Ngày xưa vua A dục, một ông vua sống đúng chánh pháp và vì chánh pháp, mỗi khi ra đường gặp các vị Tăng già thì bất cứ trường hợp nào, ông cũng cúi đầu làm lễ sát đất. Cử động đó làm cho một số thần tử ông bất bình. Nhưng ông bảo: “Đầu tôi hay đầu các ông nếu cắt đem bán với các thứ đầu khác ngoài chợ, thì người mua sẽ lựa đầu ấy hay đầu súc vật?” Họ trả lời rằng người mua chỉ chọn đầu súc vật mà thôi. Ông bảo: “Vậy thì cái đầu của con người có giá trị hơn đầu súc vật đâu; muốn nó có giá trị thì ta phải dùng nó mà suy nghĩ lẽ phải và làm lễ người có đức tốt. Nếu để nó phục tùng tánh kiêu ngạo, chứa đựng những ý nghĩ đen tối, thì thế là ta đã biến một vật có giá trị thành vật vô giá trị. Mà người có trí là người phải biến vật vô giá trị thành vật có giá trị”.

Đầu con người như thế thì đời con người cũng y như vậy. Nó quả là vô giá trị nếu loài người chúng ta để nó xuôi theo tội ác, nhưng nếu quay nó về chánh pháp thì thế là chúng ta chuyển đời sống vô giá trị thành đời sống đầy ý nghĩa. Đức Phật có dạy: “Đời người là một nhưng cách sống có 2 khuynh hướng: có người từ đen tối bước ra ánh sáng”. Lời ấy chứng minh cách sống trên đây. Cho nên đời người quả thật không phải có giá trị hay vô giá trị, nhưng đời người là đời sống, nghĩa là có khả năng. Mà khả năng ấy phi có giá trị thì vô giá trị, phi đen tối thì tươi sáng, nghĩa là phi về thoái hoá thì hướng về tiến bộ. Sự tu hành chỉ ở 1 chữ “chuyển biến” mà thôi; quay đời sống mình lại, hướng về chánh pháp, sống theo chánh pháp, đời sống như vậy là đời sống ý nghĩa.

Đời sống ý nghĩa ấy, ít nhất phải có tín ngưỡng minh chánh, hành động hiệu lực, trong mục đích hợp lý.

Trước hết, chúng ta hãy tìm một “mục đích hợp lý”. Thực tế và lý luận khắp nơi, chứng minh cho ta thấy đời sống của chúng ta cũng là cả một xã hội: nó thu góp lại và nó phải phân phát ra. Đời sống của ta đã thừa hưởng của mọi người thì cũng phải chung sức với mọi người. Bởi vậy, trong không gian, giá trị đời sống là vô cùng; với giá trị đó, đời sống phải có mục đích xa và rộng. Ít nhất, cũng phải rộng hơn bản ngã và xa hơn tự lợi. Phải tôn trọng và chung sức vào chân hạnh phúc chung, một chân hạnh phúc vĩnh cữu xây trên những điều kiện vĩnh cữu. Đó là mục đích phải có, cần có, đáng có và nên có của đời sống ý nghĩa.

Đặt cho mình mục đích phải lẽ như vậy rồi, muốn đời sống thực sự có ý nghĩa thì lại phải ngược dòng tự lợi, ngược tánh vị ngã, cương nghị bằng những “hành động hiệu lực”. Hành động hiệu lực của đời sống ý nghĩa không phải là sự chiếm đoạt của tham lam, sự chống đối của sân hận, sự manh động của cuồng si, mà phải biến thành những từ ngữ thi ân, dũng liệt. Hành động hiệu lực ấy phải hoạt dung rộng rãi ra bằng những hành vi tự tha lưỡng lợi. Bởi vậy, chiến thắng lấy mình, tự giác lấy mình và giúp người khác trong những hành động hợp lý đó, mới là hành động có hiệu lực trong đời sống ý nghĩa.

Tóm tắt, khi chúng ta xác nậhn rằng đời sống ý nghĩa là đời sống phải có mục đích vì chân hạnh phúc chung và xác nhận rằng vì chân hạnh phúc chung đềiu kiện trước hết là phải tự chiến thắng, tự cải tạo lấy mình: như thế đó là cả một đời sống đã quay về ánh sáng chánh pháp. Nhưng muốn đời sống được như vậy, chúng ta phải có một “tín ngưỡng minh chánh”, một đức tin do sự xác nhận sáng suốt, rõ ràng, đúng lý, rằng Chánh pháp là sự thực và là phương pháp để diệt khổ, rằng Phật đà là người đã thật hiện chánh pháp, rằng Tăng già là những kẻ đang tự mình và hướng dẫn kẻ khác thật hành chánh pháp. Chỉ tín ngưỡng chánh pháp, chỉ tín ngưỡng những người đã và đang thật hệin chánh pháp, đó là tín ngưỡng minh chánh phải có để làm nền tảng cho một đời sống ý nghĩa.

Hơn ai tất cả, những người muốn đời sống của mình có ý nghĩa thì điều kiện căn bản là “phải tự tín năng lực hướng thiện của mình”. Vũ trụ được thành và được giữ cũng trong năng lực của con người. Con người khổ là do năng lực của con người, con người sướng cũng do năng lực của con người. Chính năng lực của con người tự quyết định số mạng của mình. Năng lực của con người đã đủ sức gây ta tàn ác, kéo con người lăn xuống một cách thảm khốc vào hầm hố địa ngục, thì cũng chính năng lực ấy sẽ đủ sức hướng về điều thiện, đưa con người bước lên một cách hiệu quả vào cảnh giới an lạc. Mà khi chúng ta tự biết, tự nhận, tự tin năng lực hướng thiện của mình như vậy là một đời sống ý nghĩa – đời sống có tín ngưỡng minh chánh, có hành động hiệu lực, có mục đích hợp lý, đời sốngnhư vậy không những chúng ta đã có mà có thể sống theo được.

Bấy giờ nếu chúng ta đem đời sống ý nghĩa ấy ngó lại đời sống hiện tại của chúng ta xem ra sao. Thì rõ rệt là một đời sống thiếu mục đích, thiếu tin tưởng, thiếu cả những hành động hiệu lực đối với chân hạnh phúc chung: đời sống như thế quả thực là đời sống vô giá trị. Đời sống như thế sẽ đi đến đâu, chúng ta không khó khăn lắm cũng có thể tưởng thấy được. Đối lại, đời sống ý nghĩa với tín ngưỡng minh chánh, hành động hiệu lực trong mục đích hợp lý, đời sống ấy quyết chắc sẽ đem lại cho ta một viễn ảnh hoàn toàn tốt đẹp, một viễn ảnh mà chúng ta cũng quyết chắc không xa lắm nếu chúng ta quyết sống theo đời sống ấy.

Mà tín ngưỡng minh chánh là quy y Tam bảo, hành động hiệu lực là hành trì ngũ giới mục đích hợp lý là thực hiện tịnh độ giữa nhân gian. Bởi vậy, đối với đời sống ý nghĩa của con người, đạo Phật đã có thể tạo ra mà lại có thể tạo thành. Và sống một đời sống ý nghĩa như vậy là đã thành một Phật tử, một người đi theo dấu chân của đức Phật, đức thầy chỉ đạo của tất cả những người muốn hướng thiện mà chúng ta sẽ thấy.
Trích từ: Tâm Ảnh Lục - Thích Trí Quang
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