Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Hien-Dang-Doa-O-Dia-Nguc-Cung-Van-Duoc-Tho-Ky

Hiện Đang Đọa Ở Địa Ngục Cũng Vẫn Được Thọ Ký
Đại Sư Phi Tích | Dịch Giả : Tịnh Sĩ

Hỏi: Ðối với kẻ phá giới quán Phật thành tựu Chánh Giác, không nên khinh thì có thể tin theo. Còn với kẻ đang đọa ở địa ngục hoặc vướng trong đường ma quỉ không thể phát bồ đề tâm, chưa có ngày đầu thai vào nẻo thiện, người niệm Phật há lại cung kính họ ư?

Ðáp: Người há chẳng nghe: Muốn lấy thuốc quí phải lấy nơi núi hiểm, chẳng phải vườn hoa sân cảnh có được. Muốn thu hoạch pháp dược cũng phải vào trong cõi hiểm, chẳng phải chốn vô vị tự sanh.

Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm có 4 loại thọ ký: Một là chưa phát tâm thọ ký, hai là mới phát tâm phát tâm thọ ký, ba là ngầm thọ ký, bốn là đối trước mặt thọ ký. Nay hiện còn đọa ở địa ngục tức là kẻ chưa phát tâm. Họ đều được Phật thọ ký tương lai sẽ phát đại trí, gặp chơn thiện hữu, hành Bồ Tát hạnh và cuối cùng thành Chánh giác; nên không thể khinh thường. Ðây là kẻ chưa phát tâm được thọ ký vậy.

Lúc Phật nói 4 loại thọ ký, Ngài Ca Diếp bạch Phật: “Chúng con từ nay đối với tất cả chúng sanh đều sanh tư tưởng ‘Ðây là Phật’, nếu còn khởi một tâm niệm khinh khi tức là tự làm tổn thương mình”. Phật nói: “Hay thay! Ông nói rất phải! Không ai lượng xét được chúng sanh, chỉ có Như Lai mới lượng biết được mà thôi. Vì nhân duyên như thế nên ta bảocác Thanh Văn và chư Bồ tát đối với chúng sanh nên khởi tưởng ‘đây là Phật’”. Trong Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Phổ Hiền Hạnh, phần Phá Bá Vạn Chướng môn cũng dùng tư tưởng này.

Như vậy thì kẻ hiện đang đọa trong đường ác được Phật thọ ký giống như nhà có báu vật, tuy cửa chưa mở, vẫn chẳng ngại gì đến ngọc báu bên trong; hay như trên trán có hột châu, dù có đánh nhau làm nó lún trong da, bên ngoài không còn thấy, nhưng hột châu vẫn chẳng mất.

Nếu chẳng nghĩ chúng sanh là Phật vị lai, tất coi lục trần là giặc cướp, thì khác nào muốn ngăn ma quân mà tự phá thành lũy mình (bỏ ý tưởng Phật) và giống như để nước địch sống chung cùng khiến gây mãi mối oan cừu không dứt (giữ ý tưởng lục trần để phải chịu luân hồi sanh tử). Giáp sắt chưa yên thì trống trận còn vang đâu thể nghỉ ngơi (trần còn động thì tâm không thành tam muội). Nếu khiến được kẻ chẳng hàng đến hàng, người không phục đều khuất phục thì có thể gom thiên hạ về một mối (nếu đem lục trần hoà hợp với tâm thì vào tam muội). Cờ đã được trương lên phất phới thì tất cả đều ồ ạt đi theo (khởi ý tưởng “ tất cả là Phật vị lai” thì mọi chướng đều tiêu). Bấy giờ từ giã yên ngựa về đồng quê vui cùng ruộng rẫy, mặt trời mọc thì làm, mặt trời lặn thì nghỉ (không còn gì bận bịu vướng mắc, sống một cách tự tại). Như thế, dù là Thánh như vua Nghiêu cũng chẳng hơn ta được. Thấy bá tánh hàng ngày mà chẳng biết một ai (chẳng phân biệt xác thể khác nhau, chỉ thấy đều là Phật), lúc ấy mới rõ chỗ giáo hóa của Phật rộng khắp. Nếu ngộ được mọi thứ sắc thinh hương... đều là Phật, nghĩ chúng sanh đều là Phật vị lai thì còn có cảnh tượng phàm tục nào đối ở trước tâm nữa. Cũng như tưởng tự thân là đấng Bổn Tôn thì nơi pháp “Du Già Chơn Ngôn Diệu Quán Môn” chẳng cầu mà đạt được vậy.

