyển. Bảng hổ nêu cao ai nấy đều biết; áo đỏ (16) chấm điểm ngầm nào ai biết đến. Vì thế mới nói: “Có điểm gây lầm lẫn, hiểu lầm lớn, phải khéo đọc, khéo hiểu”.

Nếu có kẻ bảo: “Đã là mật ý, tiết lộ sao được? Trường thi tuyển Phật Lăng Nghiêm yết bảng đã hơn hai ngàn năm rồi! Nếu lúc ấy chẳng soi toang được mật nghĩa, làm sao dùng được?” Hoặc có kẻ vặn: “Nếu là đúng như lời ông nói thì lúc ngài Văn Thù nói kệ chọn lựa, lý nào Ngài cũng chẳng biết mật ý, lẽ đâu chẳng tuân theo lệ trên chọn hết tất cả ư?” 

Thưa: “Chư thánh khi tự trình viên thông đều nói là đệ nhất, nên phải mượn cách nâng lên, ép xuống để khéo chỉ mật cơ. Nếu lúc Ngài vâng lệnh Phật tuyển chọn cứ một mực y theo lệ trên thì làm sao thành mật nghĩa cho được vì Thanh Trần và Hỏa Đại vẫn theo như thứ tự thường lệ. Nếu hai môn này (thanh trần và hỏa đại) chẳng được dùng với ý đồ giúp hiển thị điều kinh muốn chú trọng thì sẽ chẳng được làm cho nổi bật lên như thế. Ngay như pháp môn của ngài Thế Chí, theo mạch văn trường hàng bèn nằm sau phần nói về Thức Đại, thành pháp cuối cùng trong hai mươi bốn môn [viên thông] cũng là chẳng tuân theo thứ tự.

Phật đã dạy chọn lấy một môn, sao Ngài Văn Thù chẳng chọn lấy môn của ngài Thế Chí? Xem lời Ngài phê bình [pháp viên thông của ngài Thế Chí] cũng khác với chư thánh, Ngài chỉ nói: “Nay cảm nhân quả khác nhau, làm sao đạt viên thông?” Ý nói: Dù nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, nhưng cái niệm tiếp nối ấy thuộc về Hành Uẩn đổi dời, cũng là pháp sanh diệt; nhưng dùng đấy làm cái nhân để vãng sanh thấy Phật, ai bảo là không được! Nay muốn chứng viên thông bất sanh diệt ngay trong hiện tại thì nhân quả chẳng phù hợp, làm sao đạt được? Lời phê phán ấy nhắm vào việc chứng đạt viên thông trong hiện tại, chứ không luận về lợi ích sau khi vãng sanh.

Ngoài ra, chư thánh chỉ niệm Tự Phật là thuộc về Hiện Tu Quán Chứng nên ngài Văn Thù gạt bỏ hoàn toàn vì những pháp ấy chẳng phù hợp với cơ nghi cõi này, chẳng xứng hợp giáo thể phương này. Ai có chí tu chứng cũng nên nhân đây suy nghĩ kỹ càng.

Đấy là vì những người tín lực chưa kiên cố mà nói, còn nếu ai tin tưởng Tịnh Độ sâu xa thì dù kinh Lăng Nghiêm chỉ chê mình ngài Thế Chí, kẻ ấy cũng chẳng ngờ vực gì. Vì sao vậy? Vì các kinh đều rộng khen ngợi như “công đức chẳng thể nghĩ bàn”, hoặc “pháp thế gian khó tin”, hoặc “hết thảy chư Phật hộ niệm”, hoặc “vô thượng thâm diệu thiền”, hoặc “phương tiện thù thắng lạ lùng”, hoặc “vua các tam muội”, nhiều chỗ khen ngợi tột bậc như thế. Đã chẳng sanh lòng tin thì nếu chỉ có một chỗ chê bai sao liền nẩy lòng ngờ?

Huống hồ kinh đây chẳng những không chê pháp này mà lại còn dạy pháp này là pháp tuyển ngầm nữa ư? Tiếc là chúng sanh đời mạt đọc kinh này đã chẳng thể tuân lời dạy từ Nhĩ căn thâm nhập để chứng viên thông ngay trong hiện đời, lại còn ưa khởi nghi hoặc đối với pháp môn Niệm Phật, thậm chí phá hoại lòng tin trong sạch, chướng ngại thiện hạnh của người khác. Kẻ trí mỏng phước ít phần nhiều quen thói như thế. Vì thế, tôi nay phải ước pháp, nương kinh để biện bạch, phân tích, chẳng hề biết là lời lẽ dài dòng, rậm rịt, cũng là chuyện bất đắc dĩ thôi!

_______________

(16) Áo đỏ: xưa màu đỏ tượng trưng cho sự cao sang, nên các quan thường được gọi là “áo đỏ”.
Trích từ: Tịnh Độ Cảnh Ngữ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Kinh Lăng Nghiêm - Chương Đại Thế Chí, Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám Đọc Tiếp
2 Lăng Nghiêm Kinh Thế Chí Niệm Phật Viên Thông chương sớ sao, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
4 Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Lược Giảng, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Đọc Tiếp
5 Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Lược Giảng, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
6 Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông Chương, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành Tải Về