Như vậy do nghĩ tưởng mà có, đâu phải rỗng không chẳng được gì. Từ đó mới có thể thấy rõ Ðại bàng và chim sâu như nhau, thái sơn với lông hồng là một; không còn tâm hạn hẹp về giống nòi giòng họ, hết cả lo toan về sắc trần huyễn cảnh.

Hỏi: Với kẻ đọa trong địa ngục chưa Phát Bồ đề tâm, Ðức Như Lai tha thứ thọ ký cho họ thành tựu chánh giác với muôn ngàn hào quang tỏa chiếu, tròn đủ mười hiệu v.v. đúng như lời Phật nói thì ai dám không tin. Song họ vốn chưa tỉnh ngộ, vậy do đâu mà họ tỉnh ngộ.

Ðáp: Nói vốn chưa tỉnh ngộ cũng có nghĩa như nói: nguồn của Trường giang nước chỉ đầy chừng một chén, kẻ vốn rất mê vẫn còn đủ hai kiến (thân kiến, tà kiến). Nếu bảo rằng: ‘ngoài niệm là vô niệm, ngoài sanh là vô sanh’, tức sanh tử khác với Niết bàn thì muôn lời của Phật đều không dạy ai được. Còn rõ biết niệm mà vô niệm, sanh mà vô sanh, tức phiền não là bồ đề thì ngay đấy ngộ được “nhứt tướng trang nghiêm”. Như bầy ong trên núi, trong tổ toàn là mật, dưới giếng sâu thăm thẳm lại có sẵn bảo châu. Ðó đều là vốn có, chẳng phải mới sanh vậy.

Ðã nghĩ tất cả là Phật vị lai thì tội từ đâu sanh được. Ðã trải tâm ở khắp mọi duyên, thấy tất cả đều là Phật thì mọi thứ tham sân si... đã từng sanh ra, ngay đó làm sao còn được. Trong Kinh Như Lai Tạng, Phật bảo Kim cương Tuệ Bồ tát rằng: “Thiện nam tử, ta dùng Phật nhãn quán thấy trong tất cả chúng sanh phiền não tham sân si... có đủ Như Lai trí, Như Lai nhãn, Như Lai thân, vững ngồi kiết già bất động... cho đến có đủ các đức tướng của Như Lai không khác”. Rồi ngài rộng nói: “Tất cả chúng sanh đều có Như lai tạng” và dùng 9 ví dụ để hiển rõ. Trong Bửu tánh Luận có giải thích ý nghĩa này và kết luận bằng lời kệ tụng rằng:

“Trong hoa héo ẩn tàng chư Phật,
Giữa phân nhơ cũng có Kim thân,
Như trong đất hàm tàng trân bảo,
Như hạt sen sẵn có mầm non,
Ngay cây mục vẫn đủ Ca Sa,
Trong ràng buộc vốn đầy Phật tượng
Ở con gái nghèo hèn xấu xí,
Sẵn có hình Thánh Chuyển Luân Vương,
Ngay trong chỗ than bùn đen cháy,
Ðều đủ đầy tượng báu Như Lai,
Trong chúng sanh còn tham sân si,
Ðầy vọng tưởng đảo điên phiền não,
Cùng mọi cảnh trần lao ô nhiễm,
Ðều sẵn đủ đầy Như Lai Tạng
Dưới chí đến a tỳ địa ngục,
Cũng đều có cả Như Lai Thân,
Các pháp chơn như thuần thanh tịnh,
Ðược gọi tên là Như Lai Thể”.

Kệ văn này đủ chứng minh việc thọ ký kẻ còn ở địa ngục sẽ bừng khởi giác ngộ, tự nhiên thấu suốt các môn tam muội.

Hỏi: Người dụng tâm tu tập phải giữ tâm luôn bằng an thanh tịnh, dứt bặt sự phan duyên. Ở đây lại nói nên trải tâm duyên khắp tất cả và thấy mọi thứ đều là Như Lai. Chỗ nào dạy như thế?

Ðáp: Ðã có lời dạy rằng: Khởi tâm duyên khắp lục trần tam nghiệp đồng thời phát nguyện “được vào cảnh giới Phật” mỗi lúc duyên ra đều chẳng lìa Như Lai nên nói “Ðều thấy là Như Lai”. Ðây là cái thấy viên mãn, chẳng phải thấy bằng mắt. Nên kinh Niết Bàn nói: “Hàng Thanh Văn tuy có Thiên nhãn mà vẫn gọi là nhục nhãn, hàng Hữu học Ðại thừa thuy chỉ có nhục nhãn mà được gọi là Phật nhãn. Vì sao? Vì thấu rõ mình có Phật tánh vậy”.

Lại trong Kinh Thắng Thiên Vương, Phật bảo Thiên Vương rằng: “Bồ tát ma ha tát dùng sức phương tiện thực hành Bát nhã ba la mật đối với tấc cả pháp, tâm duyên tự tại. Duyên với sắc thì nguyện được sắc tướng vô sở đắc của Phật. Tâm duyên với thinh thì nguyện có được âm thinh vi diệu của Như Lai. Duyên với hương thì tâm nguyện đạt được giới hương thanh tịnh của Như Lai. Duyên với vị thì nguyện thành tựu được tướng đại trượng phu trong các vị của Như Lai. Duyên với xúc thì nguyện được bàn tay mềm dịu (không chấp trước) của Như Lai. Duyên với pháp thì nguyện chứng được tâm tịch tịnh của Như Lai. Duyên vào thân mình thì nguyện được thân của Phật. Duyên đến miệng mình thì nguyện được miệng của chư Phật. Duyên lại ý mình thì nguyện được ý bình đẳng của Phật”.

“Thiên vương! Bồ tát ma ha tát thực hành bát nhã ba la mật không có một tâm một hạnh nào trải qua một cách trống rỗng chẳng hướng về trí tuệ, tâm duyên khắp các pháp mà chẳng dính mắc vào các pháp được quán thấy và không lúc nào chẳng hướng về đạo bồ đề. Bồ tát tu tập các hạnh đều do các duyên bên ngoài mà được thành tựu. Giống như đất bằng nằm trên một vùng nước rộng nếu đào ao giếng thì sẽ được nước, còn chẳng đào thì không do đâu mà thấy nước được. Cũng như vậy, cảnh giới Thánh trí có ở khắp cả pháp nếu chuyên cần tu bát nhã phương tiện thì chứng được, còn không tu thì chẳng làm sao mà đạt được”. Như vậy, ý nghĩa tâm duyên vào các pháp há chẳng quan trọng ư?
 
Trích từ: Luận Bảo Vương Tam Muội
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Luận Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Cư Sĩ Minh Chánh Tải Về
2 Kinh Bát Chu Tam Muội, Hòa Thượng Thích Minh Lễ Tải Về
3 Luận Bảo Vương Tam Muội, Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn Tải Về

Mười pháp giới không lìa một tâm niệm
Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa

Địa Ngục
Pháp Sư Đạo Thế

Thế Giới Quan Của Đạo Phật
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Biển Thế Giới Hoa Tạng
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Quan Niệm Thế Giới Địa Ngục
Đại Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan